221
1401
Đô thị
dothi
/xahoi/dothi/
1280419
Sẵn sàng phạt nặng người vi phạm giao thông
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Sẵn sàng phạt nặng người vi phạm giao thông
,

- Hai thành phố lớn nhất nước HN và TP.HCM đều đã sẵn sàng để chuẩn bị áp dụng liệu pháp "sốc": Phạt nặng hành vi vi phạm giao thông.

TIN LIÊN QUAN

Tăng mức phạt đến 200%

Tại HN, một trong những nội dung được Hà Nội đặc biệt lưu ý khi xử phạt theo Nghị đinh 34 là phạt nặng trong vùng nội thành.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, tại các tuyến đường giáp ranh sẽ được cắm biển 421B (chỉ dẫn khu dân cư) và 414A (chỉ hướng đường qua khu dân cư) trong Luật giao thông đường bộ để thông báo về khu vực nội thành.

Ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết thêm, hiện công tác duy tu, duy trì hạ tầng giao thông, bổ sung sơn kẻ, biển báo, biển chỉ dẫn hướng dẫn giao thông trên địa bàn các quận nội thành đang dần hoàn thiện.

“Do khối lượng công việc quá lớn, công tác sơn kẻ lại vạch kẻ đường, cắm và thay thế các biển chỉ dẫn về giao thông trên các tuyến đường vẫn đang được hoàn tất trước ngày Nghị định có hiệu lực”-ông Huy phân trần.

Mô tả ảnh.
CSGT Hà Nội xử lý vi phạm Ảnh:VNN

Ba tổ công tác liên ngành đặc biệt cũng được lập ra để tập trung xử lý 7 nhóm hành vi vi phạm áp dụng đối với khu vực nội thành của đô thị đặc biệt theo Nghị đinh 34.

Tại TP.HCM, Thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng CSGT đường bộ Công an thành phố cho biết mọi công tác chuẩn bị cho ngày bắt đầu áp dụng thí điểm tăng mức phạt giao thông đang hoàn tất. Từ ngày 20/5, Nghị định 34/1010/NĐ-CP sẽ thay thế NĐ 146/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, ngoài bổ sung một số hành vi vi phạm mới sẽ tăng mức phạt từ 40% lên 200%.

Cũng theo ông Vân, đến thời điểm này khoảng 70% hệ thống biển báo xung quanh vành đai được xác định khu vực tăng nặng mức phạt đã được lắp đặt. Trong ngày mai, hệ thống biển báo sẽ hoàn tất cùng với các tờ rơi, biển thông báo, pano… được gắn ở các khu vực quanh đường vành đai.

“Một số người dân có thể bị sốc khi thấy vi phạm của mình bị xử phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước đây. Do đó, chúng tôi đã quán triệt tinh thần cho mọi cán bộ, chiến sỹ CSGT để vừa xử phạt vừa tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu” - ông Vân nói.

Khó phạt người đi bộ

Đại diện Phòng CSGT (CA TP Hà Nội), ông Trần Ngọc Ánh, đội trưởng đội tham mưu tổng hợp cho biết, so với quy định cũ, Nghị định 34 quy định hành vi tạm giữ phương tiện giảm nhiều, trong đó thời gian tạm giữ phương tiện tối đa là 10 ngày.

“Điểm mạnh ở Nghị định 34 là tăng mức tiền phạt, phạt nặng các lỗi thuộc nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ dẫn đến gây ùn tắc và gây tai nạn giao thông cao. Vì vậy, chúng tôi sẽ hạn chế việc tạm giữ phương tiện”- ông Ánh nói.

Một trong những nội dung lớn khác của Nghị định 34 là Hà Nội sẽ xử phạt người đi bộ phạm luật.

Để điều này khả thi, ông Huy cho biết Sở đã có văn bản với các địa phương yêu cầu giải tỏa những vỉa hè bị lấn chiếm nhằm trả lại lối đi cho người đi bộ.

