,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
772249
Kỳ vọng có sự đột phá để tìm người tài cho Đảng
1
Article
null
,

Kỳ vọng có sự đột phá để tìm người tài cho Đảng

Cập nhật lúc 08:34, Thứ Tư, 08/03/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Mong sao tất cả những nhân tài, những trí tuệ, tinh hoa của đất nước quy tụ trong Đảng và trở thành linh hồn lãnh đạo của Đảng..." - có lẽ, các khách mời trong bàn tròn trực tuyến đã nói lên được khát vọng lớn lao nhất của dân tộc trước thềm Đại hội Đảng X.

Soạn: AM 723927 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn (giữa) cùng các vị khách mời đang tham gia cuộc bàn tròn. (Ảnh Lê Anh Dũng)

Có một Đảng viên lão thành đã gọi điện thoại cho biên tập viên VietNamNet: "Đọc những ý kiến của người dân góp ý với Đại hội Đảng lần thứ X, tôi thấy tâm huyết của dân với Đảng vẫn còn lớn lắm, và người dân cũng kỳ vọng nhiều vào sự chuyển mình của Đảng".

VietNamNet gọi đây là "Đổi mới II" để phân định một bước chuyển mới của Đổi mới. Đổi mới I, bắt đầu với cái mốc lịch sử 1986, đã dựa trên động lực là khát vọng thoát ra khỏi sự cùng cực, là khả năng làm mới mình của Đảng lãnh đạo. Đổi mới I là khi phải đối mặt với câu hỏi: "Tồn tại hay không tồn tại?" của một quốc gia, một dân tộc.

Còn động lực của Đổi mới II là: Đưa đất nước thành công trong hội nhập và thoát khỏi tình trạng chậm phát triển. Phải trả lời câu hỏi đau đáu của cả dân tộc “Khi nào Việt Nam đứng sánh vai cùng các cường quốc năm châu?.  

Có thể nhìn thấy kỳ vọng và niềm tin của 84 triệu dân Việt qua hàng ngàn ý kiến góp ý cho Đại hội Đảng X. Từ nỗi niềm của những con người đã đứng trong hàng ngũ của Đảng từ lâu cho đến những người "phá rào" cơ chế để có thể làm giàu cho đất nước.

Có những người nâng niu lá đơn suốt bao năm trời, chờ thời điểm thích hợp để có thể nói một cách thành thật và tâm huyết rằng: "Tôi xin vào Đảng..." Hàng ngàn ý kiến trên VietNamNet và các diễn đàn khác trong thời gian qua, chắc chắn chưa thể phản ánh hết được những tâm huyết, những kỳ vọng của mọi tầng lớp người dân về bước chuyển mình mới của Đảng.

Đó là lý do để chúng tôi tổ chức bàn tròn trực tuyến Những kỳ vọng với Đại hội Đảng X? ngày hôm nay.

Các vị khách mời đã có mặt tại hai đầu Bắc-Nam của toà soạn VietNamNet để tham gia cuộc bàn tròn vào lúc 16 giờ. Họ là đại diện trong số những tác giả đã nêu những ý kiến khiến người đọc phải trăn trở: TS Khoa học Lê Kiên Thành, Tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh (con trai cựu Tổng bí thư Lê Duẩn); Kiến trúc sư Lê Thu Nga (con gái của một vị bí thư TW Đảng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn); GSTS Nguyễn Trường Tiến; ông Bạch Minh Sơn (nguyên cán bộ Ban đối ngoại TƯ, giám đốc Công ty cổ phần BEMES).

Sau đây là nội dung cuộc bàn tròn:

" Tôi kỳ vọng..."

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, vậy là sau hơn 1 tháng tiến hành lấy ý kiến của toàn dân về Văn kiện Đại hội Đảng, tạo nên một cuộc sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và đối với đồng bào ta ở trong và ngoài nước, VietNamNet đã hân hạnh là cầu nối, là nơi được bạn đọc gửi những ý kiến, những tâm huyết của mình với Đảng. Hôm nay, tiếp theo bàn tròn về "Lấy ý kiến góp ý cho văn kiện", chúng tôi muốn truyền tải và cùng bạn đọc trao đổi về "Chúng ta trông chờ gì, khát vọng gì, mong đợi gì vào ĐH X", một Đại hội có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai.

Khách mời hôm nay gồm TS Khoa học Lê Kiên Thành, Tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh (con trai cựu Tổng bí thư Lê Duẩn); Kiến trúc sư Lê Thu Nga (con gái của một vị bí thư TƯ Đảng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn); GSTS Nguyễn Trường Tiến; ông Bạch Minh Sơn (nguyên cán bộ Ban đối ngoại TƯ, giám đốc Công ty cổ phần BEMES).

Thưa các vị khách mời, cho đến ngày hôm nay, các vị có những suy nghĩ, cảm nhận gì trong không khí trước Đại hội X?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Thưa tất cả các bạn độc giả VietNamNet, tôi rất chia sẻ ý tưởng của VietNamNet trong việc đã tạo nên một diễn đàn là cầu nối để  những những người Việt trong và ngoài nước hướng về sự kiện rất quan trọng của đất nước: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Tôi cho rằng đây là cơ hội để những người VN thể hiện tình cảm của mình đối với đất nước, với dân tộc.

Tôi đã đọc rất nhiều các bài viết trên Internet và sau khi đăng tải bài viết của mình, tôi cũng đã được giao lưu với không ít độc giả. Suy nghĩ chung của tôi là đất nước mình, dân tộc mình đang đứng trước vận hội rất lớn. Có lẽ vì cảm nhận được vận hội đó nên mọi tầng lớp nhân dân đều rất quan tâm đến sự kiện chính trị hết sức quan trọng trong năm Bính Tuất này.

Tôi cho rằng qua 76 năm nắm quyền lãnh đạo đất nước, dân tộc của Đảng có thể thấy đó là một chặng đường mà Đảng và dân tộc luôn song hành. Đến giai đoạn này, sự song hành đó càng thấy rõ, cho nên những ý kiến tách Đảng và dân tộc ra khác nhau là không đúng với thực tế.

Còn người dân VN chúng ta đang chờ đợi vào ĐH lần này?

Tôi rất vui mừng khi VietNamNet đưa ra diễn đàn Đổi mới II. (Từ Đổi mới I đến Đổi mới II chúng ta mất 20 năm). Trước hết, tôi mong đại hội X này chúng ta sẽ vạch ra đường lối chiến lược phát triển trong thời gian sớm nhất. Và khát vọng thứ hai: tôi mong muốn ĐH lần có được những gương mặt lãnh đạo đất nước mới đại diện cho trí tuệ, đại diện cho văn hoá, đại diện cho sự kết tinh của dân tộc, đủ sức dẫn dắt dân tộc mình đi tiếp con đường phát triển của Đổi mới I, để VN trở thành đất nước sánh vai được với năm châu và khẳng định được truyền thống văn hoá, trí tuệ, tình cảm của dân tộc.

KTS Lê Thu Nga: Tuy công việc rất bận nhưng tôi luôn giữ thói quen quan tâm đến các sự kiện lớn của đất nước như ĐH Đảng, rồi các Nghị quyết, chủ trương (dù tôi không phải là Đảng viên).

Tôi nghĩ trong 20 năm vừa qua, từ ĐH VI (1986) đến nay, đất nước  ta  đã có bước biến đổi rất lớn: Tôi đánh giá công cuộc Đổi mới I là thành tựu lớn cho đất  nước.

Từ rất lâu rồi tôi đã mong sẽ có một cái gì đó đột phá. Trong đợt này, đọc nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn, tôi nhận thấy người dân đang rất kỳ vọng, chờ đợi, hồi hộp về một sự đổi mới, đột phá của đất nước. Bản thân tôi cũng chưa biết đó là cái gì, chưa hình dung ra được đột phá ấy như thế nào nhưng tôi nghĩ cần có một đột phá quan trọng để  tạo nên sự đột phá tiếp nối cho những vấn đề bức xúc chưa được thoả mãn mong muốn của nhân dân.

Tuy nhiên, dù với những thành tựu to lớn đã đạt được, trong dư luận, trong xã hội nói chung mọi người vẫn chưa hài lòng, chưa thoả mãn lắm. Điều đó cũng là tự nhiên vì nếu đã thoả mãn rồi thì chẳng còn điều gì để nói nữa. Hơn nữa, việc hội nhập và giao lưu giữa VN và quốc tế là một bước chuyển cực kỳ lớn, và càng đi ra, người ta càng thấy thế giới rộng lớn và phát triển; càng nhìn thấy tốc độ phát triển của VN so với các nước còn khoảng cách rất xa, tâm lý sốt ruột để đuổi kịp các nước xung quanh ta là điều dễ hiểu...Thế nhưng, thực tế cho thấy: bức xúc, sốt ruột quá khong phải mang lại những quyết định thông minh và làm mất sự sáng suốt để ra được đường lối đúng.  

Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 cho vị nữ khách mời duy nhất - Kiến trúc sư Lê Thu Nga - sau khi bàn tròn "Những kỳ vọng với Đại hội Đảng X" kết thúc tốt đẹp. (Ảnh Lê Anh Dũng)  

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Anh Lê Kiên Thành, anh kỳ vọng gì ở Đại hội này và anh thấy không khí trước Đại hội như thế nào ạ?

