'Chúng tôi phải làm thay việc cho người bị bệnh ì'
(VietNamNet) - "Đó là câu chuyện của tôi", "tôi cũng đang mắc chứng bệnh ấy", hoặc, "bài báo đã nói đúng về những người như chúng tôi"... là phản hồi chung sau bài báo "Bắt mạch bệnh ì của công chức". Nhiều độc giả đề xuất mở diễn đàn để "chữa" tận gốc căn bệnh này.
"Chúng tôi buồn chán vì mình bị bệnh ì"
Nhiều bạn đọc tâm sự, không mất nhiều thời gian lắm để môi trường Nhà nước biến một SV trẻ, hăm hở, nhiệt tình cống hiến thành một công chức ì ạch. (Ảnh có tính chất minh họa. Phạm Hải) |
"Tôi muốn nhấn mạnh là bệnh ì chỉ tồn tại ở những nơi làm việc của Nhà nước. Bệnh ì không chừa một ai, bất kể ở vị trí nào… nam, nữ, già, trẻ, lớn, bé, đều có thể bị nhiễm bệnh và khi khi đã nhiễm rồi thì trở nên mãn tính và rất khó trị, chỉ còn cách kỷ luật, đuổi việc làm gương" bạn Nho (TP.HCM) ở địa chỉ email dokhanhtamtam@gmail.com khẳng định.
Bạn Minh Ánh ở địa chỉ email minhanh@... cũng tỏ ra bức xúc: "Đôi khi tôi thấy mình vô dụng không thể tiêu hết thời gian ở công sở. Nhiều lúc cũng tủi thân lắm khi nhìn thấy bạn bè có thu nhập cao, môi trường làm việc năng động, nhiều sức ép. Mọi người luôn động viên rằng tôi là sướng nhất. Ra trường mới 7 năm đã kịp sinh 2 con (1 trai, 1 gái), học xong thạc sĩ, chẳng còn gì phải lăn tăn. Thế nhưng tôi ao ước biết bao 1 công việc phù hợp với mình, nhiều sức ép để mình còn phấn đấu. Tại sao những người đứng đầu cơ quan không biết tận dụng chất xám của chúng tôi?".
Không ngạc nhiên khi đọc những chuyện mà ai cũng biết này, bạn Mai Trang (Hà Nội) bổ sung thêm "Cả phòng tôi mọi người cũng đều ở trong tình trạng bệnh ì như thế, từ trưởng phòng đến nhân viên. Cả ngày đến cơ quan, thỉnh thoảng có công việc thì làm 1-2h là xong sau đó lại ngồi lướt web buôn dưa lê, ăn hoa quả, uống nước chè, đầu tháng thì lĩnh lương... Nói chung là vô vị và buồn chán".
Với tư tưởng không "vơ đũa cả nắm", một bạn trẻ ở địa chỉ email ngocquynhks1b@yahoo.com khẳng định, đối tượng "nhiễm bệnh ì" nhưng không ý thức được căn bệnh này và góp phần "phát tán" nó trong các cơ quan nhà nước phần lớn là những công chức không có bằng cấp chính quy hoặc những người biết chắc chắn nếu "bung ra" khỏi biên chế, họ sẽ không thể tìm được việc.
ngocquynhks1b@... cũng kể chuyện, bản thân cô vốn là một SV khá giỏi, xin vào làm ở một Sở của thành phố là vì theo ý kiến của bố mẹ muốn cho con gái được làm trong môi trường hành chính, ổn định, an nhàn. Thế nhưng, sau hơn hai năm, bạn không còn nhận ra bản thân mình nữa, "ì à ì ạch trong giải quyết công việc, bản thân thì mệt mỏi chán nản, không muốn trau giồi kiến thức gì cho bản thân".
Hầu hết các công chức đều chung cảm giác "ngột ngạt với sự thừa thãi thời gian vô ích này".
