221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
175164
“Trống xuôi, kèn ngược” về cây hoa ngũ sắc
1
Article
null
Thêm một bài học về quản lý sinh vật xâm hại:
“Trống xuôi, kèn ngược” về cây hoa ngũ sắc
,

(VietNamNet) - Cuối 2003, “kèn” trỗi lên: Cây hoa ngũ sắc là cây siêu “ăn” chì, cần trồng rộng rãi để giảm ô nhiễm chì trong đất và cũng tạo cả... cảnh quan. Thế nhưng, “trống” gióng lên từ cuối năm 2002, lại cảnh báo: cây hoa ngũ sắc là 1 trong 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất, theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)!

 

Cấp thành: Phổ biến cây “ăn” chì...


Từ cuối năm 2000, Sở Khoa học-Công nghệ (KHCN) TP.HCM đã cấp 100 triệu đồng để triển khai đề tài tìm kiếm một số loài thực vật có khả năng hút kim loại nặng trong đất.


Sau 3 năm khảo sát một số loài thực vật có khả năng tích lũy chì (Pb) và cadmium (Cd) từ môi trường đất trong điều kiện ô nhiễm cao ở vòng xoay Phú Lâm, Bến xe An Sương, xa cảng miền Tây, Nhà máy Pin Ắc-quy Đồng Nai..., một nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã xác định được 15 loài thực vật có khả năng “chung sống với ô nhiễm”. Trong đó, nổi bật là 2 “kiện tướng” dây leo  (tên khoa học là Herterostrema villosum) và cây ngũ sắc, còn gọi là cây thơm ổi (Lantana Camara L.) vì chúng vẫn sống tốt trong điều kiện đất bị ô nhiễm chì cao, thậm chí đến 1.900 ppm (1ppm = 1mg/l).


Để thử nghiệm khả năng hấp thu chì của cây thơm ổi, nhóm nghiên cứu, do TS Diệp Thị Mỹ Hạnh làm chủ nhiệm, đã cho trồng cây ngũ sắc trong đất nhiễm chì với nồng độ ô nhiễm được tăng dần theo thời gian. Phần lớn cây ngũ sắc sống được trong đất bị nhiễm chì và có thể tích lũy chì trong thân, rễ đến 7.000 ppm. Khi nồng độ chì trong đất được nâng cao từ 10.000 đến 20.000 ppm, hầu hết số cây ngũ sắc trong thí nghiệm đều chết, chỉ còn duy nhất 2 cây sống sót. Theo nhóm, đây là “2 nguồn gen quí được tìm thấy để phục vụ nghiên cứu về cây siêu tích lũy sau này”.


Trong báo cáo tóm tắt, nhóm nghiên cứu đã đề nghị trồng cây ngũ sắc ngoài thực tế để làm giảm ô nhiễm kim loại, đồng thời cũng lại  tạo...  cảnh quan nơi có nhiều nhà máy sản xuất, bến xe, các trục giao thông chính...


Vào giữa tháng 12/2003, Sở KHCN TP.HCM thông qua đề tài nói trên và nhiều giáo sư, tiến sĩ trong hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đạt loại “khá”. Một số thành viên trong hội đồng cho rằng kết quả nghiên cứu của nhóm có giá trị đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn nhằm giải thích khái niệm “phytoremediation” - quá trình sinh học thực hiện xử lý ô nhiễm đất hoặc nước bằng cách tận dụng tối đa các loài thực vật có khả năng hấp thụ hay phân hủy chất gây ô nhiễm.

 

Cấp Cục: Cây ấy là... sinh vật xâm hại nguy hiểm!


Trong khi đó, theo quyển “Danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới” do Cục Môi trường phát hành trước khi hội đồng này nghiệm thu cả một năm về trước, tức vào tháng 12-2002 (!) thì cây hoa ngũ sắc là một trong những loài cây mà Cục này đang tìm kiếm các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát!


