Tầm vóc dân tộc và công cuộc Phát triển
(VietNamNet) - "Tiềm năng, lợi thế, thậm chí tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài chưa đủ để một quốc gia cất cánh" … Một góc nhìn của TS Vũ Minh Khương.
Vào năm 1960, Philippines được được coi là có lợi thế hơn hẳn so với Hàn Quốc trong công cuộc phát triển: Mức GDP bình quân đầu người của Philippines là 257USD cao hơn Hàn Quốc (156 USD); Philippines khá phong phú về tài nguyên thiên nhiên (gỗ, dầu mỏ, nikel, bạc, vàng, đồng) trong khi Hàn Quốc hầu như không có; người Philippines và Hàn Quốc có tỷ lệ dân số biết chữ khá cao và gần ngang nhau (trên 80%) nhưng người Philippines giỏi ngoại ngữ và có khả năng hoà nhập tốt hơn với văn hoá phương tây.
Thế nhưng, chỉ trong vòng bốn thập kỷ, hai quốc gia đã đi tới hai vị thế phát triển khác biệt căn bản: Hàn Quốc có mức GDP đầu người cao hơn 10 lần so với Philippines và trở thành một trong những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, trong khi Philippines vẫn ở nhóm các nước có thu nhập khá thấp, với mức thu nhập GDP/người khoảng 1.000 USD (năm 2004), và đất nước này vẫn phải dựa vào xuất khẩu lao động phổ thông như một nguồn thu nhập quan trọng (năm 2004, Philippines xuất khẩu gần 1 triệu lao động, đưa tổng số lao động xuất khẩu lên trên 8 triệu người, với tổng số tiền gửi về khoảng 8,5 tỷ USD[1]).
Indonesia là một quốc gia giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Sau khi nắm quyền lực vào năm 1966, chính quyền Suharto đã tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ để ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế với những quyết sách lớn về hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư. Kết quả là, Indonesia đã đạt được những thành công ấn tượng trong phát triển kinh tế và giảm nghèo đói; tăng trưởng GDP trong một thời gian dài 30 năm, từ 1967 đến 1996, đạt mức bình quân 7%/năm, trong đó có nhiều năm ở mức trên 8%. Thế nhưng, quá trình tăng trưởng không đi cùng với sự phát triển về chất của thể chế quản lý; mà trái lại nạn tham nhũng ngày càng gia tăng và sự yếu kém của bộ máy quản lí ngày càng bộc lộ rõ; khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra vào năm 1997, nền kinh tế Indonesia đã nhanh chóng suy sụp và những khuyết tật đã tích tụ nhiều năm của nó đã để lại những di hại nghiêm trọng cản trở quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế này.
Bài học của Philippines và Indonesia cho thấy rằng tiềm năng, lợi thế, thậm chí tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian dài chưa đủ để một quốc gia cất cánh, và do vậy, tương lai phồn vinh của họ vẫn còn là một ước vọng xa vời.
Tầm vóc dân tộc: nền tảng cho công cuộc phát triển của một quốc gia
Kinh nghiệm phát triển của các nước trong nhiều thập kỷ qua cho thấy thành bại trong công cuộc phát triển của một quốc gia không tuỳ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên hay một vài lợi thế nguyên khai về nguồn nhân lực mà chủ yếu vào tầm vóc dân tộc.
Tầm vóc dân tộc của một quốc gia được xác định bởi tổng thành của năm định tố với mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ với nhau sau đây:
1) Khát vọng dân tộc
Khát vọng dân tộc dựa trên nền tảng của lòng yêu nước, tính tự tôn dân tộc, và ý thức trách nhiệm với thế hệ tương lai. Tầm vóc của một dân tộc sẽ lớn lên vượt bậc nếu họ hun đúc một khát vọng mãnh liệt vươn tới một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới.
