Tạp chí toán học của Việt Nam: Cần 'quốc tế hóa'
VN hiện tại có 2 tạp chí nghiên cứu toán học có được phát hành ra nước ngoài, là Acta Mathematica Vietnamica (của Viện Toán) và Vietnam Journal of Mathematics (của Hội toán học Việt Nam).
Các bài báo đăng chủ yếu bằng tiếng Anh. Về số lượng, có được hai tạp chí là nhiều, so với nền toán học còn bé (những nước nhỏ nhiều khi có được một tạp chí nghiên cứu toán học có phát hành trên thế giới là "vinh dự" rồi). Nhưng mặt chất lượng thì còn thấp.
Những người làm toán tại một hội thảo về toán học tháng 7/2005
Tôi không có con số thống kê gì về "chỉ số ảnh hưởng" (impact factor) của hai tạp chí VN (vì hai tạp chí này ít được thế giới quan tâm quá, không ai đi làm thống kê), nhưng phỏng đoán rằng tổng số lần trung bình một bài báo đăng ở ActaMathematica Vietnamica hay Vietnam Journal of Mathematics được trích dẫn ở nước ngoài là không quá 1-2 lần.
Để so sánh, trung bình một bài báo đăng ở Annals of Mathematics (tạp chí uy tín nhất thế giới về ngành toán) được trích tổng cộng hơn 100 lần, và một bài báo đăng ở Manuscripta Math (tạp chí loại trung bình, đứng quãng thứ 90-100 trong các tạp chí toán) được trích tổng cộng quãng 10 lần. Có lẽ phải nhiều năm nữa (hàng thập kỷ nữa) chất lượng tạp chí của VN mới có thể lên "hàng trung bình" được bằng Manuscripta.
Chất lượng của các tạp chí toán học của một nước phản ánh uy tín toán học của nước đó, và việc chất lượng tạp chí toán của VN còn thấp đi đôi với việc uy tín toán học của VN chưa cao. Làm sao để nâng cao chất lượng tạp chí toán học Việc Nam, và đồng thời nâng cao uy tín của nền toán học Việt Nam?
Tất nhiên, muốn phát triển thì phải có đầu tư, và muốn toán học (hay khoa học nói chung) VN phát triển thì phải đổ tiền của vào. Hiện tại tỷ lệ ngân sách chi cho khoa học ở VN còn quá ít so với các nước khác. Nếu có đầu tư nhiều hơn, thì khoa học phát triển hơn, và khi đó tạp chí khoa học cũng sẽ có chất lượng cao hơn, theo tỷ lệ thuận.
"Quốc tế hóa" ban biên tập
Song song với việc đầu tư tiền của nhiều hơn, có nhiều việc khác có thể làm để nâng cao uy tín tạp chí toán học VN. Một trong những việc đó là nâng cao uy tín của ban biên tập bằng cách "quốc tế hóa" nó.
Xem phần 1: Toán học Việt Nam: Danh và thực Xem phần 2: Có phải làm toán là "ăn hại, tự sướng?" Xem phần 3: "Cơm áo không đùa với khách...Toán" Xem phần 4: Chuyện chức danh bằng cấp ở Việt Nam |
Lấy một ví dụ: Journal of Operator Theory là tạp chí của Viện Toán thuộc Viện Khoa Học Rumani (Romania). Bản thân Rumani không phải là nước nổi tiếng về toán học (tuy họ vẫn hơn nhiều so với VN, và có khá nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới gốc Rumani), nhưng tạp chí này thuộc loại có uy tín (đứng quãng thứ 70 trong danh sách các tạp chí toán học).
Nhìn vào danh sách ban biên tập của Journal of Operator Theory thì thấy chỉ có vài người là người Rumani, còn chủ yếu là người nước ngoài, trong đó có nhiều "tên tuổi quen thuộc" như Alain Connes, Vaughan Jones, Peter Lax, v.v.
Với một ban biên tập có uy tín rất cao, điều dễ hiểu là họ thu hút được nhiều bài báo chất lượng cao. Trong khi đó, ban biên tập hai tạp chí toán của VN hiện tại chủ yếu là người Việt, ít người nước ngoài (ví dụ như ban biên tập của Vietnam Journal of Mathematics có hơn 20 người Việt, 6 người nước ngoài). Những người Việt trong ban biên tập hai tạp chí của VN hầu hết là tiến sĩ khoa học, có "trình độ cỡ quốc tế", nhưng chưa ở mức "có tiếng", và thậm chí một số người trong ban biên tập đã ngừng nghiên cứu toán học từ lâu.
Một ban biên tập "không mấy tiếng tăm" thì chỉ dễ thu hút những bài báo "khó đăng được ở nơi khác".
Tạp chí của VN cần tìm cách tăng tỷ lệ các nhà khoa học nước ngoài có uy tín cao trong hội đồng biên tập. Tất nhiên, việc này không dễ, vì các nhà khoa học có uy tín cao không dễ gì nhận lời mời làm biên tập cho một tạp chí chất lượng còn thấp.
Nhưng không phải là không thể làm được, vì có nhiều nhà khoa học lớn có quan hệ, cảm tình với VN, hay từng có học trò là người VN, v.v., và trong số đó có thể có những người sẽ nhận lời giúp đỡ tạp chí của VN. Vấn đề là phải tích cực tìm đến họ.
