,
221
6881
Bay len VietNam
baylenvietnam
/baylenvietnam/
932618
bài 1: Cảng nước sâu trên luồng cạn
1
Article
null
,
Kinh tế biển VN "ra biển lớn"

bài 1: Cảng nước sâu trên luồng cạn

Cập nhật lúc 16:58, Thứ Hai, 14/05/2007 (GMT+7)
,

Theo định hướng của Đảng trong "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", nước ta phải phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển…, kinh tế biển đóng góp khoảng 53%-55% GDP, 55%-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước…

Muốn thực hiện thành công chiến lược này, chúng ta cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao với chiều dài 3.200km chạy dọc theo đất nước, biển có vị trí đặc biệt trong lịch sử cũng như phát triển kinh tế, thế nhưng đời sống người dân ven biển vẫn nghèo nàn, lạc hậu, sự đóng góp của kinh tế biển còn rất hạn chế? Loạt bài về "Kinh tế biển Việt Nam ra "biển lớn" giúp bạn đọc có được cái nhìn khái quát về thực trạng kinh tế biển Việt Nam hiện nay.

Sự thật đến khó tin: Đầu tư cảng biển tốn hàng trăm tỷ đồng nhưng bỏ đó, hoặc khai thác hết sức èo uột, bởi vì xây cảng nước sâu nhưng chỉ có tàu cạn cập bến!?

Xây nhà, không làm ngõ

Cơn mưa chuyển mùa như trút nước vào buổi chiều cuối tháng tư, làm con đường xuống cảng Cái Cui, TP. Cần Thơ thêm vắng vẻ. Mới 4 giờ chiều, bên trong cảng đã hầu như không còn hoạt động. Lác đác dọc bờ cảng là những đống gỗ bạch đàn xếp ngay ngắn, đen sì vì ngấm nước mưa, kế bên mép cảng có một chiếc tàu hàng neo đậu. Nằm ven trên bến cảng có hai chiếc xe tải, không có chiếc cần cẩu nào.

1

Bốc xếp hàng hóa ở Cảng Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TÂM

Anh Nguyễn Văn Bá, Trưởng phòng Khai thác tổng hợp cảng Cái Cui cho biết, sau ba tháng hoạt động đã có 3.000 tấn hàng qua cảng, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Hàng hóa qua cảng chủ yếu là xi măng, cát đá, vật liệu xây dựng (gỗ bạch đàn), không có hàng container. Vì chưa có trang thiết bị bốc xếp nên phải thuê cẩu hàng, xe vận chuyển, ngốn hết 60% tổng doanh thu. Điều này trái ngược với kỳ vọng, cũng như khi so sánh với cảng Cần Thơ cách đó không xa luôn tấp nập hàng hóa. Thật là “kẻ ăn không hết, người lần không ra”!

Theo quy hoạch cảng biển đồng bằng sông Cửu Long, cảng Cái Cui nằm trong cụm cảng Cần Thơ. Đây là một trong hai cảng biển container có công suất bốc xếp, vận chuyển hàng hóa lớn nhất khu vực, tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 20 ngàn tấn. Cảng Cái Cui khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 4/2006, tổng vốn đầu tư khoảng 163 tỷ đồng, tàu lớn nhất cập bến là 10 ngàn tấn.

Từ đây mâu thuẫn bắt đầu xảy ra: Sau khi khánh thành là những ngày phơi nắng, không có một bóng tàu cập cảng. Vì sao có cảng mà lại không tàu? Nguyên nhân: cảng Cái Cui nằm trên sông Hậu, tàu vào cảng phải đi ngược từ cửa biển Định An. Tuy nhiên, với tốc độ bồi lắng rất nhanh, mỗi năm nhà nước phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nạo vét luồng, nhưng người nạo trước thì thiên nhiên lấp sau! Nhìn chung, hệ thống luồng lạch ở sông Tiền, sông Hậu đều cạn nên chỉ có tàu có tải trọng dưới 5.000 tấn mới vào được. Thế là, những mối hàng quen thuộc- tất nhiên là dưới 5.000 tấn - cập cảng Cần Thơ, còn cảng Cái Cui thì không có luồng cho tàu tải trọng lớn vào ra nên hoạt động èo uột!

Chưa hết, trong các hạng mục đã phê duyệt của giai đoạn 1 cho cảng Cái Cui còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho bến cảng container chuyên dùng như cần trục bờ đa năng, xe nâng, xe ủi ở hầm tàu, ô tô vận tải, xe móc… Kinh phí đã phê duyệt là 67 tỷ đồng, theo kế hoạch là tiến hành đấu thầu trong năm nay. Tuy nhiên, ông Bùi Tiến Dũng, Giám đốc cảng Cái Cui rất phân vân: “Chưa có luồng lạch thì mua sắm trang thiết bị làm gì? Lại tiếp tục trở nên lãng phí, giống như xây dựng nhà cửa khang trang nhưng không có đường vào, làm sao đón khách?”.

Giai đoạn 1 cảng Cái Cui hoạt động còn dang dở thì vào tháng 2-2007, UBNDTP Cần Thơ đã phê duyệt giai đoạn 2 tổng vốn đầu tư 543 tỷ đồng, cho tàu 20 ngàn tấn vào cảng! Thời gian thực hiện, từ nay cho đến năm 2013!

