,
221
6881
Bay len VietNam
baylenvietnam
/baylenvietnam/
876632
Cháu muốn tự thiết kế slogan"Tôi không phóng nhanh vượt ẩu"!
1
Article
null
,

Cháu muốn tự thiết kế slogan'Tôi không phóng nhanh vượt ẩu'!

Cập nhật lúc 21:21, Thứ Sáu, 15/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Các học sinh tham gia cuộc thảo luận đã đề xuất: "Để các cháu tự thiết kế slogan: Tôi không phóng nhanh vượt ẩu và dán vào cặp sách, xe đạp". Đề xuất này đã được thảo luận sôi nổi trong buổi gặp gỡ sáng nay giữa đại diện Ủy ban An toàn giao thông QG, Cục CSGT và đại diện một số trường học trên địa bàn Hà Nội.

80% tai nạn giao thông do ý thức kém

Ảnh: Lê Anh Dũng

"Đầu năm học mới, tôi đã "treo" thưởng 50 triệu cho Đoàn trường nếu các em cam kết không vứt rác bừa bãi ra sân trường. Nhưng gần hết học kỳ mà cuộc vận động chưa đạt được hiệu quả như mong muốn", thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội góp vào buổi thảo luận "Tôi không muốn phóng nhanh vượt ẩu" bằng một câu chuyện về giữ vệ sinh ở trường. Ông kể rằng, khuôn viên của Marie Curie không lấy gì làm rộng rãi, đoàn trường đã cam kết làm và thầy hiệu trưởng còn cho mượn cả máy ảnh kỹ thuật số để "chộp" những pha xả rác đưa lên bảng tin... nhưng vẫn chưa thay đổi  là bao. Bởi, không dễ mà thay đổi được những thói quen đã ăn sâu vào máu thịt, vào ý thức công cộng. Như xả rác bừa bãi (chỉ gây hại đến môi trường) và đặc biệt, phóng nhanh, vượt ẩu, vấn nạn xã hội đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến tính mạng...

"Chúng tôi muốn khơi dậy ý thức, để thay đổi thói quen, chứ không phải đụng đến việc gì cũng cứ thầy hiệu trưởng rồi ông cảnh sát giao thông can thiệp vào. Nhưng khó quá...", thầy Khang lắc đầu.

Và đó cũng là suy nghĩ chung của hầu hết các vị khách mời đến tham gia buổi thảo luận của VietNamNet về các biện pháp làm thế nào để không phóng nhanh, vượt ẩu. Đông đảo bạn đọc VietNamNet gửi câu hỏi đến tham gia buổi thảo luận cũng đều xoáy vào câu chuyện "ý thức tham gia giao thông".

Năm 2005 có 11.141 vụ  tai nạn giao thông. Trong đó có 11.180 người chết, 11.760 người bị thương.

Thống kê 11 tháng đầu năm 2006,  tai nạn tăng lên hơn 13.140 nghìn người. Trong đó, 11.243 người chết, 10.372 người bị thương. Bình quân mỗi ngày 39 vụ tai nạn giao thông, 43 người chết và 31 người bị thương. (Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ công an).

Ông Nguyễn Trọng Thái, đại diện Ủy ban An toàn giao thông QG, người nhận được khá nhiều câu hỏi trực tiếp của bạn đọc sáng nay cũng bày tỏ những cái khó mà một cơ quan đại diện nhà nước đang gặp phải. Ủy ban cũng đã có nhiều chương trình hành động, tuyên truyền trong trường học, khu dân cư, trên báo đài song hiệu quả chưa cao. Đồng tình với các phân tích của độc giả như tai nạn giao thông gia tăng do giao thông HN còn bất cập, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị chưa được cải thiện, mật độ dân cư cao, ông cho biết, biện pháp giải quyết cơ bản nhất là cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển nhiều loại hình giao thông. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là ý thức tự giác của người tham gia giao thông vẫn là vấn đề khó "thông thoáng" nhất.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Chính ví von, không phải chúng ta đang tắc đường mà chính là tắc nghẽn trong ý thức tham gia giao thông. "Đáng lẽ mọi người nhường nhau một chút thôi thì sẽ không bao giờ tắc nhưng người đó cứ chen lấn, chen lấn lên rồi tự mình làm tắc đường của mình thôi chứ chả có ai làm tắc cả", ông nói. Và thống kê 80% tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tham gia do ông Nguyễn Ngọc Tuấn - đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ công an) đưa ra càng củng cố thêm điều này.

Bà Lê Thị An - Hiệu phó trường THPT Thăng Long tỏ ra lo âu khi phân tích, trong bối cảnh người tham gia giao thông, thậm chí, người phóng nhanh vượt ẩu chủ yếu là thế hệ 7x, 8x thì các biện pháp hành chính hay chế tài mạnh cũng không quan trọng bằng thay đổi ý thức. Mà điều này, xem ra, đã được nói không ít.

