Quan hệ Việt - Mỹ: 'Hết mưa là nắng hửng lên thôi'
(VietNamNet) - Tổng Giám đốc điều hành của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ, cơ quan quản lý chương trình Fulbright và VEF nói về mối quan hệ Việt - Mỹ.
Allan Goodman là Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ, cơ quan quản lý chương trình Fulbright và VEF. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giáo dục trong quan hệ Việt - Mỹ.
Dẫn thơ của Hồ chủ tịch khi trò chuyện với VietNamNet về mối quan hệ Việt - Mỹ, ông nói về những mặc cảm trong quá khứ và những thách thức trong tương lai.
Đặt trong bối cảnh mối quan hệ Việt - Mỹ, “trao đổi giáo dục đã biến Việt Nam từ một cuộc chiến tranh thành một đất nước trong nhận thức của công chúng Mỹ”, ông nói.
Việt Nam là đất nước độc đáo nhất trên thế giới
Đến VN nhiều lần trước và sau chiến tranh, Allan Goodman, Chủ tịch Viện Giáo dục Quốc tế, một học giả Mỹ nổi tiếng tự nhận mình “có mối liên hệ đặc biệt với VN như nhiều người Mỹ cùng thế hệ tôi”.
“VN là một đất nước độc đáo nhất trên thế giới đã đầu tư, thúc đẩy đất nước biến đổi và trưởng thành”, câu chuyện mở đầu bằng một nhận xét tốt đẹp của người đứng đầu Cơ quan Giáo dục Quốc tế Mỹ.
Ông kể rằng, ông đã đến VN hồi năm 1969, 1975 và trở lại năm 1994 để tận mắt chứng kiến những thay đổi to lớn trên đất nước mà người Mỹ “có quá nhiều duyên nợ”.
“Sau khi từ VN về, rất nhiều người hỏi chúng tôi về quãng thời gian ở đó. Họ thường có những hình dung tiêu cực về VN. Nhưng tôi nói với họ rằng, ở đó không có vấn đề gì xảy ra cả.
VN có một nền giáo dục rất tốt, nơi mọi trẻ em đều được tạo điều kiện đến trường. Những bất đồng xung quanh vấn đề nhân quyền giữa hai nước chỉ là nhất thời mà thôi”, ông thừa nhận.
Đem theo hai người con, một cậu con trai 12 tuổi và một con gái 15 tuổi, Allan Goodman muốn chỉ cho những đứa con mình, vốn không có ý niệm gì về đất nước xa lạ này bức tranh thực tế về VN.
“Con trai tôi giờ đã 23 tuổi vẫn thường hỏi tôi rất nhiều về VN. Mỗi khi nó hỏi ý kiến mọi người trong gia đình nên đi nghỉ ở đâu thì con gái tôi nói rằng: Hãy đến Hà Nội”.
“Tôi tin rằng rất nhiều người Mỹ cũng có những trải nghiệm như tôi về một VN phong phú và đa dạng”. Allan kết luận.
Người Mỹ đã hiểu Việt Nam là một đất nước
- Allan, ông có nói rằng trao đổi giáo dục Việt - Mỹ đã giúp biến đổi VN từ một cuộc chiến tranh thành một đất nước. Ông có thể nói rõ hơn?- Như Thượng nghị sỹ Fulbright đã từng nói, trao đổi giáo dục quốc tế biến các quốc gia thành những con người cụ thể. Nói cách khác, chính những con người mang hình ảnh và thông điệp rõ ràng nhất về đất nước mình.
Đúng là nhiều người Mỹ vẫn có cái nếp cứ nói tới Việt Nam là nghĩ tới chiến tranh, thay vì nghĩ đó là một đất nước. Những trải nghiệm ngay từ ngày đầu đã cho tôi thấy rằng các sinh viên VN du học tại Mỹ đã đóng vai trò những đại sứ công dân một cách thực sự hiệu quả.
Chính họ đã mang tới hình ảnh một đất nước Việt Nam mới năng động và đang trên đà phát triển, thông qua sự cần cù và chí cầu tiến của mình.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng việc đưa các sinh viên cũng như các giáo viên trung học Mỹ sang Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng Hoa Kỳ về đất nước này. Tôi nghĩ rằng đây là bước cần và cấp thiết nhất mà chúng tôi có thể làm nhằm giúp người Mỹ hiểu hơn về Việt Nam.
Họ hiểu về những gì đang xảy ra, về thực tế cũng như về cuộc sống ở đất nước các bạn. Vì họ chính là những người phải được truyền thụ kiến thức nhưng chưa từng đến Việt Nam hoặc chưa có cơ hội đến Việt Nam.
Chính những trải nghiệm thực tế của các giáo viên sẽ là phương thức hiệu quả nhất để tác động đến nhận thức của giới trẻ Mỹ về Việt Nam thay vì chỉ biết qua vỏn vẹn mười trang trong sách giáo khoa.
