Viết tiếp chuyện cổ tích thời @
(BlogViệt) - Cuộc sống hiện tại đang diễn ra hàng ngày nhưng vẫn còn những câu chuyện đang được thế hệ trẻ viết tiếp, đó là câu chuyện cổ tích thời @...
“… Bà ơi, bà kể nữa đi, con thích nghe bà kể chuyện cổ tích lắm”
“… Bà ơi, hôm nay bà kể chuyện Tấm Cám cho con nghe nhé…”
“…Rồi sau đó như thế nào ạ? ông Bụt có thật không hả bà? …”
“… Bà ơi, người tốt luôn được ông Bụt giúp đỡ đúng không ạ…”
…
Và đêm đó con đã mơ! Tiếng ru của mẹ cùng những câu chuyện cổ tích của bà đưa con đến với lũy tre làng, nơi có đàn trâu đang nhởn nha gặm cỏ, những làn gió thổi hiu hiu, mát rượi … trên bầu trời xanh có tiếng sáo diều vi vu… con đang đứng thả diều. Ông làm cho con đấy bà ạ! …Ông con làm diều giỏi lắm, vừa đẹp lại bay rất cao, có lần ông bảo con ghi lại ước mơ của mình, buộc vào diều rồi thả lên cao, mảnh giấy ghi điều ước đó sẽ được chị gió mang tới chỗ cô tiên, ông Bụt trong chuyện cổ bà kể. Bà biết con đã ghi gì không? Trong đó con mong ông bà luôn khỏe mạnh, mong bố mẹ sau này không còn phải vất vả kiếm tiền nữa. Và con đã ước sau này sẽ trở thành người tốt…
Thời gian cứ thế trôi qua…
Cuộc sống tấp nập trong cơn lốc thị trường đã đẩy cậu bé ngày càng xa với thế giới cổ tích của bà. Cuộc sống ác đến nỗi đã cướp đi một số khái niệm về người tốt – để lại khái niệm kẻ xấu. Nó nhét vào đầu cậu bé cái tâm lý ra đường phải đề phòng, cẩn thận gặp cướp giật, đến bến xe phải giữ đồ cẩn thận kẻo bị móc túi, gặp ăn xin cũng đừng cho vì cho một đứa chúng nó sẽ kéo đến … đường phố thì khói, bụi, ô nhiễm, tai nạn…
…
Ừ thì đúng là thế, cuộc sống hiện tại đó, nó đang diễn ra hàng ngày đó , có gì là bịa đặt đâu…
NHƯNG! Vẫn còn những câu chuyện đang được viết tiếp, đó là câu chuyện cổ tích thời @...
Câu chuyện thứ nhất : Chuyện kể rằng có một cậu bé lớn lên từ làng quê, buổi sáng thức dậy đón chào “Một ngày nắng lên” bên “Bếp lửa” hồng. Buổi trưa, cậu theo bố mẹ ra đồng để cày cấy trên “Biển lúa sóng cỏ”, ngồi dưới “Lũy tre làng” nghỉ trưa và khi chiều đến ngắm “Con cò” trắng bay một cách an bình, nằm dài trên cỏ ngắm “Cánh diều” no gió… Đến tối, sau bữa cơm là lúc em trải chiếc chiếu ra mảnh sân nhỏ để ngắm “Trăng rằm trên quê em”. “Quê ta ơi”! Ta yêu mảnh đất đã nuôi sống ông bà, cha mẹ ta lắm… Chính từ nơi đó đã ươm mầm cho những “Ước mơ từ làng quê”, ước mơ sau này con sẽ bay đi khắp trời, tặng bài ca cho tất cả mọi người.