TS Lê Kiên Thành: Khi nghiên cứu Văn kiện ĐH Đảng, cá nhân tôi nghĩ rằng khó có thể kỳ vọng sự đột phá gì ở ĐH này những vấn đề bức xúc đang nói ở đây là chuyện Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì bản chất vấn đề đổi mới chỉ là hợp thức hoá trên thực tế chứ không phải bất kỳ sáng tạo nào trong lý luận cả. Cho nên tôi nghĩ rằng, sau ĐH này, điều mà chúng ta đạt được chắc chắn là sự ổn định.

Nếu có, tôi hy vọng những nhà lãnh đạo mới được bầu ra trong kỳ ĐH này có thể sẽ là những nhân tố mới chăng? Trong kỳ lãnh đạo này đến ĐH tiếp theo, họ sẽ mạnh dạn đưa ra những sáng tạo trong lý luận hơn chăng? Tôi có cảm giác, khi đóng góp ý kiến cho ĐH Đảng, có nhiều ý kiến rất hay, nói rất mạnh, nhưng rất tiếc đó lại là những người không có trọng trách. Tôi  mong là nếu có những người dám nói ngay khi họ đang ở cương vị mình thì may ra đất nước chúng ta mới có đột phá.

Còn nếu nói trông chờ một điều gì đó thì khó, có chăng là sự ổn định của đất nước và cuộc sống cứ như thế đi lên.

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi rất tâm đắc với nội dung Dự thảo văn kiện ĐH X. Vấn đề liên quan đến tôi nhiều nhất và có nhiều cảm xúc nhất là việc Đảng cho phép làm kinh tế tư nhân không giới hạn? Đây là việc đã được chờ đợi từ 3-4 kỳ ĐH mà đến kỳ này mới được nêu trong Văn kiện. Và tôi tin lần ĐH này, vấn đề ấy sẽ được thông qua.

Tuy nhiên, điều chúng tôi - những người Đảng viên đang làm kinh tế tư nhân mong mỏi nhiều hơn không phải là việc cho làm hay không cho làm mà chúng tôi đề nghị Đảng nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu hơn, có cơ sở lý luận vững chắc việc cho phép Đảng viên làm kinh tế tư nhân không phải là tạm thời mà là tất yếu và lâu dài để cùng với đất nước tiếp tục phát triển đi lên. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Đảng viên, bởi vì khối kinh tế tư nhân hiện nay không chỉ chiếm số lượng lớn mà còn đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng GDP của đất nước. Và quần chúng vẫn đang chờ xem thái độ của Đảng đối với Đảng viên như thế nào, nếu như Đảng có một thái độ dứt khoát thì quần chúng sẽ tích cực làm và làm mạnh, lúc đó tiềm lực đất nước sẽ mạnh lên.

TS Nguyễn Trường Tiến: Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến anh Bạch Minh Sơn. Tôi cho rằng trong tương lai không phải cho phép hay không mà phải khuyến khích đảng viên làm kinh tế. Tôi không muốn là thực nghiệm mà Đảng phải mở cửa. Tôi hy vọng trong kỳ ĐH lần này, Đảng kêu gọi 50% đảng viên có năng lực, trí tuệ đi làm kinh tế, làm giàu cho gia đình mình, nhân dân mình, đất nước mình chứ không phải đi bàn về lý luận nữa.

Khách mời TS Khoa học Lê Kiên Thành, Tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh (phải) đang tham gia bàn tròn trực tuyến tại đầu toà soạn VietNamNet phía nam cùng nhà báo Thẩm Tuyên, đại diện Ban biên tập VietNamNet (trái).

"Không nhận thức hết sai lầm thì khó mà sửa chữa..."

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi rất đồng cảm với ý kiến của anh Thành và chị Nga. Rõ ràng, chúng ta đã nhận thức ra được những cái sai và sửa chữa nó sau ĐH năm 86, chấm dứt hẳn tình trạng thiếu đói. Đấy đã là một bứt phá đáng kể. Song chúng ta kỳ vọng vào đổi mới II nhiều hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức ra được là trong giai đoạn trước, chúng ta đã có những khuyết điểm gì cần phải sửa chữa thì chúng ta mới có thể tiến bộ nhanh được. Bởi vì, rõ ràng, trong ĐH VI, chúng ta nhận thức được chúng ta sai, đường lối bao cấp là sai thì chúng ta mới bứt ra được. Còn bây giờ, khi vẫn còn chưa nhìn thấy sai lầm thì chúng ta chưa thể bứt phá được. Vậy, điều cần thiết là hãy đi tìm ra hết những sai sót. Nhìn sự phát triển trong thời gian qua, có thể chúng ta đã tự hào vì tốc độ nhanh chóng. Nhưng không ai đứng để đợi chúng ta. Trong lúc chúng ta vẫn đang còn ngồi lại để tính toán với nhau thì người ta đã  bỏ xa chúng ta rất nhiều rồi. Và ước mơ, rằng chúng ta có thể đuổi kịp các nước trong 10 - 15 năm hay thậm chí là 40 năm như các anh vừa nói vẫn là một mục tiêu xa vời. Bởi khi còn chưa nhận thức hết sai lầm thì khó lòng mà sửa chữa nổi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Anh có thấy là chúng ta đang còn có những sai sót gì, hoặc điều gì chưa tốt cần phải sửa chữa hay không?

Ông Bạch Minh Sơn: Như chúng ta đã tổng kết, có đến 80% quần chúng đồng tình rằng, NNhà  nước cần phải chống tham nhũng triệt để hơn. Và, Đảng viên phải đi tiên phong trong vấn đề này. Sau đó mới tìm ra những người tài. Không phải những người tham nhũng mà là những người thật giỏi, thật tài, họ sẽ tìm ra được lời giải cho bài toán phát triển đất nước.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách đã tạo ra tham nhũng, khiến chúng ta không thể giải quyết tận gốc vấn đề này. Đây cũng  là băn khoăn mà độc giả VNN đặt ra lâu nay. Anh nghĩ sao về ý kiến này?     

Ông Bạch Minh Sơn: Đây là một vấn nạn. Bởi những người đang được đặc lợi tham nhũng lại chính là những người có chức có quyền. Mà người ta thì không bao giờ chống lại chính mình. Vậy nên, đòi hỏi phải có một sức mạnh quần chúng rộng rãi, cộng thêm những công cụ pháp lý hữu hiệu và làm rất mạnh tay, may ra chúng ta mới loại  bỏ được vấn nạn này. Nếu để cho tham nhũng tồn tại thì nó đã làm phương hại rất lớn cho đất nước và quan trọng hơn là đã làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng ngoài tham nhũng ra, chúng ta còn có căn bệnh gì khác nữa không, thưa anh? Bởi người ta cũng đã nói rằng, tham nhũng là vấn nạn toàn cầu chứ không phải của riêng quốc gia nào?

Ông Bạch Minh Sơn: Nhưng riêng với VN thì tham nhũng diễn ra quá nặng và chưa được loại trừ đúng mức. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến chuyện phát huy tối đa trí tuệ của người dân VN, điều mà chúng ta vẫn chưa làm được. Những người tài ở VN hiện nay vẫn còn chưa có cơ hội được đóng góp hết tâm trí, sức lực cho dân tộc. Mà muốn tận dụng được họ thì rõ ràng, cần phải có một cơ chế, chính sách hợp lý như thế nào đó để cho những người tài mở hết sức của họ. Đặc biệt, trong đó có vấn đề đừng ngăn cản Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân. Họ có tài, hãy để họ làm kinh tế, đừng hạn chế. Ngay cả với những người trẻ cũng thế. Họ mới ra trường nhưng lại có rất nhiều ý tưởng, nhiều sáng tạo, vậy thì đừng ngại đề đạt họ lên vị trí cao. Họ sẽ phát huy được vai trò của mình.

Và có một điều phải giải quyết dứt khoát là cần chấm dứt ngay quan niệm, rằng những doanh nghiệp tư nhân cũng như những người trẻ là không làm được việc lớn. Người ta đã làm đâu mà kết luận là người ta không làm được?

TS Lê Kiên Thành: Với những điều kiện như chúng ta bây giờ thì không thể chống tham nhũng được. Ở các nước khác, quan chức muốn làm giàu nhanh thì dẫn đến tham nhũng. Ở nước ta, muốn giàu nhanh chỉ là một phần lý do! Phần khác, người ta tham nhũng để sống và tồn tại.  Bởi vì căn cứ vào mức lương và cơ chế như bây giờ không thể một công chức nào tồn tại bình thường được. Với tiền lương như hiện nay, anh phải tính toán bao nhiêu tiền mua gạo, mua vải, bao tiền điện nước.v.v... Chắc chắn rằng với thu nhập ấy không ai đủ sống. Có người tham nhũng trực diện, có người tham nhũng do quyền lực, có người lãng phí thời gian... Đó cũng là một kiểu tham nhũng.

Ông Bạch Minh Sơn (nguyên cán bộ Ban đối ngoại TƯ, giám đốc Công ty cổ phần BEMES).

Vậy nên, khi mà chúng ta dấy lên trào lưu chống tham nhũng thì thực chất là chúng ta đánh thẳng vào đội ngũ cán bộ, những người  tham nhũng để tồn tại. Tôi cho rằng gốc rễ vấn đề là nếu chúng ta không thay đổi được cơ chế chính sách thì không bao giờ chúng ta chống được tham nhũng. Từ tham nhũng để tồn tại dẫn đến tham nhũng để làm giàu, vấn đề đó không hề có một ranh giới nào cả.