- Và 10 trang đó lại chủ yếu nói về chiến tranh?
- Vâng, đúng là sách giáo khoa của chúng tôi có nói nhiều về chiến tranh song cũng có rất nhiều trang dành cho tình hình chính trị trong nước bởi chiến tranh đã qua đi và cần phải có ghi chép lịch sử về nó.
Chẳng hạn như có khoảng 10 trang sách nói về Việt Nam trong tổng số khoảng 400 trang của cuốn sách thì chỉ có khoảng 2 đến 3 trang dành cho những kiến thức về địa lý và lịch sử Việt Nam. Phần lớn nội dung đó sẽ nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, hậu quả của nó, và mối quan hệ ngày nay giữa hai nước.
Quan hệ Việt - Mỹ: cùng tạo ra chính tương lai của mình
Allan Goodman (giữa), Chủ tịch - Tổng Giám đốc điều hành của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giáo dục trong quan hệ Việt - Mỹ. |
-
Là một học giả, ông nhìn nhận như thế nào về quan hệ Việt Nam và Mỹ trong 10 năm qua?- Không thể phủ nhận rằng: mối quan hệ giữa hai nước khá phức tạp. Đó là điều dễ hiểu bởi cuộc chiến tranh và cả những gì đã xảy ra thời hậu chiến.
Trong giai đoạn hiện nay khi quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra, chúng ta đang chuyển nhanh từ giai đoạn sau khi cuộc chiến đau đớn kết thúc sang giai đoạn bình thường hoá quan hệ ngoại giao kinh tế giữa hai nước.
Đối với cả hai nước Mỹ và Việt Nam thì việc tạo ra chính tương lai của mình là rất quan trọng.
Điều đó cũng quan trọng như việc chúng tôi cần hợp tác với các bạn về vấn đề an ninh, hợp tác để cùng nhau giải quyết các vấn đề như HIV/AIDS, SARS, giúp nhau cùng truy tìm tội phạm và chống khủng bố.
Tôi nghĩ rằng hai nước có tiềm năng xây dựng mối quan hệ rất gần gũi.
- Trong bối cảnh đó, chuyến viếng thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải trong tháng này theo ông có thể mang tới điều gì?
- Bất kỳ một chuyến viếng thăm nào đến nước chúng tôi của ngài thủ tướng chính phủ đều rất quan trọng. Điều đó sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau cũng như sự hợp tác giữa hai nước.
Hơn nữa quan hệ giữa hai nước trước đó đã được xây đắp trên nền tảng của quá trình đổi mới cùng với sự mở cửa nền kinh tế, hợp tác, trao đổi văn hoá, giáo dục... Bây giờ nền tảng đó là nguồn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam và Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.
Phan Văn Khải là một nhà ngoại giao giỏi và tôi nghĩ rằng ông Khải cùng chia sẻ nhiều quan điểm chung với tổng thống Bush dựa trên mối quan hệ giữa hai nước vốn đã được tạo dựng trước đó.
Vì thế tôi cho rằng họ sẽ có một cuộc luận bàn hiệu quả. Cũng có rất nhiều thứ khác mà họ có thể xây đắp trong một điều kiện thuận lợi là mối quan hệ giữa hai nước đang trở nên tốt đẹp và gần gũi hơn.
- Theo ông, có bài học nào trong suốt 10 năm qua mà cả hai bên có thể rút ra để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn?
- Trước đây tôi chưa bao giờ đề cập đến vấn đề này. Theo tôi thì bài học thứ nhất đó là chúng ta có thể hàn gắn vết thương chiến tranh một cách nhanh chóng.
Thứ hai là chúng ta đều tôn trọng lẫn nhau, cùng đi qua những vấn đề đã thuộc về quá khứ để có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề hiện tại.
Chúng ta có thể vượt qua những rào cản của quá khứ và nhận ra rằng mối quan hệ giữa 2 đất nước giờ đây đã khác. Chiến tranh đã chia cắt đất nước chúng tôi (Allan Goodman muốn đề cập tới Hội chứng Việt Nam trong xã hội Mỹ sau chiến tranh Việt Nam - NV). Bản thân tôi thấy ngạc nhiên rằng chúng tôi có thể nhanh chóng đi qua quá khứ ấy để tiến tới một quan hệ mới.
Con đường đi tới chính là hợp tác, xây dựng tốt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, thắt chặt thêm tình hữu nghị. Một chương đã qua và giờ đây chúng ta có thể cùng viết nên một chương mới.
Có lẽ, tựa đề của chương này nên được đặt tên từ một bài thơ của Hồ Chí Minh, bởi những gì đang diễn ra chính là những gì mà ông đã thấy: "Tạo vật xoay vần đà định sẵn / Hết mưa là nắng hửng lên thôi".
-
Việt Lâm - Thanh Tú (thực hiện)