Các em nhỏ nhiềm chất độc da cam tham gia chương trình kể chuyện bằng âm nhạc của Hoài Chung |
Ai cho em? |
Tác giả kể chuyện bằng âm nhạc - Hoài Chung (áo xanh) bên những người bạn |
Note: Trong bài này có sử dụng một số tựa đề bài hát trong chương trình kể chuyện bằng âm nhạc mang tên “Ai Cho em ?” của Hoài Chung và những người bạn. Chương trình diễn ra hết sức thành công với sự tham gia của nhiều đại diện các tố chức từ thiện trên cả nước. Tất cả đều có chung một mục đích đó là bù đắp phần nào những thiệt thòi mà các em nhỏ gặp phải… Những nụ cười của các em đã tô điểm cho buổi ca nhạc, những bài hát của Hoài Chung được các em thuộc làu làu, tất cả cùng ngân nga cất tiếng hát . Ở đây , tôi được chìm vào một không khí ấm cúng , một không khí trong các gia đình đông con… Tràn ngập tình yêu thương!
Câu chuyện thứ 2 : Đập vào mắt mọi người Hà Nội buổi sáng 12/8/2007 là những dòng xe đạp nối đuôi nhau kéo dài đến vài tuyến phố, trên xe là những bạn trẻ Hà Nội đang đi theo chương trình “Vòng xe tuổi trẻ” nhằm kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường và rèn luyện sức khỏe.
Các bạn trẻ tham gia hoạt động Vòng xe tuổi trẻ |
Đã lâu lắm rồi tôi mới lấy lại được cảm giác đạp xe đạp của thời còn đi học. Trên xe máy, anh Hoài Nghĩa luôn miệng nhắc nhở các bạn đi đúng hàng đôi, giữ đúng cự ly và không làm mất trật tự. Nhìn các bạn đạp xe trong niềm hân hoan phấn khởi ta thấy được ngọn lửa của lòng nhiệt tình tuổi trẻ đang bừng cháy. Đạp xe không chỉ là cách tiết kiệm xăng trong thời điểm giá xăng dầu cứ ngày càng tăng lên vùn vụt như hiện nay, mà còn là cách rèn luyện sức khỏe rất tốt.
Tại sao lại không nhỉ? Hãy thử nghĩ mà xem, đạp xe vừa tiết kiệm, vừa tránh việc gây ô nhiễm môi trường lại có lợi cho sức khỏe. Vậy là nhà nhà người người blog xuống đuờng, nhà nhà tuổi trẻ xuống đường, tất cả cùng một lá cờ ghi chữ “Vòng xe tuổi trẻ” đi dọc các tuyến phố chính của Hà Nội.
Những chiếc xe đạp đã sẵn sàng |
Và chúng tôi nhấn bàn đạp! |
Các tình nguyện viên dừng lại ở tất cả các cột đèn xanh – đỏ để làm công tác vận động quyên góp, có người cho vài chục, có người cho vài nghìn, vậy là đáng quý rồi, ngoài ra còn có một số người không cho mà còn cằn nhằn, vậy mà chẳng thấy bạn nào kêu ca hay phản ứng gì, họ vẫn hồn nhiên đi vận động người khác để đem về một chút gì đó cho các em nhỏ.
Cùng quyên góp tặng các em nhỏ tại Trung tâm Sao Mai |
"Vòng xe tuổi trẻ" mang niềm vui đến với các em tại Trung tâm Sao Mai |
Lan Phương và Lê Sơn - Hai bạn trẻ đã hoàn thành hành trình Xuyên Việt bằng xe đạp |
Đoàn xe kéo thẳng xuống tận Làng Trẻ em Sao Mai ở khu đô thị mới trên đường Láng – Hòa Lạc. Tại đây đã diễn ra buổi văn nghệ giao lưu với các em nhỏ. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên môi các em thật hạnh phúc! Ôi quý biết bao những tình cảm được biến thành hành động. Ôi quý biết bao những tấm lòng …!
Blog Việt theo Blog SRO (Trong bài có sử dụng hình ảnh của các blogger tham gia các hoạt động - cám ơn các bạn!)
Giao diện Blog Sro
Về tác giả blog Sro: I’m SRO: “Hãy mở rộng vòng tay nhân ái để đón nhận những đứa trẻ bị chất độc màu da cam .. vô tội”. Thành viên BR Group với Sologan trên cộng đồng blog: “Viết vì cộng đồng chứ không phải viết vì một đồng!”.
- Cảm nhận của bạn về các hoạt động này của giới trẻ?