Thứ hai, tôi cho rằng Đảng của chúng ta hiện nay so với trước đây có điểm khác. Trước đây, anh vào Đảng xác định có thể bị tù đày. Anh là bí thư chi bộ thì anh có thể sẽ bị xử bắn... Còn bây giờ, anh muốn là Trưởng phòng, anh phải là Đảng viên. Anh muốn là Bộ trưởng anh phải là Uỷ viên trung ương. Tất cả các cấp của Đảng đều gắn với chính quyền và các cấp đó đều gắn với quyền lợi và quyền lực. Vì thông qua lãnh đạo như vậy nên cho dù không muốn, những người cơ hội vẫn chui vào Đảng vào được để có quyền lực, quyền lợi. Đó là lý do để Đảng của chúng ta trong thời kỳ này không còn là những lực lượng ưu tú như trước đây. Rất nhiều trong số này là những phần tử cơ hội. Càng để lâu, phần tử cơ hội sẽ càng lớn lên.

Nguyên tắc phát triển dựa trên Chủ nghĩa Mác là phê và tự phê. Nhưng vì mục đích vào Đảng trước đây và bây giờ khác nhau nên phê và tự phê bình có mục đích khác nhau. Trong cơ chế một đảng lãnh đạo như thế này, Đảng tự tìm cách hoàn thiện bằng cách nào nếu chỉ dựa trên phê và tự phê chăng? Cá nhân tôi cho rằng hoàn toàn không được. Nếu không tự hoàn thiện mình, một Đảng được sinh ra bởi những người thầy của phong trào cộng sản thế giới, chứa đựng những yêu cầu của lịch sử đến một thời điểm nào đó sẽ không còn nữa. Nếu chúng ta không cắt nghĩa tận cùng vấn đề thì tôi cho rằng, theo tính quy luật, điều gì đến sẽ đến. Đến cái nơi mà tự mình không kiềm chế được chính mình, không tự tìm ra con đường đi cho mình.

Trên đây là ý kiến tâm huyết của tôi để xây dựng Đảng.

"Cần phải định lượng các vấn đề thật rõ ràng"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa anh Trường Tiến, anh thấy vấn đề về cơ chế, về môi trường làm việc của chúng ta, vấn đề mà ai cũng nói là cần phải sửa, như thế nào?

TS Nguyễn Trường Tiến: Như chúng ta đã nói, cách đây 20 năm, TBT Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo một cuộc đổi mới, nói theo ngôn ngữ phương Tây là "làm cách mạng". Chúng  ta đã giải phóng được cho người nông dân và làm nên hàng loạt đổi mới, cho doanh nghiệp, cho nhà nước. Còn đổi mới lần này, nói theo ngôn ngữ của bệnh nhân đi khám bệnh là muốn phát hiện bệnh, chúng ta phải chụp phim, phải cắt lớp, phải tìm đúng thuốc chữa đúng bệnh.

Tôi lấy ví dụ câu chuyện về cầu Văn Thánh. Đến tận thời điểm này, chúng ta vẫn chưa tìm ra được lời giải làm thế nào để cầu Văn Thánh sẽ tiếp tục được đưa vào sử dụng. Chúng ta phải đánh giá đúng, cái yếu của dân tộc mình, tiềm năng của mình, thách thức của dân tộc mình và cơ hội của dân tộc. Tôi cho rằng, luôn luôn phải đặt ra bốn vấn đề đó. Cơ hội đi với thách thức, tiềm năng đi với yếu kém... Luôn luôn song hành như vậy. Theo tôi, chúng ta phải huy động tối đa tiềm năng con người.

Ở cuộc đổi mới I, chúng ta đã huy động tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, dầu khí, khoáng sản, xuất nhập khẩu cà phê, thuốc lá, mây tre đan v.v... Nhưng đến cuộc cách mạng thứ hai, chúng ta phải khai thác tiềm năng cao nhất của con người. Đó phải là những con người mà ngoài lòng dũng cảm và trí tuệ cần phải có sự hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc. Bởi chúng ta mới chỉ biết đến những tiến bộ của KHKT, của tư bản mà quên đi lịch sử dân tộc, quên đi truyền thống về tư tưởng văn hoá, truyền thống đạo đức, triết học.

Về vấn đề sử dụng nguồn lực con người, tôi mong muốn rằng chúng ta phải định lượng ra các vấn đề thật rõ ràng. Ví dụ như chúng ta nói rằng, đại bộ phận Đảng viên suy thoái về mặt đạo đức nhưng cần phải làm rõ, "đại bộ phận" là bao nhiêu phần trăm?

Chúng ta cũng nói rằng chúng ta phải chọn được người có tài, có đức để được nhân dân tín nhiệm. Nhưng chúng ta phải chỉ rõ ra rằng thế nào là tài, thế nào là đức và cơ chế nào để xác nhận rằng được nhân dân tín nhiệm. Tôi cho rằng tất cả phải được chỉ ra rõ ràng, chúng ta không thể nói chung chung được. Cơ chế nào để chúng ta chọn người có tài, tiêu chuẩn nào là có tài, tiêu chuẩn nào là có đức.v.v...

Nếu muốn đột phá, chúng ta sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ. Nhưng trong đó, việc đầu tiên cần làm là chúng ta phải tiêu chuẩn hóa con người. Vì con người tạo nên tất cả. Con người tạo nên cơ chế, con người tạo nên chất lượng, tạo ra luật pháp. Không có con người chất lượng thì không bao giờ tạo ra sản phẩm chất lượng.

Nói cách khác, theo quy luật của phương Tây thì đó là thước đo giá trị. Vậy giá trị là gì? Giá trị GDP, mức sống v.v... Theo như quan điểm phương Tây thì giá trị bằng chất lượng chia cho tiền (chi phí). Tiền có thể cân đong đo đếm nhưng riêng chất lượng là giá trị âm không thể đo đếm được. Vậy nên chất lượng là tỷ số của giá thành chia cho chi phí. Nếu chúng ta xây những công trình có chi phí hợp lý mà chất lượng rất cao thì chúng ta sẽ đạt đến giá trị lớn.

Mà để đạt đến những công trình lớn như thế, thì chúng ta phải có những con người chất lượng rất tốt thì "anh" mới biết tiêu tiền của đất nước, mới biết sử dụng tiền thuế của nhân dân, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đạt đến một chất lượng cao hơn. Cả nhân loại vấn đang phấn đấu vì một cuộc sống có chất lượng cao hơn.

Nhưng niềm tin của tôi hoàn toàn không hề lãng mạn. Bởi tôi cho rằng làm kỹ sư hay làm nhà báo hoặc thậm chí doanh nghiệp mà nếu chúng ta không lãng mạn, không có niềm tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua thì chúng ta sẽ khó có được niềm vui để tiếp tục sống.

Chúng ta phải có đủ bản lĩnh để tạo nên một nền tư tưởng, một nền văn hóa, một nền triết học của VN, của riêng dân tộc mình.

Chúng ta sống trong xã hội quen với cơ chế đi từ quan xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh ra TW mới từ chức. Tôi cho rằng phải có tiêu chí, phương pháp luận và chúng ta chờ đợi những người lãnh đạo Đảng thực hiện tốt nhiệm vụ.

Năm 2006, chúng ta phải phấn đấu có tiêu chuẩn, tiêu chí, phương pháp đánh giá cán bộ, phương pháp lựa chọn cán bộ và phải quy hoạch cán bộ một cách đàng hoàng. Đương nhiên hiện nay chúng ta đã có cán bộ lãnh đạo của Đảng, cán bộ quản lý của Nhà nước, có cán bộ KHKT. Rồi lại có những cán bộ như anh Sơn, anh Thành, chị Nga là cán bộ làm kinh tế. Nhưng không phải đưa tất cả ra làm quản lý. Tại sao chúng ta không làm nhà khoa học, kỹ thuật sống bằng trí tuệ của mình, tình cảm của mình để bước vào nền kinh tế trí thức?

Trong giai đoạn này chúng ta phải khẳng định vai trò của nền kinh tế tri thức, vai trò của các kỹ sư, vai trò của nhà kỹ thuật, của nhà tư vấn. Chúng ta đã từng cần nhiều đến vai trò của các  kỹ sư, bác sĩ. Nhưng đây là thời điểm đất nước cần thêm những nhà tư vấn giỏi, kỹ thuật giỏi. Chúng ta không có nhà tư vấn giỏi, kỹ thuật giỏi thì không thể khai thác hết tiềm năng, không bao giờ chúng ta sử dụng được tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý. Và không bao giờ chúng ta tìm ra được những giải pháp kỹ thuật để bán được sản phẩm ra thị trường thế giới.

Ai chịu trách nhiệm cuối cùng về "chất lượng con người"?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vâng! Đó là ý tưởng rất tâm huyết, mạnh mẽ! Tức là phải có cơ chế, môi trường đánh giá con người một cách hợp lý. Từ trước tới giờ nhiều người vẫn nghĩ đó là trách nhiệm của Ban tổ chức TW?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Đã từng đọc rất nhiều các bài trên báo tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quy trách nhiệm cho ai cả. Đây không phải chỉ là việc của Ban tổ chức TW mà là của tất cả các vị lãnh đạo của chúng ta, Ban tổ chức TW chỉ là một mắt xích. Và tại sao chúng ta không quy trách nhiệm cho chính chúng ta! Chúng ta có gần 3 triệu Đảng viên tại sao để tình hình như thế? Tất nhiên những người được giao lựa chọn cán bộ đều hết sức tế nhị.

