,
221
4544
Việt Nam mới
vnmoi
/10namvietmy/vnmoi/
658814
Du học sinh tiếp thị hình ảnh Việt Nam
1
Article
4541
10 năm Việt Mỹ
10namvietmy
/10namvietmy/
,

Du học sinh tiếp thị hình ảnh Việt Nam

Cập nhật lúc 07:41, Thứ Năm, 09/06/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Dù công việc chính ở xứ người là trau dồi kiến thức, nhưng không ít du học sinh Việt Nam đã nỗ lực giới thiệu đất nước với bạn bè thế giới.

Đa dạng, đa năng....

Tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa là việc phổ biến nhất mà sinh viên Việt Nam (SVVN) du học "lăng xê" hình ảnh đất nước. Ở nhà, chưa bao giờ xuất hiện để trình diễn áo dài, hát dân ca... thì sang xứ bạn, vào những những ngày như thế, năng khiếu nghiệp dư làm diễn viên, đạo diễn, nhà tổ chức... bất ngờ "phát lộ".

Về khoản này, SV ở Anh làm khá đình đám, từ London, tới Leeds, Oxford, Nottingham, Birmingham, Newcastle, dù ở xứ sương mù  này, chưa có một tổ chức tổng hội SVVN chính thức.

Sinh viên tại Pháp biểu diễn nhạc dân tộc

Các VietSoc (Vietnamese Society, tên gọi tổ chức SVVN ở từng trường ĐH) năm nào cũng sôi động. VietSoc của ĐH Oxford hàng năm tổ chức Đêm văn hóa Việt. VietSoc ở trường Khoa học Kinh tế Chính trị London nổi danh với việc tổ chức  những chương trình  văn nghệ rất lớn. Năm ngoái 2004 là  Điểm Hẹn, năm 2003 có Ấn tượng UK. Còn VietSoc Leeds  thì hàng năm tổ chức Ngày Việt Nam. Năm nay, ngày này sẽ tổ chức vào ngày 7 và 8/2.

Năm ngoái, trong "Đêm Văn hóa Việt" của VietSoc Oxford, đã trình chiếu đoạn phim ngắn do SV nhà ta đích thân quay tại quê nhà. "Bản thân người Việt xem cũng thấy rất ý nghĩa. Những thước phim đó truyền tải hình ảnh khá thật về VN và chí ít, đã đem lại những cái nhìn rất tốt cho người nước ngoài về xứ sở nhiệt đới xa xôi" - Tô Nhật, nghiên cứu sinh tại trường ĐH Tổng hợp London cho biết.

Sắp tới, vào ngày 13/2, tại London, SVVN từ các Vietsoc cùng nhau cộng tác  tổ chức đêm hội "Chào Xuân 2005". Ngoài các tiết mục hài kịch, biểu diễn thời trang, múa dân tộc, ca múa nhạc đặc sắc, chương trình sẽ trình chiếu một đoạn phim ngắn về Tết Việt....

Học xong học kỳ đầu tiên tại khoa công nghệ sinh học, trường Đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia), tôi sang du học tại Canada. Lần đầu tiên xa nhà, lại đi quá xa đến nửa vòng trái đất, tôi những mong sang bên đó sẽ được gặp gỡ những sinh viên VN để phần nào chia xẻ nỗi nhớ nhà cũng như những khó khăn thời gian đầu nhập học mà chắc chắn không du học sinh nào không phải đối diện. 

Soạn: AM 269464 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Cô SV nhỏ Phước Thảo tại Canada

Nhưng thật không may, lớp mà tôi đăng ký học tín chỉ đầu tiên chẳng có lấy 1 du học sinh VN nào, trong khi có đến khoảng 300 sinh viên theo học. Nhưng trong cái không may lại có cái may. Nơi tôi thuê nhà có 4 bạn sinh viên nước ngoài và thêm con gái bà chủ nhà học trên khóa tôi nữa, rất tốt bụng và nhiệt tình, chỉ tội không ai biết lấy nửa chữ tiếng Việt , ngoài giờ học trên lớp hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Trong lớp tôi học có sinh viên nhiều nước. Ngoài sinh viên của nước sở tại Canada nhiều nhất, đương nhiên rồi, là sinh viên Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia,...

