,
221
6881
Bay len VietNam
baylenvietnam
/baylenvietnam/
895960
Bàn thêm về chuyện nhà không phép ở Hà Nội
1
Article
null
,

Bàn thêm về chuyện nhà không phép ở Hà Nội

Cập nhật lúc 16:32, Thứ Hai, 05/02/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) -  Rà soát lại những công trình trên địa phận Thủ đô, mới thấy, một bộ phận không nhỏ là xây dựng không phép và sai phép. Điều này được giải thích bởi, hình như chúng ta đang quản Thủ đô theo tư duy làng xã.

Đập nhà cao tầng xây trái phép: có là cách tối ưu?

Nhiều người đồng tình "tịch thu" phần nhà cao tầng trái phép


Vậy, xử lý những vấn đề lịch sử thế nào? Làm sao để thay đổi cách quản từ làng lên phố? Cần không một lộ trình cho cuộc đổi mới ấy?

Quản lý theo lệ làng và ứng xử theo... lệ làng

Soạn: HA 1026875 gửi đến 996 để nhận ảnh này

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: hacinco.com.vn)

Hà Nội, trung tâm lập pháp và hành pháp của đất nước, tưởng như là nơi nghiêm cẩn nhất về luật, nhưng riêng ở địa hạt xây dựng vẫn là một câu chuyện đùa dai, nào chuyện quy hoạch treo, lấn chiếm vỉa hè, xây nhà không phép...
 
Một chủ đầu tư cho rằng: xin phép đầu tư thường không bao giờ được như ý muốn. Hoặc là phải xây thấp hơn, hoặc phải thay đổi cái này cái nọ. Khi cần phải điều chỉnh thì chỉ nhận được sự đồng ý bằng miệng hay một sự thừa nhận ngầm nào đó. Để làm được công trình theo mục đích của mình thường phải lách luật, bôi trơn. Đây là cách ứng xử khá phổ biến theo “lệ làng” hiện nay.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, việc cấp phép xây dựng hiện nay dù đã khá thông thoáng, nhưng vẫn còn nhiều điểm đánh đố người dân. "Ở không ít phường, xã, chuyện xin được xác nhận "ăn ở ổn định, lâu dài, không tranh chấp, khiếu kiện" đã toát mồ hôi. Có anh cán bộ vì sợ trách nhiệm mà không dám cấp, nhưng cũng có anh vì muốn có "bôi trơn" nên hành dân. Nhà quản lý phải nghĩ cho dân, chứ cứ như vậy thì gay quá!" - ông Nguyễn Quốc Triệu nói.

Gỡ rối bằng cách đập bỏ? Không phải muốn là được!

Khi càng ngày càng có nhiều người Việt Nam được đi ra nước ngoài, chúng ta mới nhận thấy tại sao đô thị của ta bừa bộn đến thế, manh mún đến thế. Khi dư luận nhức nhối vì chuyện bộ mặt của đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội thì không ít vị chức sắc đã lên tiếng, rằng, sai thì phải sửa. Xây trái phép bao nhiêu tầng thì cắt bỏ đi bấy nhiêu. Xây sai phép thì phải dỡ bỏ, cứ thế mà làm. Nghe thì có vẻ đơn giản như trẻ con chơi ô ăn quan, ván này hỏng, xóa đi làm lại ván khác. Tuy nhiên việc quản lý đô thị lại không giống việc sắp xếp những viên sỏi của trò chơi ô quan.

Việc chỉnh trang đô thị phức tạp hơn nhiều vì ba lý do sau đây:

Thứ nhất, những ngôi nhà là vật vô tri nhưng việc nó ra đời cũng phức tạp không kém phần những con người. Cũng phải thai ngén, mang nặng đẻ đau. Những ngôi nhà xây trái phép, sai phép đều là nhà của các đơn vị ngoài quốc doanh. Của đau, con xót. Chỉ vì trót làm theo lệ làng để rồi phải đập bỏ là một sự lãng phí lớn, không chỉ cho xã hội mà còn cho cá nhân. Đồng tiền đi liền khúc ruột. Chuyện này hãy cẩn thận.

Thứ hai, việc đập bỏ hay cắt cụt những ngôi nhà xây sai phép không đơn giản như việc cắt ngọn cây chuối mà kèm theo đó là những tiêu chuẩn kỹ thuật. Khoan cắt những trụ bê tông ở độ cao dăm bảy chục mét. Rồi chuyện chất thải xây dựng, cắt rồi vận chuyển đi đâu, bỏ đi đâu, trong bối cảnh xung quanh là nhà dân dày đặc, để thực thi, dùng trực thăng cũng chưa chắc.

Thứ ba, việc sai phép là hậu quả của cách ứng xử theo lệ làng: Cấp phép theo lệ làng, kiểm tra theo lệ làng, xử phạt theo lệ làng. Muốn thay đổi cái lệ làng ấy, cần bắt đầu từ gốc là cách quản lý chứ không phải là bắt đầu bằng ngọn.

Đó là chưa nói đến chuyện, đất đai nhà cửa từ trước đến nay vốn là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Không thuần túy là chuyện kinh tế mà còn liên quan đến chuyện an ninh chính trị. Không chỉ ở nước ta mà cả những nước khu vực và thế giới. Gỡ rối cho chuyện nhà đất đô thị luôn luôn là vấn đề nhạy cảm, không phải cứ muốn là được.

 "Từ làng lên phố" phải có lộ trình

Muốn có một đô thị đẹp phải bắt đầu bằng tư duy quản lý đô thị hiện đại. Lộ trình này trước hết phải bắt đầu bằng bước chuyển của tư duy. Trước hết là tư duy về sự tôn trọng luật pháp. Trước hết là luật về xây dựng và quản lý đô thị. Việc cấp phép xây dựng phải gắn liền với việc giám sát. Không thể người cấp giấy phép là Sở Xây dựng còn việc giám sát giao cho phường. Thêm nữa, việc xử lý sai phạm sẽ phải kịp thời, tại chỗ và đủ sức phòng ngừa, răn đe. Không thể chỉ xử lý theo cách làm phép cho qua lệ làng.

Kinh nghiệm của một số đô thị đẹp ở các nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia cho thấy, việc đầu tiên là phải có những khu đô thị đẹp, như một dẫn chứng sống để người dân suy ngẫm, lựa chọn. Lộ trình thứ hai là dọn dẹp những khu nhà ổ chuột. Đây là khu vực có khả năng sinh sản, lây lan rất nhanh. Cần phải đưa họ vào những khu tái định cư có chất lượng. Để làm được điều này phải có bàn tay và túi tiền của Nhà nước. Giai đoạn thứ ba là từng bước đập bỏ những ngôi nhà cũ kỹ không đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật và độ cao công trình.

Chúng ta cũng đã có những khu đô thị mới khá đẹp, quy hoạch bài bản như Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM, Ciputra, ở Hà Nội. Đó là những khu đô thị do người Việt Nam thiết kế, người Việt Nam thi công và được xây trên đất Việt Nam. Chỉ khác là ông chủ đầu tư của khu đô thị đó là người nước ngoài.
 
Phải chăng trên chặng đường đô thị hóa, chúng ta mới chỉ đạt được hai công đoạn đầu tiên là thiết kế và xây dựng? Xin được trích dẫn câu nói của GS. TS Phạm Tất Thắng: Việc chuyển từ làng lên phố cần phải có một lộ trình và việc đập bỏ những ngôi nhà sai phép không phải là cách bắt đầu tốt nhất.
  • Thế Phan

Ý kiến của bạn về vấn đề quản lý đô thị theo kiểu... lệ làng?

,
,