221
7683
Chuyển động trẻ
chuyendongtre
/xahoi/chuyendongtre/
1308210
Hạnh phúc của những người đi “bán duyên”
0
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hạnh phúc của những người đi “bán duyên”
,
- “Người ta bê tráp 3 lần đã sợ mất duyên, nhưng mình bê tráp đến cả 300 lần mà vẫn thấy duyên còn dài lắm nên bán mãi vẫn không hết” là câu nói của Mạnh Hà - sinh viên trường Bách khoa khi kể về cái duyên của mình sau những lần đi “bán duyên”.

Nơi gặp gỡ để yêu thương

Trước đây, trong suy nghĩ của mọi người luôn cho rằng mỗi lần đi đỡ tráp cho lễ ăn hỏi là một lần “bán duyên”. Nếu “bán” quá 3 lần thì sẽ khó lấy vợ, lấy chồng, thậm chí có người còn bảo đây là nghề “vô duyên”, vui cũng có mà buồn tủi cũng không ít.
Nhưng giờ đây, trước những thay đổi của cuộc sống hiện đại, quan niệm trên đã không còn quan trọng lắm đối với các bạn trẻ. “Bán duyên” đã trở thành một nghề hot đối với các bạn sinh viên. Và mùa cưới hỏi chính là mùa hoạt động sôi nổi của các bạn trẻ trong nghề này.

Dạo qua một lượt các trung tâm phục vụ cưới hỏi, chúng ta dễ dàng nhận thấy một đặc điểm nổi bật đó chính là lực lượng của nghề “bán duyên” này không ai khác ngoài các bạn sinh viên trên địa bàn Hà nội họp thành một nhóm.
Có những bạn coi nghề này như nghề truyền thống của trường mình. Nghề “bán duyên ” có một yêu cầu khắt khe là người bưng lễ và người đỡ lễ phải là những nam thanh nữ tú chưa vợ, chưa chồng. Vì thế, đây là cơ hội tốt tạo điều kiện cho các bạn trẻ có thể tìm hiểu và gắn kết lại với nhau. Do đó, đã có khá nhiều cặp đôi đẹp được xây dựng nên từ những lần đi đỡ lễ cùng nhau.

Được sự giới thiệu của các bạn trong đội, chúng tôi tìm đến Mạnh Hà (SV năm cuối trường ĐH Bách khoa) – một thành viên trong nhóm nam đã tìm được “một nửa” của mình trong một lần đi bê tráp.
Mô tả ảnh.
Mạnh Hà và Nhung (đứng cuối cùng bên phải) cùng các bạn trong một lần đi bê tráp.
“Mặc dù đi bê tráp cùng nhau mấy lần nhưng lúc đầu thực sự không để ý lắm, sau gặp gỡ tiếp xúc nhiều lại thấy cô gái ngồi bàn đối diện hay hay nên tìm cách lân la nói chuyện, xin số điện thoại. Những ngày đầu mới nhắn tin Nhung còn không chịu nhớ xem mình là ai, phải thêm vài lần đỡ tráp nữa thì cô ấy mới đồng ý đi chơi riêng” - Hà nói.
Một thời gian sau thì cả đội đã thấy Nhung và Hà quấn quýt bên nhau trong mỗi lần cùng mọi người đi bê tráp. Điều đặc biệt là cả Nhung và Hà không ai phải nói lời yêu trước mà đối phương cũng hiểu được tình ý của mình. Khi nói về mối tình của mình, Hà cười rất tươi: “Có lẽ mình thật sự may mắn hơn nhiều bạn nam khác trong đội, vì mục tiêu ban đầu chỉ là đi làm thêm kiếm tiền, nhưng sau đó lại còn tìm được cả người yêu”.

Đối với Hà thì mỗi lần được đi bê tráp cùng Nhung là một kỉ niệm rất vui, các bạn trong đội bê tráp của Nhung thường phải ghen tỵ, vì mỗi khi cả đội hoàn thành xong công việc Hà thường có sự quan tâm đặc với người yêu của mình như: chạy đi mua nước, lau mồ hôi. Trong khi bê tráp, cả đội luôn tạo điều kiện cho hai bạn được bê tráp cùng nhau, chụp ảnh đứng gần nhau.
Nói về sự "bán duyên" của mình, Mạnh Hà thường bảo: “Người ta bê tráp 3 lần đã sợ mất duyên nhưng mình bê tráp đến cả 300 lần mà vẫn thấy duyên còn dài lắm, đi bán mãi mà vẫn không hết. Cho nên mới gặp được Nhung, bọn mình đã cùng đỡ lễ với nhau khoảng 50 đám rồi đấy”.

Còn câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ anh Dũng chị Thanh lại có sự khác biệt hơn, anh chị đã bén duyên với nhau từ trước khi đến với nghề bưng bê tráp và cũng đã trải qua nhiều công việc làm thêm khác nhau nhưng lại rất có duyên với công việc này.
Cách đây khoảng 3 năm sau khi tốt nghiệp ra trường, cả hai đã quyết định cất tấm bằng ĐH để mở một Trung tâm dịch vụ cưới hỏi tại 719 đường Trương Định. Trong lúc cả thiên hạ còn coi nhẹ tầm quan trọng của nghề “bán duyên” thì hai anh chị đã tạo dựng được cho mình một cơ nghiệp nho nhỏ, không những đủ lo cho cuộc sống của mình mà còn đáp ứng được nhu cầu làm thêm phù hợp cho các bạn sinh viên khác.