Khi tiếp xúc với các bạn sinh viên trong lớp, tôi mới chợt nhận ra rằng, thế hệ những người trẻ tuổi như tôi ở bên này không biết gì  nhiều đến Việt Nam, trừ những du học sinh đến từ các nước châu Á. Ngay như các bạn sinh viên Hàn Quốc hay Trung Quốc (Đài Loan), dù là gốc châu Á nhưng quốc tịch Canada, gia đình sinh sống từ lâu tại Canada cũng vậy, không biết nhiều về Việt Nam.

Tôi ngầm "hoạch định" một chương trình "tiếp thị" cho Việt Nam, bắt đầu ngay từ trong ngôi nhà tôi đang ở trọ. Ít ra thì tôi cũng là một đại diện nhỏ bé cho đất nước của tôi trong ngôi nhà này.

Bên cạnh phòng tôi là một bạn sinh viên gốc Hàn Quốc, quốc tịch Canada. Cô bạn này chẳng biết gì về Việt Nam cả. Tôi thường cho bạn ấy mượn những đĩa nhạc Việt Nam. Ngược lại bạn ấy cũng cho tôi xem những bộ phim Hàn Quốc và những ban nhạc đang nổi của Hàn Quốc.

Phim ảnh và các ban nhạc Hàn Quốc đối với tôi vốn chẳng xa lạ gì nhưng nhạc Việt Nam thì lại là một khám phá mới đối với cô bạn Boram ( tên bạn sinh viên Hàn Quốc) này. Bạn ấy đâm ra nghiện tiếng hát Mỹ Linh và Trần Thu Hà, giống như tôi, suốt ngày hỏi thăm có bài hát mới của 2 ca sĩ này không.

Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ hay lễ tết, tôi cũng thử "thăm dò" khẩu vị của các bạn cùng trọ một vài món "tủ" mà ở nhà mẹ hay nấu cho ăn, như chả giò, canh mọc, chè ngự.Khỏi phải nói, thành công rực rỡ ngoài ý muốn của tôi. Lần đầu tiên làm chả giò, tôi chẳng nhớ các nguyên liệu "đầu vào", cũng chẳng nhớ cách làm nước chấm, phải bật máy lên chát với mẹ ở  nhà để hỏi công thức. Còn nguyên liệu thì ở đây đi siêu thị Việt Nam không thiếu thứ gì.Chạy ra chạy vào vừa chát với mẹ vừa nêm nước chấm đến khổ. Sản phẩm chả giò lần đầu tiên ra mắt bạn bè "xứ người" được mọi người tán dương hết mức; một đĩa to đầy vun chỉ trong vòng 5,10 phút hết vèo, trong khi 5,6 món của bà chủ nhà gần như vẫn còn nguyên. Chưa hết, trong lần đầu tiên này, tôi cũng "biểu diễn" luôn món tráng miệng chè ngự mà ở nhà tôi cũng ghiền và mẹ thường nấu cho ăn. Ôi, không thể tưởng tượng được là tất cả mọi người, 8 người, trong cả bàn ăn lại thích cái món chè tráng miệng này đến thế. Tôi giải thích với mọi người rằng thế nên mới gọi đây là loại chè "tiến vua". Thế là thỉnh thoảng khi nhà có việc, tôi lại phải "ôm sô" 2 món tủ này, làm mệt nhưng mà vui lắm vì món ăn của mình được nhiều người thích. Hè rồi về Việt Nam, tôi khuân sang bên này tới 5 kg đậu ngự khô để dành nấu dần và làm quà cho bà chủ nhà, vì ở bên này không có đậu ngự.