Tuy nhiên, đại diện sở này cũng thừa nhận có nhiều khó khăn trong việc xử phạt này và PGĐ Sở GTVT, ông Nguyễn Xuân Tân thú thực: “Với những trường hợp cá biệt đã bắt được rồi mà cố tình bỏ chạy thì… cũng khó”.

Còn theo Thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, sẽ có 3 cách xử lý người đi bộ vi phạm. Nếu có đủ tiền sẽ phạt tại chỗ; không mang tiền thì giữ giấy tờ rồi đến nộp phạt sau. Trường hợp thứ 3 người đi bộ không có giấy tờ, tiền bạc sẽ được giao cho công an phường xử lý. Khi đó, người đi bộ sẽ phải tới công an phường chờ người nhà đến nộp phạt dùm hoặc lập biên bản xác nhận là người địa phương…

“Chính vi phạm nhỏ của người đi bộ nhưng lại ảnh hưởng đến công việc, học tập vì phải chờ đợi nộp phạt, lập biên bản ở công an phường sẽ giúp họ nhận thức sai phạm của mình. Quan trọng không phải phạt lấy tiền mà vừa phạt cho người dân sợ vừa tuyên truyền để họ hiểu luật, nắm luật” – lãnh đạo phòng CSGT đường bộ khẳng định.

Giam xe đạp điện

Còn ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết mọi công tác tuyên truyền được phổ biến đến tận tổ dân phố, khu phố của từng quận, huyện… 24 quận huyện cũng có riêng từng kế hoạch tuyên truyền cho đơn vị mình.

Phòng CSGT đường bộ cho biết, riêng xe máy điện, đến thời điểm này chưa có người dân nào đến đăng ký tên, biển số cho xe của mình. "Các vi phạm của người điều khiển xe máy điện chưa đăng ký, chúng tôi sẽ phải giam xe. Sau đó, chủ xe phải trình được hóa đơn mua bán xe hoặc giấy xác nhận, chứng minh xe của mình, nộp phạt rồi nhận xe về"- lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, cho biết thêm.

Từ ngày 20/5, người đi bộ đi ngược chiều, không đúng phần đường quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc đóng phạt từ 40.000 đồng - 60.000 đồng. Ảnh: Thái Phương

Tuy nhiên, phần lớn chạy xe máy điện là đối tượng học sinh cấp 2,3 nên việc xử phạt bằng phương pháp giam xe rồi đến nhận sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc giải thích, tuyên truyền cho người đi đường.

“Ngoài ra, Sở Giáo dục Đào tạo và các trường trên địa bàn TP.HCM cũng cần tham gia tuyên truyền cho học sinh đi xe đạp, xe máy điện hiểu và nắm luật theo Nghị định xử phạt mới. Trước đây dù Nghị định 146 có quy định mức xử phạt người đi bộ nhưng chưa một trường hợp nào bị xử lý. Vì vậy, lần này cần phải kiên quyết làm nghiêm để tuyên truyền giáo dục”, ông Tường nói.

Ngày 10/5, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 30 phân định ranh giới giữa nội thành với ngoại thành. Theo đó, các hành vi vi phạm giao thông nằm trong ranh giới được xác định là nội thành sẽ có mức phạt cao hơn ngoại thành 200%. Cụ thể, người vi phạm giao thông ở các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, một phần quận 2, 7, 12, Bình Tân, Thủ Đức sẽ phải đóng mức phạt cao gấp nhiều lần khu vực khác.

Một số trường hợp vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt tăng nặng như người đi xe máy vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh, đi ngược chiều vào đường một chiều, đường cấm,... sẽ bị phạt 300.000 - 500.000 đồng, tước bằng lái 30 ngày (thay vì áp dụng mức phạt 100.000-400.000 đồng ở các nơi khác). Đối với ôtô, các hành vi dừng đỗ, quay đầu xe không đúng quy định bị phạt 600.000 - 1.000.000 đồng (tăng gấp đôi so với mức chung). Hành vi vượt đèn đỏ, lái ôtô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt 1-1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000 - 800.000 đồng)…

  • Chí Hiếu - Thái Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,