Trang 17 của bản danh sách
trên nêu rõ: “Cây ngũ sắc (Lantana camara L.) được trồng rộng rãi làm cảnh ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Tại những vùng này, chúng đã thích nghi và phát triển như một loại cỏ dại trên các đồng cỏ và môi trường ở 50 nước”. (Sau đây là những kênh thông tin khác để bạn có thể nắm bắt thêm thông tin: Cơ sở dữ liệu (CSDL) về các loài sinh vật ngoại lai xâm hại: http://www.issg.org/database/welcome/, IUCN và Ngày đa dạng sinh học quốc tế 22/5/2001: http://www.iucn.org/biodiversityday/index.html, Công ước đa dạng sinh học và vấn đề sinh vật ngoại lai xâm hại: http://www.biodiv.org/cross-cutting/alien/default.asp)


Theo nhà thực vật học Võ Văn Chi, hoa ngũ sắc, tên khoa học là Lantana camara L., thuộc họ cỏ roi ngựa. Lá cây có mùi thơm của ổi nên còn gọi là trâm ổi, bông ổi hay thơm ổi. Hoa có nhiều màu sắc nên được dân gian đặt tên là hoa ngũ sắc, nở suốt 4 mùa nên còn gọi là tứ quý hay tứ thời. Đặc biệt, cây có “nguồn gốc Trung Mỹ, được nhập vào VN từ
thế kỷ XIX, trồng làm cảnh. Đến nay, cây đã phổ biến rộng rãi, mọc hoang ở các bãi đất trống, đồi núi, ven biển”.

Trả lời phỏng vấn của VietNamNet về đề tài nghiên cứu trên do Sở KHCN TP.HCM vừa thông qua, bà Lê Thanh Bình, phụ trách Phòng Bảo tồn thiên nhiên của Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) khẳng định: “Đối với cây hoa ngũ sắc, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã cảnh báo đây là một trong 100 loài SVL xâm lấn cực kỳ nguy hiểm. Nhiều nhà khoa học nhận định đây là loại cây dễ phát tán và thích nghi với môi trường nên có thể lan tràn rất nhanh và trên diện rộng, qua đó sẽ lấn át và triệt tiêu các loại cây như hoa cứt lợn, nhọ nồi và một số loại thảo dược khác!


Bà Bình nói tiếp: “Tôi chưa rõ theo cách gọi thông thường trong dân gian, cây thơm ổi và cây hoa ngũ sắc có phải là một hay không, nhưng nếu đúng là loài cây có tên khoa học là Lantana Camara L. thì chủ đề tài cần phải phối hợp cùng các cơ quan hữu quan để nghiên cứu cụ thể công dụng, tính năng... trước khi đưa ra trồng ứng dụng đại trà”.

 

Quản lý  SVL: Cần một... khung pháp lý


Trong nghiên cứu khoa học, thông tin về các kết quả nghiên cứu và cả về các qui định pháp lý liên quan luôn giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với các nhà khoa học. Trong “sự kiện cây hoa ngũ sắc”
ở đây, hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” một lần nữa bộc lộ sự khiếm khuyết, sự bất cập đến mức thảm hại trong các khâu tìm kiếm thông tin (với các nhà khoa học) và phổ biến thông tin (với các nhà quản lý khoa học). Thêm vào đó, “giọt nước làm tràn ly” chính là sự cách biệt những một năm trời giữa việc phổ biến “Danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới” do Cục Môi trường phát hành, với việc nghiệm thu đề tài có  liên quan đến cây siêu “ăn” chì của  Sở  KHCN TP.HCM. Lỗi thuộc về ai, hãy chờ câu trả lời từ các phía liên quan.


Được biết từ năm 2001, Cục Môi trường đã từng bước phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu điều tra, khảo sát về mối đe doạ trực tiếp hoặc tiềm tàng của các loài sinh vật lạ đối với môi trường VN. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Thuỷ sản là hai đơn vị có liên quan nhiều nhất đến vấn đề này do phải nhập khẩu các giống cây, con phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, theo bà Lê Thanh Bình, sự phối hợp này “chưa mang tính toàn diện do thiếu quy chế chung”.
 