"Chúng tôi phải làm thay việc cho người bị bệnh ì"
Trí thức trẻ và bệnh thừa thời gian ... Mất không ít tiền để thi vào làm công chức ở các cơ quan địa phương, song không ít bạn trẻ đang phải đối diện với căn bệnh thừa thời gian vô ích. Không ít người đã vùng vẫy đi đến các thành phố lớn không phải vì mê chốn phồn hoa mà đơn giản vì ra đi, là được làm việc... (Chi tiết) |
Tìm lời giải cho bài toán chiến thắng sức ì của bản thân và chống lại sự ì ạch của bộ máy, nhiều bạn trẻ tỏ ra bế tắc với lựa chọn "tự cải thiện môi trường làm việc của chính mình". Bởi để cho bộ máy vận hành, những công chức luôn nỗ lực để không bị căn bệnh ì lây lan lại trở thành người làm việc thay cho những công chức "ì".
Một bạn trẻ ở địa chỉ hate.like@yahoo.com chia sẻ kinh nghiệm "sống với người bị bệnh "ì". Bạn kể chuyện, vì là nhân viên mới, không ngại gian khổ và có ý thức học hỏi, trau giồi nghiệp vụ nên khi vào công ty, hễ có bất kỳ công việc gì, hoặc hễ ai nhờ làm gì bạn đều sẵn sàng làm. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, bạn đã dễ dàng nhận ra mình đang làm việc trong một môi trường toàn người ì, khi mà mọi công to việc lớn, tất cả đều "nhường" cho những nhân viên mới toe. Trong lúc mọi người nhàn nhã và thảnh thơi thì bạn luôn thấy mình quá tải. hate.like@... cho biết, sang năm mới này, bạn sẽ kiên quyết chuyển ra làm ngoài vì không chịu được cung cách làm việc của những công chức ì.
Nhiều công chức cũng nói rằng, có làm trong công ty nhà nước, họ mới thấm thía chuyện, trong môi trường kinh doanh, hội nhập như hiện nay mà vẫn còn tồn tại những Tổng công ty nhà nước hoạt động kiểu bao cấp và cào bằng.
Bạn Thanh Tùng (Hà Nội) ở địa chỉ tungdt.udic@... tâm sự, do được đào tạo bài bản nên chỉ sau một thời gian ngắn đi làm, bạn đã nhanh chóng thạo việc cũng như nhanh chóng được giao nhiều việc. Chính vì vậy, Tùng trở thành nhân lực làm việc chính trong phòng. Nhưng, điều bất công mà bạn phải chứng kiến đó là lương của mình cũng chỉ bằng với những đồng nghiệp sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Vì vậy, từ chuyện hăm hở, nhiệt tình vì được làm việc, Tùng bắt đầu phân vân với con đường mình đang đi vì thấy "cơ hội thăng tiến ở đây không tỷ lệ thuận với trình độ mà tỷ lệ thuận với tuổi tác".
Nhiều bạn đọc tâm sự, không mất nhiều thời gian lắm để môi trường nhà nước biến một SV trẻ, hăm hở, nhiệt tình cống hiến thành một công chức ì ạch.
Đó cũng là lý do để bạn Việt Hùng ở địa chỉ hungbonano@yahoo.com nói rằng, bản thân mình chưa bao giờ có ý định làm việc cho một công ty nhà nước bởi chính sức ì trong công ty. "Sự đấu đá nhau quyết liệt làm cho chí tiến thủ của con người bị mai một", Hùng cho biết. Hiện bạn đang làm việc cho một công ty tư nhân và cảm thấy mình được tha hồ đưa ra ý tưởng cho công việc. "Đối với tôi các công ty nhà nước như là một tổ chức từ thiện hơn là một doanh nghiệp kinh doanh", Hùng kết luận.
Bệnh ì: do lương thấp và cơ chế đánh giá công việc
Trí thức trẻ: Thỏa hiệp hay ra đi? ... Dứt gánh ra đi thì chưa thể. Chạy được vào Sở Điện lực cũng đã mất không ít tiền, lại còn bạn gái đang giục cưới và quan trọng hơn cả là Thanh biết mình chỉ thất vọng với chính mình, có bi quan với môi trường hiện tại đấy nhưng bắt đầu lại từ con số không ở nơi khác thì anh biết, chưa đủ để mạo hiểm... (Chi tiết) |
Lo ngại cho chất lượng của nền hành chính và sức cạnh tranh khi đất nước hội nhập, rất nhiều bạn đọc đã đi sâu mổ xẻ, phân tích những nguyên nhân dẫn đến "căn bệnh" này.
