,
221
4924
Diễn đàn
diendan
/60nam/diendan/
775976
Chúng ta vẫn phải là những người tử tế
1
Article
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
,

Chúng ta vẫn phải là những người tử tế

Cập nhật lúc 22:06, Chủ Nhật, 19/03/2006 (GMT+7)
,

Bàn tròn Kỳ vọng có sự đột phá để tìm người tài cho Đảng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Đã có nhiều bạn đọc mong muốn được trao đổi với các vị khách của chúng ta. VietNamNet xin giới thiệu phần trả lời của KTS Lê Thu Nga (Công ty Cổ phần Tư Vấn AA - AA Corp) về một số vấn đề bạn đọc quan tâm.

 

Soạn: AM 729953 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn và KTS. Lê Thu Nga. (Ảnh Lê Anh Dũng)

 

Xin hỏi chị Nga, trong quá trình hoạt động kinh doanh, điều gì làm chi băn khoăn liên quan đến chính sách của Nhà nước và quan hệ với các cơ quan công quyền. (Câu hỏi của bạn Hoà Minh Tân ở địa chỉ hoaminhtan05@yaoo.com)


 

Tôi tham gia công tác kinh doanh không nhiều. Tôi đã từng công tác trong các đơn vị là Viện nghiên cứu và doanh nghiệp NN. Công việc chủ yếu của tôi ở đâu cũng là công tác Tư vấn, nghiên cứu KH, Chuyển giao công nghệ. Câu hỏi của bạn đòi hỏi phải có một kiến thức rất lớn về công tác hoạch định chính sách, quản lý mà kiến thức của tôi lại chỉ là hữu hạn. Tuy vậy, tôi cũng có thể có ý kiến như sau.


Tôi quan niệm Nhà nước ban hành các chính sách, quy chế để toàn xã hội tiến hành các hoạt động của mình theo đúng và phù hợp với chủ trương, mục tiêu phát triển đã đề ra. Một doanh nghiệp là một thực thể của nền kinh tế của đất nước, vì vậy phải có trách nhiệm tiến hành các hoạt động của mình phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật của đất nước.

 

Trong quá trình chuyển đổi kinh tế như ngày nay, với tinh thần mở rộng, cởi mở để phát triển của Đảng, nhà nước đã cố gắng rất nhiều trong việc sửa đổi các luật, chính sách và ban hành nhiều quy chế khác nhau tạo ra sự tự do cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong cả nước. Song, điều đó chưa đủ, mà điều cần thiết để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong cả nước yên tâm, chủ động tiến hành các hoạt động của mình có hiệu quả là có một môi trường bình đẳng cho họ, có sự đánh giá chuẩn xác về họ, đúng hơn là có nhận thức đúng về họ. Đối với thành phần kinh tế nhà nước, thì điều này luôn luôn là đúng rồi. Nhưng đối với các doanh nghiệp tư nhân, vì các nhà kinh tế tư nhân có thể có tâm lý kinh doanh, triết lý kinh doanh riêng của họ (vì vậy mới có nền kinh tế nhiều thành phần), họ tích cực, chủ động, lại chặt chẽ, tính toán hợp lý, luôn luôn nhận thức rõ được rủi ro trong công việc của mình, nên thái độ của Nhà nước đối với thành phần kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Nếu vẫn cho rằng “làm kinh tế tư nhân là bóc lột, các cá nhân ưu tú của đất nước (tức là đảng viên) thì không được làm kinh tế tư nhân”, tức là dù đã mở cửa, dù đã tự do, thì dù có hình thành rất nhiều các chính sách, các quy chế cũng không mang lại được hiệu quả như mong đợi.

