Tân Chủ tịch VEF: 'Sẵn sàng đầu tư vào giáo dục VN'
(VietNamNet) - Buổi bàn tròn trực tuyến với tân Chủ tịch VEF ngoài nội dung trao đổi về giáo dục, khoa học, còn là câu chuyện của những người Việt xa quê muốn góp nhiều công sức cho đất nước.
>> Mời quý vị xem truyền hình trực tiếp buổi bàn tròn tại đây
Cái tên VEF đã được biết đến 3 năm nay, với việc tuyển chọn những ứng viên xuất sắc cho các chương trình đào tạo sau ĐH tại Hoa Kỳ. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ học bổng, VEF cũng có những nỗ lực tích cực nhằm xúc tiến thành lập các "trung tâm xuất sắc" tại Việt Nam. Mới đây, VEF đã tổ chức cho nhóm "Sáng kiến khoa học", gồm một số giáo sư của Mỹ làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ, Chính phủ Việt Nam về tiến trình thành lập các trung tâm này.
Điều đáng lưu ý, trong hội đồng VEF, có tân Chủ tịch là người Mỹ gốc Việt khá nổi tiếng với việc thành lập khu Little Sài Gòn, ông Frank Jao. Một thành viên khác là GS Vũ Văn Tới, mà những đóng góp của ông được ghi nhận với danh hiệu "Vinh danh nước Việt".
2 người đã tham gia bàn tròn trực tuyến với VietNamNet từ 16h30 đến 17h30 ngày 24/3.
Dưới đây là nội dung buổi bàn tròn:
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hôm nay, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với quý vị và các bạn 2 vị khách quý. Vị khách thứ nhất là ông F.Jao, tân Chủ tịch của Quỹ học bổng VEF. Ông là biểu tượng thành đạt của người Việt kinh doanh tại Mỹ. Vị khách mời thứ hai là ủy viên Hội đồng quản trị của VEF, một vị GS rất quen thuộc với giới khoa học Việt Nam và bạn đọc - GS Vũ Văn Tới tại ĐH Turf.
Xin chào mừng và cảm ơn 2 vị khách quý đã dành thời gian đến với VietNamNet.
Việt Nam nên nhắm tới 4 lĩnh vực khoa học
TBT Nguyễn Anh Tuấn: VEF đã tích cực hỗ trợ cho quá trình thành lập các "trung tâm xuất sắc" tại Việt Nam. Vậy dự án xây dựng trung tâm đến đâu? Qua phỏng vấn một GS Harvard, tôi biết chương trình đó qua Bộ KHCN Việt Nam, đến Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ rồi có một Uỷ ban giám sát, đánh giá. Liệu WB đã chính thức ủng hộ việc triển khai dự án này chưa?
Ông F.Jao: Giữa VN và nhóm học giả Mỹ đã đồng ý trên một vài hướng khoa học mà VN nên nhắm tới như khoa ứng dụng cho đời sống, khoa học thông tin, Toán ứng dụng và khoa học vật liệu. Tôi thấy cả hai bên đã đồng tình với nhau. Một điểm nữa là sẽ lập 1 nhóm hợp tác để thực thi nhiệm vụ. Trước, chỉ có Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) đứng mũi chịu sào; giờ đây có nhiều bộ đứng ra thực hiện. Đó là điểm rất vui mừng bởi mục đích "trung tâm xuất sắc" là sự cộng tác giữa nhiều thành phần khác nhau một cách cởi mở. Tôi thấy đây là một bước đầu rất khả quan.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Đây là một chương trình rất có ý nghĩa của VEF hỗ trợ cho VN phát triển, vậy việc cụ thể sắp tới VEF sẽ làm những gì? Ví dụ mời các nhà khoa học xuất sắc hoặc một chương trình hợp tác cụ thể?
