Xung lực nào cho kinh tế Việt Nam trong 20 năm tới?
Việt Nam nên đi theo Lựa chọn phát triển chiến lược như thế nào để có thể cất cánh cao xa, nhanh và vững chắc trong cuộc đua kinh tế toàn cầu? Đó là nội dung bàn tròn trực tuyến với GS, TS David Dapice, đến từ trường Quản lý Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ) sáng 18.12 trên VietNamNet.
GS, TS David Dapice. |
GS David Dapice đã có 17 năm nghiên cứu về Việt Nam, là một trong những thành viên sáng lập ra Fulbright - chương trình hợp tác giữa Trường Đại học kinh tế TP.HCM và Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard tổ chức. Thành lập từ năm 1994, mô hình được đánh giá là tổ chức nghiên cứu và đào tạo về chính sách công hàng đầu tại Việt Nam.
Ông đã từng xuất bản nhiều tài liệu nghiên cứu tình huống phân tích tình hình kinh tế của Việt Nam như "Toàn cầu hoá: Lịch sử, tổng quan, hiện trạng và ý nghĩa đối với Việt Nam" (2002); "Sự phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ" (2003); "Lịch sử hay chính sách: Tại sao các tỉnh phía Bắc không tăng trưởng nhanh hơn?" (2004). GS David Dapice được coi như một chuyên gia hàng đầu về chính sách kinh tế Việt Nam. Ông cũng đã từng là giáo viên hướng dẫn cho nhiều cán bộ của Việt Nam trong thời gian họ học ở Harvard.
Cách đây mấy tháng, GS David Dapice đã đưa ra những khuyến cáo đáng chú ý về vấn nạn tham nhũng, về hiệu quả đầu tư công, chất lượng giáo dục, chất lượng cải thiện các thể chế hành chính... Theo ông, đó là những nguyên nhân để Việt Nam bị tụt vị trí trong bảng xếp hạng về kinh tế. GS David Dapice cũng đã từng có 8 năm nghiên cứu về kinh tế Indonesia.
Hiện GS David Dapice đang có mặt tại Hà Nội để tham gia giảng dạy khoá học mang tên Khoá thí điểm về đào tạo kinh tế học cao cấp do Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) TP.HCM và Viện ngân hàng phát triển châu Á cùng Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Trong 20 năm tới, Việt Nam nên đi theo Lựa chọn phát triển chiến lược như thế nào để có thể cất cánh cao xa, nhanh và vững chắc trong cuộc đua kinh tế toàn cầu? Đó sẽ là vấn đề chính trong những câu hỏi mà ông Nguyễn Anh Tuấn đặt ra với GS David Dapice trong cuộc bàn tròn trực tuyến sáng 18/12.
Nội dung Bàn tròn trực tuyến:
- Thưa các bạn độc giả VietNamNet. Hôm nay chúng tôi chính thức bắt đầu một đợt truyền thông với chủ đề: "Năng lực, xung lượng nào cho VN cất cánh, phát triển bền vững, tăng trưởng mạnh mẽ và có vị thế vững chắc hơn nữa trong khu vực và trên thế giới?"
GS, TS David Dapice đang trao đổi với TBT VietNamNet trong cuộc bàn tròn trực tuyến. |
Nhìn lại 20 năm qua, một giai đoạn lịch sử đã qua, chúng ta thấy rằng không ngờ nó trôi nhanh như vậy. 20 năm gần bằng thời gian cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta để thống nhất đất nước, giành lại độc lập tự do. Chúng ta đã từng chứng kiến những buổi lễ kỷ niệm ôn lại những hình ảnh thật xúc động của những ngày tập kết, đoàn tụ gia đình. Chúng ta cảm giác cuộc kháng chiến đó rất dài, dài đằng đẵng trong mỗi gia đình, trong mỗi con người. Hai mươi năm đổi mới cũng đã trôi vút qua nhưng điều kỳ diệu là hôm nay, khi nhìn lại, chúng ta nhìn thấy một cách rõ ràng những điều đã làm được trong 20 năm đổi mới là một sự kỳ diệu.
Nhìn lại năm 1985... Khi đó đất nước thực sự khó khăn. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, bao nhiêu lo lắng, băn khoăn về tương lai của đất nước. Hai mươi năm đi qua, những câu hỏi đó đã có lời đáp để ngày hôm nay chúng ta hãnh diện, tự hào, hạnh phúc với một đất nước VN có một vị thế hoàn toàn mới, một đất nước VN thực sự đàng hoàng, tươi đẹp trong cảm nhận của bạn bè quốc tế. Đảng của chúng ta đã thực sự vĩ đại và thành công trong 20 năm qua, đã đưa đất nước đi đến ngày hôm nay. Chính phủ Việt Nam cũng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, chẳng hạn như WB gần đây đã đánh giá khả năng quản lý, điều hành đất nước của chính phủ VN càng ngày càng được cải tiến.
