Lòng tốt không phải đồng bạc rách
(Blog Việt) - Con người sống ở đời, có nhiều lúc phải cho đi cái này nhưng đồng thời cũng được nhận cái kia. Khi nghèo đói thì bạn sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Đến khi giàu có hơn bạn có nhu cầu san sẻ một phần của cải của mình cho những thân phận bất hạnh hơn. Đó là cái lẽ thường tình của cuộc đời. Điều quan trọng là cái sự cho và nhận ở đây được chúng ta đối đãi như thế nào mới đáng để suy nghĩ.
- Trong cuộc sống, nhiều lúc tôi chứng kiến cái “cho” đi không còn là “cho” nữa…
Một lần đi siêu thị tôi tình cờ nghe được câu chuyện thế này. Có hai người bạn gái khoảng trạc tuổi tôi, khi đi đến gần thùng quyên góp “ủng hộ nạn nhân chất độc da cam” đặt ngay ở cửa ra vào.
Một người nói:
- Ê! mấy tờ bạc rách lúc nãy đâu, bỏ vào mày.
- Ừ! Đúng đó. Bỏ cho rãnh nợ, để chật túi. Tao cũng định vứt đấy chứ.
Một lúc sau, có một người trung niên dắt theo vợ và con cũng quyên góp cả tờ 100.000đ làm ai đứng gần cũng trố mắt trầm trồ thán phục. Nhưng khi vừa ra đến cửa người vợ càu nhàu “Dạo này sao lắm tiền giả thế không biết”.
Những người chứng kiến chỉ còn biết nhìn nhau lắc đầu. Nhiều khi người ta xem lòng tốt của mình như những đồng bạc rách nát, vô giá trị và đem cho nó chẳng khác nào vứt bỏ vào sọt rác.
Lần khác, khi cùng uống rượu với một vài người bạn thì có một ông lão bán vé số vào mời cả
bọn. Thấy ông lão nghèo rách trông rất tội nghiệp, tôi bảo một đứa trong hội mua vài tờ ủng hộ. Sau khi lấy 10 tờ vé số, người bạn ấy vứt mấy tờ bạc lẻ xuống bàn vung vãi. Thản nhiên cầm ly rượu uống, để mặc ông lão rờ rẫm nhặt từng đồng rồi tỉ mỉ vuốt cho thẳng nếp, lau khô vết mỡ loang lỗ rồi cảm ơn quay bước đi. Trong tiếng ồn ào huyên náo trong quán nhậu, tôi thấy mắt ông thoáng chút u buồn.
Ánh mắt ấy tự nhiên làm tôi cảm thấy có lỗi và nhói lòng lắm thay. Sự giúp đỡ vô tình xuất phát từ tâm hồn vô cảm trở thành kiểu bố thí ban ơn đầy kiêu ngạo, độc ác.
Đôi khi mỗi người đang hạ thấp chính nhân phẩm của mình qua những hình động mà bản thân ta nghĩ là “đang làm một việc tốt”.
- Và cái sự “nhận” cũng buồn lắm thay
17 tháng 10 - ngày “vì người nghèo” của Việt Nam. Dân tộc ta có tinh thần tương thân tương ái rất đáng quý trọng . Hàng chục năm qua, đã có biết bao nhiêu hộ nghèo được xóa nhà tạm, đã có biết bao nhiêu người dân gặp hoạn nạn được giúp đỡ, hỗ trợ. Nhưng vẫn còn đó những tồn tại đáng tiếc lắm thay.
Đó là một số cán bộ phụ trách cố tình đưa gia đình của mình vào diện hưởng lợi để có cơ sở phân phát cái này, cái nọ. Trong khi thực tế, còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo hơn rất nhiều.
Và cũng có một thực tế đáng buồn, một số hộ dân rất ra sức phấn đấu, nhưng là phấn đấu để “được là hộ nghèo”. Có gia đình tuy dư khả năng, nhưng vẫn “duy trì” cái nhà lụp xụp rách nát để nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm được dăm chục triệu rồi xây cái nhà.
Rồi khi bão lũ kéo đến, trong lúc hoang mang, nguy cấp người ta giúp đỡ lẫn nhau không vụ lợi, không mục đích. Nhưng khi có hàng cứu trợ của nhân dân các nơi chuyển về thì tình hàng xóm láng giềng bị sứt mẻ bởi sự hoạnh hoẹ từng gói mì tôm, bao gạo.
Nhiều lúc phải chứng kiến những tình cảnh như vậy, thật sự tôi cảm thấy rất xấu hổ cho cái tình giữa con người với con người với nhau.
Ở nơi thị thành thì người ăn xin trở thành cái nghề và ngoài Bắc có nguyên một làng “cái bang” lừng danh với nhà cao tầng khang trang. Vậy đó, ngay đến lòng tốt nhỏ nhoi của chúng ta cũng bị những con người như vậy lừa lọc, đánh đổi.
Xin mượn “cái ý cái tình” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn làm lời kết cho bài viết vậy:
“Khi làm việc thiện người ta không chờ kẻ ăn xin. Người làm việc thiện chân chính là kẻ phải tự mình mang đến một cách tình nguyện để dâng hiến những của cải dù khiêm tốn hay tráng lệ cho đời, cho người. Và ngược lại người chờ lòng từ thiện cũng không tự biến mình thành kẻ ăn xin. Từ đó cho và nhận đã trở thành vấn đề khiến ta cần suy nghĩ…… Đã biết cho thì sẽ được nhận. Thường cái quà nhận được lớn hơn gấp vạn lần cái điều mình đã mang cho. Sống trong cuộc đời, vì vậy phải mang trái tim ra mà sống, để đừng bao giờ phải ân hận là mình chưa sống hết lòng.”(*) - Tạp chí Sóng Nhạc số 4, tháng 01-1999.
Hoàng Khải gửi từ email: bi_8485@yahoo.com
Ý kiến của bạn về bài viết? Mời bạn chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, những bài viết và đường link blog hay về Blog Việt theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vasc.com.vn