Vẫn còn tồn tại tình trạng bằng giả, bằng thật, cách lựa chọn, sinh hoạt Đảng, cách bầu cử như hiện nay thì không ổn. Chúng ta cần thay đổi về phương pháp lựa chọn cán bộ, phương pháp đánh giá cán bộ. Trong lịch sử, các chế độ lựa chọn nhân tài phải ra Văn Miếu, phải thi, sòng phẳng hết. Không có người thư ký, giúp việc mà tự viết tay. Tức là ra Văn Miếu ngồi đấy, thi thật, chọn thật! Muốn làm quan phải qua kỳ thi cử này. Chọn những người phải đạt được những tiêu chí nhất định.

Thực ra điều này liên quan nhiều đến chất lượng giáo dục, đào tạo, vấn đề rất lớn. Chúng tôi rất muốn tập trung cho phần này, xây dựng đạo đức của người Đảng viên cộng sản và học các cụ về cách chọn người tài cho đất nước. Các cụ dạy rất đúng, rằng "hiền tài là nguyên khí quốc gia", chỉ có điều chúng ta có hiểu hay không thôi! Yếu kém của chúng ta trong 20 năm vừa qua là chưa sử dụng hết hiền tài của đất nước, trong cũng như ngoài nước. Một số người của Đảng, một số người chủ chốt không dám nói thẳng sự thật. Chúng ta là những người trí thức, là Đảng viên cộng sản, chúng ta phải nói thẳng nói thật. Tôi cho rằng chúng ta phải hiểu mình là ai, có trách nhiệm gì trong việc xây dựng đất nước này. Tôi có cảm giác Đảng và dân tộc chúng ta phải đổi mới hơn. Trong dân tộc có Đảng và trong Đảng có dân tộc. Chúng ta nhận thức lại, thay đổi lại để hiểu gốc rễ của dân tộc mình. Làm sao dân tộc mình đứng vững bốn nghìn năm, vẫn hiên ngang bất khuất. Tôi tin rằng chúng ta vượt lên phía trước không kém gì một dân tộc nào trên thế giới này.

GSTS Nguyễn Trường Tiến (trái) đang tham gia bàn tròn trực tuyến VietNamNet về chủ đề Những kỳ vọng với Đại hội Đảng X? (Ảnh Lê Anh Dũng)

"Bỏ phiếu tín nhiệm để cân đo cán bộ? Chỉ là hình thức!"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta có nói, đánh giá bằng bỏ phiếu tín nhiệm, qua thăm dò nhưng thực tế rất nhiều bạn đọc gửi về băn khoăn: Phải chăng phương pháp bỏ phiếu tín nhiệm có vấn đề gì không? Thông thường những người dĩ hoà vi quý không đụng chạm ai thì được tín nhiệm cao, còn người làm việc thực sự thì sẽ đụng chạm, mất lòng người khác, tín nhiệm lại không cao? Nhìn sang các nước khác, như bầu tổng thống Hoa Kỳ, phiếu bầu chỉ 50,5 % thôi đã trúng cử. Vậy cơ chế đánh giá tín nhiệm hiện nay của chúng ta có chính xác không?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, mà như chúng ta gọi là dân chủ chẳng hạn, đương nhiên đấy là hình thức để nắm bắt ý kiến của quần chúng với lãnh đạo của mình. Nhưng tôi cho rằng hình thức đó không ổn!

Tôi thừa nhận, dân chủ hay không thứ nhất phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu, ở hiểu biết và bản lĩnh của họ. Trong rất nhiều trường hợp có khi người trúng phiếu rất cao là người hiệu quả làm việc thấp. Hoặc người ta chỉ là hoạt động công tác quần chúng, công đoàn, công tác xã hội song quần chúng thấy có nhiều điểm tốt thì có thể được phiếu rất cao. Tôi cho rằng, tiêu chí "tốt" thôi không đủ mà cần những người Đảng viên làm thực sự, bản lĩnh thực sự. Lịch sử đã chứng minh rất rõ, không phải những người chỉ được thiểu số ủng hộ là sai cả đâu. Tôi nhớ cách đây 60 năm, với Quốc hội khoá I, đứng trước vận nước phải tiếp tục cuộc kháng chiến như vậy, đâu phải mọi người đều tin rằng ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ là chính xác hoàn toàn hết.

Cho nên bỏ phiếu chỉ là hình thức mà nếu chúng ta làm không tốt thì có nguy cơ trở thành một thứ giả tưởng. Nhiều khi, người ta vận động để có một lá phiếu, nếu như tôi không muốn nói là bỏ tiền mua phiếu để làm lãnh đạo. Và người ta trấn áp quần chúng "đồng chí không bỏ cho tôi thì sẽ có chuyện". Vậy nên, tôi mong muốn Đảng ta phải có phương thức lựa chọn khác. Lá phiếu chỉ là một giải pháp cuối cùng.

Người lãnh đạo trong tương lai của một bộ, ngành, tỉnh hay một cơ quan, doanh nghiệp phải tự đề xuất, rằng: "Nếu được làm lãnh đạo thì tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ phải tiếp tục học cái gì? Tôi sẽ xây dựng được cái gì? Cho tôi một khoảng thời gian để tôi thực hiện được việc ấy". Chứ không phải tôi làm tổng giám đốc, thứ trưởng, bộ trưởng thì cứ đến hẹn lại lên. Để rồi sau nhiệm kỳ tôi cũng không biết làm cái gì, đóng góp được cho đất nước, dân tộc này được cái gì tiếp theo nữa.

Cho nên, chúng ta vẫn chưa tỉnh về chuyện quen lấy chủ nghĩa tập thể chứ không trao trách nhiệm cho cá nhân người lãnh đạo. Tôi rất muốn trong nhiệm kỳ tới chúng ta phải nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của con người trước lịch sử, trước Đảng, trước dân tộc. Kiên quyết không theo chủ nghĩa tập thể, trách nhiệm tập thể. Lựa chọn tập thể, theo tôi là không ổn. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về mình. Người nào vị trí càng cao thì trách nhiệm cá nhân càng lớn. Tôi cho rằng phải quy được trách nhiệm cá nhân.   

Hình dung về những người chèo lái con thuyền dân tộc của một thời kỳ mới?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, thưa anh Trường Tiến, anh có nói là trông chờ vào các vị lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới có những đột phá, những giải pháp đưa đất nước đi lên. Vậy anh trông chờ gì, anh nghĩ gì và hình dung các nhà lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới sẽ  như thế nào?

TS Nguyễn Trường Tiến: Tôi chia sẻ với ý kiến của chị Nga, anh Sơn, anh Thành. Tôi nghĩ rằng, giống như một đoàn tàu ra khơi, bao giờ chúng ta cũng kỳ vọng ở thuyền trưởng- người chèo lái con tàu đất nước. Dân tộc mình sống rất nhân bản. Tôi mong những người cộng sản lãnh đạo đất nước trong tương lai phải hiểu rõ truyền thống lịch sử, văn hoá và nhìn vào bốn ngàn năm lịch sử để nhìn rõ con đường đi lên của đất nước. Hiện nay, tôi thấy chúng ta vẫn chưa nhận rõ được con đường này.

Tôi cũng mong muốn những người Đảng viên lãnh đạo đất nước có đủ bản lĩnh, không sợ gì. Hiện nay chúng ta vẫn vướng ở vấn đề này. Chúng ta là người cộng sản, lại có truyền thống lịch sử bốn nghìn năm, có trong dòng máu của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, mạnh dạn "mở hết" để tạo điều kiện không chỉ cho Đảng viên mà là toàn dân làm việc, toàn dân cống hiến sức khoẻ, tình cảm, tiền bạc để xây dựng đất nước.

Hơn nữa, cần mạnh dạn mở cửa, tổ chức lại các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức lại những tổ chức phi chính phủ, hội liên hiệp, hay tổ chức lại các doanh nghiệp... Người đảng viên cộng sản phải làm giàu bằng trí tuệ, công sức, tình cảm của mình thì chắc chắn đảng viên sẽ đi đầu.

Tôi luôn nghĩ người đảng viên cộng sản và người lãnh đạo đất nước phải biết cân bằng, giữa quá khứ và lịch sử, học tập cha ông mình để lựa chọn được nhân tài.

Tôi chờ đợi người lãnh đạo tương lai tập hợp được toàn bộ tiềm năng, trí tuệ của dân tộc để đi lên. Tất nhiên chúng ta đã làm được những điều đó từ trước đến nay, nhưng hy vọng, thời điểm này chúng ta sẽ phát huy được hơn nữa. Tôi cũng hy vọng diễn đàn của VietNamNet mở ra lần này sẽ giống hệt như một hội nghị Diên Hồng, chứ nếu như chúng ta chỉ mở ra có một tháng, xem ra hơi bị "thèm thuồng".