Khát vọng vươn lên của một dân tộc có thể chỉ còn leo lét nếu niềm tin vào đạo lý xã hội bị xói mòn, chiến lược phát triển của quốc gia mơ hồ, nạn tham nhũng hoành hành và tệ nạn xã hội bùng phát. Trong tình cảnh đó, người dân và doanh nghiệp sẽ không còn cảm nhận thiêng liêng về ý thức dân tộc và thể diện quốc gia để rồi dễ dãi sa vào các phương cách với kiếm tiền chụp giật và vụ lợi ngắn hạn.
2) Tầm nhìn và Tư duy
Nếu khát vọng dân tộc là nguồn năng lượng tiềm tàng thì tầm nhìn và tư duy là hệ thống dẫn đường và bánh lái cho con tàu dân tộc đi đến phồn vinh. Tầm nhìn hạn hẹp và tư duy xơ cứng, giáo điều sớm muộn sẽ dẫn đất nước đến trì trệ, khủng hoảng cho dù khát vọng dân tộc có mãnh liệt đến đâu.
Tầm nhìn và tư duy có mối gắn kết đặc biệt. Tư duy khoa học và thực tiễn tạo nên một tầm nhìn sâu rộng và chính xác về thời đại và thế giới. Ngược lại, tầm nhìn thấu đáo về thời đại và thế giới sẽ thúc đẩy không ngừng sự đổi mới và mài sắc tư duy.
Một dân tộc sẽ bị hạn hẹp về tầm nhìn và thiển cận trong suy tính nếu họ cho rằng thế giới đầy những hiểm hoạ và khuyết tật. Với họ, một khi gặp phải khó khăn trắc trở, họ sẽ nhanh chóng qui kết đó là do nguyên nhân khách quan hoặc ai đó đang có âm mưu chống phá mình.
Một dân tộc sẽ có tầm nhìn xa trông rộng nếu họ cho rằng thế giới có biết bao cơ hội và tinh hoa mà họ phải dốc sức tìm kiếm, nắm bắt, và học hỏi. Với họ, một khi gặp phải khó khăn thất bại, họ sẽ nghiêm khắc tìm ra phần lỗi của chính họ, dù là rất nhỏ, để suy xét thấu đáo và rút ra bài học giá trị cho những bước đi tiếp theo.
3) Tâm huyết và tài năng của những đội ngũ trụ cột
Ba đội ngũ trụ cột cho công cuộc phát triển của một quốc gia là các nhà lãnh đạo, giới doanh nhân và tầng lớp trí thức.
Khát vọng, tầm nhìn và tư duy của ba đội ngũ này có ảnh hưởng quyết định đến khát vọng, tầm nhìn và tư duy của dân tộc. Trong mỗi đội ngũ này, sự đóng góp có tính đột phá của cá nhân có thể tạo nên những bước nhảy vọt cho công cuộc phát triển. Nhà chính trị Đặng Tiểu Bình, với sự đột phá về tầm nhìn và tư duy, đã đưa Trung Quốc thoát khỏi vòng tối tăm mê muội để trở thành một quốc gia có tốc độ đổi thay kỳ vĩ, làm cả thế giới kinh ngạc và ngưỡng mộ.
Các doanh nhân, như Chong Ju-yung (sáng lập hãng Hyundai) và Lee Byung-chul (sáng lập hãng Samsung), với ý chí kinh doanh phi thường và tinh thần dân tộc cao cả, đã góp phần đưa Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một cường quốc công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu và điện tử. Học giả Fukuzawa Yukuchi thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản, đã có những đóng góp lớn lao cho công cuộc cải cách, thông qua nỗ lực khai sáng dân trí và khích lệ người dân nắm bắt đổi thay, tiếp thu tinh hoa thời đại.
Tầm vóc một dân tộc sẽ lớn vượt lên nếu có được một trong hai điều sau đây:
+ Mỗi người trong các đội ngũ trụ cột tìm cách “đốt lên một ngọn nến” thay vì “chê trách bóng tối” như ý tưởng của Khổng Tử.
