Teen và chuyện “khôn nhà, dại chợ”

Cập nhật lúc 11:48, 10/09/2010 (GMT+7)

Có những bạn bố mẹ vừa quát tí tẹo là lên tiếng phản bác bảo vệ bản thân ngay. Ấy vậy mà ra đến ngoài đường, bị người khác hiếp đáp lại im thin thít.

Ở nhà tớ là… vô địch?

Chẳng lạ gì khi thấy những cô bạn, cậu bạn ở nhà luôn được nâng niu chiều chuộng. Bố mẹ la một tiếng là hăm hẹ khó chịu ngay, chẳng bao giờ chịu phần thua và phần thiệt dù là chuyện nhỏ nhất. Cứ tưởng như vậy thì ra xã hội cũng sẽ lanh lẹ, nhưng một số lại chỉ… mạnh mồm mạnh miệng ở nhà thôi.

Cô bạn tên Ngọc Mai (Phú Nhuận) là điển hình của câu “khôn nhà, dại chợ”. Được cưng nựng từ bé, ở nhà gặp ai N.Mai cũng lớn tiếng. Cô nàng không bao giờ chịu thiệt thòi điều gì. Muốn cái gì, là N.Mai phải đòi bố mẹ cho bằng được.

Như lần rồi nhóm bạn của N.Mai vừa rủ nhau đồng loạt đổi “em Iphone 4”. Sau đó hô hào kéo nhau đi Thái Lan tậu thêm vài món trong hè. Thế là về nhà, chẳng quan tâm gia đình ra sao, N.Mai nằng nặc đòi bố mẹ hết cái này cái khác rồi đòi đi chơi bằng mọi cách.

d
Gia đình mới chính là nơi bạn có thể đặt trọn niềm tin. (Ảnh minh họa)

Thấy chuyến đi không an toàn, bố mẹ Mai không cho, thế là xảy ra trận chiến gia đình. Nhiều lần Mai to tiếng, nói hỗn với bố mẹ kiểu: “Bố mẹ có tiền mà lúc nào cũng muốn nhốt con trong lồng kính thế. Nghỉ hè, ai cũng cho con người ta đi chơi, còn con thì muốn đi đâu cũng khó khăn thế này đây. Con biết bố mẹ chẳng thương con, có tiền toàn cất đem cho thiên hạ hết chứ gì?”.

Lần nào cũng giống mọi lần, chẳng bao giờ vì thấy bố mẹ không đồng ý hay buồn rầu mà N.Mai nhường bước. Ấy vậy mà ra đường lại khác hẳn. Gặp ai Mai cũng rất “chịu đựng”. Như chuyện nhỏ bạn mượn đôi giày Gucci mới mua rồi làm hỏng cô nàng chẳng dám trách một câu. Dù ở nhà thì ai mượn hay đụng vào là cô nàng… quát cho một trận. Hay chuyện đứa bạn cùng lớp mượn 2 triệu đã nửa năm nay không trả, đang có dấu hiệu quỵt nợ mà cô nàng cũng chỉ dám hỏi nhỏ như sợ bị… ăn thịt.

Với người ngoài hiền lành là vậy. Ấy thế mà nếu là người nhà, bảo đảm chẳng ít bạn sẽ hậm hực khó chịu, nói ra nói vào ngay. Một vài bạn lấy lí do rằng: “Người ngoài thì ngại, nên lịch sự chẳng dám đòi. Còn người nhà thì quen rồi, phải đòi… tới bến”. Thật là những lí do chẳng thể nào hiểu được.

Oái oăm chuyện nghe người ngoài

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều bạn còn trở nên tin và nghe người ngoài hơn cả nhà mình. Bạn bè dù chỉ chơi dăm ba bữa cũng hơn… bố mẹ khó chịu ở nhà. Bạn bảo một tiếng là nghe ngay, còn người nhà thì có “rát cổ bỏng họng” cũng vẫn cứ… thích gì làm nấy.

Cậu bạn Minh Điền (du học sinh Mỹ) là người từng mắc phải sai lầm lớn khi “khôn nhà, dại chợ” kiểu này. Chẳng là trước khi đi du học, bố mẹ M.Điền gửi cậu bạn cho người bạn thân của gia đình sống ở Mỹ.

Nghe đứa học cùng lớp kể rằng ở với bạn bố mẹ rất phiền phức, lại lúc nào cũng có cảm giác như cầu cạnh người ra. Sợ gò bó, cậu bạn nhiều lần cãi nhau với bố mẹ và đòi tìm nhà riêng. Cậu còn nói cả với bố mẹ rằng: “Nhà bạn bố mẹ con không thích. Ở riêng cũng chỉ tốn hơn một chút thôi, rồi con sẽ ở chung với bạn. Ở với bạn dù sao cũng tốt hơn ở với người già. Bố mẹ cứ bắt ép con, con không thoải mái cũng không học được”.

Cãi bố mẹ, nghe bạn bè, M. Điền ở nhà người bạn bố mẹ gửi gắm được một tháng thì tự kiếm lí do chuyển ra. Những tưởng ra ngoài là sướng, cậu bạn dọn vào ở chung nhà với mấy người bạn cùng trường.

Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Thuê chung nhà với bạn mà chẳng khác gì đi ở nhờ. Cái gì của M.Điền cũng thành của chung, tiền bạc, ăn uống không rõ ràng, lại không thể học hành gì vì mấy người bạn ở cùng cậu rất thích tiệc tùng, tụ tập. Lúc bấy giờ M.Điền bắt đầu cảm thấy ân hận.

Nhiều cô bạn, cậu bạn thời nay vẫn vậy, thường tin yêu bạn bè nhiều hơn gia đình mình. Có bạn còn bất chấp sự khuyên ngăn của gia đình để… theo bạn. Nhưng chỉ khi thực sự cọ sát với cuộc sống, mới có thể thấy hết ai là người tốt với mình.

Tất nhiên cũng có những người bạn thực sự rất tốt. Họ luôn bên ta dù bất kì chuyện gì, nhưng cũng chẳng thiếu những bạn chỉ chơi với ta hời hợt, xã giao. Thậm chí, khi ta ngã, họ chẳng ngại ngoảnh mặt quay đi nữa.

Vui vẻ, đầy đủ, chắc chắn rằng bạn sẽ có nhiều người bạn vây quanh. Quan trọng là khi thiếu thốn, đói khổ thì chẳng còn ai bên mình. Lúc bấy giờ thì mới hiểu hết tại sao ông bà ta luôn nhắc nhở con cháu: “Chớ nên khôn nhà, dại chợ”.


(Theo PLXH)

Các tin khác