 

Sự phân biệt sẽ trở thành một rào cản, thậm chí bóp méo các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp tư nhân, nếu doanh nghiệp đó không có một triết lý văn hóa trong kinh doanh, và doanh nghiệp đó dễ bị nguy cơ đẩy vào con đường mà người ta gọi là kinh tế tội phạm. Vì vậy, về phần này tôi có thể nói rằng, một chính sách, một cơ chế cho một chủ trương phát triển nào đó cần thể hiện được sự bình đẳng, thể hiện được tính mở rộng, thể hiện được sự hoạch định phát triển lâu dài và an toàn, vì tôi nhớ rằng có ai đó đã nói rằng :“không hoạch định được tương lai, người ta có thể trở thành một bộ phận trong tương lai của người khác”.


Vấn đề quan hệ với các cơ quan công quyền: Nếu mấy ngày gần đây, bạn theo dõi chuyên mục “Tiêu điểm” trên truyền hình VTV1 về vấn đề cải cách hành chính, bạn sẽ thấy tất cả các các vấn đề cần đặt ra để cải cách, vấn đề bức xúc mà các khách mời, các phóng viên đã nêu lên, các băn khoăn của chính các sinh viên Đại học Hành chính quốc gia, những người sẽ là các công chức, viên chức tương lai, họ sẽ chính là bộ mặt hành chính của đất nước trong tương lai. Và tôi mong muốn họ sớm nhận thức và phòng tránh được căn bệnh đáng sợ nhất dễ đến với họ là căn bệnh vô cảm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.


Tôi đã trải qua thời gian dài làm việc trong cơ quan Nhà nước, một điều làm tôi rất sợ và nhiều khi làm cho tôi nhiều lúc trở thành người “ngang bướng” và có lúc buộc phải trở thành ngưòi vô trách nhiệm là tiếp xúc và phải làm việc với công chức, viên chức ở các cơ quan “công quyền” của nhà nước. Một tâm lý gần như lúc nào cũng bị ức chế khi có việc phải đến một số cơ quan này vì chẳng có hy vọng là công việc của mình sẽ được giải quyết. Còn rất nhiều điều phải nói, rất nhiều điều cần trao đổi, rất nhiều phương pháp và cách thức để làm xoay chuyển những bất cập trên. Tôi mong rằng các bạn cũng sẽ có các đề xuất, các ý tưởng tốt để giúp cho công cuộc cải cách, đổi mới hành chính của đất nước tốt hơn, trong sạch hơn, minh bạch hơn và quan trọng hơn cả là hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Chào bạn và chúc bạn thành công.

 

Theo chị, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nhân cần có thái độ như thế nào để duy trì và phát triển doanh nghiệp, chúng ta đành phải sống chung với tham nhũng? Các doanh nhân trong quá trình điều hành hoạt động DN và triển khai các dự án không thể không liên hệ với các cơ quan công quyền và như vậy phải có mối quan hệ và phải chấp nhận văn hóa phong bì? Mà những khoản chi như vậy không thể hạch toán công khai, nhưng đó chưa phải là vấn đề đáng sợ, đáng sợ hơn theo tôi là tâm lý bất đắc chí trước tệ nạn và sự nhũng nhiễu của cán bộ công chức. Tôi chỉ đơn giản nêu 1 ví dụ của tôi, tôi tìm thuê địa điểm mở cửa hàng của công ty, nhà thuê là của 1 ông ở viện Kiểm soát tối cao, ông ta đưa tôi 1 bản hợp đồng soạn sẵn và có ý nói là tôi không thể thay đổi bất kỳ điều khoản nào trong đó, tôi về soạn lại và chuyển tôi thành bên A ông ta là bên B thì ông ấy có vẻ bức xúc và nhất định không thay đổi bởi ông bảo rằng ông có nhà thì ông ấy phải là bên A. Tôi thấy chán ngán vì cái tư duy công quyền của ông ấy nên không thuê nữa. Suy rộng ra thì đấy là tư tưởng bố dân, mẹ dân của cán bộ và công chức của ta. (Câu hỏi của bạn Hoà Minh Tân ở địa chỉ hoaminhtan05@yaoo.com)

 