Có lẽ một trong những minh chứng rõ ràng nhất là bóng đá (tuy mới đây có hơi buồn là sự kiện đội tuyển bị thất bại tại Tiger Cup). Đó là bài học về cách cập nhật giá trị. Khi HLV Tavares tới đây cách đây 9, 10 năm, VN lúc đó chưa có huấn luyện viên ngoại nào, chúng ta coi ông ta như một người hùng. Và thực sự ông ta đã làm nên huyền thoại cho bóng đá Việt Nam. Nhưng mười năm sau chúng ta vẫn coi ông ta là một người hùng và mời lại với hi vọng tạo nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam thì đó là sai lầm bởi phong độ của Tavares đã khác, cuộc chơi cũng đã khác, đối thủ trên sân cũng đã tiến những bước dài và bóng đá Việt Nam cũng đã ở vị thế khác. Sự chủ quan và không cập nhật giá trị đã dẫn đến việc chúng ta thất bại tại Tiger Cup.
Câu chuyện bóng đá cũng sẽ không xa bài học về phát triển là mấy. 10 năm qua, đất nước VN nói chung chúng ta đã đi được bước tiến dài, những kết quả tuyệt vời. Nhưng mỗi thời kỳ khác nhau của đất nước cần những bước đột phá khác, cần xung lực mới để bước tiếp. Nếu chúng ta bằng lòng và chủ quan có nghĩa là chúng ta không thể cất cánh như mơ ước.
Vậy thì, chúng ta đánh giá những giải pháp, những đòn bẩy để đất nước bật lên, làm được những điều kỳ diệu trong 20 năm qua còn giá trị trong giai đoạn tới hay không? Hay là chúng ta cần một xung lực mạnh hơn nữa, giải pháp khác trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, trong hoàn cảnh của chúng ta lúc này? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Chắc chắn các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân VN chúng ta cũng đang trăn trở suy nghĩ để làm sao đất nước chúng ta đi lên hơn nữa, dân tộc chúng ta hạnh phúc hơn nữa. Đó là ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc trong một thời kỳ mới.
VietNamNet hy vọng cùng đồng nghiệp và độc giả suy nghĩ tìm giải pháp, góp thêm tiếng nói để cùng Đảng và Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Như năm 1985, những người dân Việt Nam đã từng hừng hực không khí, khí thế rất sôi nổi, mạnh mẽ, hứng khởi trong công cuộc đổi mới để rồi từ đó Đảng đã có được nghị quyết đúng đắn của ĐH Đảng 6. Từ đó tạo xung lực cho 20 năm qua, xung lực của thời kỳ tiền đổi mới.
Hôm nay, chúng tôi cũng mong muốn - và đây có lẽ là tâm huyết của đại bộ phận lãnh đạo, Đảng viên, nhân dân nói chung - mong rằng năm 2005 với những sự kiện to lớn của đất nước, những gì chúng ta trông đợi, hy vọng sẽ thành sự thật. Kế thừa những thành quả 20 năm qua, đất nước sau Đại hội 10 sẽ có xung lực mới, luồng gió mới, hào khí mới giải pháp mới, tư duy mới để đưa đất nước đi lên ở tầm cao hơn, xứng đáng với tiềm năng, tầm vóc của dân tộc VN chúng ta.
Hôm nay, trên bàn tròn trực tuyến này chúng tôi hân hạnh được đón và trò chuyện với GS. David Dapice thuộc Trung tâm Doanh nghiệp và Chính phủ của Trường Quản lý Chính phủ Kenedy, ĐH Harvard. GS. David là một GS. kinh tế xuất sắc đã có 15 năm gắn bó và tìm hiểu về kinh tế VN. Ông đến VN lần đầu tiên năm 1989 và đã nghiên cứu nhiều công trình về VN. Có lẽ, ngoài những nghiên cứu, ông còn dành nhiều tình cảm cho VN. Hôm nay, chúng ta sẽ trò chuyện, trao đổi, thậm chí tranh luận với GS về chủ đề: Làm thế nào để VN mạnh hơn, vững chắc hơn, vị thế cao hơn trong 20 năm tới.
- TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa GS, tôi đã tham dự một số khoá học của GS. Hôm nay, VietNamNet chào đón GS với chủ đề thảo luận về "Xung lực nào đưa VN tiến lên trong 20 năm tới". Đây cũng là câu hỏi đầu tiên của tôi dành cho GS?
GS. David Dapice: - Đó là một câu hỏi lớn. 20 năm là một khoảng thời gian dài. VN đã đạt được những thành tựu lớn trong 15 năm qua trong việc tăng trưởng GDP. Xuất khẩu và sản xuất tổng thể sẽ tiếp tục là một nhân tố cực kỳ quan trọng cho VN để tạo ra những bước tiến mới. Hiện nay, xuất khẩu của VN là 25 tỷ USD trong khi nhập khẩu còn cao hơn thế. Do đó, tổng giá trị thương mại bằng 125% của tổng sản phẩm quốc nội. VN đã có nền kinh tế mở. VN sẽ thực hiện các cam kết của BTA, WTO sau các hiệp định trong khối ASEAN (AFTA). Khi đó, nền kinh tế của các bạn còn hội nhập hơn nữa với phần còn lại của thế giới.
Theo tôi, các vấn đề và thách thức của VN trong thời gian tới không xuất phát từ khu vực hàng có thể xuất nhập khẩu. Đương nhiên là khu vực này vẫn cần có những cải thiện. Mà thách thức chính là từ khu vực phi sản xuất. Ở đây, đó là giáo dục, y tế ngân hàng. Những ngành này đang ở rmức thấp hơn so với vị trí mà các bạn nên có và có thể đạt được so với ngành công nghiệp và nông nghiệp. Dĩ nhiên, ngành công nghiệp và nông nghiệp vẫn cần được cải thiện và tôi nghĩ chúng sẽ được tăng cường.
Nhưng cơ chế sử dụng thương mại để phát triển những ngành không thể xuất nhập khẩu chưa được mạnh mẽ như vậy. Do đó, các bạn cần phát triển cơ chế trong nước để tạo ra áp lực buộc các nhà cung cấp phải hoạt động hiệu quả hơn. Tôi có thể nói rằng trong lĩnh vực Internet và viễn thông, VN đang làm được điều đó. Tôi nghĩ những ngành này sẽ phát triển rất nhanh và hiệu quả.
Mặt khác, tôi nghĩ rằng tài chính có thể là bước phát triển kế tiếp bởi ngành này thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định BTA và WTO. Sau đó, tôi nghĩ tới giáo dục và y tế, trong điều kiện chúng được hưởng lợi trực tiếp từ thương mại.
Tầm quan trọng của khu vực tham gia ngoại thương thường không được hiểu một cách đầy đủ. Nếu bạn có các ngành hàng không tham gia ngoại thương hiệu quả, chúng sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững của nền kinh tế. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của VN là khoảng 500 USD, một sự tiến bộ rất lớn kể từ khi tôi đến thăm VN lần đầu tiên năm 1989. Thế nhưng, bước tiến ấy chưa phải là dài nếu so với mục tiêu mà các bạn muốn đạt được là trở thành một nước hạng trung hoặc thậm chí cao hơn trong vòng 20 năm.
Thước đo thực sự của một đất nước phát triển không chỉ là một vài chỉ số công nghiệp hoá, vốn tương đối cao ở VN. Tôi thấy chỉ số công nghiệp của VN thậm chí còn cao hơn cả Nhật Bản. Vì thế, nếu nhìn vào công nghiệp, dĩ nhiên đây là ngành các bạn muốn nâng cao trình độ kỹ thuật song tôi không cho rằng đó thực sự là nhân tố đang kềm giữ kinh tế VN.
Yếu tố kiềm giữ các bạn chính là khả năng tiếp thu công nghệ mới một cách nhanh chóng và dễ dàng đào tạo nhân lực đáp ứng trình độ cao cần thiết nhằm tạo ra các giá trị gia tăng. Các bạn có thể nhìn vào một số nhà máy và người khác sẽ nói, lao động VN thuộc nhóm có trình độ chuyên môn và kỹ năng. Tôi không hề có một chút nghi ngờ nào rằng người VN thông minh, luôn sẵn sàng học hỏi và có khả năng học hỏi rất nhanh. Vì thế, tôi cho rằng vấn đề nằm ở cơ chế làm sao để tạo điều kiện cho những con người rất sẵn sàng cầu thị này, đem tới những giá trị mới cho kiến thức của họ để họ có thể tham gia ở trình độ cao hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Những điều GS vừa phân tích dựa trên nền tảng kiến thức và có thể là từ cách nhìn của nền kinh tế Mỹ. Nhưng liệu những đề xuất đó phù hợp với một nền kinh tế như VN?
