,
221
4544
Việt Nam mới
vnmoi
/10namvietmy/vnmoi/
659908
DN Mỹ kỳ vọng gì từ chuyến đi của Thủ tướng?
1
Article
4541
10 năm Việt Mỹ
10namvietmy
/10namvietmy/
,

DN Mỹ kỳ vọng gì từ chuyến đi của Thủ tướng?

Cập nhật lúc 14:12, Thứ Bảy, 11/06/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trong chuyến thăm lịch sử, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại 4 thành phố lớn của nước Mỹ. Ông cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo những tập đoàn hàng đầu nước Mỹ. Vậy giới kinh doanh Mỹ chờ đợi thông điệp gì từ vị Thủ tướng Việt Nam?

Soạn: AM 436693 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Adam Sitkofff: Đã đến lúc DN Mỹ nghĩ tới việc kinh doanh thực sự ở VN (Ảnh: Lê Anh Dũng).

 

VietNamNet đã hỏi chuyện ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội.

 

Chuyến đi sẽ thay đổi suy nghĩ của người Mỹ về VN

 

- Là một doanh nhân Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về chuyến viếng thăm sắp tới của Thủ tướng Phan Văn Khải?

 

- Chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải thực sự là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên ở cấp cao nhất của quan chức Việt Nam tới Mỹ. Hơn nữa, hai nước cũng đã đi được một chặng đường dài gần 10 năm trong bình thường hoá quan hệ.

 

Nếu Thủ tướng mong muốn tiến xa hơn trong chuyến thăm của mình với mục tiêu làm thay đổi cách nghĩ của người Mỹ về Việt Nam và con người Việt Nam thì đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời.

 

Cộng đồng thương mại bên Mỹ rất ủng hộ và kỳ vọng nhiều ở lần tới Mỹ của Thủ tướng Khải. Chúng tôi mong muốn rằng sẽ có nhiều quyết định liên quan hợp tác thương mại Việt-Mỹ trong thời gian hai bên gặp mặt. Chắc chắn, mối quan hệ giữa hai nước sẽ được siết chặt hơn.

 

Điều đó cũng chứng tỏ rằng Việt Nam đang bước lên vũ đài quốc tế. Việt Nam không chỉ là điểm đến của thương mại và đầu tư mà còn của du lịch, văn hoá.

 

Chuyến đi này tôi nghĩ kết quả của nó sẽ vô cùng lớn. Nó sẽ thay đổi suy nghĩ của người Mỹ về Việt Nam và sẽ có ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

 

- Theo nghị trình, Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Thế theo ông, giới doanh nghiệp Mỹ chờ đợi gì từ những cuộc gặp này?

 

- Trước đây các nhà DN Mỹ mới chỉ nghĩ tới Việt Nam như một đối tác đầy hứa hẹn. Nhưng bây giờ là thời điểm mà họ cần nghĩ tới việc kinh doanh thực sự tại Việt Nam.

 

Rất nhiều cải cách đã được tiến hành, nền kinh tế cũng mở cửa hơn rất nhiều, luật cũng đã được sửa đổi và hiện nay Quốc hội tiếp tục sửa đổi các điều luật. Đây là những nhân tố vô cùng quan trọng đối với giới doanh nghiệp Mỹ.

 

Chúng tôi tin rằng những gì mà họ mong đợi và chú ý tới trong chuyến đi lần này của Thủ tướng Khải là những câu chuyện kể về sự thành công của các doanh nghiệp Mỹ tại Viêt Nam.

 

Đã có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Việt Nam và cũng có rất nhiều câu chuyện thành công. Chúng tôi thực sự muốn chia sẻ với giới doanh nghiệp khác tại Mỹ tin vui này.

 

Tôi sẽ nói rằng "Này, đây là một quốc gia". Thiết nghĩ rằng họ cần làm ăn tại đất nước này bởi có rất nhiều lý do, không chỉ vì Mỹ là một nước mạnh về sản xuất và xuất khẩu mà còn vì có tới khoảng 80 triệu người tiêu dùng mà mức sống của họ đang dần được nâng lên tại Việt Nam.     