Tôi quan niệm rằng, để duy trì và phát triển một doanh nghiệp, trước hết, doanh nghiệp đó phải có một triết lý, một tư tưởng và một phong cách văn hoá riêng, tường minh, trong sáng. Nó tuỳ thuộc vào năng lực nhận thức, khả năng tồn tại và hội nhập của doanh nghiệp đó, trong đó rất quan trọng là năng lực của người đứng đầu. Nó phụ thuộc vào năng lực của từng thành viên ý thức được hiệu quả công việc của mình, ý thức được một điều là: để làm được một công việc dù rằng rất nhỏ cũng phải rất hoàn chỉnh, chất lượng, phải có một sự cố gắng hết mình và thậm chí phải quên mình. Và để có được những đồng nghiệp cùng “chiến đấu” như vậy, đòi hỏi rất nhiều yếu tố tương đồng, hoà hợp, bổ sung lẫn nhau của các thành viên trong doanh nghiệp về: quan niệm, nhận thức, năng lực, cá tính… Không thể làm gì hơn ngoài mục tiêu là cống hiến và sẽ thất bại nếu không tìm thấy sự tin cậy và lòng tin tưởng ở đồng nghiệp, ở con người. Và có thể khả năng thất bại sẽ không phải là ít… Tôi bao giờ cũng coi công ty chúng tôi là lòng tự trọng bản thân và mong muốn được tạo ra một phong cách riêng, một môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh và sạch sẽ, dù điều này bạn nghe có thể thấy mang màu sắc của “lý thuyết”.
 

Có thể bạn sẽ cho đấy chỉ là ý nghĩ thôi? Còn trong bối cảnh hiện nay như bạn nói: chẳng lẽ chúng ta lại đành sống chung với tham nhũng?Tôi vẫn không thay đổi ý kiến trên, vì đó là triết lý của chúng tôi, tư tưởng của chúng tôi, văn hoá của chúng tôi. Dù xã hội này không có tham nhũng hay có tham nhũng, công việc của chúng tôi vẫn như vậy, vì chúng tôi xác định rõ những việc chúng tôi muốn làm, biết đích xác mục tiêu chúng tôi muốn đến, đó là cái đích mà cha mẹ chúng tôi đã lựa chọn. Dĩ nhiên, với một giai đoạn đầy mâu thuẫn, nhiều nhiễu nhương như hiện nay, để làm được những điều như chúng tôi muốn làm là quá khó, quá vất vả. Song, chẳng lẽ chúng ta lại không sống? Và để cho tham nhũng sống thay cho chúng ta hay sao?

 