+ Xã hội hình thành nên cơ chế và sự kỳ vọng để những người ưu tú nhất trong mỗi đội ngũ trụ cột nói trên được thi thố hết tinh hoa và tâm lực của mình cho dân tộc.
4) Tinh thần học hỏi và hợp tác
Lợi thế lớn nhất của các quốc gia đi sau không phải là lao động rẻ hay tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà là tinh thần học hỏi và hợp tác. Tinh thần học hỏi và hợp tác thường nằm giữa hai thái cực trái ngược.
Ở một thái cực, người ta dốc sức nghiên cứu vấn đề quan tâm để hiểu thấu đáo đến từng chi tiết nhỏ; họ biết rõ đâu là những điều hay nhất của thế giới trong mỗi lĩnh vực để đưa về áp dụng; họ tìm kiếm và trân trọng cái hay của đối tác để học hỏi và tăng cường hợp tác tạo nên giá trị mới.
Ở một thái cực khác, người ta luôn nghĩ là mình đã biết cả rồi và cho rằng mô hình ở nước ngoài khác đặc thù nước mình nên ít quan tâm tìm hiểu; ở thái cực này, người ta cũng thường nhanh chóng tìm ra cái dở của đối tác và đồng đội để biện hộ cho sự thiếu nhiệt tâm trong học hỏi và hợp tác của mình. Tầm vóc của một dân tộc sẽ lớn hơn nhiều nếu phẩm chất học hỏi và hợp tác của họ chuyển được từ thái cực thứ hai sang thái cực thứ nhất.
5) Đặc tính văn hoá
Đặc tính văn hoá có tác động quan trọng đến phát triển. Một dân tộc coi nhẹ nghĩa khí và nguyên tắc đạo đức dễ rơi vào vòng xoáy tham nhũng một khi bộ máy công quyền yếu kém về hiệu lực và phẩm chất.
Philippines là một ví dụ. Vào năm 1938, tổng thống Quezon đã từng quản ngại “…cảm nhận của người Philippines về sự chân chính thường bị lu mờ bởi sự cầu lợi cá nhân. Chuẩn mực cử xử của họ thường dựa trên sự được việc hơn là nguyên tắc…[2]”; do vậy, Philippines trong những thâp kỷ 60, 70, và 80 đã có những cơ hội vô cùng quí giá cho phát triển, nhưng sự yếu kém của chính quyền đã tạo nên tệ nạn tham nhũng khủng khiếp mà nghiêm trọng nhất là trong giới cảnh sát và toà án [3]. Kết cục là, một số lượng lớn người Philippines đã cố tìm đường ra nước ngoài theo con đường xuất khẩu lao động để thoát khỏi bức xúc và nghèo khó mà nghề nghiệp của họ chủ yếu là lao công giúp việc.
Vì vậy, một dân tộc muốn lớn mạnh phải tôn thờ lòng nghĩa khí, trân trọng sự chính trực, và không ngừng củng cố đạo lý và các nguyên tắc đạo đức của xã hội.
Công cuộc phát triển của Việt Nam: những hiểm họa phía trước và sự cấp bách phải nâng cao tầm vóc dân tộc
Công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, khởi đầu tư năm 1986, đã đạt những thành quả rất ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Mức tăng GDP bình quân trong giai đoạn 1987-2004 (17 năm) đạt trên 7%. Mức tăng GDP năm 2005 còn cao hơn, ước tính đạt trên 8%. Thế nhưng triển vọng phía trước không hẳn lạc quan nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng bài học của Indonesia.
