Cạm bẫy từ những công việc hấp dẫn
- Chuyện các công ty lừa tuyển dụng, giới thiệu việc làm ảo để lấy tiền môi giới trên thực tế không hiếm gặp. Đã có nhiều trường hợp tốn không ít tiền môi giới việc làm nhưng vẫn hoàn toàn thất nghiệp. Hè sắp về, các bạn sinh viên mong muốn tìm được một công việc làm thêm dịp hè cần cảnh giác.
Lừa đảo tiền môi giới, bổn cũ soạn lại
T.X.Lâm là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lâm xem thông tin trên 24h.com.vn, thấy có một công ty thương mại đăng tuyển nhân viên bán hàng làm bán thời gian, hoặc theo ca với mức lương 3 triệu VNĐ + thưởng, Lâm liền gọi theo số điện thoại ghi trên trang tuyển dụng thì được gặp một người tên là Hiếu.
Qua cuộc nói chuyện trên điện thoại, người tuyển dụng hẹn Lâm đến văn phòng tại ngõ Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, khi đi nhớ mang theo CMND để nhận việc luôn. Lâm rủ một người bạn tìm đến địa chỉ văn phòng. Đến nơi, cả hai mới té ngửa vì đây chỉ là một văn phòng môi giới việc làm.
“Nhà tuyển dụng” cho biết, có hai loại hình công việc: làm hành chính lương 3 triệu + thưởng, làm theo ca thì 120-140 nghìn đồng/ca.
Rồi “nhà tuyển dụng” yêu cầu người lao động đóng 150 nghìn đồng để “làm sổ lương”, ghi phiếu rồi ra công ty nhận việc. Cậu bạn đi cùng đóng 150 nghìn đồng, còn Lâm do nghi ngờ nên giả vờ không mang theo đủ tiền để đóng. Sau đó, Lâm cùng người bạn tìm đến công ty thương mại được ghi trong thông báo tuyển dụng nằm trên đường Tây Sơn để đưa phiếu “nhận việc”.
Người tìm việc cần cảnh giác trước những việc làm hấp dẫn. Ảnh minh họa (nguồn internet).
Lâm do không đóng tiền, ghi phiếu nên bị chặn lại, không cho vào đành ra quán nước ngồi đợi bạn. Nhờ đó, Lâm gặp một số “ứng viên” đã qua khâu ghi phiếu, đang chờ việc.
Qua nghe ngóng Lâm mới vỡ lẽ các "chiêu" của công ty này: Sau khi ghi phiếu, đóng tiền ở nhiều “văn phòng chi nhánh” khác nhau của công ty, người lao động đều được đây để nhận việc. Tại đây các “ứng viên” được phát mỗi người một tập tài liệu, bảo về học, thuộc thì đến làm, nếu khi nhân viên công ty kiểm tra kiến thức trong tài liệu đó, bất cứ chỗ nào không đạt đều chưa được nhận việc.
Bởi vậy, có rất nhiều người lao động đã đóng tiền rồi, nhưng đợi rất lâu cũng không nhận được việc làm. Với hình thức "tuyển dụng" này, các văn phòng môi giới thu được bộn tiền của người lao động, người ít nhất là 150 nghìn đồng/phiếu, có người vài trăm nghìn, có một người tên Quý, làm nghề lao động chân tay đã qua nhiều công việc khác nhau, bị mất gần 1 triệu đồng.
Quý nói: “Bọn họ đăng cả trên báo Mua bán, với nhiều hình thức việc khác nhau, em tìm đến, ghi mỗi phiếu 150 nghìn đồng, nhận những việc không như ý mình, chán bỏ tìm việc khác, lại phải viết phiếu đóng tiền khác…”.
Cảnh giác với mức lương hấp dẫn
Đối với sinh viên, mỗi khi đi tìm việc làm thêm cũng chỉ mong kiếm được công việc phù hợp quỹ thời gian với mức thu nhập kha khá. Thế nhưng Hiếu lại khá “may mắn” khi tìm được một công việc tại một công ty tư nhân với mức lương 3 triệu đồng/tháng chưa kể thưởng. Điều kiện làm việc hấp dẫn, cộng với việc có thể tùy chọn hình thức làm việc theo ca, tiền công mỗi ca 150 nghìn đồng nên Hiếu cũng không mấy đắn đo đóng một số tiền cho công ty môi giới để làm “sổ lương” rồi ghi phiếu ra công ty nhận việc.
