221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1303439
Hành trình kinh hoàng giữa biển của 10 ngư dân
0
Article
null
Hành trình kinh hoàng giữa biển của 10 ngư dân
,

– Gần 56 tiếng đồng hồ trôi dạt trên biển, 10 ngư dân trên tàu cá của Đà Nẵng trực diện với cái chết bất cứ lúc nào.

Vợ con đã lập bàn thờ

3 ngày qua, xóm chài ở tổ 37 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lịm đi trong nỗi chờ trông thắt ruột, thắt lòng tin tức về tàu cá ĐNa 61406 cùng 10 ngư dân bị mất tích. Từ hôm 24/8, bà Nguyễn Thị Ban, vợ thuyền trưởng Trần Út đã lập bàn thờ trước cửa nhà để cầu cho người thân bình yên. Trong ngôi nhà nhỏ, hàng chục con người xúm lại bên nhau, bồn chồn lo lắng…

Tàu ĐNa 61406 xuất bến từ hôm 13/8. Lúc 12g trưa 23/8, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) nhận được tin tàu này đang trên đường vào bờ tránh bão số 3 thì bị chết máy, thả trôi cách Đà Nẵng khoảng 32 hải lý. Lập tức, tàu SAR 412 được điều động ra ứng cứu.

16g40 cùng ngày, SAR 412 tiếp cận được tàu bị nạn, đưa dây sang để lai kéo vào bờ trong lúc gió cấp 9, sóng cấp 7 – 8. Lúc 21g, về đến toạ độ 16,050 Bắc – 108025 Đông, cách Đà Nẵng khoảng 7 hải lý thì SAR 412 phát hiện dây kéo nối với tàu ĐNa 61406 đã bị đứt lúc nào khiến tàu này trôi tuột lại phía sau. Dù đã quay lại nỗ lực tìm kiếm nhưng do trời quá tối, biển động mạnh nên không sao tìm được.

23g đêm 23/8, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) điều động tàu HQ 635 của Vùng 3 Hải quân ra hiện trường cùng SAR 412 tìm kiếm tàu bị nạn và đặc biệt là 10 ngư dân. Qua ngày 24/8, tiếp tục có thêm tàu SAR 2701 (Danang MRCC), BP081202 (Biên phòng Đà Nẵng), 3 tàu cá của ngư dân và hai lượt máy bay trực thăng của Sư đoàn 372 được điều động ra phối hợp với 2 tàu SAR 412 và HQ 635 tìm kiếm. Nhưng tất cả đều bặt vô âm tím…

Lúc 20g35 tối 25/8, tàu SAR 412 bắt đầu cập vào cầu cảng và chuyển các ngư dân bị nạn lên bờ Lúc 20g35 tối 25/8, tàu SAR 412 bắt đầu cập vào cầu cảng và chuyển các ngư dân bị nạn lên bờ

Lúc 20g35 tối 25/8, tàu SAR 412 bắt đầu cập vào cầu cảng và chuyển các ngư dân bị nạn lên bờ

Lúc này ở nhà, bà Nguyễn Thị Kỷ, mẹ ngư dân Lê Thanh Nga, như người vô hồn, ngất rồi tỉnh, miệng cứ lầm bầm gọi tên đứa con trai mới 21 tuổi. Anh vừa cưới vợ và có đứa con gái 1 tháng tuổi. Khi hay tin dữ, ai cũng cố giấu với người vợ trẻ vừa sinh con. Nhưng hình như có linh cảm, chị Võ Thị Phố ngày nào cũng khóc gọi tên chồng...

Phạm Văn Đẩy, ngư dân tàu ĐNa 61406, là lao động chính trong nhà có 5 nhân khẩu. Mẹ anh đã 80 tuổi, quá già yếu. Khi chúng tôi đến, vợ và mẹ anh Đẩy đang ra biển cầu an cho anh, chỉ có hai đứa con và bà ngoại ở nhà.

Bà cụ mếu máo “Tui già rồi chết cũng không sao, nhưng nó phải sống để lo cho vợ con chứ!...”. Hai cháu Phạm Văn Pháp và Phạm Văn Mỹ, con trai anh Đẩy thì thẩn thờ, hỏi gì các cháu cũng không nói, chỉ cúi mặt khóc.

Chị Phạm Thị Đưa, vợ ngư dân Huỳnh Văn Từ thì thì ngất lên ngất xuống khi hay tin chồng gặp nạn. Chị nói trong nước mắt: “Đây là lần đầu anh ấy đi tàu cá của ông Út, trước khi đi anh có hứa chuyến ni về sẽ gom tiền mua cái tivi cho cả nhà xem, để có cái mà nghe tin tức, dự báo thời tiết khi anh đi biển. Vậy mà…”.

Mô tả ảnh.

Bộ đội Biên phòng và nhân viên y tế đưa ngư dân bị kiệt sức lên xe cấp cứu để chuyển ngay về Bệnh viện Đà Nẵng

Ngoài hai cha con thuyền trưởng Trần Út, trên chuyến ra khơi định mệnh ấy còn có hai cha con khác là ông Nguyễn Thanh Tùng và con trai Nguyễn Thanh Toà từ Cẩm Nam (Hội An) ra Đà Nẵng “đi bạn” cho ông Út. Từ khi nghe tin tàu bị nạn, gia đình ông kéo nhau ra lang thang trên bãi biển để ngóng tin…

Hai lần thấy máy bay trên đầu mà không kêu cứu được…

Sáng 25/8, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban thường trực Ban chỉ huy PCLB – TKCN Đà Nẵng nhận định, khả năng tàu ĐNa 61406 đã bị đắm là chắc chắn, chỉ hy vọng các ngư dân đang trôi dạt đâu đó. Lo nhất là sau khi được SAR 412 cứu kéo, các ngư dân yên tâm, không ở trên boong mà xuống hầm tàu tránh gió bão, nên khi tàu chìm thì họ không kịp thoát ra. Nhưng ông hy vọng, tiên liệu xấu này không xảy đến!