... "Truyền thông cần thổi lên ngọn lửa"

Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi, hào hứng hơn khi các vị khách mời vừa trò chuyện, vừa theo dõi những hình ảnh "phóng nhanh, vượt ẩu", chở hàng cồng kềnh, lấn vỉa hè lòng đường mà PV VietNamNet "chộp" được trong các phóng sự ảnh. Và tất cả đều thống nhất, không còn sớm nữa để bàn đến những biện pháp, đề xuất những chế tài xử lý thật thiết thực "Cần nhanh chóng thổi bùng lên đám lửa làm thức tỉnh ý thức từng người dân", thầy Nguyễn Xuân Khang hào hứng. Các vị khách tranh luận sôi nổi về chuyện chưa thể thay đổi ý thức trong một sớm một chiều nhưng có thể thay đổi cách truyền thông.

Bà Lê Thị An, Hiệu phó trường THPT Thăng Long chia sẻ, mới tuần trước, trường Thăng Long đã có dịp kết hợp với Hội Chữ thập đỏ của Pháp và Thành Đoàn tổ chức một đợt tuyên truyền về an toàn giao thông. Đại diện của CSGT đã xuống trường làm việc với học sinh, số liệu cũng nhiều, tờ rơi, tài liệu cũng khá phong phú và học sinh cũng nghiêm túc hưởng ứng phong trào nhưng thầy trò vẫn thấy như thiêu thiếu. Bà An nhẹ nhàng:"Giá như bên tuyên truyền có thêm tranh ảnh, áp phích sống động, bắt mắt đưa xuống trường trước đó vài ngày và trường sẽ bố trí treo ở các bảng tin, ở cổng trường để học sinh xem xét, thảo luận trước thì có lẽ các em sẽ hào hứng hơn".

Cả thầy và trò có mặt tại buổi thảo luận đều thống nhất rằng, xưa nay, Đoàn, Hội và Ủy ban an toàn giao thông hầu như năm nào cũng có những cuộc vận động tuyên truyền xuống đến trường học. Nhưng về hiệu quả thu được, như ông Nguyễn Quốc Thái thừa nhận, là mặc dù Ủy ban An toàn giao thông QG đã có những nỗ lực và thay đổi trong công tác tuyên truyền như phối hợp với truyền hình xây dựng các tiểu phẩm, phối hợp các ban ngành và đoàn thể tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn bởi đối tượng tham gia giao thông thuộc khá nhiều thành phần, lứa tuổi. Ông cũng cho biết, tuyên truyền để làm thay đổi ý thức người dân là vấn đề cần làm lâu dài và kiên trì. Tuy nhiên, để lôi cuốn và hấp dẫn thì hình thức tuyên truyền cũng cần phải được thay đổi dần dần. Nhiều bạn đọc VietNamNet đã phân tích rằng, các khẩu hiệu, hình ảnh tuyên truyền về an toàn giao thông lâu nay tuy vẫn có nhưng chưa thực sự sống động.

Các học sinh tham gia cuộc thảo luận đã đề xuất ngay: "Để các cháu tự thiết kế slogan "Tôi không phóng nhanh vượt ẩu" và dán vào cặp sách, xe đạp". Đề xuất này đã "kéo" các thầy giáo và 2 đại diện Ủy ban An toàn giao thông, Cục CSGT hào hứng thảo luận làm cách nào để đưa thông điệp từ các slogan đến được với nhiều người nhất.

"Bố mẹ ơi, dừng lại"

Ảnh: Lê Anh Dũng

"Hãy bắt đầu từ trường học", các thầy, cô giáo trong buổi thảo luận đều thống nhất điều này. Thầy Nguyễn Xuân Khang tỏ ý đau buồn về chuyện những người trẻ tuổi phóng nhanh, vượt ẩu trên đường phố đã chưa được giáo dục tốt từ trường học, gây ra những tai nạn thương tâm như hai sự cố vừa xảy ra với GS Seymour Papert GS.VS Nguyễn Văn Đạo. Thầy Bình lấy làm tiếc vì lẽ ra một phong trào "Nói không với phóng nhanh vượt ẩu" phải được phát động mạnh mẽ ngay từ sau vụ tai nạn ô tô đáng tiếc xảy đến với hai nữ sinh trường Lương Thế Vinh cách đây vài năm. "Biết đâu, giờ này sẽ không còn phải ngồi lại để bàn thảo tìm giải pháp" - thầy nói.

