Dấu Chân Online 12: Tam Đảo - Hòn ngọc Đông Dương
Dấu chân Online
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 12: Tam Đảo - Hòn ngọc Đông Dương
Có lẽ không còn mấy ai nhớ rằng, người Pháp đã dùng cụm từ “hòn ngọc Đông Dương” để chỉ Tam Đảo thời cực thịnh. Nhã hiệu này đã chìm lấp theo thời gian, trong mây núi, cỏ hoang, dưới bước chân hàng triệu lượt người qua lại. Đây là trạm nghỉ trên núi cao nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng, một khu nghỉ mát lý tưởng đối với các quan chức người Âu và gia đình của họ, nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong suốt 15 năm, chính quyền thuộc địa đã chi vào đây khoảng 50.000 Frăng mỗi năm để biến nơi này thành nơi sa hoa tráng lệ bậc nhất Đông Dương.
Trạm khí hậu Tam Đảo quay hướng chính Bắc, lụp xụp nằm mục trong gió sương, phía sau mảnh vườn quan trắc 10×10m phẳng gần như tuyệt đối. Khó mà nhìn thấy trạm nhỏ này, thường lẫn trong mầu xanh ẩm ướt của sương núi và cây rừng, nếu không có hai cột máy đo gió trắng toát nhô lên, khe khẽ quay. Một con chó, một con gà mái ấp, một con gà chọi và bốn con gà thịt – thành viên mới được mua về, quanh quẩn kiếm ăn trong vườn su su rậm rịt bò lan trên các cọc nứa.
Quả cầu pha lê to cỡ trái bưởi đo nhật quang ký sáng một cách kỳ lạ giữa mảnh vườn quan trắc này, trong một ngày Tam Đảo thưa mây.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 12: Tam Đảo - Hòn ngọc Đông Dương |
Tam Đảo thời Trần Mạt thuộc huyện Dương, đến thời thuộc Minh vẫn gọi là huyện Dương thuộc phủ Tuyên Hóa, đời Lê Quang Thuận đặt là huyện Tam Dương, thuộc phủ Đoan Hùng trấn Sơn Tây. Dãy núi chúng tôi đang đứng đây gọi là Tam Đảo, vì khoảng giữa có ba ngọn núi cao vút như ba hòn đảo nổi giữa biển mây: ngọn Thiên Thị bên phải 1375m, ngọn Thạch Bàn bên trái cao 1358m, giữa là đỉnh Phù Nghĩa cao 1210m.
“An Nam chí nguyện” (nhà Minh – thế kỷ XV) chép: “Núi Tam Đảo phủ Tuyên Quang ở địa phận huyện Tam Dương có 3 ngọn nổi lên sừng sững cao vút đến tận trời, cùng với Tản Viên, hai ngọn núi đứng xứng đôi nhau là danh sơn của Giao Chỉ”. “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn chép: “Núi Tam Đảo ở địa phận 2 xã Lan Đình và Sơn Đình huyện Tam Dương”.
Một tài liệu do huyện ủy Tam Đảo cung cấp cho hay, dãy Tam Đảo đã được người Pháp phát hiện hồi đầu thế kỷ. Trong một báo cáo của những nhà điều tra rừng gửi toàn quyền Đông Dương năm 1904 đã mô tả: “Tất cả những điều kiện cần thiết cho một Viện điều dưỡng trên núi đều hội tụ đầy đủ ở khu Suối Bạc. Trước hết là nước lành, tiếp đến là khí hậu mát mẻ. Trong những ngày trời nóng, nhiệt độ ở đây thường thấp hơn Hà Nội 10 độ.”
Đến thập kỷ 30, 40 đã xuất hiện nhiều nhà bê tông cốt thép kết hợp với tường gạch đá và được mở rộng về phía Đông Bắc (từ nhà máy giấy đến nhà Joseph. Năm 1945 có khoảng 143 biệt thự lớn nhỏ, trong đó có dinh Toàn quyền, nhà kiểm lâm, nhà lục lộ…
Các biệt thự không sát liền nhau mà được xây dựng men theo sườn núi; càng xa trung tâm lòng chảo càng nhiều nhà cao tầng, hầu hết là của các chủ người Pháp, chỉ có một vài nhà thuộc tầng lớp quan lại, thượng lưu người Việt (Hồ Đắc Điềm, Phú Mỹ, Hồng Khê…). Mỗi biệt thự mỗi kiểu, mỗi kiểu mỗi tên, tên rất kêu nhưng cũng rất thực: L’horizon (chân trời nhà có tầm nhìn xa và rộng)… Belle vue (ngoạn mục)…
Ban đêm, ánh điện lấp lánh rực sáng núi rừng.
Giữa lòng chảo là khu công viên – thể thao văn hóa: có bãi rộng, có bồn hoa, ghế đá, sân chơi trẻ em… giống cỏ, giống hoa nhiều loại đưa từ Pháp sang (chỉ trồng được ở nơi mát); vào hè, trăm hoa đua nở, trăm màu khoe sắc; có bể bơi dành cho người lớn, có cả bể bơi dành cho trẻ con; có sân quần vợt, có nhà bắn bia; xa và cao hơn về phía Đông bắc có sân bóng đá… có các ki ốt (nhà lục lăng), ở những nơi có tầm nhìn rộng, gần khách sạn Metropole và gần nhà Toàn quyền, phía trước ki ốt có bàn đá hình cánh cung, mặt bàn vạch các mũi tên chỉ hướng và khoảng cách tới các địa danh trung du đồng bằng…
Tam Đảo đúng là một nơi thần tiên non bồng, chẳng thế mà người Pháp đã ví Tam Đảo là hòn ngọc của Đông Dương, hơn Đà Lạt, Sapa (Việt Nam), thậm chí hơn Mông Tư (Vân Nam, Trung Quốc).
Bên cạnh khu nghỉ mát nguy nga tráng lệ cũng hình thành đồng thời “làng An Nam” – cái tên đau khổ, đầy khinh miệt của người dân nô lệ. Đây là một khu định cư người lao động, làm thuê. Pháp dồn dân ta vào một nơi, không được ở chung trong khu nghỉ mát.
Lúc đầu, làng ở cách khu nghỉ mát chỉ vào trăm mét, bên sườn núi chênh vênh (trước đền Mẫu hiện nay). Sau hai lần hỏa hoạn là hai lần người Pháp có cớ để đẩy dân ta đi xa hơn, đến khu 2 hiện nay (cách trung tâm lòng chảo 1 – 2 km). Đất rừng mênh mông nhưng chúng chỉ phân cho mỗi hộ hai, ba chục mét vuông. Cả làng nhà tranh vách đất, liền sát nhau, mái nhà dưới là sân nhà trên, hỏa hoạn xảy ra thì thật khủng khiếp, gió thổi lửa cháy một nơi thành cháy nhiều nơi, chỉ lo cứu người, lo cho người già, trẻ con. Gió bão ở trên núi cao thì cũng thật ghê gớm, thổi bay cả một mái ngói.
Phía bắc làng An Nam là trại lính Pháp hình thành vào năm 1939 – 1940. Để đối phó với nhưng diễn biến có thể xảy ra ở Đông Dương trong Thế chiến thứ hai, Pháp đã chuẩn bị xây ở Tam Đảo hai pháo đài, một ở điểm cao trên hướng Đông Bắc một ở phía Tây Nam thị trấn. Ở đây là những tên lê dương mà phụ nữ trẻ em phát khiếp khi thấy chúng, nhất là khi chúng say rượu, con gái không dám vào rừng kiếm củi. Chúng chốt ở cửa ngõ Tam Đảo này đến một đại đội. Lính lê dương cũng chỉ được đi lại từ làng An Nam trở xuống, không được lên khu lòng chảo, nơi nghỉ mát của giới thượng lưu.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 12: Tam Đảo - Hòn ngọc Đông Dương |
Đầu những năm 1940, Pháp còn phát hiện về phía Tây và cách chừng 12km còn một nơi nữa mà chúng gọi là Tam Đảo 2, cũng có thể lập thành khu nghỉ mát. Tam Đảo 2 rộng hơn Tam Đảo 1, cũng đẹp và cũng có nguồn nước sạch và đã bắt đầu phá đá làm đường.
Năm 1948, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” bảo đảm đường giao thông huyết mạch giữa chiến khu Việt Bắc và cả nước, người Tam Đảo đã phá toàn bộ các biệt thự, trừ nhà thờ, nhưng đến sau năm 1954 lại phá tháp chuông.
Ông Nguyễn Duy Hoạt, Chủ tịch thị trấn Tam Đảo kể: phá những khu biệt thự tuyệt đẹp ấy bằng búa tạ và xà beng. Dân đục hàng loạt các lỗ đối diện nhau trên tường các biệt thự, rồi luồn thân gỗ lớn vào. Sau đó nổi lửa. Hầu hết các công trình ở đây đều thuộc diện nguy nga đồ sộ, các biệt thự đại đa số đều xây bằng đá, kiên cố hết mức, tường tầng một khách sạn Metropole dày 1,2m nhưng thảy đều không chịu được lửa lớn, trở thành đống đá vụn mà không cần đến một quả mìn, một lạng thuốc nổ nào. Phá hoại cũng đầy sáng tạo.
Hình như, thoáng có tiếng thở dài trong lời kể ấy.
(DCOL chuyển thể từ ghi chép của Việt Thường - Hoàng Hằng)
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 12: Tam Đảo - Hòn ngọc Đông Dương
- Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet/index.rss