GS Võ Văn Tới: Trong năm nay, các nhà khoa học Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học VN qua Bộ KHCN để đạt được những mục tiêu này. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng tới các sinh viên đang học theo chương trình VEF tại Mỹ. Cụ thể, trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ cùng với đại sứ quán Mỹ tổ chức cùng một cuộc hội thảo về quản lý KHCN tại TP.HCM. Vào khoảng trung tuần tháng 6, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị về công nghệ cùng với trường ĐH của thầy Nguyễn Văn Hiệu (ĐHQG Hà Nội). Chắc anh Tuấn và các khán giả cũng đã biết danh tiếng của thầy Nguyễn Văn Hiệu rồi (cười).
Đến tháng 7, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị đầu tiên về công nghệ kỹ thuật vi sinh ở ĐH Bách khoaTP. HCM. Như thế, ngoài vấn đề mời các chuyên gia, chúng tôi còn nhắm vào thành phần sinh viên của VEF để có tiếp tục mối liên lạc với đất nước và những sinh viên trẻ ở VN.
Frank Jao: Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Anh Jao này, anh là người xây dựng ra Little Sài Gòn rất sầm uất. Vậy anh có thể cho biết những khó khăn ban đầu và làm thế nào thành đạt như ngày hôm nay?
Ông F.Jao: Tôi là một trong những người đầu tiên sang California năm 1975, đa số những người Việt Nam di dân sang đó đều đi làm và lúc đó quận Cam là khu phát triển rất mạnh. Nhưng ở đó lại không có một khu thương mại nào của người châu Á.
Cuối tuần, các gia đình phải đi đến thành phố Los Angeles khoảng 60 -70 km để mua đồ. Một hôm, tình cờ nhìn vào danh sách những người đi mua thực phẩm, thấy đa số có địa chỉ ở quận Cam cả. Thương nghiệp phải đi theo thị trường chứ sao lại bắt thị trường đi theo thương nghiệp? Thấy điều đó trái với nguyên tắc, tôi mới đề nghị ông chủ siêu thị xây một tiệm ở quận Cam.
Ông F.Jao là một nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng với việc sáng lập ra Little Saigon, nơi hội tụ của hơn 3.500 doanh nghiệp của người gốc châu Á. Đặc biệt, gần đây ông đã tích cực tham gia vào việc phát triển thị trường mang đặc thù dân tộc và các dự án tái phát triển đô thị. Ông giữ chức Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ – Á U.S. Pan. |
Từ đó, tôi nảy ra ý nghĩ là mình có đủ người dân VN để xây dựng một khu của mình. Thế là tôi, ông chủ siêu thị và ông bạn dược sĩ của tôi, mỗi người mở mỗi tiệm. Đầu tiên, tôi không nghĩ nó sẽ trở thành một khu lớn như hôm nay. Cũng do may mắn và cơ hội nó tạo thành.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Anh có thể kể những câu chuyện cụ thể về khó khăn ban đầu?Ông F.Jao: Khó khăn đầu tiên là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa cộng đồng người Việt. Một số người lên chính quyền thành phố yêu cầu không cho phép những người nào gốc VN được kinh doanh tại vùng đó. Rồi một số người đố kỵ, chẳng hạn họ đưa trẻ con ra phá phách cửa hàng . Nhưng dần dần chuyện đó bớt đi và đôi bên hiểu nhau. Tinh thần làm việc của mình rất cao nên hiểu biết tốt hơn và hợp tác hơn.
Còn khó khăn về tài chính thì rõ rồi. Tôi được anh em bạn bè tin cậy, mỗi người đóng góp một ít để tôi lập một công ty cổ phần tư nhân rồi đầu tư vào nhà cửa địa ốc và xây khu đó lên.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Anh Jao này, có ý định về Việt Nam để giảng về kinh doanh?
Ông F.Jao: Tôi không phải nhà giáo. Nhưng nếu muốn chia sẻ kinh nghiệm thì đó là nguyện vọng của tôi đối với mọi người vì nó không có gì gọi là bí quyết cả.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Lần đầu tiên anh về VN là khi nào?
Ông F.Jao: Lần đầu tiên tôi về du lịch là năm 1988.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cảm xúc lần đầu tiên anh thấy thế nào?
Ông F.Jao: Rất là cảm động...vì mình trở về nơi có rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều tình cảm gắn bó.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ngày hôm nay, so với chuyến đầu tiên anh về thì anh thấy thế nào?