Vui hơn nữa, là chuyện học ở trường. Một lần có bài tập khó Boram không làm được, hỏi tôi. Tôi giảng giải cặn kẽ cho bạn. Thế là từ đó hễ gặp bài nào không làm được là Boram lại hỏi. Chẳng biết có phải do Boram "mách nước" không, mà trên giảng đường, vào những giờ tự học, tôi thấy mỗi ngày mỗi thêm các bạn sinh viên đến hỏi bài, trong khi giờ tự học bao giờ cũng có các trợ giảng thường trực để hỗ trợ sinh viên khi cần. Sau đó tôi mới biết các bạn sinh viên trong lớp kháo nhau rằng, muốn hỏi bài thì nên hỏi cái cô bé người Việt Nam nhỏ nhắn mới đến, cô ấy giảng dễ hiểu hơn trợ giảng.... Có lần, sau một bài thi hết môn, khi giáo viên công bố trong lớp có 1 sinh viên làm bài đạt số điểm 100%, nhiều bạn đã quay sang hỏi tôi "có phải người đó là bạn?". Dù tôi chưa đạt đến số điểm tối đa như vậy, nhưng tôi đã cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc...

Phước Thảo (Canada)

 

 "Mọi người hay nghe nhiều về tham nhũng, đói nghèo chứ chưa thấy được nhiều điểm đáng yêu, đáng quý của người VN. Không phải ai cũng biết về nước mình. Hoặc nếu biết, thì chỉ biết đến VN chiến tranh. Việc tổ chức lễ hội chào Xuân sắp tới, cũng như các hoạt động mà SV VN tại Anh đã làm, là những nỗ lực của mọi người để giới thiệu với bạn bè nước ngoài một hình ảnh VN thân thiện, tươi đẹp và giàu bản sắc", anh Nhật bày tỏ.

Vào dịp Bunkasai, tháng 11, tháng lễ hội văn hóa của Nhật,  SVVN đang theo học nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu về đất nước như tổ chức các phòng trưng bày, giới thiệu phong cảnh, văn hoá và con người VN.

Xông xáo hơn, SV cũng thường tham gia giúp cho các lễ hội VN do Chính phủ tổ chức ở Nhật.

Năm 2002, Hội SVVN  tại Nhật có tổ chức một buổi hội thảo về VN, mời khoảng hơn 30 công ty Nhật đến nghe giới thiêu về Kinh tế, Chính trị và Giáo dục của đất nước, có cả phóng viên báo chí của Nhật đến dự. Lợi cả đôi đường vì phía Nhật được nghe thông tin không mất tiền, còn hội SV mình có được một danh sách đối tác để tiện liên hệ.

Không để kiến thức thành màu xám

Sau khi hoàn thành xong 3 bằng ĐH (Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật Hà Nội và Ngoại ngữ Hà Nội) trong 5 năm; năm 2000, Thanh Hà có mặt tại Mỹ. Cô gái Hà Nội này là SVVN đầu tiên có mặt tại trường ĐH danh tiếng Rice của Mỹ.

Đang làm nghiên cứu sinh với luận án về WTO, Hà và các bạn không muốn để lãng phí những gì đã học. Vậy là một công ty  xúc tiến dịch vụ thương mại Việt - Mỹ ra đời, mang tên EQuest Global Service.

Khá tự tin, Hà bày tỏ: tụi mình nhìn thấy những lỗ hổng thông tin quanh mình và thấy có điều kiện để điền vào chỗ trống. Mở công ty cũng là cách giúp bọn mình áp dụng được những gì đã học, không cảm thấy mọi lý thuyết đều màu xám.

Bây giờ, Hà đang theo học 1 lớp ngắn hạn ở Thuỵ Sĩ để bổ sung kiến thức cho luận án tiến sĩ của mình. Dù thời gian học tập bận rộn, cô cũng tranh thủ giới thiệu món ăn VN như nem cuốn, bún... trong tiệc đa văn hóa, rồi dạy mọi người những câu tiếng Việt đơn giản. Trong giờ học, cũng tranh thủ giới thiệu về kinh tế VN, nhất là những chính sách kinh tế thời kỳ đổi mới qua những bài thuyết trình trên lớp.

Trường học của nhiều nước thường có các giờ ngoại khoá, tổ chức cho HS nghe giới thiệu về thế giới. Mỗi tuần, họ chọn một nước để giới thiệu. Trường học sẽ liên hệ với các trung tâm SV quốc tế của các trường ĐH nhờ tìm người giúp. Các trung tâm này gửi mail thông báo cho SV quốc tế, ai bố trí được thời gian thì thu xếp và tự nhận đi. Thường, trong các buổi này, việc giới thiệu cũng chỉ là chấm phá, nhưng nhiều SV mình cũng đã hăng hái tham gia.

Kết quả học tập: cách tiếp thị hữu hiệu

Thanh Hà bày tỏ: "Mình rất ý thức về việc xây dựng hình ảnh đất nước nên tận dụng mọi cơ hội có thể để tham gia các chương trình tình nguyện nhằm giới thiệu về VN. Những người bạn của mình cũng vậy.

Nhiều khi, mọi người không làm việc đó một cách có chủ đích, nhưng sự có mặt, thành tích học tập, cư xử của mọi người đều có ảnh hưởng đến việc những người khác có ấn tượng về VN như thế nào".

Anh Trần Xuân Nam,  Chủ tịch Hội SVVN tại Nhật nhiệm kỳ 2003, hiện đang giảng dạy tại khoa Kỹ thuật truyền thông thông tin ĐH Điện tử-Thông tin Tokyo cho biết, vị giáo sư trong phòng thí nghiệm của anh đánh giá khá cao SVVN với đức tính chăm học và sự thông minh.

Giới thiệu hình ảnh áo dài VN
 

Tháng 11 vừa rồi, trong đợt phỏng vấn SV vào lab, có khoảng 20 người đăng ký tham gia, chủ yếu là người Nhật và 4 SV nước ngoài. Nhưng chỉ mỗi SVVN giải được các câu hỏi của vị giáo sư. Năm ngoái, cũng duy nhất một SV chứng minh được bài toán, vị giáo sư cho hay: đó cũng là SVVN. SV này đang dẫn đầu toàn trường với số điểm tuyệt đối, đang được giáo sư tiến cử nhận danh hiệu Thủ khoa tại lễ tốt nghiệp vào cuối tháng 3 tới.

Nguyễn Duy Thức, SV trường ĐH Bách khoa Xanh Pêtecbua (Nga) cho biết: trong suốt 4 năm vừa qua, trên khoa dự bị, SVVN liên tục dẫn đầu trong các kì thi Olympic.

Tại Pháp, SV trường ĐH Ecole Polytechnique, những cái tên Nguyễn Đắc Tuấn, Cao Vũ Dân, Nguyễn Xuân Sơn không chỉ "nổi" trong giới SV Việt, mà là còn được nhắc nhiều ở các vị trí top của trường.

Mới đây, lứa SVVN sang Mỹ theo chương trình học bổng của quỹ giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) cũng nhận được nhiều cái nhìn thiện cảm. Anh Vũ Đức, nhân viên của VEF cho hay, trong đợt đi khảo sát các trường ĐH Mỹ cuối năm 2004, nhiều trường đã đánh giá cao khả năng của SV VN và sẵn sàng tiếp nhận nhiều người qua sự tuyển chọn của VEF.

Thanh Hà còn kể thêm một chuyện làm cô vui. Anh bạn người Pakistan khi bị ốm, đã được một chị bạn học người VN rất quan tâm, chăm sóc và nói chuyện. Chàng ta ấn tượng lắm, thường kể đi kể lại mỗi khi "buôn dưa lê".

Trăn trở

Dù những năm gần đây, lượng khách Nhật tới VN du lịch ngày càng tăng, những lời khen" người VN hiền, giá cả sinh hoạt rẻ và đồ ăn rất ngon" ngày càng nhiều; nhưng số người hiểu biết nhiều về VN vẫn còn ít, chủ yếu họ biết VN qua cuộc chiến tranh chống Mỹ - anh Nguyễn Xuân Nam ưu tư.

Với Thanh Hà, nỗ lực giới thiệu đất nước là một chuyện. Nhưng nỗi niềm mà cô tiến sĩ kinh tế tương lai 29 tuổi này canh cánh bên lòng rằng, không phải người Mỹ nào cũng muốn biết về VN cả.

Với Nguyễn Long, đang theo học ĐH quốc gia về điện tử viễn thông (Pháp) thì thấy, thực ra, những hoạt động biểu diễn,  giao lưu chỉ là một phần rất nhỏ trong cái gọi là "giới thiệu văn hóa" - dù SV ta đã tham gia nỗ lực hết mình.

Có một câu chuyện nhỏ làm Long băn khoăn mãi. Chẳng là, anh bạn người Pháp muốn tìm một nơi thực tập ở VN, lên mạng tìm mãi không ra. Loay hoay mãi, đành nhờ gia đình một bạn SVVN tìm kiếm hộ.

Sinh hoạt cộng đồng

 Long bày tỏ: SV châu Âu khi lên lớp, có gì không hiểu, họ hỏi cho bằng được, còn nhà mình, cũng như nhiều SV châu Á thường không dám hỏi, có hỏi cũng không dám hỏi kỹ, đành về nhà đọc sách.

Cái tính rụt rè, không dám chủ động làm việc gì cũng là một điều không thuận lợi. SV nước ngoài học hiểu ngay trên lớp, về nhà xem lại bài một chút, thời gian còn lại tham gia nhiều hoạt động khác. Trong khi người châu Á nhà mình, thứ nhất là ở nhà học, thứ 2 là tính rụt rè, ngại giao tiếp, nên không tham gia được gì nhiều. SV mình còn một điều, không biết có nên gọi là "tật" hay không:  "khiêm tốn" quá, nhiều khi thành mất tự tin.

Đôi khi, số ít những người ưa quậy phá đã làm hình ảnh SVVN ngoan, học giỏi  bị "gợn". Một giảng viên người Nga đã nói: "Từ nay đến khi về hưu, tôi quyết không nhận dạy một lớp nào có SVVN nữa để giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ về người Việt xưa". Bà thổ lộ điều này sau một thời gian dài đứng lớp và chứng kiến những hình ảnh trái ngược của các thế hệ SV người Việt ở Nga.

Sinh viên tại Nhật và quốc kỳ VN

Sự thông minh và láu cá được sử dụng không đúng chỗ - chuyện ăn cắp account thẻ tín dụng để xài chùa đã để lại những tì vết, nhất là khi có trường hợp đã phải ra tòa của nước sở tại.

Một anh bạn đang du học Trung Quốc phàn nàn, SV học ở bên đây có một số người “du” nhiều “học” ít. Đã có trường hợp 3 năm không vượt qua được năm thứ nhất, rồi cũng có trường hợp online 24g/tuần tại quán net.. 

Tại Mỹ, có mấy người VN thuê nhà ở cùng, họ sống cực kỳ bừa bộn, chủ nhà là người rất quý VN nhưng cũng thấy "khiếp". Nhiều người lại tiết kiệm một cách quá mức, sống rất khổ sở, không muốn hoà nhập với mọi người. 

Một điều nữa, Long, Hà, và nhiều, nhiều du học sinh khác cảm thấy: việc giới thiệu hình ảnh đất nước còn kém quá! Chẳng hạn, những tờ rơi giới thiệu về du lịch VN quá cũ. Trên các kênh truyền hình, quảng cáo du lịch của các nước Đông Nam Á cực kỳ ấn tượng, còn xứ mình thì...chẳng thấy đâu! 

Tết này, Thanh Hà không về VN, cũng chẳng ở Mỹ. Cô đang mê mải với những bài học thu được từ Thuỵ Sĩ về WTO. Sắp tới, VN gia nhập tổ chức này rồi, Hà càng phải trang bị nhiều kiến thức hơn nữa để trở về giúp đỡ quê hương. 

Tuần nào, bà cụ người Mỹ, đã 85 tuổi, rất tự hào mỗi khi nói chuyện về "cô con nuôi người Việt", cũng  giục cô mau trở về...

  • Hạ Anh  

,
,