Bài học Indonesia:
Hình vẽ trên đây chỉ ra tuyến trình tăng trưởng của ba nước, Indonesia, Trung Quốc, và Việt Nam, kể từ khi mỗi nước đạt mức GDP/người xấp xỉ 200 USD. Indonesia đạt mức GDP/người xấp xỉ 200USD vào năm 1967 và duy trì được mức tăng trưởng GDP/người cao trong vòng 30 năm (cho tới khi bị suy sụp vào năm 1998). Trung Quốc đạt mức GDP/người xấp xỉ 200 USD vào năm 1982 và có tuyến trình tăng trưởng cất cánh với tốc độ cao hơn hẳn Indonesia và giống với tuyến trình tăng trưởng của các nền kinh tế thần kỳ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, và Singapore). Việt Nam đạt mức GDP/người xấp xỉ 200 USD vào năm 1987 và tuyến trình tăng trưởng gần như trùng khít với con đường của Indonesia.
Quá trình tăng trưởng của Việt Nam và Indonesia không chỉ tương tự về tuyến trình tăng trưởng mà còn rất giống nhau trên mấy đặc thù sau:
Thứ nhất, động lực tăng trưởng của hai nước dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là dầu mỏ) và viện trợ quốc tế. Nguồn thu từ dầu khí khai thác chiếm bình quân khoảng 11% của tổng thu nhập quốc dân của Indonesia trong giai đoạn 1968-1997; con số này của Việt Nam năm 2003 là trên 8%. Viện trợ quốc tế chiếm bình quân khoảng khoảng 10% tổng đầu tư của Indonesia (giai đoạn 1968-1997); con số này của Việt Nam (giai đoạn 1988-2004) là 15% tổng đầu tư, trong khi của Trung Quốc giai đoạn (1983-2004) chỉ vào khoảng 1%.
Thứ hai, Việt Nam và Indonesia là hai nước có mức tham nhũng nghiêm trọng nhất ở Đông Á (trên cả mức độ của Philippines). Theo xếp hạng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc tế về mức độ tham nhũng, Việt Nam xếp hạng 74 năm 1998 (trong tổng số 85 quốc gia) và 102 năm 2004 (trong tổng số 145 quốc gia); Indonesia xếp hạng 80 năm 1998 và 133 năm 2004 [4]
Thứ ba, Việt Nam và Indonesia đều tổn thất rất nhiều nguồn lực vào nỗ lực bao cấp và bảo hộ một số dự án và ngành công nghiệp. Với Indonesia, đó là ô tô, hoá chất, và chế tạo máy bay. Với Việt Nam, đó là đường, xi măng, ô tô, đóng tàu.
Nâng cao tầm vóc dân tộc: một đòi hỏi cấp bách
Nếu chúng ta tiếp tục cách thức phát triển như hiện nay, nền kinh tế nước ta sẽ có thể còn tiếp tục tăng trưởng khá cao trong vòng 10-15 năm nữa, tương tự như tuyến trình tăng trưởng của Indonesia trong giai đoạn 1986-1997. Thế nhưng, với cách đi này, chúng ta sẽ không chỉ mất đi cơ hội đưa nền kinh tế nước ta chuyển sang giai đoạn cất cánh mà còn sẽ khó có thể tránh khỏi một kết cục rất đắt giá như Indonesia đã gặp phải vào năm 1997-1998, khi nền kinh tế thế giới có biến động.
Để công cuộc phát triển kinh tế của nước ta vượt lên và tránh được những hiểm hoạ tương lai, những nỗ lực đột phá nhằm nâng cao tầm vóc dân tộc là một đòi hỏi vô cùng bức thiết và có ý nghĩa sống còn đối với sự thành bại của sự nghiệp đưa nước ta đến phồn vinh.
-
TS. Vũ Minh Khương (Từ Hoa Kỳ)
-----------------------------------------
* Các số liệu kinh tế trong bài lấy từ World Development Indicators (World Bank) nếu nguồn khác không được chỉ ra.
[1] http://www.poea.gov.ph/AR2004/AnnualReports/ar2004.pdf
[2] Theo Theodore Friend, “Rebuilding A Nation”, The Washington Institute Press, 1987 (trang 79)
[3] http://www.cbo.gov/ftpdocs/43xx/doc4306/1997doc10-Entire.pdf
[4] (http://www.transparency.org/publications/annual_report).