Bài 2:

Biết bị lừa vẫn ’chui đầu vào rọ’

Cập nhật lúc 08:53, 22/07/2010 (GMT+7)

- Điều đáng nói là một số người khi tham gia Câu lạc bộ Du Khách của DHT mặc dù biết bị lừa nhưng vẫn tiếp tục đóng tiền tham gia.

TIN LIÊN QUAN

Tham gia chỉ để nhận tiền thưởng

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong nhiều tháng hoạt động tại Việt Nam, DHT chưa từng tổ chức bất kỳ một chuyến đi du lịch nào cho những du khách đã đăng kí vào Câu lạc bộ Du Khách.

Anh T.V.Thành do có một số bạn bè tham dự nên có cơ hội được đi theo tới một buổi họp của CLB tại Quảng Ninh. Anh Thành cho biết, những người tham gia vào câu lạc bộ phần lớn đều nhận thức được mức độ “mạo hiểm” khi tham gia “trò chơi”. Ngoài việc có thể mất trắng toàn bộ số tiền 325 USD nộp ban đầu, người chơi còn vô tình tiếp tay cho một tổ chức không có lai lịch cũng như giấy phép kinh doanh rõ ràng hoạt động một cách phi pháp.

Mô tả ảnh.
Một mẫu đơn đăng ký CLB Du Khách của DHT.

Để minh chứng cho thông tin mình đưa ra, anh Thành rút điện thoại gọi cho một người tên Trang. Qua đường dây điện thoại, người này cho biết đã đóng số tiền lên tới 17.000 USD để tham gia vào CLB. Ngoài việc nộp tiền cho mình người phụ nữ này còn nộp cho cả gia đình.

Anh Thành còn cho biết thêm việc đóng tiền diễn ra khá phức tạp. Bất kỳ người nào mới tham gia đều phải qua các “chân rết” mới được đóng tiền. Việc đóng tiền thường được diễn ra tại một địa điểm nằm ở ngoại thành Hà Nội.

Nhập nhằng địa chỉ “ma”

Mặc dù được quảng cáo khá rầm rộ nhưng qua tìm hiểu trên trang web của công ty, chúng tôi không hề tìm thấy bất kì một địa chỉ nào để liên hệ. Trên trang chủ chỉ có một vài số điện thoại liên hệ tại Hồng Kông. Ngoài ra cũng có thể nhận thấy tài khoản cá nhân của những người tham gia được cập nhật liên tục nhưng thường có địa chỉ ở các nước như Mexico, Indonesia. Brazil...

Mô tả ảnh.
Cảnh giác trước những hình thức lừa đảo tinh vi trên mạng. Ảnh minh họa, nguồn internet
Được biết, trước đây DHT cũng đã từng quảng cáo trên mạng internet rằng mọi người khi tham gia vào “Câu lạc bộ Du Khách” hoặc “Vừa đi du lịch vừa kiếm tiền” có thể liên lạc với tập đoàn đầu mối của DHT tại địa chỉ như: Công ty Ứng dụng công nghệ mới Khương Trung, Thanh Xuân hoặc số 28 Liễu Giai, Ba Đình nhưng các địa chỉ này đều không có thật.

Dò hỏi một số người tham gia vào tổ chức của DHT về trụ sở chính thức của công ty tại Việt Nam nhưng họ đều đưa ra những lí do để từ chối như công ty đang sửa văn phòng nên chưa có chỗ làm việc mới hay đang trong quá trình xin giấp phép nên chưa có văn phòng chính thức.

Kết thúc bằng ’bài chuồn’

Đây không phải là lần đầu tiên những hoạt động kinh doanh kiểu như thế này diễn ra. Trước đây đã có vài trường hợp các công ty lợi dụng nhiều danh nghĩa khác nhau, tạo ra các hình thức khuyến mãi, quyền lợi hấp dẫn để dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia.

Với hình thức lấy tiền người tới sau để trả cho người tới trước rồi đến một thời điểm nhất định nào đó, khi đã huy động được một số tiền lớn thì bỏ trốn. Theo một số chuyên gia, các hình thức kinh doanh này thường lợi dụng mạng internet để làm phương tiện.

Các tổ chức này thường không có giấy phép kinh doanh, mọi khoản thu đều không rõ ràng, điều này là vi phạm pháp luật. Một số người nhận định hình thức kinh doanh trên không thực chất diễn ra theo kiểu bán hàng đa cấp mà là một hình thức huy động vốn không có lãi suất. Nếu chỉ nhìn vào các yếu tố giá rẻ hoặc lợi nhuận cao thì rất dễ sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Về vấn đề này, được biết Tổng cục Du lịch cũng đã nhận được nhiều phản ánh về việc các cá nhân, tổ chức sử dụng mạng internet để mời khách đi du lịch rồi tham gia vào các hoạt động nhằm lôi kéo những người khác tham gia để hưởng hoa hồng.

Qua đó Tổng cục cũng đã có văn bản đề nghị các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp lữ hành quốc tế phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hoạt động kinh doanh du lịch trái phép theo dạng đa cấp nói trên.

  • Th.Anh

Ý kiến của bạn

Các tin khác