Mong Bộ trưởng “nói không” với bằng tiến sĩ rởm
Đào tạo ra người đi làm thuê dưới quyền điều khiển của người nước ngoài thì không khó; đào tạo ra người góp phần cho nước mình tự chủ thì khó. Cho nên mới cần thận trọng, cần đổ công sức vào như thế nào cho phù hợp, và không chạy theo chỉ tiêu số lượng. Tác giả Bùi Trọng Liễu, nguyên giáo sư ĐH (Paris, Pháp) nhấn mạnh như vậy khi đề xuất với Bộ trưởng GD-ĐT, cần "nói không" với tiến sĩ rởm.
Tại hội nghị hiệu trưởng tháng 8/2006, Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga bức xúc: "Ở các nước, người ta tập trung đào tạo 3 năm ròng rã còn chưa được, trong khi ở ta chỉ đào tạo theo bán thời gian thì làm sao có chất lượng?". Ảnh: Hải Châu |
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: 10 năm tới, sẽ đào tạo 2 vạn tiến sĩ GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản): Đào tạo tiến sĩ: Cải tổ từ cơ sở và ông thầy! PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học):
"Cạnh tranh giáo dục bằng số lượng tiến sĩ?"
TS Nguyễn Văn Tuấn (Australia): Vài cảnh báo khi làm tiến sĩ
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: Tỉnh táo với "20.000 tiến sĩ"
GS Nguyễn Ngọc Lanh (ĐH Y Hà Nội): Không nghiên cứu không phải chỉ do bản thân tiến sĩ
Ít có ai năng nổ tận tụy như ông Bộ trưởng GD-ĐT hiện nay. Ông đã liên tiếp có mặt ở nhiều địa bàn để giải quyết những việc cấp bách, khen thưởng, úy lạo (thí dụ như chính ông kể trong bức thư gửi cho báo Thanh Niên trên mạng ngày 29/12/2006).
Với một nhịp độ làm việc như vậy, dù là "mình đồng da sắt", tôi không biết với ông sẽ chịu đựng được bao lâu ở vị thế "vừa là tư lệnh vừa là xung kích" như thế.
Vì vậy, tôi thiết tha mong các cấp lãnh đạo cao hơn ông, dư luận cả nước và các phương tiện truyền thông, hỗ trợ ông để ông có thể thực hiện được nhiệm vụ của người tư lệnh trong ngành. Bởi vì, các vấn đề tầm cỡ vĩ mô, chiến lược, cũng cần rất nhiều thì giờ tập trung suy nghĩ trước khi được đưa ra giải quyết. Trong các vấn đề tầm cỡ vĩ mô đó, có vấn đề quản lý đào tạo tiến sĩ, một trong những khâu chủ chốt của việc chấn hưng Giáo dục đại học.
Tôi mong ông Bộ trưởng có phương tiện "nói không" với bằng tiến sĩ rởm.
Thật vậy, trong một môi trường không lành mạnh, sự trí trá tất nhiên phát triển, và đã có những người gian lận bằng cấp để có địa vị xã hội. Mới đây, đã xuất hiện một số bài báo, có cả văn tế, thơ phú, chê bai những "tiến sĩ giấy", cụm từ mà các tác giả, với thiện chí, dùng để chỉ những tiến sĩ bằng thật học giả. Nhưng tôi nghĩ là hơi oan cho "tiến sĩ giấy thật", nghĩa là oan cho những hình nộm bày làm đồ chơi ngày tết trung thu thuở xưa như câu thơ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến tả: "Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!".
Oan, bởi vì "tiến sĩ giấy thật" mang lại giải trí chốc lát, nhưng không có khả năng để lại những hậu quả tai hại: không vì chức vụ mà lấy những quyết định ngớ ngẩn, không vì nghiệp vụ mà chuyển giao những hiểu biết sai, không có khả năng sản xuất ra những đồng loại mà hậu quả xấu có thể kéo dài nhiều thế hệ.
Thuở xưa, các ông tiến sĩ có được danh hiệu này là do mấy bài văn sách trong trường thi do quan trường theo lịnh nhà vua ra đầu bài và chấm đỗ, nghĩa là thuở ấy đặt trọng tâm vào sự học nhiều, hiểu nhanh, thuộc sách, trả bài đúng ý người ra đầu bài...
So với ngày nay, có giống nhau chỉ là cái tên gọi tiến sĩ, còn quan niệm thì hoàn toàn khác. Trong một xã hội đang trên đà phát triển – nhất là trong môi trường toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện – nhu cầu giải đáp các vấn đề mới nảy sinh, làm cho vấn đề "đào tạo qua nghiên cứu" trở nên quan trọng. Để đáp ứng được những nhu cầu đó, cho nên mới cần có luận án tiến sĩ.
Tôi nhắc lại câu của người xưa: "ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm", để nói rằng: đào tạo ra người đi làm thuê dưới quyền điều khiển của người nước ngoài thì không khó; đào tạo ra người góp phần cho nước mình tự chủ thì khó. Cho nên mới cần thận trọng, cần đổ công sức vào như thế nào cho phù hợp, và không chạy theo chỉ tiêu số lượng.
Về những tiêu chuẩn cần thiết để có những luận án tiến sĩ thật sự, các nhà khoa học, các nhà giáo đại học chân chính đều biết, tôi không cần nói lại.
Kính chúc ông Bộ trưởng đủ sức "đề kháng" đối với những khuynh hướng đã ô nhiễm giáo dục ĐH từ hơn 20 năm nay, để thẳng tiến trên đường chấn hưng.
-
Bùi Trọng Liễu