Người lãnh đạo tương lai phải có trách nhiệm, với dân tộc, với lịch sử, với trọng trách mà họ đang gánh vác. Tôi muốn chúng ta nhìn con đường đi xa hơn nữa của dân tộc. Tôi hy vọng sau ĐH X lần này, những người lãnh đạo lắng nghe và tìm ra được giải pháp để dân tộc đi xa hơn. Tôi chờ đợi và kỳ vọng vì cảm giác vận mệnh đã đến, chỉ có điều chúng ta có nắm bắt được nó hay không.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa anh Thành, như anh Tiến vừa nói thì anh ấy rất tin tưởng và kỳ vọng vào thời cơ vàng, vào vận hội của dân tộc. Còn anh, anh có kỳ vọng gì? Theo anh, những người chèo lái, nắm giữ những trọng trách lớn của dân tộc phải là những người như thế nào?

TS Lê Kiên Thành: Tôi thấy thế này: tình hình hiện nay đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư duy sáng tạo. Nếu chúng ta cứ đi theo lối mòn thì chúng ta không có cách gì thích ứng được với thực tế chứ đừng nói chúng ta nghĩ ra một con đường sáng tạo.

Tôi muốn chia sẻ điều này, Đảng ta đã làm được một việc trọng đại, đó là thống nhất đất nước. Đó cũng là thời điểm chúng ta có nhiều sáng tạo trong đường lối phát triển. Nếu trong giai đọan mới này, chúng ta vẫn cứ loay hoay với những giá trị cũ mà không hề có sự sáng tạo thì cá nhân tôi không thể kỳ vọng nổi. Cơ hội thì luôn luôn có, nhưng vấn đề là chúng ta có khả năng sử dụng cơ hội không và sử dụng nó như thế nào?

Mọi người cứ hình dung thế này, đội ngũ lãnh đạo cứ trình tự, từ cấp phường xã đi lên, rồi cấp tỉnh thì lên TW, thì rất khó có những "cách mạng", rất khó có những người tài. Đặc biệt, chúng ta đã không dám để cho những người thuộc các tầng lớp khác lên làm lãnh đạo.

Cứ lấy xuất phát điểm từ những cán bộ cấp xã. Họ là ai, phần lớn là những người không đi thi đậu ĐH ở lại làm cán bộ xã. Rồi cứ thế, từ cấp xã lên huyện, lên tỉnh.v.v... 

Có thể cách nhìn của tôi hơi phiến diện, nhưng tôi có điều kiện đi nhiều nơi, nên tôi thấy hình như đó là thực tế. Tôi rất băn khoăn là với cơ chế như thế này, chúng ta lấy đâu ra người tài, lấy đâu ra những người sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước. Cứ bình thường như thế này thì chúng ta cũng đã phát triển rồi, nhưng sẽ không bao giờ có đột phá.

"Tôi tin trong số các đảng viên của chúng ta có rất nhiều người tài giỏi, căn bản là phải biết chọn..."

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, đấy là những nguy cơ và những cái cần phải suy nghĩ lại. Nhưng còn tư duy đánh giá con người? Anh Tiến có câu chuyện gì hay trong cuộc đời của anh về việc đánh giá con người hay không?

TS Nguyễn Trường Tiến: Đầu tiên tôi là một nhà khoa học. Về sau tôi có kiêm thêm công tác giảng dạy rồi từ 16 năm nay thì tôi làm công tác quản lý doanh nghiệp. Trong cuộc đời mình tôi đã có rất nhiều câu chuyện. Tôi là người luôn luôn bị kiện, khi đem ra bầu cử tôi cũng luôn nhận được ít phiếu nhất. Có thời gian sau ĐH VI, tôi bị một đồng chí lãnh đạo kiện 3 tội: Thứ nhất là "đ/c Tiến xây dựng uy tín cá nhân cao quá. Đặt uy tín của mình lên trên cả tập thể, đấy là tội thứ nhất. Tội thứ hai gieo rắc chất xám cho nhiều địa phương, như vậy là biểu hiện của tham nhũng và cái tội thứ ba, tội chính trị. Nguy hiểm nhất là đồng chí Tiến này biết nhiều bên ngoài quá, đi nước ngoài nhiều quá, khách quốc tế đến đông quá là cấu kết với nước ngoài để âm mưu diễn biến hoà bình ở Việt Nam. 

Có thể anh Sơn lúc đấy ở trong một môi trường khác, còn như tôi vừa là Đảng viên, vừa là Phó Bí thư Đảng uỷ của Viện Nghiên cứu, là Viện trưởng Viện Nghiên cứu. Nghĩa là cũng thuộc lớp người theo tinh thần đảng viên phải gương mẫu xây dựng uy tín. Tôi cho rằng, đấy là cách đánh giá rất cũ về con người. Bây giờ, chúng ta ngại rằng trong tập thể có những người uy tín quá, hoặc lãnh đạo, thủ trưởng rất sợ người thấp hơn mình lại có uy tín cá nhân cao hơn. Và như vậy thì đương nhiên là phải tìm đủ mọi cách đẩy đi chỗ này, điều đi chỗ khác để tập hợp bên mình những người dễ bảo, dễ nghe, tức là không bị cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyền lực của mình, đẩy người có tài hay có đức... ra xa một tí. Đấy là cách làm thiển cận hoặc rất cá nhân trong việc sử dụng con người. 

Cũng giống như chuyện con gà và quả trứng thôi. Chúng ta phải có người tài thì mới dùng được người tài. Vậy thì con gà có trước hay quả trứng có trước? Muốn hay không muốn chúng ta phải có giai đoạn chuyển tiếp.

Tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi suy nghĩ từ cấp cơ sở. Muốn chọn lựa được những người khác lên, phải chọn từ cấp cơ sở, cấp cơ quan, cấp xã rồi huyện, rồi tỉnh.v.v... phải tuần tự. Phải có sự kiểm tra, kiểm soát, luôn luôn có quá trình đào tạo và thử thách họ. Đấy chính là một quá trình minh bạch trong đánh giá họ. "Nói" là một chuyện nhưng phải có kết quả cụ thể. Kết quả cụ thể ấy cố gắng đong được, đếm được, đo được bằng những ứng xử của họ với quần chúng, ứng xử của họ tổ tiên, với văn hoá, ứng xử của họ với những câu chuyện đời thường. Tôi cho rằng, không phải ngẫu nhiên trong kháng chiến và ngay cả khi hoà bình lập lại, cụ Hồ Chí Minh luôn có quan điểm kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân: phê và tự phê. Tôi cho rằng đấy là cuộc đấu tranh của từng con người một để tự thấy phải trung thực với mình hơn, trách nhiệm với mình hơn.

Với nhiều người, như anh Đoàn Nguyên Đức chẳng hạn, tôi không biết họ có phải là đảng viên hay không nhưng họ đã tạo nên được cơ ngơi đáng nể. Vậy họ là người rất có tài. Trong tương lai, tôi rất mong họ trở thành đảng viên và lãnh đạo trong hàng ngũ Đảng. Hay như anh Đặng Lê Nguyên Vũ - Giám đốc Cà phê Trung Nguyên, anh Thắng của Đồng Tâm chẳng hạn. Họ hoàn toàn xứng đáng để nhiệm kỳ tới có thể tham gia vào Đảng, vào Ban Chấp hành và nếu có thể, họ sẽ trở thành một ông Thủ tướng để lãnh đạo kinh tế, hoặc làm Bộ trưởng một Bộ nào về lĩnh vực kinh tế, hoặc Chủ tịch một tập đoàn kinh tế nào đấy chẳng hạn?  Tôi cho rằng chúng ta rất cần một người lãnh đạo biết  đưa ra những quyết định đúng lúc và có bản lĩnh.

Tôi cho rằng, một trong những thất thoát, lãng phí lớn nhất của đất nước chúng ta hiện nay là việc chúng ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hợp lý, sử dụng tài nguyên con người không hợp lý và rất nhiều quyết định của chúng ta đưa ra không dựa trên tính chuyên nghiệp, không dựa trên cơ sở chắc chắn của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Và nhiều lúc rất cảm tính. Đại hội X sắp tới nên đặt ra những vấn đề đó...

Ông Bạch Minh Sơn: Nếu lãnh đạo đưa ra những quyết sách sai thì rất có hại cho nền kinh tế...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Những câu chuyện như anh Tiến vừa kể xảy ra chắc là đã lâu lắm rồi. Ngày hôm nay, những chuyện đánh giá theo kiểu quy chụp như vậy chắc không còn nữa.

TS Nguyễn Trường Tiến: Tôi nghĩ rằng ở đâu đó  vẫn có thế còn xảy ra. Bởi vì nó phụ thuộc vào trình độ của tổ chức cơ sở Đảng ở đó. Cho nên tôi vẫn muốn nói rằng, có rất nhiều khái niệm, rất nhiều những định nghĩa và chúng ta hiểu thế nào về những khái niệm, định nghĩa ấy, rồi chúng ta ứng xử với nó ra sao? Thế nào là diễn biến hoà bình, thế nào là uy tín cá nhân trên uy tín tập thể?