Ông F.Jao: Bây giờ tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì đà tiến triển diễn ra rất nhanh và rất tốt. Kinh tế phát triển, rồi xây dựng nhà cửa và đồi sống người Việt mình thoải mái và tốt hơn nhiều. Đó là điều rất đáng khích lệ và tôi nghĩ rằng tương lai sẽ tốt hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Anh có ý định kinh doanh ở Việt Nam không?
Ông F.Jao: Gần đây tôi mới lập ra một quỹ đầu tư ở Hồng Kông. Chuyến này tôi đi vì việc của VEF nên không nghĩ đến bất kỳ ý định thương mại nào cả. Nhưng về đây, nói chuyện với một số thương gia và nhất là phòng thương mại Mỹ, họ đã khích lệ tôi nhiều, rất nhiều thông tin và tôi thấy chắc là mình sẽ phải làm một cái gì. Ý nghĩ đầu tư ở đây đến với tôi từ mấy ngày qua.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Sau này anh có ý định kinh doanh địa ốc ở VN không?
Ông F.Jao: Tôi thấy triển vọng kinh doanh địa ốc ở VN rất tốt. Bởi tôi đã coi những gì đã xảy ra ở Trung Quốc và lập ra một quỹ đầu tư địa ốc ở đó. Tôi thấy ở VN và TQ cũng có những cơ hội tương đồng với nhau, mặc dù là TQ đi trước mình một bước.
GS Võ Văn Tới: Cần truyền thông mạnh về khoa học Việt Nam
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Anh Tới này, anh có thể chia sẻ với bạn đọc những cảm xúc của mình khi nhận được danh hiệu "Vinh danh nước Việt"?GS Võ Văn Tới: : Trước hết, xin cảm ơn VietNamNet đã tổ chức Vinh danh nước Việt như thế. Tôi xin cảm ơn bạn đọc và những người đã bình chọn tôi. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên và thích thú. Ngạc nhiên về những cái mà tôi làm cho đất nước thì rất nhỏ nhoi, bất cứ người Việt nào cũng muốn đem lại cho đất nước mình. Phải nói rằng, tôi rất sung sướng nhưng cũng cảm thấy rất hổ thẹn vì những điều giúp cho đất nước còn quá ít.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hy vọng thời gian tới anh sẽ giúp nhiều hơn...
GS Võ Văn Tới: Chúng tôi lúc nào cũng mong muốn giúp đỡ càng nhiều càng tốt.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Giả sử có một trường nào đó họ mời anh về dạy và chủ nhiệm Khoa danh dự môt khoa nào đó về vi sinh. Anh có thể tham gia sắp xếp với họ được không?
GS Võ Văn Tới: Vâng. Nếu họ nghĩ tôi có thể giúp được thì tôi sẵn sàng giúp đỡ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nghe nói anh biết thổi sáo và rất là mê sáo...
GS Võ Văn Tới: Ai nói cho anh nghe thế?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi được nghe về anh trong một chuyến đi chơi ở Đà Nẵng, trời mưa lướt thướt anh có hẹn một anh bạn là dân thổi sáo xịn đến trao đổi kinh nghiệm thổi sáo. Câu chuyện đó không biết có thật hay không? (cười)
GS Võ Văn Tới hiện đang giảng dạy ở trường ĐH Turfs. Ông là người đồng sáng lập Hiệp hội các Giáo sư Việt Nam tại Bắc Mỹ. Trong khoa Kỹ thuật y sinh của trường ĐH Tufts, GS Tới đã sáng lập ra khoa Kỹ thuật Y sinh Ảo của Việt Nam nhằm mục đích đào tạo các nhà nghiên cứu và giáo dục người Việt. |
GS Võ Văn Tới: : Đúng là không thể nào giấu diếm các anh nhà báo được. Niềm đam mê về sáo trúc có từ lúc tôi còn là học sinh ở Việt Nam. Chắc anh cũng biết chuyện Trương Chi - Mỵ Nương,lúc đó mình cũng hơi lãng mạn. Lúc nào cũng tưởng tượng mình sắp thành Trương Chi đi tìm Mỵ Nương, thành ra niềm ao ước đó nó vẫn tiếp tục khi sang bên Mỹ. Câu chuyện ở Đà Nẵng như anh nói là đúng như thế.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nghe nói anh còn biết Quan họ Bắc Ninh nữa?