Còn chúng tôi, để sống, làm việc mà không phải chung sống với tham nhũng, chúng tôi xác định được rất rõ rằng, đó là điều rất gian khổ. Nhưng những công việc được chúng tôi lựa chọn để làm đều là những công việc rất có ích và có ý nghĩa không những cho chúng tôi, mà còn rất có ý nghĩa cho đất nước, cho dân tộc. Ví dụ như chúng tôi đã đề xuất ý tưởng cho dự án “Công viên nghĩa trang Bến Tre - Đường Hồ Chí Minh trên biển”, để kỷ niệm và tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trên đường mòn trên biển Đông trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và năm nay đúng 60 năm kỷ niệm con đường đó kể từ ngày bác Ba Định đi trên con thuyền ra miền Bắc, gặp bác Hồ để xin vũ khí tiếp tế cho miền Nam (năm 1946), tự bỏ kinh phí để xây dựng đề cương dự án, rất nhiều chuyên gia quốc tế, trong đó có kiến trúc sư nổi tiếng Cộng hoà liên bang Đức Brandi, người đã được giải nhất cuộc thi quốc tế thiết kế tượng đài kỷ niệm sự chấm dứt chế độ nô lệ trên đảo Dacka, còn có các Kiến trúc sư danh tiếng Cuba, Nhật xin được tự nguyện tham gia dự án, không vì tiền. Chúng tôi đã bỏ tiền của, cùng với đóng góp của nhân dân để khôi phục và tu sửa khu vườn tháp của Chùa Tiêu (Chùa Thiên Tâm), nơi sinh ra Lý Công Uẩn, vị vua đã làm nên 1000 năm Thăng Long, nơi các vị sư trụ trì đã thiền và ra đi, trong đó có ông. Chúng tôi đã nghiên cứu làm nhà ở cho đồng bào vùng lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã tham gia nghiên cứu cùng các chuyên gia Canada về vấn đề “Quản lý Đất và Nước”, vấn đề này là yếu tố rất quan trọng cho các nghiên cứu về các giải pháp để chống sụt đất, trượt lở đất, trượt lở các mái dốc sườn núi, triền sông, bờ biển, là các vấn đề đang nan giải của đất nước ta. Chúng tôi đã mời các chuyên gia đầu ngành của quốc tế vận động kinh phí của CIDA Inc. (Canada), SIDA (Thụy Điển) để nghiên cứu các vấn đề trên và nhiều vấn đề nữa. Chúng tôi đã nắm trong tay nhiều bí quyết công nghệ, được các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu quốc tế, của các nước tiên tiến, phát triển như CHLB Đức, Nhật, Mỹ, Hàn quốc, Trung Quốc, Hà Lan… giới thiệu, hướng dẫn rất nhiều các công nghệ có ích cho đất nước và nhiều giáo trình giảng dạy để nâng cao năng lực nguồn nhân lực cao của các nước phát triển… Chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác với các đối tác Cuba để cung cấp hàng hoá cho nhân đân Cuba, hợp tác về công tác thiết kế Quy hoạch, Chuyển giao Công nghệ trong lĩnh vực Xây dựng, Công nghệ sinh học, Điện tử, Năng lượng sạch..., mặc dù Cuba còn rất nghèo, rất khó khăn và chưa thoát ra được thời kỳ đặc biệt (thời kỳ bị phong toả về kinh tế và chính trị), chúng tôi xác định nghĩa vụ phải tham gia giúp đỡ đất nước này, vì thế hệ cha mẹ chúng tôi, đất nước ta chúng ta đã chịu ơn đất nước này, họ đã “sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cho chúng ta trong chiến tranh và như một đồng chí lãnh đạo của đất nước ta đã xác định “giúp đỡ Cuba là mệnh lệnh của trái tim”, và còn nhiều việc có ý nghĩa khác…


Có thể bạn sẽ lại hỏi lại câu hỏi trước của bạn là: điều gì làm cho tôi băn khoăn gì liên quan đến chính sách của nhà nước, qua những công việc trên của chúng tôi? Có thể nói rằng, những công việc mà chúng tôi đã và đang tiến hành đều từ các đề xuất của chúng tôi, vì thấy được ý nghĩa hay ích lợi của nó đối với xã hội, đối với đất nước. Chúng tôi tự tìm kiếm những công việc chúng tôi cho là có ích và ý nghĩa, có nhiều việc trong đó người ta không làm, không muốn làm vì họ không đánh giá được giá trị tinh thần và kinh tế của nó đối với xã hội và bản thân họ. Hơn cả, những công việc như chúng tôi làm thường không mang lại lợi ích kinh tế trước mắt, rất lâu mới thu lại được những gì mình bỏ ra để tiến hành và thực hiện công việc. Để được chấp nhận thực hiện những việc này là rất khó khăn, mặc dù ai cũng thấy rằng các việc rất có ý nghĩa và mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội.


Chẳng lẽ vì có tham nhũng mà chúng tôi lại thôi không làm những việc có ý nghĩa như vậy, để chờ bao giờ hết tham nhũng chăng? Bao giờ mới hết? Trong khi việc chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi người dân, không phải của riêng ai?


Bởi đã xác định con đường đi nên chúng tôi phải chấp nhận đối mặt với tham nhũng chứ không phải sống chung với tham nhũng. Chúng tôi không chấp nhận tham nhũng, song để làm được việc, để không ảnh hưởng nhiều đến công việc, chúng tôi phải tìm tòi phương pháp để thực hiện, phải sáng tạo và kiên nhẫn, tuy rằng đến bây giờ chúng tôi vẫn còn đang phải vất vả đi trên con đường của mình, và chắc cũng không thể sớm để đến đích. Tất nhiên, phương pháp của chúng tôi không thể là cách dùng “văn hoá phong bì” để đạt mục đích. Với những công việc ý nghĩa như vậy mà lại phải dùng “văn hoá phong bì” để đạt được mục đích thì quả là điều vô lý và vô nghĩa phải không? Đấy là chưa nói tới những việc ý nghĩa như thế phải được toàn xã hội ủng hộ, cần được Đảng và Chính phủ quan tâm.


Quay lại những câu hỏi của bạn, qua đó đã cho tôi hiểu rằng bạn là người đã bị không ít các hiện tượng gọi là “tham nhũng” làm cho bạn phiền lòng, bức bối và không hiểu đã thành bất đắc chí chưa? Công ty của bạn chắc cũng đã bị va vấp, hoặc thiệt hại vì vấp phải tham nhũng, hoặc trực tiếp đối mặt với tham nhũng. Vậy bạn đã hiểu đến tận cùng thế nào là tham nhũng chưa? Đây là câu hỏi phức tạp.


Bởi tôi không phải là nhà lý luận, không phải là một nhà chính trị. Và bạn đã đặt ra những câu hỏi cho tôi trên công luận, do đó tôi thấy mình cần thiết phải đọc, tìm hiểu để có thể thảo luận với bạn. Tôi xin được lược ghi lại một phần nhỏ trong cuốn sách của một tác giả nói về tham nhũng, tôi đã đọc và càng khâm phục về kiến thức, sự hiểu biết, phân tích sâu sắc, sự dũng cảm của tác giả đối với tham nhũng. Đó là những ý kiến mà khi đọc xong làm người ta thấy được toàn bộ tất cả định nghĩa, khái niệm, nhận thức, phương pháp để nhận biết và đấu tranh với tham nhũng, mà chúng ta đã phải bàn luận rất nhiều. Tôi không rõ bạn đã đọc cuốn sách này chưa, nhưng nếu bạn đọc rồi, tôi vẫn xin đưa ra để nếu bạn nào chưa được đọc sẽ biết, tôi rất tâm đắc đến từng chữ của tác giả vì ông đã viết được những điều mà tôi vẫn suy nghĩ, vẫn nhận thức, nhưng không diễn đạt được như thế, và mong muốn được các bạn cùng chia sẻ. Cuốn sách đó viết thế này: “Tham nhũng là việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội và của người khác”.


Tham nhũng là một căn bệnh toàn cầu, là vấn đề làm đau đầu tất cả các chính thể, bất kể ở trình độ phát triển nào, với các mức độ khác nhau. Hậu quả của nó không chỉ với các tầng lớp dân nghèo mà cả với nền kinh tế và thể chế xã hội, làm lũng đoạn xã hội và xói mòn lòng tin của dân chúng vào các giá trị xã hội. Nó tàn phá xã hội. Có hai loại tham nhũng: tham nhũng vật chất và tham nhũng Ttnh thần. Chúng ta có thể nhận ra rất nhanh tham nhũng vật chất, vấn đề này không chỉ giới hạn trong lớp người có quyền lực, mà nó lan ra đến cả những người không có quyền lực, nhưng có một số chức năng, trách nhiệm nào đó trong xã hội, nghĩa là tất cả những ai có được “một tý” phân công các việc có liên quan đến con người. Vật chất thu được từ tham nhũng là nguồn sống của những kẻ tham nhũng. Tham nhũng vật chất để tồn tại, để có tiện nghi sống, tuy vậy tham nhũng vật chất mới chỉ bề nổi. Cao hơn nữa là một số người tham nhũng lẽ phải, đó là tham nhũng tinh thần, đó là bộ mặt thứ hai của tham nhũng. Đây mới là điều khủng khiếp vì nó là biểu hiện cao nhất, tinh vi nhất, nguy hiểm nhất của tham nhũng. Và vì vậy, chúng ta chống tham nhũng vật chất là để làm trong sạch xã hội, thì chống tham nhũng tinh thần để chống lại rủi ro đối với sự phát triển của nhân loại.


Tham nhũng tinh thần có ba hình thức như sau:


Tham nhũng quyền lực: có ba mức độ khác nhau: thứ nhất, lạm dụng và vận dụng một cách sai trái các quyền hợp pháp mà xã hội trao cho; thứ hai, chế ra các hình thúc để mở rộng quyền lực nhằm thoả mãn những lợi ích khong hợp pháp; thứ ba, lợi dụng chức quyền để thoả mãn khát vọng về quyền lực để duy trì hoặc mưu cầu cương vị quyền lực đã tham nhũng ở mức cao hơn.


Điển hình cho hình thức tham nhũng này là hiện tượng các cá nhân không đủ phẩm chất về đạo đức, năng lực lại chiếm giữ các cương quan trọng trong một tập thể, một doanh nghiệp, một tổ chức xã hội, và cao dần lên nữa. Loại tham nhũng này là yếu tố mở đầu để tham nhũng lên quy mô lớn hơn.


Độc quyền tư duy: là sự tước đoạt quyền tư duy của dân chúng hoặc những người dưới quyền, coi họ là người thấp kém, không có địa vị đáng kể, chế độ kinh tế bao cấp, trong đó người dân sống trong sự bao cấp vật chất và tinh thần, nhất cử, nhất động đều phải thỉnh thị ý kiến cấp trên, là ví dụ cụ thể. Hậu quả là toàn xã hội rơi vào tình trạng trì trệ. Ngày nay, khi đã chuyển sang kinh tế thị trường, tình trạng độc quyền tư duy vẫn còn để lại những di chứng trầm trọng cho xã hội mà hầu hết chúng ta chưa ý thức được hết mức độ tai hại của nó.
Rất nhiều người, kể cả những trí thức hàng đầu, vẫn tiếp tục sống yên ổn trong sự bao cấp tinh thần, cho rằng tư duy về những vấn đề “quốc gia đại sự” là độc quyền của cấp trên, còn nhân dân thì cứ việc thực hiện theo mệnh lệnh.


Về bản chất, độc quyền tư duy tước mất khả năng và quyền tư duy sáng tạo của quần chúng, tư duy trở thành độc quyền của một nhóm người. Khi đó khoa học sẽ mất đi giá trị chân chính, cuộc sống sẽ đơn điệu và nguy hiểm. Và nhân dân, những người không chỉ có khả năng mà còn có quyền tư duy và đóng góp trí tuệ cho công cuộc xây dựng và kiến tạo cuộc sống mới – không còn là người chủ xã hội. Độc quyền tư duy là sự níu kéo quá khứ, cản trở sự phát triển của lịch sử.


Độc chiếm lẽ phải: Đời sống tinh thần của nhân loại không chỉ bị nghèo nàn bởi sự độc quyền tư duy mà còn bị vẩn đục và méo mó bởi nạn độc chiếm lẽ phải. Độc chiếm lẽ phải là biến những lý thuyết mà mình phát hiện, biến những tín điều mà mình nghĩ ra thành “chân lý” của toàn nhân loại. Nhiều người được gọi là trí thức, là “nhà lý luận”, “nhà khoa học”, thường tự coi mình là biểu hiện của lẽ phải. Họ mặc nhiên coi những việc họ nghĩ, họ nói, học làm là đúng và áp đặt “lẽ phải” của họ cho toàn xã hội. Đó là biểu hiện cao nhất, nguy hiểm nhất của tham nhũng tinh thần. Nó làm nghèo nàn đời sống tinh thần nhân loại. Nó xoá bỏ những xu hướng tự nhiên cần thiết cho một môi trường tinh thần lành mạnh và tiến bộ. Để chống lại thói độc quyền lẽ phải, trước tiên cần nâng cao nhận thức của nhân dân. Mỗi chúng ta, đặc biệt là những nhà chính trị, những nhà khoa học, cần có ý thức trách nhiệm cao hơn đối với vận mệnh của nhân loại, chúng ta không nên và không được phép đưa ra các dự báo viển vông, không nên khuyến dụ con người đi theo các cuộc phiêu lưu vô trách nhiệm.


Hai bộ mặt của tham nhũng có mối quan hệ gắn bó với nhau, hỗ trợ và che chở lẫn nhau. Tham nhũng tinh thần là cơ cấu bảo trợ về chính trị cho tham nhũng vật chất, còn tham nhũng vật chất làm ô nhiễm đời sống tinh thần của toàn xã hội, tạo điều kiện cho tham nhũng tinh thần phát triển.


Các cơ sở phân tích khoa học những nhân tố về kinh tế, chính trị, xã hội thì tham nhũng là :
- Về mặt chính trị, tham nhũng là kết quả của hệ thống chính trị thiếu khả năng tự kiểm soát.
- Về mặt kinh tế, tham nhũng là hậu quả của môi trường kinh tế thiếu minh bạch.
- Về mặt nhà nước, tham nhũng là con đẻ của những thể chế tồn tại bất hợp lý và bị độc quyền lũng đoạn.
- Về mặt pháp luật, tham nhũng là kết quả của tình trạng vác quyền lợi cá nhân bị hạn chế hoặc chưa được hợp pháp hoá.
- Về mặt văn hoá xã hội, tham nhũng bắt nguồn từ sự đạo đức giả của hệ thống chính trị - xã hội.
- Về mặt nhân văn, tham nhũng là hậu quả của quan niệm lệch lạc và thái độ thiếu trân trọng các giá trị văn hoá.
Vậy, chúng ta sẽ thấy thế nào nếu một dân tộc mà năng lực tham nhũng mạnh hơn cả năng lực phát triển? Một dân tộc như vậy có tương lai không?


Tác giả đã đưa ra những điều kiện tiên quyết để chống tham nhũng là :


- Dân chủ hoá như là điều kiện tiên quyết để chống tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng cần bắt đầu bằng việc hâm nóng lại quyết tâm chống tham nhũng của người dân. Đây không phải là điều đơn giản. Chúng ta phải chống tham nhũng chủ yếu trên phương diện chính trị, với những biện pháp chính trị, trong đó việc đầu tiên là phải trong sạch hoá, gương mẫu hoá bộ máy nhà nước. Muốn vậy, lãnh đạo không thể được coi là địa vị có quyền để được tham nhũng, mà phải là sự thể hiện và biểu dương những giá trị cao quý của con người. Khi nào các thành viên của bộ máy nhà nước trở thành những mẫu mực của đời sông tinh thần, thể hiện tài năng và đạo đức, như là tấm gương để dân chúng noi theo thì lúc ấy bắt đầu một trạng thái nhà nước kiểu mẫu. Việt Nam đã từng có một nhà nước tốt đẹp như vậy. Đó là giai đoạn cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Giá trị của xã hội dân chủ chính là ở chỗ con người có quyền lựa chọn, xác định chân lý phù hợp với nhận thức của mình.