Lúc được rất nhiều các đồng chí hỏi tới thì tôi bảo, tôi rất mong muốn trong Đảng viên chúng ta nhiều người có được uy tín cá nhân để làm việc. Hơn nữa, bản thân tôi là một nhà khoa học, tôi có cơ hội giao lưu với rất nhiều các cán bộ KHKT của quốc tế và tôi cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của họ, sách vở tài liệu của họ, tiền bạc công nghệ của họ để làm giàu cho đất nước mình. Thứ ba, tôi rất muốn đi vào thực tiễn cuộc sống, đi xuống các tỉnh, các huyện giúp cho người ta, xây nhà tình nghĩa, giúp chuyển giao, ứng dụng KHKT công nghệ vào sản xuất. Khi ta lăn mình vào quần chúng, ta sẽ tìm ra được lời giải: làm sao chúng ta xoá đói giảm nghèo nhanh? Chúng ta cứ kêu gọi xoá đói giảm nghèo thì người cộng sản phải đi tiên phong trong công cuộc đó bằng trí tuệ, nhân cách và đạo đức của người đó.

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi rất đồng tình với ý kiến rằng, chúng ta cần những người lãnh đạo tài giỏi, có trí tuệ, bản lính và dám chịu trách nhiệm. Nhưng nếu quy trình tuyển chọn người tài của chúng ta vẫn cứ trình tự đi từ dưới lên, từ các cấp cơ sở lên đến Trung ương thì rõ ràng rất chậm chạp. Tôi nhớ đến trường hợp hiếm hoi của Putin. Rõ ràng, trước khi Putin lên làm tổng thống, không ai nghĩ ông ta lại tài giỏi đến như thế. Tôi tin trong số các Đảng viên của chúng ta có rất nhiều người tài giỏi. Nếu biết chọn và đưa được đúng người tài vào vị trí để họ phát huy thì sẽ khai thác được họ ngay.

"Tìm người tài cho vị trí đứng đầu? Phải đủ thông tin và minh bạch!"

Ông Bạch Minh Sơn: Thực ra, có rất nhiều cách để chọn người tài vào một vị trí lãnh đạo nào đó. Nếu như chúng ta chỉ ''một mình một chợ'' thì việc lấy ý kiến quần chúng là để xem có khuyết điểm hay không chứ không phải để chọn người tài. Giả sử chúng ta có ngay vị trí nào đó mà quần chúng được lựa chọn thì mới có giá trị lớn. Tôi nghĩ những cuộc lấy ý kiến quần chúng mà không có người thứ ba làm trọng tài thì lấy ý kiến quần chúng như kiểu ''mẹ mắng con'' không có ý nghĩa gì trong câu chuyện này.

Thực ra, việc khó nhất cho các tổ chức Đảng là khó bầu được người tài thực sự ở những vị trí cao nhất. Bởi vì chi bộ chỉ biết đến thế thôi. Làm sao chúng ta đủ thông tin để biết ai thật sự tài, sáng tạo, có can đảm. Không đủ thông tin để biết ai đủ điều kiện như vậy. Cách bầu cứ theo hệ thống của chúng ta, cấp nọ bầu cấp kia, anh nọ nhìn anh kia, thậm chí có hiện tượng nể nang nhau nữa. Cứ thế người ta bầu lên chứ không tìm được người thực tài.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Không tìm được người tài cho đất nước là mối nguy. Chúng ta đang nói những điều chưa hoàn thiện và lo lắng nhất là làm sao thu phục, phát huy được người tài, tạo cơ chế môi trường để tự người tài thể hiện, tức là có đất cho người ta dụng võ và bật lên dược.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Vị trí của Đảng cực kỳ quan trọng vì Đảng lãnh đạo đất nước, Đảng cầm quyền. Nhưng người được chọn ra chưa phải tài nhất trong hệ thống Đảng của chúng ta hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Mà có lẽ trưng cầu dân ý ở VN thì không có ai có thể phủ nhận được vai trò lãnh đạo của Đảng.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Phải chọn được những người tài nhất vào Đảng thì đất nước sẽ được nhờ. Vấn đề là như vậy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy cơ chế nào, cách thức nào để người tài có đất dụng võ. Trước ĐH X của Đảng lần này, chúng ta có kiến nghị  gì để Đảng suy nghĩ đề ra được chính sách?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Đất nước chúng ta hiện nay không chấp nhận đa đảng. Tất nhiên không có 2 đảng để đưa 2 tổng bí thư ra tranh cử lãnh đạo đất nước. Nhưng trong Đảng có thể làm được việc chọn một số nhân vật xuất sắc để cho Đảng viên trực tiếp bầu thì vấn đề sẽ khác. Nhưng phải đủ thông tin cho mọi người hiểu về những ứng cử viên ấy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tức là công khai, vận động tranh cử đàng hoàng?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Hiện chúng ta có những cơ chế, những nguyên tắc bí mật riêng của Đảng mà những Đảng viên, quần chúng bình thường không được biết. Mà chỉ ở cấp nào đó mới biết những thông tin như thế. Rõ ràng Đảng viên không thể bầu trực tiếp được người giỏi nhất. Nhưng nếu có cơ chế nào đó cho 2-3 vị đứng lên tranh cử, đưa cương lĩnh hành động, để cho Đảng viên biết thông tin và trực tiếp bầu thì câu chuyện sẽ khác.

"Nhưng quy hoạch ai thì người đó dễ bị "đánh"?"

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi hoàn toàn chia sẻ với anh Thành và mọi người. Cách đây 21 năm lúc tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Thuỵ Điển thì xảy ra vụ ám sát Thủ tướng nước này. Ông Phó Thủ tướng cùng thuộc Đảng Xã hội Dân chủ với ông Thủ tướng vừa bị ám sát đã được đề nghị lên thay. Ông này phát biểu rất công khai trên báo chí là 2 người đã được đào tạo tương ứng là Thủ tướng và Phó Thủ tướng, không bao giờ ông ấy nghĩ sẽ làm Thủ tướng cả. Bởi vì Đảng đã đào tạo, quy hoạch 20 năm rồi.

Tôi rất tò mò nên đã đi đi tìm hiểu xem họ đào tạo kiểu gì. Hai người đều tốt nghiệp ĐH. Sau đó tiếp tục sang Mỹ học. Họ vừa học vừa làm, tự kiếm sống. Họ đều học làm kinh tế, học quản lý, học tổ chức, sau đó, Đảng phân công một ông làm quan chức ở bộ, một ông làm công tác đoàn thanh niên. Sau này họ mới biết rõ 2 người được đào tạo thành Phó Thủ tướng và Thủ tướng. Cho nên sau vụ ám sát ấy ông Phó Thủ tướng tuyên bố rằng ông chưa chuẩn bị để làm Thủ tướng.

Vừa rồi tôi thấy ông Trần Đình Hoan (Trưởng ban Tổ chức TW Đảng) có nói, cứ ai quy hoạch thì bị ''đánh'' ngay. Đấy là một chuyện. Nhưng có thể là quy hoạch làm tổng giám đốc, quy hoạch làm bộ trưởng nếu chúng ta làm đúng, đào tạo đúng, cho họ thử thách. Ví dụ như Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trưởng thành từ nghề kỹ sư. Họ phải làm công tác tham mưu, lãnh đạo kinh tế, họ phải đi khu tự trị. Tức là họ phải thể hiện đã. Tôi thấy là họ có kiến thức, có năng lực, sức thuyết phục rất cao.

Quay lại câu chuyện chọn người tài, tôi cho rằng trước hết phải minh bạch. Tức là mọi người dân đều có quyền tiếp cận với bất kỳ thông tin gì. Nếu không có thông tin tôi chả biết giới thiệu, bầu cho ai. Cái yêu cầu cao nhất là phải minh bạch.

TS Lê Kiên Thành: Tôi có nói thế giới của chúng ta thu nhỏ lại như một khăn mùi xoa. Cho nên người ta nói thông tin là quyền lực. Có thông tin minh bạch thì mới thực hiện dân chủ được. Cho nên anh Sơn, chị Nga không nói thì tôi biết ai là ai?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Tôi biết hiện nay đại bộ phận dân chúng rất bức xúc muốn biết lãnh đạo cao cấp, Tổng bí thư, Thủ tướng là ai? Có một bộ phận nhân dân cùng bàn qua nhiều. Tôi khát vọng, kỳ vọng rất nhiều. Bầu cử cho ĐH Đảng toàn quốc là một công việc hệ trọng. Bởi vì trong các Đảng viên vào Ban chấp hành TW, làm Tổng bí thư, bộ trưởng đương nhiên phải chọn những người thực sự có tài đức.

Một xã hội phát triển thì phải chuyên nghiệp hoá. Hiện nay chúng ta đang hành chính hoá mọi chuyện. Nhưng tôi nói rằng chúng ta đang quyền lực hoá mọi chuyện. Chúng ta có thể đưa 50% cán bộ quản lý đi làm kinh tế, đi làm giàu cho đất nước và tăng lương cho những người còn lại. Tôi nhớ khi Tổng Bí thư Giang Trạch Dân lên nắm quyền đã tổ chức lại bộ máy chính quyền. Họ dũng cảm đưa Đảng viên cộng sản đi làm quản lý, làm doanh nghiệp. Ai không đủ trình độ thì đưa đi đào tạo. Có dịp đi Trung Quốc, tôi thấy các giáo sư, nhà khoa học giỏi nói tiếng Anh rất thạo. Tôi có hỏi: ''Bạn học ở đâu, như thế nào?'' Họ bảo: ''Không! Năm 1976 chúng tôi được quyền đi nước ngoài để học tiếng Anh, học máy tính và học chuyên ngành''. Chúng tôi được nhà nước chu cấp cho 1-5 năm học tập. Sau đó nếu giỏi thì học tiếp còn không giỏi thì học được tiếng Anh, máy tính và đưa được đống tài liệu về để thay đổi giáo trình giảng dạy.

Tôi vẫn muốn nói lại, chúng ta phải có cơ chế, một chiến lược, một kế hoạch lựa chọn những người hiền tài, nhân tài hay thiên tài để lãnh đạo đất nước chúng ta. Chúng ta không làm được ở nhiệm kỳ này thì chúng ta làm ở nhiệm kỳ tới.

"Sao trẻ con thế, 24 - 25 tuổi cha đã là Ủy viên Bộ Chính trị"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng ĐH Đảng lần này đang đặt ra vấn đề đó?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Chúng ta phải đặt ra. Tôi nghĩ chúng ta phải có suối, suối thành sông, sông thành biển cả. Như VietNamNet bước đầu khơi suối thành sông. Không có suối thì không có sông, không có sông thì làm gì có biển cả.

Tôi ước mơ người lãnh đạo cao nhất của mình ''ra gió không sợ ốm'', đủ bản lĩnh để tường minh mọi chuyện. Giải thích mọi chuyện cho dân thấy rằng giữa Đảng và nhân dân, giữa Đảng và dân tộc không có khoảng cách. Đảng là dân tộc, dân tộc là Đảng, Đảng tin dân, dân tin Đảng. Con người chúng ta phải có 3 điểm tựa: Một là trí tuệ, hai là văn hoá, ba là sức khoẻ thì mới làm việc được. Nhìn về phía trước tôi cho rằng chúng ta phải hết sức tử tế với nhau, trung thực với nhau, thật thà với nhau. Với trí tuệ, văn hoá, sức khoẻ, tình cảm ấy chúng ta lựa chọn người lãnh đạo. Tôi cho rằng dân mình thông minh lắm! Tôi tin rằng đến một lúc nào đó dân tộc mình sẽ có nhân tài để đưa đất nước đi lên như lịch sử đã chứng minh.

TS Lê Kiên Thành: Nhân chuyện này tôi cũng nói thêm: Khi bầu chiến sỹ thi đua, thì người lãnh đạo chỉ cần tô điểm cho người này người kia - tức là đã đưa ra rồi thì không cách gì để lựa chọn khác. Quốc hội của chúng ta, có vẻ như đang dân chủ hơn, đã quyết định được nhiều vấn đề. Thế nhưng, phải thấy rằng nếu như một đại biểu tận trên Sơn La thì làm sao có thông tin về những người được QH bầu để biểu quyết những vấn đề lớn. Rất dễ xảy ra chuyện là trên bảo sao thì dưới làm như vậy!

Hiện nay tôi cho rằng dân chủ trong Đảng chúng ta còn nửa vời. Một mặt do cơ chế không cho phép. Thứ hai là trình độ chưa cho phép. Bầu bán, lấy ý kiến thế thôi nhưng người ra quyết định cuối cùng vẫn là Ban tổ chức hoặc những người làm công tác tổ chức. Nếu "anh" được chọn thì tên anh sẽ có trong danh sách. Nếu có 2 ứng cử viên chức Thủ tướng mà cả 2 đều chung mục đích đưa đất nước đi lên thì không việc gì chúng ta lại phê bình cương lĩnh của ông này phù hợp, ông kia là không. Có lẽ do tư tưởng chúng ta giữ đoàn kết nên không dám làm chuyện đó?

Còn chưa làm được chuyện đó thì không cách gì chúng ta chọn được người tài đưa vào vị trí mà chúng ta mong muốn. Chúng ta thường chứng kiến cảnh, cấp trưởng đi thì cấp phó lên. Cấp tỉnh từ cấp huyện lên. Cứ thế mãi mãi nếu như không có người nào đó trong ban lãnh đạo mới này dũng cảm, thay đổi được cách làm này đi. Tôi thấy ở nước ngoài có cái hay: 40 tuổi làm tổng thống, nhưng 80 tuổi làm tổng thống cũng là điều bình thường.

Còn chúng ta, những người 70 tuổi tất nhiên còn làm được việc nhưng cho những người 40-50 tuổi là trẻ quá. Chính chúng ta mang tiếng là những người cách mạng nhưng cách nghĩ đó không cách mạng tí nào. Nó hoàn toàn mang tính bảo thủ. Tôi hy vọng đến lúc nào đó Thủ tướng của chúng ta chỉ 30-40 tuổi thôi, tất nhiên phải có năng lực. Tôi thấy nước Anh và những nước khác có cơ chế để người trẻ tuổi có thể bước vào những vị trí lãnh đạo.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Rõ ràng chúng ta có nhân tài. Nhưng vấn đề là có phát hiện và sử dụng hay không?

TS Lê Kiên Thành: Chắn chắn là có nhưng không được đặt đúng vị trí. Rõ ràng có Đảng viên 30 tuổi bảo rằng mình có thể làm được Tổng bí thư nhưng khó có cơ hội cho anh ta làm được việc ấy. Với cơ chế hiện nay thì làm sao anh có thể lên được vị trí ấy! Rõ ràng người ta chứng minh làm được gì cho đất nước, khả năng có thể làm được, nhưng ai chấp nhận anh?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Quay trở lại vấn đề đánh giá con người, các anh có cho rằng chúng ta cần có một tư duy mới để đánh giá con người hay không? Trước đây đi ra nước ngoài dễ bị các cơ quan quản lý để ý, nhưng mà  bây giờ, trong hoàn cảnh đất nước đang chuẩn bị hội nhập toàn diện với thế giới, tôi nghĩ phải có cách nhìn khác. Anh Thành, anh nghĩ về vấn đề này như thế nào?

TS Lê Kiên Thành: Tôi nghĩ rằng vấn đề đánh giá con người mà chúng ta vẫn dựa trên nền tảng hơi bị cũ thì sẽ rất khó. Lúc ông cụ tôi còn sống, nếu tôi có làm việc gì đó sai thì ông mắng tôi là "tại sao con trẻ con thế? Ba bằng tuổi con ba đã là Uỷ viên Bộ Chính trị rồi" Hồi đó  đó tôi mới 24, 25 tuổi.

Tôi mới bảo là: "con cũng muốn làm như vậy nhưng bây giờ làm Trưởng phòng còn không được nữa là". Vậy khi nào có người lãnh đạo trẻ, chẳng nhẽ chỉ có người lãnh đạo trẻ khi đất nước có cuộc cách mạng hay sao? Bởi vì chúng ta chỉ có những người rất trẻ như là thời ông cụ khi chúng ta làm cuộc cách mạng, bây giờ trong thời điểm mà Đảng cầm quyền như thế này, làm cách nào chúng ta có được những cán bộ trẻ, có lẽ không phải cuộc cách mạng giành chính quyền mà buộc phải có cuộc cách mạng về tư tưởng. Chỉ khi nào chúng ta làm được điều đó, chúng ta mới có được những người lãnh đạo giỏi và trẻ.

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi nhìn thấy một nguy cơ lớn hơn nhiều, đấy là những người mua chức. Mà như vậy sẽ hết sức nguy hiểm cho dân tộc, cho đất nước. Để giành cái vị trí nào đó, quyền lực nào đó, người ta bỏ tiền ra khá nhiều và người ta đã nói đến con số hàng tỷ để leo lên một vị trí cao. Con số đó hãy kiểm tra đi và nếu đúng như vậy, với những Đảng viên như vậy thì phải khai trừ ngay lập tức chứ đừng nói đến chuyện đề bạt. Bởi vì đó là những con mọt làm mục ruỗng đất nước, đó cũng chính là mầm mống của sự tham nhũng, chẳng có gì khác nhau cả. Con số này theo tôi nghĩ không phải là ít mà nếu khui ra thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được. Chúng ta hãy loại nó ra càng sớm càng tốt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Căn bệnh chạy chức chạy quyền thì xã hội đã nói rồi và nhiều người cho rằng lỗi của hệ thống tổ chức. Các anh thấy thế nào? 

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi nghĩ lỗi không phải là của hệ thống tổ chức mà là lỗi của cả lãnh đạo từng cơ quan cụ thể như câu chuyện PMU 18 vừa rồi là một ví dụ; khi khui ra thì lỗi thuộc về cả một đường dây, một quá trình mua bán chức tước, rất rõ. Phải đến khi thành án người ta mới thấy, chứ còn thực tế thì rất nhiều. Trong nhân sự ĐH X lần này, nếu ai đó có ý định tiến thân bằng cách mua chức tước thì tôi nghĩ tốt nhất nên loại bỏ ngay từ đầu.

TS Nguyễn Trường Tiến: Hiện giờ, tôi thấy chuyện mua chức danh, quyền lợi hay là mua bằng cấp đã thành chuyện quá phổ biến. Chúng ta đang đối chọi, đang nêu cao văn hoá dân tộc nhưng mà thực chất bây giờ là văn hoá phong bì. Chúng ta cứ bảo là chúng ta phải chuyên nghiệp hoá nhưng thực ra chúng ta đã quyền lực hoá mọi chuyện. Nên tôi vẫn nghĩ rằng, chúng ta vẫn phải xây dựng được một hành lang pháp lý, một sự kiểm soát tốt. Nghĩa là, chúng ta có thể một Đảng nhưng chúng ta đang rất thiếu cơ chế để kiểm soát được, mà ở đây là kiểm soát về con người, kiểm soát về đạo đức của họ, về ứng xử của họ. Tôi cho rằng, cách kiểm soát tốt nhất, đương nhiên là muốn khắc phục được tham nhũng, hoàn toàn phải phụ thuộc vào tu dưỡng đạo đức, vào sự tự nguyện của con người.  