GS Võ Văn Tới: Tôi lưu giữ về Quan họ Bắc Ninh một tình cảm rất đặc biệt. Vì quan họ Bắc Ninh , tôi cũng rất may mắn được liên hệ với các anh chị Việt Nam sang học. Đặc biệt là chị Minh Hương, người Quan họ Bắc Ninh và chị hát rất hay. Cứ thế chị kéo tôi vào và hai bên hát đối đáp với nhau...
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Rất lãng mạn. Mấy ngày trước đây, tôi có phỏng vấn trực tuyến GS Varmus và rất ngạc nhiên khi các nhà khoa học lãng mạn quá. GS Varmus thì nghiên cứu về thơ trước khi làm y học và lại còn viết cho mục điện ảnh của tờ NewYok Time... Còn anh, chắc sau này sau cũng viết về lĩnh vực văn hóa văn nghệ, văn học dân gian chứ?
GS Võ Văn Tới: Lúc còn là sinh viên ở Thụy Sỹ, tôi đứng ra tổ chức làm báo của SV Việt Nam, làm chủ nhiệm, chủ bút kiêm luôn tác giả nhiều bài báo.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cá nhân anh thấy khoa học Việt Nam hiện nay đã đạt được những gì đáng được trân trọng?
GS Võ Văn Tới: Có nhiều chứ! Một ví dụ điển hình là thầy Nguyễn Văn Hiệu, thầy có thể nói là một "cây cổ thụ" của nền khoa học Việt Nam. Nói như thế vì tôi cũng đã biết thầy Hiệu và nhiều người khác cũng biết thầy... Nên tôi nghĩ khoa học Việt Nam có rất nhiều tiềm năng như anh nói. Và tôi nghĩ khoa học, Việt Nam cũng có rất nhiều thành tựu, chỉ có điều tôi chưa có đủ thông tin để biết.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nghĩa là anh chưa có đủ thông tin...Như vậy cũng có nghĩa là khoa học Việt Nam cũng cần có truyền thông hơn nữa để những GS nước ngoài cũng có thể hiểu được chúng ta đã làm được những gì, đạt đẳng cấp nào và ở mức nào?
GS Võ Văn Tới: Chúng ta nên có một tổ chức chặt chẽ để giúp đỡ cho những người ngoại quốc nói chung và chúng tôi nói riêng hiểu rõ hơn sự thành đạt của các nhà khoa học Việt Nam.
"Cá nhân mình hay thì mình hay chứ cứ sao phải nói Tàu mới thấy hay"
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Anh Tới nói rằng, bây giờ về Việt Nam không còn thấy xa lạ mà là cảm giác hoà quyện làm một. Vậy anh có cảm giác như vậy không, anh Jao?Ông F.Jao: Tôi cũng thấy như vậy đấy. Tôi chẳng thấy có sự khác biệt gì giữa người Việt Nam ở Mỹ và người Việt Nam ở Việt Nam vì làm sao mà khác biệt được khi mình có cùng nguồn gốc, cùng văn hoá và đời sống vật chất giống nhau.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có thể đó chỉ là sự khác biệt về tâm lý sau bao nhiêu năm đi xa. Đất nước chúng ta có những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Khi trở về, họ cũng có những băn khoăn, suy nghĩ nào đó. Chắc là đối với anh không có những gánh nặng của quá khứ. Anh có cảm giác rất gần gũi, thân thiết khi về Việt Nam. Có nhiều người ở Mỹ về cũng có cảm giác như người Việt Nam trong nước, không còn xa cách.