Những gì tôi muốn nói là nếu bạn không cải thiện các ngành này, bạn sẽ thấy ngày càng khó khăn hơn trong tiến trình phát triển khi VN tiến đến mức thu nhập đầu người cao hơn. Bạn có thể so sánh nó giống như các đội có trình độ khác nhau vậy. Khi bạn tham gia một giải bóng đá cấp làng xã, sẽ không có gì khó khăn trong thi đấu cả. Nhưng khi bạn tiến tới tranh giải ở cấp quốc gia, yêu cầu sẽ cao hơn rất nhiều và bạn cần phải nâng cấp kỹ năng của mình để có thể chơi trong một giải đấu lớn hơn. Điều tương tự đang và sẽ xảy ra với VN. Nếu bạn không bạn không nâng cao trình độ của mình, bạn sẽ mất nhiều hơn được trong trò chơi này và tôi nghĩ, đó chính là vấn đề.
Đối với Mỹ, chắc các bạn cũng biết, chúng tôi không thực hiện tốt lắm trong lĩnh vực y tế. Nói một cách thẳng thắn, chúng tôi đã chi tiêu rất nhiều nhưng kết quả thu được lại hạn chế. Vì thế, Mỹ không phải là mẫu hình về y tế. Tôi nghĩ mô hình y tế ở một số nước như Canada, Hà Lan có thể hữu ích hơn cho VN. Theo tôi, điều mà hầu hết người dân mong muốn là một hệ thống bảo hiểm y tế có ý nghĩa để ít nhất cũng đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khoẻ và cho phép họ mua nhiều dịch vụ hơn nếu họ có đủ tiền. Tôi cho rằng, đó là điều mà hệ thống y tế hiện tại chưa thực hiện được bởi vì VN đang dần tư nhân hoá y tế. Sẽ rất khó để Chính phủ có thể hỗ trợ cho tất cả người dân.
Do đó, tôi nghĩ đó sẽ là một phần vấn đề của cuộc thảo luận ở cấp độ quốc gia, xem hệ thống y tế đã đáp ứng được ở mức tối thiểu chưa. Cung cấp tài chính cho hệ thống y tế đó như thế nào? Một phần qua bảo hiểm và một phần thông qua trợ cấp của Chính phủ?
Nhưng tôi nghĩ, đưa các bác sĩ, y tá, dược sĩ tham gia vào một hệ thống đáp ứng những nhu cầu của người dân và cung cấp những dịch vụ chăm sóc thực sự cần thiết là một thách thức mà VN đang gặp phải. Nó sẽ giúp VN giành được lợi thế cạnh tranh và xây dựng một xã hội cạnh tranh hơn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn chuyển tới GS David một câu hỏi của độc giả: Tôi đã tham dự một khoá đào tạo về các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại Đan Mạch. Tôi muốn hỏi GS một số câu liên quan đến kinh tế nông nghiệp của VN. Đan Mạch đã tiến hành cải cách nông nghiệp cách đây 80 năm. Tại thời điểm đó, nông nghiệp nước này có xuất phát điểm giống VN hiện nay. Vậy VN phải mất bao nhiêu năm để cải cách nông nghiệp của mình được như Đan Mạch?
GS. David Dapice: Sự quá độ từ nông nghiệp lên công nghiệp và dịch vụ mới chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu. VN có 60% lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp. Chắc chắn con số này sẽ giảm xuống và khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng nhanh càng nhanh thì số người mất việc làm trong nông nghiệp ngày càng nhiều hơn. Đất đai trong nông nghiệp ngày càng thu hẹp và những người làm việc trong khu vực này khó có thể kiếm được mức thu nhập tốt. Và đương nhiên những người trẻ tuổi, đặc biệt là những ai được thụ hưởng giáo dục thường háo hức di cư ra thành phố để tìm kiếm một công việc thu nhập cao hơn và tương lai tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ trong 20 năm tới, VN sẽ đạt đựơc những bước tiến lớn theo hướng này, nhất là khi VN tăng trưởng nhanh. Theo tôi, thậm chí VN có thể cắt giảm lực lượng lao động nông nghiệp xuống còn 30% trong điều kiện lý tưởng và nông nghiệp có thể chỉ chiếm 10 đến 15% tổng sản phẩm quốc dân thay vì 20 - 25% như hiện nay.