 

Chờ đợi thông điệp WTO từ Thủ tướng

 

- Vậy một thông điệp như thế nào từ Thủ tướng Việt Nam sẽ thuyết phục được giới kinh doanh Mỹ chú ý tới Việt Nam?

 

- Tôi nghĩ rằng tình hình phát triển của Việt Nam thực sự lôi cuốn các nhà doanh nghiệp Mỹ. Việt Nam đã tạo nên được những thành tựu rất ấn tượng. Hãy thử nhìn lại một nước Việt Nam cách đây 10 năm, chúng ta có thể thấy được cả một quãng đường dài mà Việt Nam đã đi qua. Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ và có nhiều hứa hẹn. Ngài thủ tướng có thể truyền tải điều này không chỉ tới giới doanh nghiệp Mỹ mà còn tới cả người dân Mỹ.

 

Và việc gia nhập WTO là một phần vô cùng quan trọng cần được nhắc tới trong thông điệp đó. Nếu Việt Nam chưa gia nhập WTO thì nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị kìm hãm bởi các luật lệ của WTO đảm bảo môi trường pháp lý và việc đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp. Có như vậy mới có nhiều hơn các nhà đầu tư muốn làm việc tại Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.

 

- Như vậy, việc gia nhập WTO là yếu tố mấu chốt để thu hút đầu tư từ Mỹ?

 

- Tất nhiên rồi. Nhiều nguồn đầu tư của Mỹ đã đổ vào Việt Nam kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam vào năm 1994. Tuy nhiên các nguồn đầu tư trị giá hàng triệu đôla giờ đây đã bị dừng lại.

 

Đặt trong bối cảnh sự phát triển của nền kinh tế Mỹ và sự tồn tại của các công ty đa quốc gia, nguồn đầu tư từ phía Mỹ lẽ ra có thể tăng cao hơn nhiều so với mức đầu tư như hiện giờ. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Việt Nam có thể tạo ra được một môi trường thương mại, kinh tế sẵn sàng đón chào các nhà doanh nghiệp Mỹ đến hoạt động.

 

Hiện có rất nhiều yếu tố đang kìm hãm đầu tư. Tháng tới, chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết. Chúng ta đều biết rằng BTA đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên cũng có một số mặt mà Việt Nam đã không thực hiện như đã ký trong hiệp định. Điều này làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ.

 

Thông điệp mà Việt Nam nên gửi tới các doanh nghiệp Mỹ không chỉ đơn giản là Việt Nam sắp gia nhập WTO mà còn là Việt Nam sẽ thực hiện những gì mà Việt Nam đã cam kết. Điều đó sẽ làm cho doanh nghiệp Mỹ cảm thấy tin tưởng hơn khi làm việc tại Việt Nam.

 

- Riêng Amcham có kế hoạch giúp quảng bá tiềm năng đầu tư của VN tới giới kinh doanh Mỹ nhân chuyến đi này không?

 

- Tôi sẽ trở về Mỹ trước chuyến đi của Thủ tướng vài ngày và chắc chắn AmCham Hà Nội sẽ kể câu chuyện thành công của các DN Mỹ làm ăn tại đây.

 

Vai trò của AmCham không chỉ là giải quyết những vấn đề tồn tại giữa chính phủ và các doanh nghiệp mà còn nằm ở việc quảng bá các doanh nghiệp trên thế giới. Nhưng thế giới thương mại thì luôn mang tính cạnh tranh rất cao.

 

Mọi công ty trên khắp thế giới đổ đi tìm kiếm thị trường song nguồn tài nguyên của chúng ta thì có hạn. Do đó, một khi các nhà doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam hoạt động, họ cũng có thể tìm được thị trường ở nhiều nước khác.

 

Một trong những nhiệm vụ mà AmCham tại Việt Nam luôn chú ý đó là giúp Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn để thu hút được sự chú ý đối với phía Mỹ hơn các nước khác như Malaysia, Philippin, Trung Quốc, và có thể là cả Brazil và Mexico.