Mô tả ảnh.
Anh Dũng (mặc áo trắng) cùng các bạn trong ngày khai trương Trung tâm phục vụ cưới hỏi của mình.
Trong thời gian đầu gây dựng cơ nghiệp anh, chị đã rất vất vả, tự mình đi bê tráp để hướng dẫn nhân viên, đứng ở các cổng trường đại học để phát tờ rơi tìm người làm. Nhưng hiện nay, cửa hàng đã đi vào hoạt động có hệ thống, ngày nào cũng có đơn đặt hàng, vào mùa cưới có ngày anh phải huy động hết hơn 400 lượt các bạn sinh viên mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Trong tương lai, anh Dũng còn muốn phát triển cửa hàng của mình lớn hơn nữa thành một trung tâm phục vụ cưới hỏi loại lớn. Anh Dũng cho biết thêm, từ ngày còn là sinh viên cho đến khi thành ông chủ, anh đã thấy rất nhiều bạn trẻ làm cùng mình đã tìm được một nửa yêu thương từ những lần đi “bán duyên” cùng nhau. Gần như các trung tâm, các đội bê tráp đã trở thành nơi kết duyên cho những ai nặng tình với nhau.

Còn với anh Minh (cựu sinh viên ĐH Mở) - một "lão làng" có kinh nghiệm lâu năm trong nghề “bán duyên” lại khác hơn. Anh Minh tham gia công việc này cách đây bảy năm, từ khi nó còn chưa phổ biến, lúc đó anh mới đang học năm thứ I.

Anh thường bảo, nếu bây giờ lập một danh sách những bậc tiền bối trong nghề, chắc anh cũng được đứng ở top đầu. Nghề bưng tráp đến với anh Minh là sự rất tình cờ khi được một người bạn rủ đi cùng cho vui. Đi được một lần thấy hay hay, anh xin đi làm luôn, tính sơ sơ trong suốt 4 năm ĐH anh Minh đã đi “bán duyên” đến cả hơn 400 lần. Nhờ đó mà chuyện tình yêu của anh cũng ít nhiều được gắn với nghề này.

Anh Minh chia sẻ: cả mình và người yêu cùng ở Hà Nội, gia đình không phải là khó khăn gì nhưng vẫn đi bưng bê tráp để có thêm tý thu nhập riêng, đáp ứng các khoản chi tiêu lặt vặt của sinh viên và để tạo điều kiện cho tình yêu đi qua dạ dày.
Câu chuyện tình của anh Minh còn thú vị hơn khi anh tiết lộ rằng: trước đây anh rất ghét chị Trang vợ của anh hiện nay vì đã... tranh mất chiếc ghế lớp trưởng của mình. Nhưng "ghét của nào trời trao của ấy", sau này anh chị lại yêu nhau, thấy anh đi bưng bê tráp chị cũng nằng nặc đòi theo, dù vô tình hay cố ý thì mỗi lần đi bưng tráp cả hai vẫn thường được “bán duyên” cho nhau.
Hạnh phúc còn lớn hơn nữa là trong ngày anh chị ăn hỏi, đội hình bưng tráp toàn là “cây nhà lá vườn”. Giờ đây, khi sắp ở cương vị làm bố làm mẹ, cả hai anh chị vẫn luôn coi quá khứ đi bê tráp của mình là một trong những kỷ niệm vui nhất đời sinh viên. Khi cao hứng đùa vui, bạn bè vẫn còn hay bảo anh Minh, nếu khi nào nhớ nghề quá thì tháo nhẫn cưới ra đi bê tráp cùng mọi người cho vui.

Cô đơn giữa những hạnh phúc

Bên cạnh những người nhanh chóng tìm được một nửa yêu thương của mình trong những lần đi “bán duyên” thì lại có những bạn sau khi hành nghề cả một đời sinh viên mà vẫn côi cút đi về một mình.

Anh Chung (cựu sv trường ĐH Thương mại) nói vui: “Mình cũng tiếc lắm chứ. Chắc số mình nó vô duyên hơn bạn bè nên đi "bán duyên" mãi mà không ai "mua" cho, phải đợi đến khi giải nghệ mới có được người yêu. Nhưng nghĩ lại mình vẫn thấy ấm áp khi nhìn thấy những người bạn của mình hạnh phúc”.

Chị Hường (SV năm cuối Học viện Hành chính) cười tươi bảo: “Đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra đấy, nhưng cũng không sao. Mỗi người có một quan niệm riêng về cái duyên khác nhau. Với mình thì việc được gặp gỡ, được làm quen và kết bạn với nhiều người đó đã là một sự “nên duyên” khó tìm rồi".

Đang là một mùa cưới nữa, tất cả những ai đã lựa chọn công việc “bán duyên” đều đã sẵn sàng "chạy xô" hết sức mình để đem cái duyên đi kết hạnh phúc cho mọi người. Và biết đâu trong số những nam thanh, nữ tú này lại có thêm những mối tình đẹp nữa được hình thành?
  • Mai Phương


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Chuyển động trẻ'

,
,