Thế nhưng chỉ làm việc được một thời gian, Hiếu mới nhận ra cung cách hoạt động của công ty tư nhân này chả khác gì một công ty “gia đình”, mọi vị trí trong bộ máy của công ty đều do những người họ hàng nắm giữ. Chính vì thế mà chỉ sau một vài tuần bị chèn ép Hiếu đành phải xin nghỉ việc mà không nhận được bất kỳ một đồng lương nào.
Cũng không ít sinh viên tranh thủ kỳ nghỉ hè nán lại thành phố để kiếm việc làm thêm. Theo địa chỉ một tờ rơi ở bến xe buýt, Hoàng tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khá nhiều sinh viên cũng tìm tới đây và thủ tục đầu tiên là đóng 30.000 đồng mua hồ sơ xin việc rồi... đợi! Nhưng rồi đợi 1 tuần, 2 tuần sau cũng chả thấy hồi âm gì từ nhà tuyển dụng. Phần lớn những người nộp tiền vào đây đều dài cổ đợi như vậy và rồi nhận ra mình đã bị lừa nhưng cũng đành ngậm ngùi chấp nhận mất 30.000 đồng.
Do số tiền không lớn nên nhiều người nghĩ rằng thôi thà thì mất tiền “dại” còn đỡ mất công đi đòi lại. Hoàng ấm ức cho biết: “Nghĩ mà tức, tuy số tiền bị mất không lớn nhưng nếu lừa được nhiều người thì số tiền mà công ty này thu lợi lại không nhỏ chút nào. Rõ ràng đây là hành vi lừa đảo!”.
Cần tỉnh táo trước các chiêu lừa
Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến cho việc đăng tải cũng như tìm kiếm thông tin việc làm trên mạng giờ đây không còn khó. Hiện nay có vô số những trang web như vậy, nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ đề các công ty môi giới việc làm lừa đảo. Người tìm việc sẽ rất khó để nhận biết đâu là công ty lừa bởi những thông tin tuyển dụng mà họ đăng có cả trên những trang web và tờ báo uy tín.
Tâm lý của người đi tìm việc luôn muốn tìm đến những trung tâm việc làm vì ở đây số đầu việc phong phú hơn nên việc chọn lựa công việc phù hợp với năng lực dễ dàng hơn. Mặt khác nhiều người còn cho rằng tuy cảm thấy hơi khó chịu khi phải bỏ ra một số tiền cho trung tâm môi giới nhưng bù lại sẽ tìm được công việc tử tế hơn.
Dạo quanh đường Láng thuộc quận Cầu Giấy hay đường Nguyễn Trãi quận Thanh Xuân có thể nhận thấy có không ít những trung tâm việc làm mọc san sát nhau. Phần lớn những trung tâm này đều nằm trong những khu vực có nhiều trường đại học, nơi nhu cầu làm thêm của sinh viên khá cao. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự trên các tuyến đường Hoàng Mai, Trường Chinh, Trương Định, Giải Phóng…
Với những người đi tìm việc, khi đọc các báo chuyên về tuyển dụng, cần tìm các thông tin được đóng khung, có địa chỉ rõ ràng, tìm đến tận nơi hỏi kỹ về chỉ tiêu tuyển dụng, kiên quyết không nộp bất cứ một khoản “lệ phí tuyển dụng” nào, bởi hình thức nộp lệ phí chỉ có ở các văn phòng môi giới, các công ty có ý lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động.
Những hội chợ việc làm như thế này là cơ hội tốt cho cả nhà tuyển dụng lẫn người đi tìm việc. (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Đọc kỹ thông tin, tìm kiếm những việc phù hợp với năng lực, sức khỏe, tìm đến các văn phòng giới thiệu việc làm của Thành đoàn, tham dự các hội chợ tuyển dụng trực tiếp, cũng là một cách rút ngắn thời gian tìm việc.
Bên cạnh việc lừa tuyển dụng, cò mồi nhà trọ sinh viên cũng là những hành vi chiếm đoạt tài sản của người lao động, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Vì vậy, việc rà soát các văn phòng môi giới, thu giấy phép kinh doanh của các công ty lừa đảo là việc cần làm của các cấp chính quyền để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
- Th.Anh