 

Rất nhiều nước muốn trở thành đối tác với Việt Nam đều mong rằng Việt Nam là một thị trường cạnh tranh hơn nữa. Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu bất kỳ một rào cản nào được gỡ bỏ để thị trường Việt Nam mang tính cạnh tranh cao hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang cố gắng giải quyết một số vấn đề hiện đang kìm hãm việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

 

- Những vấn đề kìm hãm đó cụ thể là gì, thưa ông?

 

- Có rất nhiều điều luật và quy định về kinh doanh cũng như cách thức kinh doanh cần phải được đưa ra xem xét. Hay là nạn tham nhũng đang có mặt trên khắp Việt Nam; bám rễ ở mọi cấp độ. Nó ảnh hưởng rất lớn tới đà phát triển cũng như tính hiệu quả kinh tế của quốc gia.

 

Chúng tôi cảm thấy hài lòng khi Việt Nam tham gia kí kết hiệp định chống tham nhũng của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Có ba quy tắc trong hiệp định đó mà chúng tôi hy vọng Việt Nam tuân thủ, bởi tham nhũng sẽ kìm hãm sự phát triển cơ sở hạ tầng, một yếu tố vô cùng cần thiết cho sự phát triển kinh tế.

 

Khi nhìn tổng thể nền kinh tế của cả nước và một số vùng có mức tăng trưởng kinh tế cao, chúng ta thấy rằng việc có đầy đủ cơ sở hạ tầng là rất cần thiết. Có rất nhiều hợp đồng mà các công ty Mỹ ký kết với Việt Nam đang bị ách tắc bởi cơ sở vật chất vô cùng nghèo nàn. Hoạt động của các công ty bị kìm hãm do thiếu điện, thiếu đường vận chuyển hàng hoá từ tình này sang tỉnh khác, và do giá cả cao hơn mức cần thiết.

 

DN Mỹ lạc quan về khả năng hoàn tất đàm phán WTO

 

- Một tuần trước ngày Thủ tướng sang Mỹ, hai bên sẽ tiến hành đàm phán về WTO. Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nói trong cuộc gặp với các đại biểu Mỹ rằng VN mong muốn đạt được thoả thuận về WTO với Mỹ ngay trong chuyến thăm. Ông nghĩ thế nào về khả năng này?

 

- Đương nhiên phát ngôn như vậy từ vị Phó Thủ tướng, người phụ trách việc gia nhập WTO của VN có thể coi là một chỉ dấu đáng mừng.

 

Nếu như một trong những mục tiêu của ngài thủ tướng đặt ra trong chuyến đi là trở về Việt Nam với bản hiệp định đã được ký kết trong tay, Thủ tướng có thể thực hiện được điều đó.

 

Nếu Thủ tướng Khải cho một nhóm đàm phán tới Mỹ trong tuần tới và nói với họ rằng "Đây là bản séc trắng và hãy hoàn thành việc ký kết" thì nó sẽ được ký kết.

 

Thế nhưng, nếu vẫn còn tồn tại những điều khoản mà cộng đồng quốc tế không chấp nhận được ở Việt Nam và nếu Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận thay đổi thì quá trình này sẽ diễn ra lâu hơn.

 

Tôi rất lạc quan về khả năng gia nhập WTO của Việt Nam trong một tương lai rất gần. Các vòng đàm phán thương mại bao giờ cũng đòi hỏi nhiều thời gian song cuộc luận bàn giữa Mỹ và Việt Nam đã có được sự chuẩn bị đáng kể.

 

Tôi tin rằng hai bên sẽ sớm tiến tới thỏa thuận. WTO không chỉ đơn giản là một lựa chọn cho Việt Nam mà còn tạo ra cho Việt Nam một lợi thế cạnh tranh so với các nước khác, ví dụ như trong công nghiệp dệt may. 

 

Tôi chúc chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải thành công tốt đẹp!

  • Việt Lâm - Thanh Tú (thực hiện)

,

Tin khác

Tin khác của 'Việt Nam mới'

,
,