Ông F.Jao: Ngay cả ở bên Mỹ, khi nói chuyện với người Mỹ da trắng, tôi vẫn nói mình là người Việt Nam. Biết tôi có chút gốc Hoa, mấy người bạn Việt Nam bảo "anh ngu thế, sao không nói là người Tàu nghe có vẻ hay hơn không". Tôi nói: "Cá nhân mình hay thì mình hay chứ cứ sao phải nói Tàu mới thấy hay" (cười).
Ông Nguyễn Anh Tuấn |
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Tôi muốn nói chuyện đó, bởi chúng ta sắp kỷ niệm 30 năm đất nước thống nhất. Tôi nghĩ, điều đó có giá trị rất lớn đối với dân tộc ta. Chúng tôi rất xúc động sau khi nghe các anh là những người ở xa về và thấy là non sông chúng ta luôn liền một dải, một ý chí.Tôi cũng nghĩ rất là xúc động khi đi ra nước ngoài gặp anh em bà con bên đó. Có thể có những lúc, có người không thực sự thoải mái và suy nghĩ khác. Nhưng họ vẫn đau đáu nhớ về đất nước và không thể nào quên được. Người Việt Nam mình có một nét gì đó rất đặc biệt. Không biết các anh có thấy điều đó không. Các anh sống ở bên đó các anh có thấy các dân tộc khác sống ở Mỹ có như thế không?
Ông F.Jao: Người Việt có câu "Lá rụng về cội". Khi càng già, người ta càng tìm về nguồn gốc của chính mình.
Tôi xin đưa thêm một ví dụ nữa. Một số trí thức người Việt bên Mỹ, có bằng ĐH, kiếm được nhiều tiền hơn, giỏi hơn và muốn sống xa ra khỏi cộng đồng người Việt. Bởi, họ cảm thấy số còn lại không có đủ mức sống cao cũng như sự cao sang trọng. Họ bỏ khu người Việt và sang khu người Bỉ ở.
Những năm gần đây, các ông ấy chạy hết về khu Little Sài Gòn. Tôi mới hỏi về ở với những người bình dân làm gì. Lúc đó họ cười. Và đó chính là lá rụng về cội.
Tân Chủ tịch VEF: Sẵn sàng đầu tư vào giáo dục VN
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Rất nhiều người VN ở nước ngoài đã thành đạt trong học tập cũng như trong nghiên cứu khoa học.Thế nhưng trong kinh doanh, chưa nhiều người thành đạt như ở các cộng đồng khác. Chúng ta cũng đã thành công nhưng để có những người tỷ phú, những người thành công, để hình thành những tập đoàn lớn của chúng thì rõ ràng chưa thể có. Vậy thì anh có khát vọng có mơ đến một lúc nào đó sẽ có những tập đoàn kinh tế mạnh, những nhà tỷ phú của nước mình?
Ông F.Jao:Ai cũng ước mơ như thế. Với tôi, đến giờ tạm gọi là thành công nhất định nên cũng thấy tiềm năng phát triển rât cao. Vì vậy, tôi mới hợp tác với một nhóm chuyên gia bên Hồng Kông, Mỹ và châu Á lập ra quỹ đầu tư, dự định trong vòng không quá 10 năm, quỹ đó sẽ gặt hái trên 10 tỷ đôla.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy anh vạch ra những chiến lược nào là chính không?
Ông F.Jao: Tôi là một nhà kinh doanh địa ốc nên hướng 75% cho địa ốc và tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào VN. VN là một địa điểm rất hứa hẹn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: GD VN là một thị trường rất lớn, người VN rất ham học. Đất nước chúng ta mở cửa hội nhập với Thế giới, nên nguồn nhân lực của chúng ta đang đòi hỏi càng ngày càng cao. Và theo nhiều người nhận xét: con người Việt Nam có tiềm năng, có tố chất. Anh có định đầu tư trong lĩnh vực GD - ĐT không?
Ông F.Jao: Tôi nghĩ GD là rất tốt và đầu tư vào GD cũng vậy, cho nên cũng nghĩ ra rất nhiều cách: Quỹ VEF, hoặc cá nhân họ cũng rất chú trọng vào vấn đề đầu tư cho GD.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thế thì 25% còn lại, anh có tính sẽ đầu tư vào GD trong nước không? Nếu như có một dự án nào khả thi, hấp dẫn và có thể đem lại lợi ích cao?
Ông F.Jao: Nếu có cơ hội, chúng tôi sẵn sàng đề nghị với Quỹ VEF nên đầu tư vào GD. Nói rõ hơn là Quỹ chúng tôi luôn có những "hạt giống" để từ đó thể làm việc với những "hạt giống" khác nhằm tạo nên những số tiền gấp 10 lần, 100 lần quỹ của mình. Tôi đã nói chuyện với nhiều quỹ lớn của Mỹ rồi và họ đều hoan nghênh hướng đi của tôi, cũng như chiến lược mà tôi vẽ ra.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trước đây trong một lần bàn tròn trực tuyến về GD Việt Nam, anh Kiên (GĐ Điều hành của Quỹ VEF) cũng có suy nghĩ theo anh thì làm thế nào để xây dựng trường ĐH tốt ở Việt Nam? Và theo anh chúng ta có nên xây dựng trường ĐH theo những tiêu chuẩn quốc tế, đẳng cấp cao, trình độ tương ứng với các nước trong khu vực thì liệu có khả thi ở Việt Nam?
Ông F.Jao: Tôi nghĩ có tính khả thi rất cao nhưng đó không phải là nghề chính của tôi, cho nên tôi chờ GĐ Kiên hướng dẫn và tôi đi theo.
Thay đổi thời gian và mở rộng lĩnh vực cấp học bổng
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có rất nhiều câu hỏi từ phía bạn đọc chúng tôi xin lọc ra một số câu vì có rất nhiều câu các bạn hỏi VEF thì những lần giao lưu trước chúng tôi đã có rồi.
Một bạn đọc thắc mắc tại sao VEF thông báo giảm thời gian cấp học bổng từ 5 năm hết bậc tiến sĩ xuống còn 2 năm hết bậc thạc sĩ. Tại sao có sự thay đổi này?
Ông F.Jao: Trước hết, tôi xin giải thích: mục tiêu của chương trình cấp học bổng đến bằng tiến sĩ. Nhưng đồng thời, theo chương trình đó thì chúng tôi cũng đòi hỏi học sinh phải đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu của nhà trường mà các em theo học. Nếu đạt tiêu chuẩn quy định của nhà trường đó thì không có lý do gì mà chúng tôi không cấp học bổng cho đến hết chương trình học.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Nguyễn Trung Kiên, Hà Nội, cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam có hỏi: "Hiện tại, VEF chỉ hỗ trợ học bổng cho lĩnh vực Khoa học tự nhiên và theo nguyên tắc là không có khoa học xã hội. Nhưng, trong tương lai, VEF có những định hướng khuyến khích về Khoa học xã hội và nhân văn như triết học, Xã hội học, Tâm lý học, Khoa học chính trị hay không?"
Ông F.Jao: Câu hỏi đó rất hay. Hiện tại, theo quy định mà Quốc hội đưa ra, VEF không cấp học bổng cho các lĩnh vực này. Nhưng gần đây chúng tôi đã xin Quốc hội cho phép Quỹ được đi xin và nhận tiền đóng góp của các cá nhân, các công ty lớn. Khi nhận được tiền đó, VEF sẽ không nằm trong giời hạn hiện tại. Hội đồng quản trị của VEF có thể dùng tiền đó qua những nguồn khác, phạm vi khác.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có một câu vừa hỏi vừa đề xuất của bạn Trần Văn Lâm "Ban lãnh đạo của VEF có khả năng kiết hợp các trường ĐH, các cơ sở đào tạo có chất lượng ở Việt Nam để cho những người không có điều kiện đi học, thì có hướng đó hay không? "
Ông F.Jao: Đó là một trong những điểm mà hàng năm chúng tôi đưa về các GS ở bên Mỹ để về trao đổi kinh nghiệm. Đề xuất của bạn rất hay, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu để có những cách cụ thể hơn nữa.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ban đọc Văn Du, sinh viên năm thứ 3 khoa Công nghệ thông tin có thắc mắc: Nếu như nộp đơn trực tiếp vào một trường ĐH của Mỹ, chẳng hạn như Botston, University...và nếu được chấp nhận thì liệuc có được hỗ trợ về tài chính từ VEF hay không?