Còn vấn đề thứ hai trong câu chuyện biến chất đạo đức, của suy thoái, của mua chức, mua quyền. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi mà lâu nay chúng ta vẫn nói là "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Tuy đã làm nhưng tôi cho là đến nay vẫn chỉ là hình thức. Ngay cả câu chuyện viết bản tự kiểm tra, cũng vẫn chỉ là hình thức. Bởi vì tổ chức của chúng ta thường không có thông tin, họ không biết, không đủ bản lĩnh để nói thẳng nói thật, hoặc những người lãnh đạo ấy rồi cũng chỉ ăn theo, nói leo thôi.

"...Giải phóng sự gò bó bằng trí tuệ"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều bạn đọc nói rằng, chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử lớn, đang mở ra những  thời cơ mà như nhiều học giả gọi là "thời cơ vàng". Nếu không biết chớp lấy nó để bật lên thì rõ ràng rất lãng phí và đi kèm với nó sẽ là hiểm hoạ. Bởi thời cơ luôn đi kèm thách thức.

Quay trở lại câu chuyện của anh Thành, anh là con của một vị lãnh tụ cách mạng, một vị học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà trong những giai đoạn khó khăn, những thời điểm bước ngoặt của đất nước đã có những quyết sách rất đúng đắn. Điển hình là TBT Lê Duẩn đã có những quyết sách để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi cũng được biết vào thời điểm đó đã có rất nhiều trở lực trong và ngoài nước. Anh có thể chia sẻ những bài học mà với tư cách một người con, anh có quan sát thấy rằng trong thời điểm bước ngoặt ấy, cha anh đã có những suy nghĩ, những trăn trở gì? Ông đã có lúc nào đắn đo trước khi tung ra những quyết định như vậy?

TS Lê Kiên Thành: Tôi rất nhớ những câu chuyện mà ông cụ đã kể lại. Theo tôi hiểu, mục đích thống nhất đất nước là mục đích chung của cả dân tộc, không hề có ai ngăn trở, đó là mong muốn của tất cả những người VN. Nhưng ở vào thời điểm đó, Liên Xô và Trung Quốc đã khuyên mình rằng, việc đó chưa thể làm được vào thời điểm này, nếu làm, thậm chí có khả năng mất đi cả miền Bắc và còn có khả năng gây ra chiến tranh thế giới thứ III. Trước ý kiến đó của hai người bạn lớn, trong nội bộ Đảng chúng ta cũng không thống nhất, với nhiều ý kiến khác nhau, cũng có những ý kiến cho rằng chúng ta không nên cục bộ mà phải nhìn toàn bộ, rằng đó là ý kiến rất sắc bén, là xu thế của thời đại do Đảng cộng sản Liên Xô hồi đó đưa ra - xu thế hoà giải. Nếu chúng ta làm cuộc kháng chiến thì có nghĩa là xu thế đó không đúng, phủ nhận lý tưởng tiến bộ.

Ông cụ có kể lại, trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, ông có nói với Bác rằng, thưa Bác, trong công cuộc giải phóng miền Nam, chúng ta phải không được sợ Mỹ, thứ hai, chúng ta không được sợ Trung Quốc và Liên Xô. Có như thế, chúng ta mới làm được. 

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần vận dụng trí tuệ để giải phóng khỏi sự gò bó, để tìm ra con đường phát triển. Đây là thời điểm phải nhìn thấy con đường đi lên của đất nước, nếu không chúng ta mãi mãi là những người đi sau. Trí tuệ VN, bằng cách nào đó, tìm ra con đường đi lên hạnh phúc. Đó là con đường nào, những người lãnh đạo ở ĐH này phải cảm nhận được và nhìn ra. Trong ĐH X lần này, nếu ai đó có đủ trí tuệ, tầm nhìn thì hãy đứng ra gánh vác trọng trách này, thay vì cắm cúi nghiên cứu các sách kinh điển, so sánh điều này điều kia. Bởi, thực tế cuộc sống bây giờ đã khác xa lý thuyết rồi. Trong chủ nghĩa Mác có đề cao tính biện chứng. Đến thời điểm này, các nhà lãnh đạo  cần tìm thêm những lý thuyết khác để phục vụ cho phát triển xã hội.  

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chị Nga thì sao? Chị suy nghĩ thế nào về con đường cha anh đi trước?

KTS Lê Thu Nga: Có một diễn đàn trên báo Văn nghệ mà tôi đã đọc từ rất lâu, bàn về việc tại sao mình lại có thể dễ dàng chiến thắng đế quốc Mỹ trong điều kiện vũ khí thô sơ còn kẻ thù thì hiện đại đến thế?

Kiến trúc sư Lê Thu Nga tại Toà soạn VietNamNet phía Bắc. (Ảnh Lê Anh Dũng)

Như anh Thành đã nói. các chiến sĩ cách mạng của mình ở thời điểm ấy rất giầu đức hy sinh. Họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình, hy sinh bản thân mình, vì nghĩa lớn của dân tộc, để có một đất nước hoà bình và ổn định ngày nay, dẫu rằng còn nhiều gian khó. Nếu tất cả chúng ta, mỗi ngưòi Đảng viên, mỗi người dân, cũng như các chiến sĩ cách mạng ngày đó, cũng biết hy sinh quyền lợi của mình, quên đi những mong ước cá nhân vì một sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, thì việc chúng ta có thể kỳ vọng vào một sự đột phá đổi mới, tôi nghĩ cũng là có cơ sở để tin tưởng.
 Thế hệ chúng tôi, và cả thế hệ trẻ bây giờ nữa, chắc chắn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc nếu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi họ có bản lĩnh để nhận thức được việc mình đứng trong hàng ngũ của Đảng là để hy sinh vì sự nghiệp lớn, vì nhân dân? Nhưng bây giờ, tôi cho rằng mong ai đó nghĩ đến chuyện sẽ phải hy sinh mình cho một sự nghiệp chung rõ ràng là một điều rất khó. Mọi người thường cho rằng chúng tôi là con em của cán bộ cao cấp, được đãi ngộ và ưu ái, thì không biết đến những từ này. Nhưng, với tôi, sống và cống hiến là hai từ mà Cha mẹ đã trang bị cho chúng tôi. Tôi đã từng cùng bạn bè, đồng nghiệp mang hết tâm sức, trí tuệ cho một công trình, một dự án, dẫu có vất vả, khó khăn, nhưng sự hài lòng và thỏa mãn, sự sung sướng vì được cống hiến còn hơn nhiều lần sự sung sướng vì vật chất, và nhất là khi lại làm cho ai đó những việc có ý nghĩa. Đây là thời điểm để cả dân tộc cất cánh

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian để chúng ta trao đổi cũng đã khá lâu, hơn 2 tiếng đồng hồ. Xin dành ý kiến cuối cùng của bàn tròn hôm nay cho anh Lê Kiến Thành. Anh có kỳ vọng gì vào ĐH này? Sau những thảo luận vừa qua, anh có tin tưởng là Đảng sẽ lắng nghe và trong ĐH sắp tới, sẽ thảo luận đến nơi đến chốn những vấn đề mà người dân đã góp ý cho Đại hội. Anh có tin rằng, chúng ta sẽ đột phá đi lên được hay không?

TS Lê Kiên Thành: Tôi tin là đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện nhân tố mới. Tôi rất mong những nhân tố đó, những cơ hội đó sẽ xuất hiện trong vòng vài năm tới. Tôi chỉ dựa trên cái gọi là truyền thống dân tộc. Nếu như gọi đây là bước ngoặt của dân tộc thì chắc chắn, dân tộc ta cũng sinh ra những nhân tố đó. Nếu đây là thời điểm để dân tộc ta cất cánh thì tôi cũng hy vọng rằng, chúng ta sẽ có một lớp người đưa nước ta đi lên phía trước. Đấy là ý kiến của cá nhân tôi

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, cám ơn anh. Vì thời gian có hạn nên bàn tròn VietNamNet xin được kết thúc ở đây. Cám ơn nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đến tham gia bàn tròn hôm nay...

Và lúc này, tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu tiễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Nam, có lẽ rất đúng trong hoàn cảnh hiện nay: "Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ. Hơn nghìn trang giấy luận văn chương. Đi đi! Non nước chờ anh đó..". Tôi nghĩ, có lẽ lúc này chúng ta không nên tranh luận về lý luận, lý thuyết nhiều quá. Chúng ta - tất cả Đảng viên, mỗi Đảng viên, quần chúng hãy làm cái gì đó bằng thực tiễn để có thể tạo ra một cơ chế, môi trường, tập hợp và khai thác tốt nhất tài nguyên thiên nhiên đất nước, khai thác tốt nhất tiềm năng con người. Mong sao tất cả những nhân tài, những trí tuệ, tinh hoa của đất nước quy tụ trong Đảng và trở thành linh hồn lãnh đạo của Đảng. Hy vọng Đảng sẽ lắng nghe và tiếp thu những ý kiến tâm huyết của quần chúng nhân dân dành cho ĐH X của Đảng.

Đó là hồng phúc của dân tộc.

Xin cám ơn!

  • VietNamNet
,
,