Đăng bài trong nước: "Tự mình dìm mình"
Một tạp chí toán có uy tín thì nhận được bài gửi đăng từ khắp nơi trên thế giới. Ví dụ như tạp chí Israel Journal of Mathematics, phần lớn các bài báo đăng ở đó đến từ bên ngoài Israel, trong khi các nhà toán học Israel thì hay đăng báo ở các tạp chí khác (điều đó tạo thuận lợi cho giao lưu toán học trên thế giới).
Hiện tại, tỷ lệ các bài báo đến từ nước ngoài đăng ở hai tạp chí VN còn thấp, và chủ yếu cũng chỉ đến từ các vùng kém về toán. Điều này dễ hiểu vì tạp chí chất lượng chưa cao thì chỉ dễ thu hút các bài báo chất lượng chưa cao của các "nhà toán học" từ những nơi còn "lạc hậu".
Khi họ có một "công trình" ở dạng khó đăng ở một tạp chí nghiêm chỉnh thì có khi họ nghĩ gửi đến VN biết đâu đăng được, và nếu đăng được thì ở chỗ họ cũng được "tính điểm" về khoa học.
Cách đây ít lâu tôi có nhận làm phản biện cho một bài báo gửi từ nước ngoài đến Acta Mathematica Vietnamica. Đọc qua thì thấy bài báo đó giống như một tiểu luận của một SV hơn là một công trình nghiên cứu. Tôi từng làm phản biện cho nhiều tạp chí, trong đó có cả tạp chí "top 10" như Duke Mathematical Journal và tạp chí "khiêm tốn" như Publicationes Mathematicae Debrecen (đứng thứ 176 trong một bảng xếp hạng
tạp chí toán), nhưng chưa thấy bài báo nào chất lượng kém đến vậy, trừ một bài báo khác của một người VN gửi đăng ở trong nước.
Có một điều tôi nhận thấy là có một số những nhà toán học "có cỡ" của VN (tức là có trình độ TSKH thực sự, có làm việc nghiên cứu, có những công trình thuộc loại có thể đăng ở các tạp chí quốc tế nghiêm chỉnh) chủ yếu chỉ đăng bài ở tạp chí trong nước (tỷ lệ bài báo của họ đăng trong nước cao hơn quá nhiều so với tỷ lệ đăng ở nước ngoài, nếu không tính những bài họ đăng khi đang còn du học nước ngoài).
Có người bảo là "làm như vậy vì nếu không thì tạp chí VN chẳng có gì để mà đăng". Theo tôi thì chuyện "gà què ăn quẩn cối xay" này không có lợi. (Ý của tôi ở đây không phải là không nên đăng ở trong nước – những người trình độ cao thỉnh thoảng "ủng hộ" cho tạp chí VN những bài báo chất lượng cao là điều đáng hoan nghênh – tôi chỉ có ý rằng nếu chủ yếu đăng ở trong nước thì thành phản tác dụng).
Đối với một nghiên cứu sinh trong nước, đăng ở tạp chí của VN là chuyện dễ chấp nhận. Nhưng đối với một TSKH về toán, có một công trình mà không thể đăng ở nước ngoài thì không đáng gọi là công trình khoa học. Nếu có thể đăng ở nước ngoài nhưng chỉ đăng ở trong nước là "tự mình dìm mình", bài báo đăng ở tạp chí của VN chắc chắn ít được đọc đến hơn nhiều so với đăng ở các tạp chí khác, nên dù kết quả có tốt thì cũng ít ai biết đến, tạo được ảnh hưởng rất thấp. Mà khi ảnh hưởng của mình đối với đồng nghiệp thế giới thấp, thì khó thu hút họ hợp tác, khó thu hút họ đăng báo ở VN (một vòng luẩn quẩn). Chuyện "nếu không thì tạp chí VN chẳng có gì để mà đăng" là ngụy biện. Nếu tạp chí không tìm được đủ cái đảm bảo chất lượng để đăng thì đăng ít đi, chất lượng quan trọng hơn là số lượng. Còn nếu một tạp chí sau nhiều cố gắng vẫn không có gì đáng chú ý để mà đăng thì tạp chí đó chẳng nên tồn tại -- hy vọng hai tạp chí của VN không thuộc diện như vậy.
"Tân trang" hình thức
Một điểm yếu nữa của tạp chí toán VN là vấn đề hình thức, khâu in ấn phát hành.
Từ khi Vietnam Journal of Mathematics có thỏa thuận được với nhà xuất bản Springer (theo thỏa thuận thì Springer chịu trách nhiệm in ấn phát hành), về mặt hình thức có khá hẳn lên, trông không kém gì các tạp chí nghiêm chỉnh trên thế giới, và về mặt phát hành chắc cũng khá lên nhiều.
Nhưng hiện tại tạp chí Acta Mathematica Vietnamica (là tạp chí từ trước đến nay có uy tín cao hơn Vietnam J. Math.) về hình thức vẫn kém hơn so với hầu hết các tạp chí toán quốc tế.
Các số báo của Acta Math. Viet. mà tôi nhìn thấy ở các thư viện trên thế giới (kể cả những số năm 2005) phần lớn bị xộc xệch và đóng bìa không chắc, có vẻ hơi thủ công. Hình thức kém làm giảm giá trị, càng khó thu hút các nhà toán học nước ngoài.
-
Nguyễn Tiến Dũng
Phần 6: Học sinh giỏi toán và hệ thống chuyên toán