Bạn Nho (TP.HCM) email: dokhanhtamtam@gmail.com khẳng định, có ba nguyên nhân dẫn đến bệnh ì của công chức nhà nước. Thứ nhất, do tâm lý khi trở thành công chức thì xem như đã có một công việc ổn định suốt đời, trừ khi thấy chán và tự xin nghỉ.
Thứ hai, tâm lý ỉ lại như trên cũng một phần do các cơ quan nhà nước thiếu rõ ràng, minh bạch trong tiền lương, trong cơ chế, luôn "cào bằng" khi thưởng, phạt nhân viên, đề xuất các vị trị lãnh đạo... Thế là không làm việc hay làm việc tốt đều được "xếp chung một rọ".
Và cuối cùng, theo bạn Nho, xuất phát từ hai nguyên nhân trên mà hiện nay, lòng tự trọng trong công việc của các công chức nhà nước đang xuống cấp nghiêm trọng. Những công chức "ì" không có ý thức "chữa bệnh" và căn bệnh này đã lây lan nhanh chóng.
Bạn Đào Xuân Huy ở địa chỉ tkcyen_th@... nhấn mạnh ở một nguyên nhân duy nhất, đó là do ở cơ quan nhà nước, các chính sách hành chính vẫn nặng về bao cấp. Bạn cũng không quên đặt dấu hỏi, phải chăng trong chuyện này có mối liên hệ với tình trạng tham nhũng đang diễn ra ngày càng phổ biến hiện nay?
Truy tìm nguyên nhân sâu xa, một bạn trẻ ở địa chỉ tvtd@... nhận ra rằng, căn bệnh ì vốn đã thấm từ trên ghế nhà trường, trên giảng đường ĐH, xuất phát từ lối học thụ động "đọc - chép" làm thui chột tính chủ động sáng tạo của SV (những công chức tương lai).
Bạn Hoàng Việt (Hà Nội) ở địa chỉ hoangviet2481@... thì cho rằng, nguyên nhân bệnh ì xuất phát từ những bất cập về lương bổng và chính sách đánh giá công việc.
Bạn viết: "Như chúng tôi, mức lương của Nhà nước trả cho chỉ bằng 1/3 mức lương được trả với trình độ và công việc tương đương trên thị trường. Bất kỳ ai trong chúng ta đã từng học qua môn Kinh tế chính trị học cũng đều biết tiền lương (tiền công) là giá cả của sức lao động. Với giá rẻ như thế, Nhà nước phải chấp nhận mua hàng kém chất lượng là lẽ tất yếu của nền kinh tế thị trường. Chưa kể vào đó, chính sách đánh giá công việc hiện này của Nhà nước ta không khuyến khích được người làm việc tích cực.
Bệnh ì và những tác động xã hội
|
Từ việc "bắt mạch" bệnh ì, bạn Việt còn nhìn thấy những hậu quả sâu xa hơn. Đó là, khi mức lương không đủ sống thì công chức sẽ tranh thủ làm thêm bên ngoài. Và tất nhiên ở đâu trả mức phí cao hơn thì làm tích cực hơn. Đó là quy luật kích thích lao động.
Thứ hai, công chức sẽ tìm cách đủng đỉnh, trì hoãn công vịêc với ý đồ bắt những người đang cần giải quyết phải tự nguyện đưa "phong bì". Và đặc biệt, họ sẽ bằng mọi phương pháp rút lõi ngân sách nhà nước cấp cho, hợp lý hóa các chứng từ thu chi để có thể có thêm khoản thu ngoài lương.
" Hệ quả là, chính sách tiền lương tiền công của chúng ta hiện nay đang khuyến khích một nền văn hóa giả dối", bạn Việt khẳng định.
Bệnh ì khó chữa, do người đứng đầu không có đủ quyền?