Ông F.Jao: VEF có hai chương trình: Một là chọn lọc những sinh viên khá và giúp học học lên trong các trường ĐH. Song song với đó, có chương trình nhập thẳng những sinh viên vào các trường ĐH và VEF sẽ hỗ trợ về mặt tài chính. Câu trả lời cho bạn là có khả năng, tùy vào học lực của bạn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có nhiều câu hỏi các bạn hỏi liên quan nhiều đến các vấn đề mà chúng tôi đã trả lời. Và có lẽ các bạn nên tham khảo tại trang web của VEF thì có đầy đủ thông tin. Địa chỉ là: http://www.vef.gov
Ông F.Jao: Tôi muốn cơ hội này để xác nhận lại thêm một lần nữa là: bất cứ sinh viên nào đang tham gia chương trình, đạt được tiêu chuẩn của nhà trường thì chúng tôi tiếp tục cấp học bổng đến khi các em tốt nghiệp. Nghĩa là, chúng tôi sẽ liên hệ với nhà trường nơi các em đến học để hỗ trợ các em đến khi thành tài.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc nhưng do thời gian có hạn nên rất khó có điều kiện để trả lời cho các bạn. Chúng tôi sẽ chuyển các câu hỏi đó cho anh Phạm Đức Trung Kiên, GĐ điều hành Quỹ VEF tại Việt Nam. Hy vọng các bạn sẽ nhận được những câu trả lời trực tiếp từ đó.
Thời gian cũng rất là quý báu đối với anh F.Jao, chắc sau đây anh sẽ còn những công việc khác. Cám ơn anh F.Jao, một tân chủ tịch của Quỹ VEF. Chúc anh thành đạt hơn nữa trong công việc kinh doanh của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành đạt , thành công của Quỹ VEF ở Việt Nam.
Và chúc GS Võ Văn Tới gặp nhiều may mắn, và có nhiều đóng góp hỗ trợ cho khoa học. Xin cảm ơn hai anh. Cảm ơn bạn đọc VietNamNet đã theo dõi buổi đối thoại này.
VietNamNet đã trao đổi với ông Phạm Đức Trung Kiên, Giám đốc điều hành VEF xung quanh thắc mắc của một số bạn đọc. Ông Kiên cho biết:
Thư thông báo được học bổng của VEF gửi đến các nghiên cứu sinh vào tháng 3/2004 có nói rõ là: Quỹ VEF sẽ hỗ trợ tài chính cho đến khi các em hoàn tất các lớp học căn bản. Thư cũng nói rõ, thời điểm này dự định là mùa thu năm 2006. Tại Hoa Kỳ, tất cả nghiên cứu sinh bậc tiến sỹ đều phải làm việc nghiên cứu trong các công trình khoa họcvà được trả tiền bởi các chương trình này hoặc do trường tài trợ. Các nghiên cứu sinh VEF đều sẽ phải qua quá trình huấn luyện bình thường này để có thể trở thành một nhà khoa học trẻ có kinh nghiệm. VEF đã ký giao ước với các ĐH hàng đầu ở Hoa Kỳ để các ĐH này sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu sinh VEF trong giai đoạn nghiên cứu sau khi đã hoàn tất các lớp học căn bản. Nói chung, đây là hình thức hợp tác giữa VEF và các trường ĐH để bảo đảm các nghiên cứu sinh VEF sẽ có đủ nguồn tài chính để hoàn tất chương trình học tiến sĩ. Tất nhiên, qúa trình này đòi hỏi các nghiên cứu sinh phải đạt được điểm số tối thiểu của trường ĐH như chủ tịch VEF F.Jao đã nói. |
- Thực hiện: Hạ Anh - Kiều Oanh - Minh Sơn - Trần Kiên - Ngọc Nhung
- Ảnh: Công Thành