- Vậy theo GS, để tăng tốc sự phát triển kinh tế và chống tham nhũng, VN nên đặt ưu tiên vào đâu: cải cách hành chính, cải cách DN, cổ phần hoá DNNN hay tăng cường tính minh bạch?
Đối với tham nhũng, đó là vấn đề khó khăn đối với rất nhiều quốc gia. Tôi nghĩ để giải quyết được nó không chỉ cần có động lực chống tham nhũng, cho dù nó có thể hữu dụng mà là phải suy nghĩ về vấn đề này một cách hệ thống nhằm tìm ra những nguyên nhân thực sự. Lương công chức thấp, hệ thống công quyền quá phức tạp là một trong những nguyên nhân của vấn nạn tham nhũng. Tôi nghĩ nếu các bạn đơn giản hoá được bộ máy hành chính, nâng cấp và hợp lý hoá cơ cấu công quyền, nâng lương bậc và tăng tính chịu trách nhiệm, chắc chắn tình trạng tham nhũng sẽ được cải thiện.
Theo kinh nghiệm của tôi, cải cách không hẳn là lập kế hoạch. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng chính sách thuế tương đối dễ thực hiện nếu xét theo khía cạnh này. Chẳng hạn, Chính phủ có thể đánh thuế sử dụng đất đối với các dịch vụ trong nước. Ở hầu hết các nước, giá trị thị trường của một ngôi nhà và các tài sản bị đánh thuế ở mức 0,5 đến 1%. Nguồn doanh thu từ thuế này sẽ được trao cho chính quyền địa phương để cấp ngân sách cho giáo dục, y tế, cứu hoá, cảnh sát... Đây có thể là một hướng mà VN nên cân nhắc.
Tôi cho rằng cải cách ngân hàng sẽ là vấn đề nổi lên khi BTA và WTO đi vào thực thi. Ngoài ra, trong vòng 10 năm hoặc hơn, Chính phủ nên có kế hoạch cổ phần hoá DNNN. Trong 5, 10 năm tới, VN phải đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá các DN này. Dĩ nhiên, nó sẽ gặp những khó khăn về mặt chính trị song chỉ nên để lại những DN thực sự cần thiết, làm hạt nhân.
Song song với đó, những DN vừa và nhỏ sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong một môi trường ưu đãi hơn cho tư nhân. Xét trên khía cạnh kinh tế, VN có thể đẩy nhanh tiến trình này nhưng về mặt chính trị, có thể sẽ mất một thời gian.
Một lần nữa, theo tôi, ý tưởng cơ bản không phải là ngồi hình dung xem những gì kế tiếp sẽ xảy đến mà chỉ đơn giản là thực hiện những gì chúng ta có khả năng. Một khi người dân nghĩ rằng những điều này sẽ hữu ích, họ sẽ tạo ra động lực thực hiện và khi đó, những thay đổi sẽ diễn ra một cách dễ dàng hơn.
- Thưa GS, Singapore đã "tiếp thị" đất nước mình bằng điểm nhấn qua ngành hàng không. Còn Việt Nam, nên tạo dựng thương hiệu từ những ngành nào?
- Ý tưởng về thương hiệu rất hay. Về mặt sản phẩm, tôi cho rằng VN có thể tạo dựng chỗ đứng vững chắc trong một số lĩnh vực như dệt may, giày dép, đồ mỹ nghệ và thủy sản. Đồ mỹ nghệ là sản phẩm mà các bạn có thể tạo dựng tên tuổi cho riêng mình.
Thực ra, rất khó có thể nói đâu là mô hình cho VN. Du lịch cũng có thể thành thương hiệu nếu VN phát triển ngành này một cách cẩn thận bởi vì các bạn có nguồn lực. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn một ngành cụ thể, tôi muốn để mọi thứ phát triển một cách tự nhiên. Và khi VN có được một "hình ảnh trưởng thành" trong nghệ thuật, đồ mỹ nghệ hoặc một hàng hoá, đó sẽ là điều mà mọi người ghi nhận và trở thành biểu tượng.