Để chứng minh điều này, bạn Danh Thọ (Hà Nội) ở địa chỉ: danhtho2006@yahoo.com cho biết, đang chứng kiến "bi kịch" của một người bạn rất nhiệt huyết và giàu năng lực, hiện đang được ngồi vào chiếc ghế giám đốc điều hành một xí nghiệp thuộc công ty nhà nước.
Anh bạn giám đốc cho biết, sau một thời gian điều hành, anh đã tỏ ra rất bức xúc vì tuy là giám đốc nhưng không có quyền nhận người giỏi cũng như quyền sa thải các nhân viên không đáp ứng được yêu cầu công việc. Anh cũng không có quyền đề bạt hay cách chức nhân viên dưới quyền. Thậm chí, muốn sắp xếp lại nhân sự, điều chuyển vị trí các nhân viên trong công ty sao cho phù hợp vị trí và năng lực từng người cũng phải xin phép và bao giờ "cấp trên" cũng không có hồi âm. Trong khi đó, với cương vị giám đốc mọi hoạt động của xí nghiệp đều đổ đầu xuống cho anh, đặt anh vào cái thế "tiến thoái lưỡng nan" và cũng khiến anh chẳng còn thiết tha "lao tâm khổ tứ" như lúc đầu.
Kể lại chuyện này, bạn Danh Thọ không khỏi lo lắng vì "Gia nhập WTO rồi mà vẫn thế này thì làm sao mà phát huy được tiềm năng của mọi người, tụt hậu là chuyện có thể nhìn thấy trước".
"Chữa bệnh ì để làm thay đổi cái nhìn về công chức"
"Chữa bệnh ì, không chỉ thay đổi tư duy công chức mà quan trọng là tư duy lãnh đạo", bạn hainam@... khẳng định. Và nhấn mạnh thêm, cần phải có cơ chế, chính sách rà soát lại nhân lực, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, gắn trách nhiệm với kết quả công việc.
Bạn hsnhan@... ở Phan Thiết cũng đề xuất giải pháp cần mạnh dạn công khai, dân chủ, minh bạch trong bổ nhiệm đánh giá bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nhằm chọn lựa, đánh giá đúng năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của công chức, tiến đến việc sàng lọc, tuyển chọn đội ngũ công chức có “đủ tâm”, “đủ tầm” trong bộ máy. Mạnh dạn sa thải, bố trí lại những công chức không đủ năng lực, phẩm chất. Kiên quyết xử lý công chức vi phạm pháp luật.
Để thay đổi căn bệnh của hệ thống này, nhiều bạn đọc phân tích, không thể có những mệnh lệnh hành chính hay một bài giảng đạo đức đẹp đẽ nào đem ra áp dụng được. Chỉ có thể áp dụng quy luật tự nhiên là cạnh tranh lành mạnh và đào thải mới hi vọng phát triển. Và cơ chế để tạo ra quy luật này không phải do các công chức muốn là có được.
Và khi chưa thể vãn hồi được sức ì của bộ máy, thì từng cá nhân phải tìm cách "chữa bệnh" cho riêng mình. Giải pháp trước mắt nhiều công chức lựa chọn cho bản thân đó là "làm tốt nhất công việc mình được giao"; "tìm cách tận dụng thời gian rảnh rỗi để học hành", thậm chí có bạn đã nghĩ đến cách "nhảy việc".
ngocquynhks1b@... cho biết, nhiều công chức trẻ có trình độ, có khả năng làm việc, một số vẫn đang trăn trở tìm hướng riêng cho mình, số khác đã bỏ hành chính ra làm tư nhân. Và bản thân bạn cũng đang tìm hướng đi tiếp theo cho cuộc sống của riêng mình, tìm sự năng động trong môi trường hội nhập.
Nhưng, giải pháp "ra đi" tuy có lợi cho bản thân song lại không phải là cách tốt nhất để thay đổi sức ì của bộ máy. ngocquynhks1b@... cho biết, càng nhiều công chức ra đi, thì càng thấy rõ chất lượng chung của nền hành chính sẽ đi về đâu.
-
Lê Nhung (tổng hợp)
Ý kiến của bạn: