221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1228105
Nghèo mà xài sang
0
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Quảng Nam
Nghèo mà xài sang
,

 - Chỉ một xã nghèo Tam Phú, TP. Tam Kỳ đã có hơn chục điểm trường xây dựng khang trang rồi bỏ hoang từ nhiều năm nay làm nơi chứa phân tro, rơm rạ. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại tiếp tục xây mới 2 ngôi trường mẫu giáo với số vốn hàng trăm triệu đồng.

 

Xây trường bỏ hoang

 

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên cứ vào đầu năm học mới, các huyện miền núi và trung du của tỉnh Quảng Nam lại nháo nhào vì lo chỗ học cho học sinh.

 

Hàng trăm điểm trường vẫn còn trong tình trạng tạm bợ tranh tre nứa lá. Hàng nghìn học sinh vẫn phải học trong những ngôi trường sắp sập, trong nhà kho hoặc mượn tạm nhà dân, nhà sinh hoạt thôn để mở lớp. Trong khi đó tại xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ có nhiều điểm trường mẫu giáo được xây dựng kiên cố hoá lại bị bỏ hoang làm nơi chăn thả trâu bò, chứa phân tro và rơm rạ từ nhiều năm nay.

xái sang 1.JPG
Trường mẫu giáo thôn Quí Thượng cửa đóng then cài bỏ hoang làm nơi chứa phân tro, rơm rạ.

 

Trường thì bỏ hoang, nhưng con em đến tuổi ra lớp lại không có nơi học, buộc phụ huynh phải bỏ việc làm để đưa con lên tận các phường nội thị Tam Kỳ để học.

 

Điểm trường mẫu giáo thôn Phú Bình, nằm cạnh UBND xã Tam Phú đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Lâm, người dân trong thôn Phú Bình thở dài bảo: “Trường xây dựng từ năm 2006, khi đưa vào sử dụng mở lớp dạy được đâu vài ba tháng rồi đóng cửa…”.

 

Nhiều người dân thở dài chỉ ngôi trường khang trang nằm bên con đường lớn rồi lắc đầu bảo: “Trường sát bên nhà, nhưng con em đến tuổi đi mẫu giáo, bà con tui ở đây phải bỏ việc làm đưa con đi hơn 5km lên các phường nội thị mới có trường cho con học…”.

 

Còn điểm trường thôn Phú Thượng nằm trong khuôn viên của nhà sinh hoạt thôn cũng trong tình trạng cửa đóng then cài bỏ hoang từ nhiều năm nay.

xai sang 2.JPG
Trường mẫu giáo thôn Phú Bình bị bỏ hoang nhiều năm nay.

 

Ông Huỳnh Viết Hậu, nhà gần bên ngôi trường bỏ hoang làm nơi chứa phân tro này kể: Hồi mới xây trường tui làm bí thư chi bộ ở đây. Ngôi trường này được xây dựng từ năm 2001 với nguồn vốn hơn 70 triệu đồng. Hồi đó đơn vị thi công làm kém chất lượng, tui nhiều lần có ý kiến phản đối, nhưng chẳng ai nghe.

 

Khi đưa vào sử dụng, mở lớp được mô hơn 2 năm rồi đóng cửa do trường xuống cấp. Hồi đó, cứ mỗi lần họp thôn, họp chi bộ là tui có ý kiến phản đối. Đến năm 2007, trường ni được Hội Viethilfe tài trợ hơn 24 triệu đồng để sữa chữa. Rồi đóng cửa từ đó đến nay làm nơi chứa phân tro của bà con trong khu vực…

 

Không riêng gì các điểm trường thôn Quí Thượng, Phú Bình, mà tất cả 8 điểm trường thôn của xã đều trong tình trạng tương tự. Nhiều điểm trường không người coi sóc đã bị xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng biến thành những ngôi trường hoang làm nơi chứa rơm rạ, phân tro của bà con trong khu vực.

 

Nghèo mà xài sang

 

Chúng tôi đã mất nhiều ngày đi tìm hiểu nguyên nhân của những ngôi trường xây dựng kiên cố này bị bỏ hoang tại xã Tam Phú. Lãnh đạo từ ngành giáo dục đến chính quyền địa phương TP. Tam Kỳ đều lắc đầu bảo không hề nghe nói và không biết đến số phận của những ngôi trường này...

 

Một cán bộ lãnh đạo xã Tam Phú đề nghị không nêu tên cho biết, những ngôi trường bị bỏ hoang này được xây dựng từ năm 2000, lúc đó xã Tam Phú chưa chia tách, là xã nghèo nên được UBND thị xã Tam Kỳ, nay là TP. Tam kỳ chọn triển khai dự án Giáo dục cộng đồng.

 

Nhờ dự án này, nên địa phương đã nhanh chóng lập dự án triển khai xây dựng đồng loạt mỗi thôn 1 điểm trường mẫu giáo. Mỗi trường có nguồn vốn hơn 47 triệu đồng. Thậm chí có thôn chỉ có mấy chục hộ dân lại được bố trí đầu tư 2 điểm trường.

xai sang.JPG
Nhiều trường bị bỏ hoang không sử dụng. Nhưng chính quyền địa phương lại xây thêm trường hoành tráng gây lãng phí.

 

Trong tổng số 9/12 điểm trường mẫu giáo được xây dựng từ nguồn vốn này nằm trên địa bàn 8 thôn của xã Tam Phú sau khi chia tách. Tại thời điểm năm 2000, mỗi điểm trường được đầu tư hơn 47 triệu đồng. Một nguồn kinh phí không hề nhỏ so với thời điểm ấy. Nhưng hầu hết các điểm trường đều được xây dựng kém chất lượng nên xuống cấp nhanh chóng.

 

Thấy những ngôi trường này bỏ hoang không ai đoái hoài đến nên nhiều người dân địa phương đã tận dụng làm nơi nhốt trâu bò, chứa rơm rạ, phân tro vào mùa mưa lũ.

 

Cô giáo Lương Thị Tốt, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tam Phú, một người được giao quản lý ngành học mầm non ở xã này kể: tại tời điểm triển khai đầu tư xây dựng, thấy không hợp lý, nên đã có đơn gửi chính quyền địa phương phản đối. Nhưng chẳn ai nghe và dự án đầu tư cứ thế triển khai.

 

Khi các điểm trường thôn đưa vào sử dụng, chỉ một thời gian sau là xuống cấp, nên không dám mở lớp. Bên cạnh đó, nhiều thôn không đủ học sinh nên buộc phải ghép 2 thôn lại một điểm để mở lớp, nên các trường còn lại phải bỏ hoang.

 

Các điểm trường xây dựng xong bỏ hoang từ nhiều năm nay, thì đầu năm 2009, chính quyền địa phương xã Tam Phú lại chạy được dự án đầu tư xây dựng một ngôi trường mẫu giáo to vật vã nằm phía sau UBND xã có nguồn vốn hàng tỷ đồng.

 

Đây là ngôi trường mẫu giáo mà chính quyền địa phương xã Tam Phú tự hào là điểm trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia sẽ được đưa vào sử dụng đầu năm học 2009-2010.

 

Còn người dân thì lắc đầu thở dài ngao ngán, không biết ngôi trường hoành tráng này liệu có chịu cùng chung số phận như 12 điểm trường đã xây dựng cách đây hơn 10 năm phải đóng cửa làm nơi chứa rơm rạ, phân tro…?

 

Ngoài ngôi trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia hoành tráng tại trung tâm xã, Tam Phú tiếp tục đầu tư xây dựng một điểm trường hoành tráng tương tự tại thôn Phú Đông, cách trung tâm xã không mấy xa.

 

Chính quyền địa phương thì tự hào xã nghèo mà xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia to vật vã. Còn người dân thì lắc đầu thở dài ngao ngán bảo: Nghèo mà xài sang. Không biết rồi đây con em họ đến tuổi ra lớp có được học hay trường lại phải đóng cửa để rồi họ phải bỏ cả công ăn việc làm đưa con lên tận các phường nội thị để gửi con học.

  • Hoàng Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,