Cải cách thủ tục hành chính để chống cửa quyền,nhũng nhiễu
“Chính phủ cần thành lập một Ban chỉ đạo cải cách hành chính có trách nhiệm giúp Thủ tướng rà soát, đình chỉ các thủ tục bất hợp pháp; sửa đổi, bổ sung các thủ tục còn thiếu hoặc bất hợp lý; kiểm tra, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến và thi hành Pháp lệnh trong phạm vi cả nước.
Thủ tục hành chính vẫn là trở ngại lớn cần tiếp tục cải cách. |
Những ví dụ về tình trạng các thủ tục hành chính rườm rà và thói cửa quyền, nhũng nhiễu, "bệnh hành dân" trong cơ quan công quyền thì nhiều vô kể, có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào. Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành các thủ tục hành chính. Cho đến nay, chưa có cơ quan, tổ chức nào thống kê xem ở Việt
Sự tuỳ tiện trong việc ban hành thủ tục hành chính đã dẫn đến tình trạng "vô chính phủ" không thể kiểm soát nổi. Không ai có thể thống kê được hiện nay ở nước ta đang tồn tại những thủ tục hành chính nào.
Hai là, các thủ tục hành chính thường xuất phát từ nhu cầu quản lý của cơ quan công quyền chứ ít đếm xỉa đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Do đó, hầu hết các thủ tục hành chính đều tìm cách tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền, đẩy khó khăn về phía người dân.
Ba là, hầu hết các thủ tục hành chính đều không có quy định rõ ràng và dứt khoát các loại giấy tờ, tài liệu cần phải có khi làm thủ tục hành chính. Thậm chí, có nhiều thủ tục hành chính sau khi liệt kê một loạt các loại giấy tờ còn quy định thêm "các giấy tờ, tài liệu khác...". Lợi dụng kẽ hở này, người có thẩm quyền yêu cầu đương sự nộp thêm các loại giấy tờ khác, nhiều khi hết sức vô lý.
Bốn là, thời gian hoàn tất thủ tục hành chính thường là quá dài và không có thời điểm cuối cùng, không có cơ chế chịu trách nhiệm nếu để quá thời gian quy định. Tình trạng người dân nộp giấy tờ, xin hàng tá các loại con dấu, chữ ký rồi... mỏi cổ chờ đợi là phổ biến.
Năm là, các biện pháp bảo đảm cho người dân có đủ điều kiện để khiếu nại, tố cáo, khởi kiện không cụ thể, không rõ ràng. Các quy định ràng buộc trách nhiệm thường rất chung chung, thậm chí rất nhiều thủ tục không quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền. Khi quyền và lợi ích của họ bị xâm hại, họ không có căn cứ nên không thể làm gì được để buộc cơ quan công quyền chịu trách nhiệm.
Sáu là, việc giáo dục đạo đức, ý thức của công chức liên quan đến thủ tục hành chính chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với chế độ tiền lương còn bất cập hiện nay cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các thủ tục hành chính rườm rà và thói cửa quyền, nhũng nhiễu, "bệnh hành dân" đang rất phổ biến trong các cơ quan công quyền.
Từ những nguyên nhân căn bản trên đây, tôi xin đề xuất một số giải pháp cải cách hành chính như sau:
Chính phủ cần thành lập một Ban chỉ đạo cải cách hành chính (lựa chọn các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm). Ban chỉ đạo này có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tiến hành làm các công việc sau:
Thứ nhất, rà soát, phân loại các thủ tục hành chính theo các tiêu chí sau: Tên thủ tục hành chính; Cơ quan ban hành thủ tục hành chính; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục hành chính; Các loại giấy tờ, tài liệu khi làm thủ tục hành chính; Thời gian tối đa hoàn tất thủ tục; Cơ quan chủ trì và các cơ quan có liên quan đến từng loại thủ tục; Lệ phí; Cơ chế giám sát, khiếu nại, khởi kiện.
Phân thủ tục hành chính thành 4 loại và trước mắt cần xử lý ngay: Thủ tục hợp pháp, hợp lý: tiếp tục thực hiện; Thủ tục hợp pháp nhưng còn những điểm bất hợp lý kiến nghị sửa đổi, bổ sung ngay; Thủ tục bất hợp pháp (do cơ quan không có thẩm quyền tự đặt ra) nhưng xét thấy hợp lý cần thiết phải có: kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành; Thủ tục bất hợp pháp, bất hợp lý loại này phải đình chỉ thi hành ngay lập tức.
Thứ hai, trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại thủ tục hành chính, Ban chỉ đạo báo cáo Thủ tướng xây dựng đề án soạn thảo văn bản pháp luật khung về thủ tục hành chính (có thể là Pháp lệnh về thủ tục hành chính) nhằm thống nhất khái niệm thủ tục hành chính và điều chỉnh chung các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các thủ tục hành chính.
Pháp lệnh cần có các nguyên tắc cơ bản sau:
1. Chỉ cơ quan có thẩm quyền được pháp lệnh quy định mới được phép ban hành thủ tục hành chính.
2. Thủ tục hành chính phải đặt quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức khác lên trên quyền lợi của cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục hành chính, lấy phục vụ nhân dân làm thước đo.
3. Các thủ tục hành chính phải liệt kê rõ ràng các loại giấy tờ, tài liệu mà đương sự cần phải có khi làm thủ tục. Ngoài các loại giấy tờ đã liệt kê, cơ quan có thẩm quyền không được yêu cầu đương sự nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ tài liệu nào khác.
4. Thủ tục hành chính phải quy định rõ ràng và cố định thời gian tiến hành thủ tục hành chính (theo hướng càng rút ngắn càng tốt). Trường hợp vượt quá thời gian không có lý do chính đáng thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm kỷ luật, xử phạt hành chính. Nếu gây thiệt hại vật chất phải bồi thường.
5. Khi đương sự đến yêu cầu làm thủ tục hành chính, cơ quan hành chính phải tiếp nhận và trong mọi trường hợp bắt buộc phải trả lời bằng văn bản (phiếu tiếp dân) với các nội dung sau: Có thuộc thẩm quyền hay không, kể cả không thuộc thẩm quyền vẫn phải ghi rõ trong văn bản (phiếu tiếp dân); Nếu thuộc thẩm quyền phải ghi rõ đã đủ giấy tờ tài liệu theo yêu cầu hay chưa? Nếu thiếu thì thiếu loại gì? Lệ phí và nơi nộp lệ phí; Ghi rõ thời gian thụ lý, thời gian trả hồ sơ; Phiếu tiếp dân là tài liệu quan trọng, là căn cứ pháp lư để đương sự thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện cơ quan (người) có thẩm quyền ra Toà án hành chính.
Sau khi Pháp lệnh được ban hành, Ban chỉ đạo tiếp tục giúp Thủ tướng chính phủ rà soát, đình chỉ các thủ tục bất hợp pháp; sửa đổi, bổ sung các thủ tục còn thiếu hoặc bất hợp lý; kiểm tra, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến và thi hành Pháp lệnh trong phạm vi cả nước.
Đã đến lúc không thể cứ tiếp tục tiêu tốn hàng đống tiền bạc của Nhà nước (mà thực chất là của nhân dân) cho việc cải cách hành chính để rồi kết quả là thủ tục hành chính vẫn "chậm như rùa". Các nhà đầu tư nản lòng, nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước và điều quan trọng hơn là chúng ta để tuột mất cơ hội "mở mày mở mặt" với thiên hạ.
· Nguyễn An Ly, Sở Tư pháp Bắc Ninh