- Một bạn đọc hỏi: VN đang tiến hành cải cách kinh tế và đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều ngành kinh tế. Dưới tác động của toàn cầu hoá, hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép mạnh mẽ phải tự do hoá. Tuy nhiên, tự do hoá ngân hàng có thể gây những tác động bất lợi như cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng trong và ngoài nước, nguy cơ khủng hoảng tài chính... Với tư cách một nhà hoạch định chính sách, ông có cho rằng trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, Chính phủ VN nên bảo vệ hệ thống ngân hàng yếu ớt hiện nay thông qua các chính sách bảo thủ hơn. Và nếu các chính sách này được áp dụng, VN nên giải quyết sức ép từ WTO, BTA, WB như thế nào cho hiệu quả?
- Bạn nói rất đúng rằng tạo ra capital account trước khi có một hệ thống ngân hàng và các thị trường tài chính vững mạnh sẽ là rủi ro cho những nước như VN. Điều tương tự đã xảy đến cho các nước châu Á trong những năm 1997-1998.
Mặt khác, việc cho phép cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng và tự do hoá nguồn vốn luân chuyển hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể duy trì kiểm soát nguồn vốn. Theo tôi được biết, các điều khoản trong các hiệp định thương mại thường đòi hỏi phải tự do hoá nhanh chóng, tháo gỡ các giới hạn đối với trao đổi ngoại tệ, đồng thời tự do hoá hệ thống ngân hàng trong nước. Thực tế, tôi có thể nói rằng Ngân hàng Nhà nước VN đang chuyển đổi rất chậm. Tỷ lệ nợ xấu tương đối cao và có lẽ tình hình khó chuyển biến tích cực nếu không có sức ép cạnh tranh.
Nếu tỷ lệ nợ xấu càng cao thì nền kinh tế càng dễ tổn thương bấy nhiêu. Và nếu VN duy trì kiểm soát vốn trong trao đổi ngoại tệ nhưng cho phép cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, tôi nghĩ nó sẽ giúp tăng cường hệ thống tài chính. Và cuối cùng, VN có thể cho phép mở cửa về capital account khi có hệ thống tài chính mạnh, đủ khả năng chịu sức ép.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa GS, có một bạn đọc nêu câu hỏi: - Nhiều nước (và vùng lãnh thổ) trong khu vực đã tập trung phát triển vào các ngành công nghệ cao và đã thành công như Nhật Bản và sau này là Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Trong khi đó, VN vẫn tập trung vào nông nghiệp. Theo GS, điều này là tốt hay xấu? Việt Nam có nên đi theo con đường của các nước nói trên?
- Đúng là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển được ngành công nghệ cao. Điều mà họ đã làm là thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng một số nhà máy hướng ra xuất khẩu. Khả năng phát triển và quy mô ngành công nghệ cao ở Malaysia và Thái Lan thì hạn chế. Tôi cho rằng, VN có nhiều khả năng phát triển công nghệ cao hơn cả Thái Lan và Malaysia. Đất nước các bạn có đội ngũ nhà khoa học và kỹ sư đông đảo.
Tuy nhiên, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng VN cần nâng cấp hệ thống giáo dục có trình độ cao hơn, hội nhập hơn với thế giới. Hiện các công ty VN có xu hướng mua máy móc nước ngoài hơn là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Trong vòng 20 năm tới, FDI và giáo dục có khả năng phát triển rất nhanh. Những lĩnh vực khác mà chúng ta có thể nhắm tới là công nghệ sinh học. Tận dụng thế mạnh trong nông nghiệp, sinh học và áp dụng trên diện rộng, theo tôi sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho VN trong 20, 30 năm tới.
Tôi không thấy có gì mâu thuẫn giữa điều mà VN cần làm và những gì các bạn đang có trong tay cả.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - GS đánh giá như thế nào về hiệu quả đầu tư của VN hiện nay?
- Theo tôi, đầu tư hiệu quả là đầu tư mà mức độ thu lại là tốt, chẳng hạn như khi ta xây một con đường và thu lệ phí trả cho chi phí xây con đường và bảo quản nó. Đối với các nhà máy, mọi nhà đầu tư đều cố gắng đem lại lợi nhuận. Họ phải trả nợ cho ngân hàng và nhiều thứ khác, vì thế, họ phải thu được lợi nhuận để mua máy móc, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp thị... Cách thức tốt nhất để đầu tư hiệu quả là phải cạnh tranh và có thị trường vốn tưởng thưởng cho những công ty làm ăn hiệu quả.
Do vậy, tôi nghĩ VN sẽ có đầu tư hiệu quả. Hy vọng là trong 5 năm tới VN sẽ tiến theo hướng này nhanh hơn so với 5 năm vừa qua.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - GS có nhận xét gì về sự khác biệt trong sự tăng trưởng của các vùng khác nhau trong nước VN? Theo ông, vùng nào đang trở thành mô hình tiêu biểu cho VN?
- Chênh lệch vùng miền là một vấn đề lớn. Có nhiều tỉnh đang trở thành điểm nóng về thu hút FDI. Khoảng 10 đến 15 tỉnh thành đang thu hút phần lớn đầu tư. Khu vực đầu tư tư nhân trong nước thậm chí còn mở rộng với tốc độ nhanh hơn. Và tôi cho rằng ở mỗi vùng chúng ta có thể chọn một hay hai địa phương mà ở đó chính quyền biết cách hợp tác với các nhà đầu tư chứ không phải cho họ mọi thứ hay để họ ngập trong sai lầm. Nói theo câu ngạn ngữ: "Chúng ta đồng hành, chúng ta cùng ngồi trên một con thuyền". Những địa phương này đã làm việc đó rất tốt và nếu các địa phương lân cận có thể học hỏi họ, giữa các vùng sẽ không còn sự khác biệt lớn như hiện nay.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Nếu có cơ hội, GS sẽ tư vấn như thế nào cho Thủ tướng VN?
- Nếu có một lĩnh vực mà tôi tập trung vào thì đó sẽ là vấn đề phân bổ ngân sách nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng và tài chính.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Khi ký kết BTA, nhiều người từng hy vọng đầu tư của Mỹ vào VN sẽ tăng mạnh. Nhưng hiện tại không được như mong đợi. Theo GS, nguyên nhân là do đâu và VN có thể làm gì để thu hút đầu tư của Mỹ?
- Mỹ không phải là nhà đầu tư lớn ở VN. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là hệ thống luật pháp ở đây không phát triển như một số nước. Các nhà đầu tư Mỹ có xu hướng dựa vào các luật sư nhiều hơn các nhà đầu tư châu Á khác. Vì thế, theo tôi, khi hệ thống pháp lý phát triển, các rào cản được giảm bớt thì sẽ có nhiều nhà đầu tư Mỹ đến đây. Một yếu tố khác cũng phải tính tới là nhiều khoản đầu tư từ các nước châu Á đã bao gồm cả đầu tư của các công ty Mỹ. Tuy nhiên, chìa khoá để thu hút đầu tư, không chỉ từ Mỹ là phải tạo ra các điều kiện kinh doanh thuận lợi và môi trường minh bạch nơi các nhà đầu tư được đối xử một cách bình đẳng. Một số địa phương của VN đã làm rất tốt việc này và vì thế, họ đã đạt được những thành công lớn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa GS có một bạn đọc hỏi thế này: - Một số nước đã chọn CNTT như mũi nhọn phát triển. GS đánh giá như thế nào về CNTT của VN?
- Tôi thấy rằng CNNTT và điện tử vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi. VN đã sản xuất khá tốt một số linh kiện điện tử. Từ những gì tôi chứng kiến, tôi nghĩ thách thức thực sự nằm trong các chương trình phần mềm trình độ cao. Tuy nhiên, ngành này có thể đem lại sự tăng trưởng nhanh nhất. Như những gì đã phân tích ở trên, công nghiệp phần mềm trình độ cao rất hứa hẹn mà VN có thể nghiên cứu phát triển.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Thế nhưng, công nghiệp phần mềm ở VN trên thực tế không phát triển đúng như VN mong đợi?
- Tôi nghĩ phần lớn nguyên nhân là do sự sụt giảm kinh tế toàn cầu và sự chững lại của ngành này trên toàn thế giới. Hiện ngành này đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. Mặt khác, những nước như Ấn Độ chẳng hạn đã chiếm được miếng bánh lớn trong ngành kinh doanh giá trị này. Bởi vì họ đã phát triển nó trong 20, 30 năm và đã giành được một trong những vị thế dẫn đầu. Chẳng hạn trong lĩnh vực viết nguồn cơ bản, các sản phẩm của Ấn Độ vừa tốt vừa rất rẻ. Khi mức độ hội nhập cao hơn, nó sẽ đòi hỏi nhiều nguồn đầu tư lớn hơn. Và tôi nghĩ VN có cơ hội phát triển tốt công nghệ phần mềm khi đầu tư nước ngoài trở lại và dịch vụ phát triển. Khi đó, VN có thể giành được thị phần đáng kể trong thị trường đang lên đó.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Chính phủ VN đã đầu tư khá nhiều vào CNTT, từ giáo dục cho tới hoạch định chính sách và chính phủ điện tử. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp IT ở VN vẫn chưa được thành công cho lắm. GS có suy nghĩ gì về hiện tượng này?
- Tôi cho rằng hầu hết các ngành công nghiệp có thị trường nội địa vững mạnh sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Ở VN, việc viết một chương trình hay một sản phẩm trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng sao chép phổ biến. Vì vậy, khi VN cải thiện được tình hình bảo vệ sở hữu trí tuệ, đầu tư vào thị trường trong nước sẽ nhiều hơn và khi đó, các sản phẩm của VN sẽ tìm được đường ra thị trường thế giới một cách dễ dàng hơn. Nhưng tôi đồng ý với ý kiến của anh là tình hình hiện nay không được khả quan.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - GS cảm thấy ấn tượng nhất về điều gì ở VN?
- Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi là nguồn sinh lực của những con người nơi đây. Mọi thứ dường như đều tàng trữ trong mình nguồn năng lượng dồi dào hơn nhiều nước khác mà tôi đã đến làm việc. Con người ở đây luôn muốn tiến về phía trước. Mặc dù cơ cấu và thể chế vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và không phải lúc nào cũng hỗ trợ họ. Tuy nhiên, chiều hướng thay đổi là rất tích cực và tôi hy vọng rằng cùng với thời gian, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Nếu chúng được giải quyết, tôi tin rằng sớm hay muộn tốc độ tăng trưởng không chỉ bền vững mà sẽ được đẩy nhanh. Bởi vì tuy VN là một nước nghèo nhưng trên nhiều khía cạnh thì VN không phải là một nước kém phát triển.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Vậy có điều gì GS không thích ở VN?
- Chính xác là những điều đang cản trở người dân VN thực hiện giấc mơ của họ. Tôi không thích lãng phí, tôi không thích tham nhũng và tôi càng không thích một số thể chế không cung cấp cho người dân những dịch vụ cần thiết ngay cả khi chúng được trả tiền. Nếu VN tìm ra con đường giải quyết những vấn đề này, chủ yếu là trong ngành không thể xuất nhập khẩu, tôi nghĩ tương lai của các bạn sẽ không chỉ tươi sáng mà là rất tươi sáng.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy GS sẽ đóng góp như thế nào cho VN trong tương lai?
- Tôi sẽ tiếp tục làm việc tại Trường Fulbright tại TP.HCM cũng như đến thăm Hà Nội nhiều lần nữa và nói chuyện với những người muốn trao đổi với tôi.
TBT NGuyễn Anh Tuấn: - GS có thể tiết lộ một số thông tin về Trung tâm Fulbright tại VN?
- Chương trình chính sách công mới được triển khai 1 năm tại TP.HCM. Chúng tôi tiếp nhận khoảng 70 cán bộ trung tuổi từ khắp mọi miền để nghiên cứu về quản lý kinh tế và chính phủ theo cách thức tương tác. Chúng tôi khuyến khích các cuộc thảo luận tích cực và mọi người học cách tìm kiếm nhiều câu trả lời cho cùng một vấn đề. Nói chung, tôi thấy mô hình giáo dục nên chú trọng tiếp cận với kiến thức toàn cầu. Các bạn đừng nên chỉ dựa vào sách vở và tài liệu trên lớp. Chúng ta cần một sự thay đổi trong cấu trúc giáo dục hiện đang tồn tại ở VN. Theo tôi, chúng ta có thể bắt đầu tư giáo dục trung học và nên kiểm tra trình độ của sinh viên VN so với sinh viên trong khu vực, từ đó xác định phải thay đổi những gì.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Thưa GS, liệu có thể so sánhTrung tâm Fulbright Việt Nam với trường ĐH Kennedy School of Government (ĐH Harvard)?
- Khó có thể so sánh vì trường ĐH Kennedy School of Government (ĐH Harvard) đã tồn tại rất lâu và là một trường nổi tiếng trên thế giới nhưng Trung tâm Fulbright Việt Nam cũng đã kế thừa được mô hình đào tạo ưu việt của trường ĐH Kennedy School of Government (ĐH Harvard)? Trung tâm Fulbright tại ĐH Quốc gia TP. HCM đã và sẽ có nhiều đóng góp hữu ích, thiết thực trong tiến trình đổi mới và phát triển của Việt Nam.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Xin cám ơn GS về cuộc trao đổi thú vị này. Còn rất nhiều câu hỏi gửi tới, chúng tôi sẽ chuyển đến qua email để GS trả lời bạn đọc.
-
VietNamNet