Thống nhất với ý tưởng phải khởi phát phong trào từ trong trường học mới hy vọng tạo sức lan tỏa, bà Lê Thị An, Hiệu phó trường THPT Thăng Long hóm hỉnh kể lại chuyện, bây giờ không phải người lớn làm gương cho trẻ nhỏ mà ngược lại. Không ít lần, khi đưa đón con cái đi học, đứng song song với nhiều ông bố, bà mẹ trước vạch đèn đỏ, bà nhìn thấy nhiều vị phụ huynh định "dợm" vọt lên thì những đứa trẻ, mới học cấp 1, mẫu giáo đã hét toáng lên: "Bố mẹ ơi, dừng lại..." bởi càng nhỏ thì việc giáo dục để hình thành thói quen chấp hành nghiêm luật lệ giao thông càng dễ dàng.

Soạn: HA 985101 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ảnh Lê Anh Dũng

Các em học sinh trong buổi thảo luận đã tỏ ra rất lạc quan về chuyện thế hệ các em (những 9x) sẽ rất thuận lợi trong việc hình thành một thói quen tham gia giao thông mới. Nguyễn Tuấn Vinh, học sinh trường THPT Nhân Chính cho biết: "Bọn em sẽ tham gia tích cực các chương trình tuyên truyền không phóng nhanh, vượt ẩu vì, trước những tai nạn thương tâm như thế, không ai lại không rung động. Thế hệ 9x bọn em đã tiếp thu được nhiều nét văn hóa tích cực, bọn em sẽ tham gia nhiệt tình để làm thay đổi, ít ra trong thế hệ 9x".

Khẳng định thêm lời của bạn, Nguyễn Thùy Linh (THPT Nhân Chính) vui vẻ nói: "Điều mà em tâm đắc nhất là dán slogan "tôi không  phóng nhanh, vượt ẩu" lên xe. Thứ nhất là làm đẹp cho xe của mình. Thứ hai, khi bọn em đi trên đường, người lớn và các chú cảnh sát giao thông nhìn vào đó có thể thấy ngay được ý thức tham gia giao thông của lớp trẻ và có thể sẽ suy nghĩ". Linh cũng đề xuất, để việc dán logo là hành động tự nguyện và để tất cả hào hứng gắn câu khẩu hiệu lên xe của mình thì không nên có chuyện Ủy ban An toàn giao thông hay bất kỳ một cơ quan nào thiết kế đồng loạt rồi phân bổ từ trên xuống dưới. Hãy để từng trường, từng học sinh được thiết kế mẫu có câu khẩu hiệu theo ý tưởng của mình, như các em đã từng hứng  khởi tham gia thi sáng tác biểu tượng trên đồng phục.

Ý tưởng của Linh đã nhận được sự tán đồng. Một học sinh Marie Curie bày tỏ: "Hầu hết học sinh bọn em đều muốn như thế".

Và thông điệp: "Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên nhỏ tuổi, làm sao đốt lên được đống lửa để tạo sức lan tỏa tới cộng đông" do thầy Nguyễn Quốc Bình đề xướng đã nhận được sự đồng thuận của tất cả. Thầy Khang cho biết, Chủ nhật này, trường Marie Curie sẽ làm lễ phát động và đây sẽ là đợt "ra quân" thiết thực nhất. Thầy Bình cũng nói rằng, đã vừa thống nhất với hai học trò nhỏ, là sẽ phát động phong trào trong toàn trường từ tuần sau. Cô giáo Lê Thị An cũng cam kết, "trường THPT Thăng Long rất tâm đắc với cuộc vận động này của VietNamNet và sẽ ủng hộ VietNamNet trong chiến dịch này".

Ông Nguyễn Trọng Thái - Đại diện Ủy ban an toàn giao thông QG và ông Nguyễn Ngọc Tuấn - đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cũng cho biết quỹ truyền thông của Ủy ban An toàn khá "xông xênh" nên sẽ ủng hộ một cách tích cực.

"Khởi đầu có thể là một cá nhân, nhưng nếu phát động rộng rãi sẽ bùng lên thành đám lửa", thầy Nguyễn Xuân Khang hào hứng, "thông điệp truyền thông là lời nói, nhưng lời nói nếu kịp thời, đúng lúc sẽ có sức mạnh và lan tỏa". Ủng hộ ý tưởng dán khẩu hiệu "nói không với phóng nhanh vượt ẩu" lên xe đạp, nhưng thầy Khang còn đề xuất thêm, nên chăng có thể dán nó lên cặp sách (vì các em đi xe buýt rất nhiều).

Và khi đã "cõng" thông điệp trên lưng, ắt hẳn, từng học sinh sẽ có thể tự tin nói với những người lớn rằng "chúng em sẽ không phóng nhanh, vượt ẩu".

Vậy người lớn thì sao?

  • Lê Nhung (tường thuật)

Ý kiến của bạn:

,
,