Ngược về phương Bắc, kể từ khi bị cơn lốc quần thảo vào tháng 11/2006, đến nay cảng Cái Lân tỉnh Quảng Ninh hầu như tê liệt hoàn toàn. Cặp bên bến cảng, một chiếc cẩu đã bị cơn lốc lôi vặn vẹo, đổ sập xuống sàn trông thật thảm hại. Theo thống kê, cơn lốc đã phá hỏng 2 cẩu giàn chuyên dùng bốc xếp hàng container, 2 cẩu chân đế 16 tấn tại bến số 1 rơi thẳng xuống biển. Vì thiếu cẩu nên hàng hóa không bốc dỡ được, do đó tàu vào cảng ngày càng ít. Tương lai càng mờ mịt hơn khi nếu mua cẩu mới phải mất hai năm!

Thật ra, nếu như không xảy ra lốc, cảng Cái Lân vẫn phải gánh chịu nghịch lý: xây cảng nước sâu nhưng luồng lạch vào cảng dành… cho tàu có tải trọng thấp. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng phát triển mở rộng cảng nước sâu Cái Lân, thành cảng cửa ngõ quan trọng của khu vực phía Bắc.

Cảng nước sâu Cái Lân có 7 bến, công suất khai thác 7,5 triệu tấn/năm, khả năng tiếp nhận tàu có sức chở 50 ngàn tấn và tàu container 3.000 teus. Đến năm 2004, cảng Cái Lân hoàn thành và đưa vào khai thác 3 bến với chiều dài cầu tàu 680m, độ sâu trước bến 12m có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 40 ngàn tấn, tổng vốn đầu tư khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Tuy được kỳ vọng là một trong những cảng trung tâm của phía Bắc, thế nhưng từ khi đưa vào khai thác đến nay cảng chỉ tiếp nhận được tàu có trọng tải 15 - 20 ngàn tấn cập bến!

Báo cáo năm 2006 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng khẳng định: “Chỉ tiếp nhận được tàu có trọng tải 15 ngàn tấn ra vào”. Ông Bùi Quang Đạo, Phó Giám đốc cảng Cái Lân giải thích: “Mặc dù mớn nước tại cảng đủ để tiếp nhận tàu 50 ngàn tấn, nhưng độ sâu của luồng vào cảng chỉ cho phép tàu dưới 25 tấn ra vào!”. Vì tàu lớn không vào được cảng nên hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng phải trung chuyển từ tàu lớn sang tàu nhỏ, chi phí mỗi tấn hàng tốn thêm 7 USD, sau ba năm hoạt động con số thiệt hại này lên đến hàng trăm tỷ đồng!

Gần 3.500 tỷ đồng thông luồng!

Đó chính là số tiền phải đầu tư nhằm giải quyết bài toán luồng lạch cho cảng Cái Cui và cảng Cái Lân!

Luồng vào cảng Cái Lân đoạn nông dài 7,5km, mớn nước hiện tại chỉ được 8m so với cao độ hải đồ, do đó phải đào xuống độ sâu 10m, lợi dụng thủy triều lên thì tàu 40.000 tấn sẽ vào đến cảng. Ông Bùi Quang Đạo, Phó Giám đốc cảng Cái Lân cho biết, kinh phí nạo vét dự kiến lên 300 tỷ đồng.

Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý phương án này, trước mắt là 100 tỷ đồng, công việc cụ thể sẽ do các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, việc thi công luồng vào cảng Cái Lân sẽ gặp khó khăn vì bùn đất sẽ đổ ở đâu, liệu có ảnh hưởng đến cụm di sản văn hóa thế giới Hạ Long?

Không suôn sẻ như thế khi mà luồng vào cảng Cái Cui là một bài toán cực lớn! Luồng hoạt động truyền thống từ cửa biển Định An vào sông Hậu rất khó khắc phục, nhưng nếu không cải tạo thì việc đầu tư cảng biển container Cái Cui trở thành vô duyên, tất nhiên vựa nông sản lớn nhất của nước ta lại phải trung chuyển lên TP.HCM, làm tăng chi phí và thiếu động lực thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc…

Do đó, mục tiêu các nhà hoạch định chiến lược đưa ra là: xây dựng luồng tàu từ biển vào sông Hậu có độ sâu ổn định, cho tàu biển có tải trọng 10 ngàn tấn đầy tải và tàu 20 ngàn tấn giảm tải hoạt động quanh năm. Chính vì vậy, nhiều năm qua có khá nhiều phương án đã đề xuất, nào là tiếp tục nạo vét luồng cũ, luồng cố định, xây dựng công trình chỉnh trị dòng sông, nhưng táo bạo nhất là phương án luồng tắt qua kênh Quan Chánh Bố.

Theo nghiên cứu của Ban quản lý các dự án đường thủy - Bộ Giao thông Vận tải, tuyến luồng tắt qua kênh Quan Chánh Bố dài 40km bao gồm đoạn sông Hậu dài 6km, đến ngã ba sông Hậu - kênh Quan Chánh Bố dài 19km, đoạn kênh Tắt dài 9km (kênh dự kiến đào mới) nối từ kênh Quan Chánh Bố ra biển và đoạn luồng biển dài 6km. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ tuyến này gần 3.200 tỷ đồng, dự kiến thực hiện đến năm 2010, vừa qua Chính phủ đã đồng ý triển khai.

  • Theo Chiến Dũng - Lương Thiện (SGGP)
     

Ý kiến của bạn?

,
,