“Còn nước còn tát”, trong khi Ban chỉ huy PCLB – TKCN Đà Nẵng yêu cầu các tàu TKCN tiếp tục bám hiện trường, mở rộng phạm vi tìm kiếm thì sáng 25/8, 6 tàu trong tổ đánh bắt số 4 của phường Nại Hiện Đông cũng lên đường tham gia tìm kiếm tàu ĐNa 61406. Theo Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng, như vậy đã có tổng cộng 15 tàu ngư dân tham gia tìm kiếm tàu bị nạn.

Mô tả ảnh.

Ngư dân 15 tuổi Trần Văn Sen từ cõi chết trở về

“Nhận được thông tin điều động, các tàu của ngư dân liền tập trung tìm kiếm rất trách nhiệm. Tình người của bà con ngư dân, thương yêu đùm bọc nhau lúc hoạn nạn là quan trọng nhất, chứ lực lượng chức năng chỉ hỗ trợ thôi. Nhiều tàu của ngư dân dù không thân thiết, gần gũi gì cho lắm nhưng hai ngày qua vẫn bỏ dở việc khai thác để tìm kiếm tàu bạn bị nạn!” - Đại tá Dương Đề Dũng nói.

Ông cũng cho biết, sáng 25/8, BĐBP Đà Nẵng đã xin ý kiến của lãnh đạo TP để điều thêm tàu của ngư dân ra biển tìm kiếm. Theo ông, các tàu được điều động đều có công suất lớn, đảm bảo an toàn. Hơn nữa, ngư dân có nhiều kinh nghiệm đi biển, am hiểu vùng biển, định hướng được dòng nước chảy… nên sẽ giúp việc tìm kiếm các ngư dân bị trôi dạt có hiệu quả!

Niềm tin đó đã được đền đáp. Xuất bến sáng 25/8, đi được chừng 10 hải lý thì tàu ĐNa 90415 của ông Đỗ Văn Tài đã phát hiện hai chiếc áo màu xanh và màu xám đang trôi trên biển, lập tức thông báo qua ICOM cho người ở nhà biết. Hay tin, bà Nguyễn Thị Ban khóc òa, chạy ra biển thắp hương cầu khấn. Bà cho hay, khi lên tàu, con trai út của bà là Trần Văn Sen, mới 15 tuổi, đã mặc hai chiếc áo có màu như thế.

Mô tả ảnh.

Ngư dân Huỳnh Văn Từ thuật lại những giờ phút cận kề với cái chết trên biển

Đến 18g10, tàu ĐNa 90072 của thuyền trưởng Lê Văn Lịch (ở phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu) phát hiện 7 ngư dân đang bám theo một chiếc thuyền thúng trôi dạt trên biển trong tình trạng kiệt sức. Lập tức tàu SAR 412 tiếp cận, tổ chức sơ cấp cứu và khẩn trương đưa họ vào bờ. Khoảng 20 phút sau, 3 người còn lại cũng được một tàu đánh cá của Quảng Nam cứu vớt, đưa vào đảo Cù Lao Chàm.

Ngư dân Huỳnh Văn Từ thuật lại, sau khi phát hiện tàu của mình bị tuột dây kéo và đang chìm dần, mọi người trên tàu đã đưa hai chiếc thuyền thúng xuống biển. 7 người bám vào một chiếc, 3 người kia bám vào chiếc còn lại. Họ mặc áo phao, quấn dây quanh người để có sống thì cùng sống, có chết thì cũng dễ được phát hiện đưa đưa xác về nhà.

“Hai ngày nhịn đói nhịn khát trôi lênh đênh trên biển, tụi tui cố bảo nhau gắng cầm cự để chờ tàu đến cứu. Hai lần tụi tui thấy máy bay trực thăng bay ngang qua trên đầu. Biết họ đang tìm mình nhưng không sao kêu cứu được. Đến 6g tối ni, ai nấy đều nghĩ không thể qua khỏi vì kiệt sức hết rồi thì bất ngờ tàu anh Phi phát hiện ra chúng tôi. Từ cõi chết trở về, chúng tôi không biết nói gì hơn để cảm ơn những người đã cứu giúp mình!” - ngư dân Huỳnh Văn Từ nghẹn ngào.

Mô tả ảnh.

Bà Nguyễn Thị Ban âu lo nghĩ về những ngày sắp tới, khi toàn bộ gia sản đã trôi theo chiếc tàu đánh cá bị chìm!

Sau phút xúc động vỡ oà thấy chồng con được cứu sống, bà Nguyễn Thị Ban định thần nhớ lại, toàn bộ gia sản đã chìm theo chiếc tàu. Gia đình bà vốn từ khu làng chèo Nại Hiên được đưa lên bờ sống ở khu nhà liền kề do TP Đà Nẵng cấp. Cuối năm 2009, vợ chồng bà vay 500 triệu đồng nâng cấp chiếc tàu cá 66CV để hành nghề lưới vây. Mới đi đưa vài chuyến thì tàu đã chìm, để lại khoản nợ 350 triệu đồng không biết lấy gì mà trả. Những người đi trên tàu của bà cũng đều thuộc diện hộ nghèo, biết lấy gì sinh sống…

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, trước mắt lãnh đạo TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung cứu chữa, chăm sóc sức khoẻ cho các ngư dân bị nạn thật tốt. Tiếp đó, TP sẽ xem xét để có các biện pháp hỗ trợ các ngư dân bị nạn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tiếp tục bám biển…

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,