Họ - Trí tuệ VietNamNet
Nếu có một lúc nào đó nghĩ rằng mình có thể xa VietNamNet, tôi lại thấy mình có lỗi với những người đã từng tri ân với VietNamNet. Xin phép những người đang làm chính thức ở VietNamNet cho tôi được nói thật: Tôi nhớ họ nhiều hơn cả những gương mặt đang hiện diện ở ngôi nhà số 4 Láng Hạ. Họ là những CTV thường xuyên của VietNamNet. Với tôi, họ là trí tuệ của VietNamNet, là một phần máu thịt của trang báo điện tử này.
Hôm nay, trên đường đi tới khu Hoàn Cầu, bỗng dưng tôi chợt nghĩ tới nhà thơ Việt Phương. Năm nay, chú đã gần 80 tuổi rồi. Nói dại, nếu một mai chú ra đi, tôi sẽ có cảm giác trống vắng như vắng một người cha. Cái cảm giác ấy đến với tôi nhiều lần nghe giọng chú qua điện thoại: "Ngọc à, chú bảo này…”. Chú vẫn nói với tôi như thế khi nghĩ ra một ý tưởng hay, khi đọc một bài báo hay hoặc vấp phải một hạt sạn quá to trên VietNamNet.
Một người bạn tôi nhiều lúc phải nhắc: “Tại sao mày có thể dừng xe trên phố để trả lời điện thoại của mấy ông già? Mà có phải họ nói chuyện về mày đâu? Họ nói về VietNamNet. Mày là gì của VietNamNet?”. Ở VietNamNet, có nhiều phóng viên đã tranh thủ những cuộc gặp gỡ trong tác nghiệp để đặt những bài viết hay cho báo. Tại sao họ làm điều đó, vì Tổng Biên tập của chúng tôi đã truyền đi một tâm huyết: “Trí tuệ xã hội đã làm nên phần lớn thành công của VietNamNet”.
Phải là những người trong những ngày đầu tiên của VietNamNet vươn ra biển lớn - là đến với đông đảo người đọc khi mà báo điện tử còn chưa ngang hàng với báo giấy, với truyền hình mới hiểu được những người đã từng tâm huyết với một tờ báo là quý giá đến thế nào.
10 năm VietNamNet, với tư cách là một nhà báo đã và đang gắn bó máu thịt - là cùng hạnh phúc và đau khổ với từng thăng trầm của tờ báo, đã từng… dở hơi đến mức nhìn thấy một bài dở cũng ấm ức như phải ăn món không gia vị. (Là dân miền Trung, tôi không thể dùng thức ăn không gia vị) - xin được nhớ và tri ân với những cây viết đã từng nghe lời năn nỉ của tôi mà viết bài trong những hoàn cảnh nghặt nghèo về thời gian. Đó là nhà sử học Dương Trung Quốc, là Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, là nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái, Võ Thị Hảo, nhà thơ Hoàng Cát, Nguyễn Trọng Tạo. Xin chia sẻ cảm giác bị ép buộc viết bài (hoặc nói để phóng viên ghi lại) của nhà nghiên cứu Trần Đình Thiên, Vũ Quốc Huy, Nguyễn Đình Lương…
Tôi không thể kể hết tên họ - CTV thường xuyên và tâm huyết của VietNamNet nhưng mỗi khi định rời VietNamNet vì những lý do không giống nhau, tôi lại bỗng cảm thấy mình có lỗi với những người hết lòng với từng khoảnh khắc của trang báo này. Tôi là phụ nữ, trên chặng đường làm báo, có thể tôi không đủ bền gan, kiên nhẫn, nhiệt huyết để mãi mãi nâng niu tâm huyết của họ nên cầu mong rằng các thế hệ biên tập viên của VietNamNet đừng đánh rơi điều mà chúng tôi không bao giờ dám rời bỏ: Là sự tri ân thành thật với những người viết từ bên ngoài. Có người bảo: “CTV thường viết bài cho chị Ngọc vì chị ấy nói qua điện thoại rất ngọt ngào…”.
Tôi hiểu với những người già như chú Việt Phương, chú Nguyễn Trung, chú Nguyễn Đình Lương… sự ngọt ngào qua lời nói liệu có thể đổi lấy được những bài tâm huyết? Những người viết mà tôi kính trọng, có thể có lúc họ không viết hay như mình muốn nhưng nghe một BTV chê bai, tôi cũng thấy ấm ức. Cái sự chân thành pha chút thành kính ấy của tôi đã được đáp đền. Rồi mai đây, có thể VietNamNet nổi tiếng đến mức khiến một vài BTV thấy rằng mình là một quyền lực, đăng bài cho người khác là một ân huệ nhưng xin hãy nhớ rằng: VietNamNet đã vươn ra biển lớn nhờ vào trí tuệ xã hội, nếu không tri ân, không chân thành là sẽ mất phần hồn của trang báo. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác biết ơn và sung sướng mỗi khi nhận được bài viết hay của chú Nguyễn Trung, anh Vũ Minh Khương, Trần Đăng Tuấn, anh Nguyễn Sĩ Dũng, Dương Trung Quốc…
Có lẽ, phải là người đi đặt bài khi mà VietNamNet chưa nổi tiếng, nhận được những bài hay như “Quyền lực thứ tư” gửi từ email của một người tên tuổi như Nguyễn Sĩ Dũng mới có thể chia sẻ chữ: “Biết ơn” mà tôi viết lúc này.
Tôi đã từng làm việc qua bốn tờ báo, đã từng biết rất nhiều sếp báo chí coi việc đăng bài cho người khác là một ân huệ, thì hai tổng biên tập trân trọng CTV đến mức nâng niu mà tôi nhìn thấy là chị Mai Nhung - Tổng Biên tập Nông thôn Ngày nay và anh Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập VietNamNet.
10 năm VietNamNet, tôi đã chia sẻ tâm huyết ấy của anh trong suốt 10 năm. Nhưng 4 năm làm việc trực tiếp cùng anh, là một trợ lý tổng biên tập, tôi tự hào rằng mình đã chia sẻ và giúp anh thực hiện được sự nâng niu của anh đối với trí tuệ xã hội. Nhìn từ góc này, đó là sự thành ý. Nhìn từ góc khác, đó là sự khôn ngoan. Thu hút trí tuệ xã hội không phải bằng nhuận bút, chế độ đãi ngộ mà bằng tâm huyết và sự nâng niu và làm nên sự thành công của một tờ báo - là thành công của một tổng biên tập.
-
Lương Thị Bích Ngọc
Kính mời quý vị chia sẻ cảm xúc nhân kỷ niệm 10 năm VietNamNet!