Việc nhập các loài SVL đã được qui định trong Luật Bảo vệ Môi trường, ban hành từ năm 1994. Thực tế, chúng ta đã có những cơ chế quản lý, phòng chống tình trạng SVL xâm nhập và đã được qui định cụ thể hoá trong nhiều văn bản Luật và hướng dẫn dưới Luật. Trong tháng 10-2003, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã tổ chức Hội thảo Quốc gia về quản lý và phòng ngừa các loài SVL xâm lấn, trong đó đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia về vấn đề SVL; hoàn thiện khung pháp lý để quản lý SVL. Đặc biệt, phân định rõ chức năng và quyền hạn của các bộ ngành liên quan trong việc quản lý; thiết lập cơ chế cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sự cố do SVL gây ra khi chúng biến thành dịch... 


Bài học về sự bùng phát dịch ốc bươu vàng, hay sự xâm nhập của cây trinh nữ đầm lầy, bèo Nhật Bản… ở VN thời gian qua thật “đáng giá“. Chẳng hạn, ốc bươu vàng (Pila sínensis) được nhập khẩu vào nước ta khoảng hơn 10 năm nay. Do ốc bươu vàng có khả năng sinh sản rất nhanh và thức ăn chủ yếu là lá lúa nên đã gây nên đại dịch phá hoại lúa ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đang phát triển dần ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nạn dịch này làm giảm sản lượng lúa của các địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng vụ Hè-Thu năm 1994, dịch này đã làm mất trắng và phải trồng lại 20.000 ha lúa. Vào đỉnh điểm của nạn ốc bươu vàng (tháng 4-1995), cả nước có đến 15.350 ha đất trồng nông nghiệp và hàng trăm km sông ngòi, kênh mương bị nhiễm dịch. Đến năm 1996, nạn ốc bươu vàng đã bùng phát trên phạm vi cả nước. Lúc này, chi phí cho chiến dịch tiêu diệt ốc bươu vàng lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và huy động hàng trăm ngàn người dân để bắt và diệt trừ...


Vì vậy, “điều ước 2004” của bà Bình cũng thật cụ thể: “
Trong thời gian gần đây, xuất hiện xu hướng nhiều nhà khoa học đã ứng dụng SVL để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Muốn nghiên cứu, ứng dụng gì thì cũng phải tránh tình trạng chạy theo những lợi ích kinh tế trước mắt mà lờ đi những mặt trái của nó. Cần có cơ quan quản lý môi trường tư vấn và có thể phối hợp để cùng nghiên cứu nhằm hạn chế, ngăn ngừa tác hại của nó. Trong thời gian sắp tới, việc nghiên cứu SVL phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học để cùng thực hiện”! 

Bà Lê Thanh Bình, Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Cục Bảo vệ môi trường:


Hiện tượng sinh vật lạ xâm lấn, tức những loài sinh vật do vô tình hay cố ý xâm nhập được vào những khu vực vốn không phải là nơi cư trú gốc của chúng, có thể diễn ra chủ ý (do con người) hoặc tự nhiên (do mưa gió, bão,...). Các loài sinh vật lạ xâm lấn là mối de doạ nghiêm trọng nhất đối với các loài sinh vật bản địa, gây thiệt hại lớn đối với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chi phí nhiều triệu USD cho việc ngăn chặn  và tiêu diệt những loài lạ xâm nhập vào lãnh thổ của họ, là nguy cơ phá hoại nền sản xuất nông nghiệp, gây dịch bệnh, phá vỡ cơ cấu sử dụng đất canh tác...

Do đây là vấn đề còn khá mới mẻ đối với nước ta và các nước trong khu vực nên hiện tại VN chưa có cơ quan nào tiến hành đánh giá, thống kê đầy đủ về sự xâm nhập của các sinh vật lạ, nhất là những loài mới xâm nhập còn chiếm một diện tích nhỏ nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp.

  • Bạch Kim

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,