- Làm trong sạch môi trường tinh thần, xây dựng môi trường văn hoá chống tham nhũng. Việc chống tham nhũng đòi hỏi phải làm trong sạch môi trường tinh thần, nơi thịnh thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người. Xã hội cần phải tự xây dựng một nền văn hoá có khả năng để đối kháng với những mầm mống tham nhũng. Để giải quyết những bài toán của tham nhũng, mỗi quốc gia phải xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh, theo nghĩa của nó không dung nạp các yếu tố thuận lợi cho tham nhũng. Một môi trường văn hoá lành mạnh giúp con người tự biết đấu tranh để không bị rơi vào vòng xoáy của tham nhũng. Trong một cộng đồng nhỏ, một công ty, một doanh nghiệp chẳng hạn, nhà lãnh đạo không phải chỉ cần có tài mà còn cần phải trong sạch mới có thể điều hành công ty đó, doanh nghiệp đó tốt. Dĩ nhiên, môi trường văn hoá lành mạnh mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để hình thành những con người tong sạch. Để có đội ngũ lãnh đạo trong sạch, phải tạo cho họ một mức sống cao hơn người thường. Mức sống cao cho những người lãnh đạo tài năng và điều kiện vật chất để đảm bảo cho cuộc sống trong sạch của họ. Đó chính là điều kiện đủ, thiếu nó người ta vẫn phải sống, nhưng là sống trong sự bằng lòng đạo dức giả, và vì vậy việc chống tham nhũng chỉ còn là sự hô khẩu hiệu của những người hăng hái hoặc nhẹ dạ, hay thậm chí là bị lừa đảo mà thôi.


- Nếu chống tham nhũng bằng những biện pháp triệt để và hợp lý trên phạm vi toàn xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế và đẩy lùi tham nhũng, ít nhất là giải thoát cho nhiều người khỏi tình trạng bắt buộc phải tham nhũng để tồn tại. Giải pháp tối ưu là dân chủ hoá đời sống tinh thần, trả lại cho học sự thanh thản của lương tâm và sự bình yên cuộc sống, đồng thời tiến hành những bước đầu tiên trên con đường làm lành mạnh hoá xã hội.


Tác giả cuốn sách này đã kết luận rằng: Nếu chúng ta không kịp ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng tham nhũng, chúng ta sẽ phải đối mặt với tham nhũng, với một cuộc cách mạng hoặc sự quay lưng lại của nhân dân trong quá trình họ đi tìm một tương lai khác. Những phân tích đã cho chúng ta thấy cần thiết phải xây dựng một thể chế dân chủ, đó là lời kêu gọi vĩ đại nhất, nhân đạo nhất để phục vụ nhân loại, những kẻ cố tình trì hoãn quá trình này phải hiểu rằng trì hoãn của họ sẽ tất yếu dẫn đến những chuỗi biến dạng khủng khiếp hơn nữa và sự biến dạng đáng sợ nhất là cảm giác bất lực của con người trong việc ngăn chặn quá trình “thú” hoá những giá trị “người” còn lại... Chúng ta buộc phải khẳng định như thế vì một tương lai có thể dự báo. Và chúng ta cần khẳng định thêm lần nữa rằng: dân chủ, chỉ có thể là dân chủ như là thể chế hoàn hảo nhất của con người mới là liều thuốc đặc trị với hiện tượng tham nhũng - ở đó, những con người lương thiện đang ngày đêm “người” hoá những phần đã bị “thú hoá” trong những kẻ tham nhũng.


Những điều tác giả đã viết là sự tập trung cao của trí tuệ về các vấn đề tham nhũng, các định nghĩa, phân tích đã chỉ cho tất cả chúng ta thấy rõ những điều gì phải tránh, phải suy nghĩ, chiêm nghiệm, để chúng ta có một cuộc sống trong sạch, ý nghĩa và chất lượng hơn.


Bạn, tôi và nhiều người khác nữa, chúng ta đã có những băn khoăn về cuộc sống, về công việc, về vị trí của mình trong xã hội, về các bức xúc, trăn trở chung của cả xã hội. Song tôi nghĩ rằng, dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải là những người tử tế, và luôn mong phấn đấu để mình luôn luôn là người tử tế và có kiến thức. Ít nhất điều đó đã là sự góp phần làm trong sạch cuộc sống, và đóng góp lành mạnh hơn cho xã hội cả về tinh thần và vật chất. 

  • VietNamNet
,
,