221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1293578
Sẵn sàng đón bão đầu mùa
1
Article
null
Sẵn sàng đón bão đầu mùa
,

- Các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dân, các biện pháp đối phó với bão số 1 đang tiến sát vào đất liền với sức mạnh gần tâm bão cấp 12.

TIN LIÊN QUAN


Bão Conson mạnh cấp 12
Mời bạn đọc chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip cũng như những cảm nhận cá nhân về cơn bão số 1, sự khốc liệt của thiên tai tại địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn hoặc hòm thư: hotnews@vietnamnet.vn
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, vào hồi 22 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nghệ An khoảng 370 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Đến 10 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nghệ An khoảng 150 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

d
Đến chiều tối ngày 16/7, hầu hết tàu, thuyền tại Quảng Ninh đã về điểm tránh bão an toàn - Ảnh: báo Quảng Ninh


Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đổ bộ vào vùng bờ biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An.

Sau khi vào bờ, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 17/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên địa phận các tỉnh Hòa Bình – Hà Nội. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Tính từ tâm áp thấp nhiệt đới, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 120 km.

Đến 10 giờ ngày 18/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Sóng biển cao từ 4 – 7 mét. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Từ sáng ngày 17/7 ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Nhiều tàu cá của ngư dân miền Trung bị tai nạnTrung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng, thuộc Cục Quản lý đê điều và PCLB) cho hay, đến chiều 16/7, tàu cá QNa 3933 TS của Quảng Nam do ông Lê Văn Tùng (trú ở Cửa Đại, Hội An) làm thuyền trưởng đã được lai dắt về Cửa Đại an toàn. Trước đó, sáng 15/7, trên đường vào Đà Nẵng tránh bão, tàu QNa 3933 TS với 8 lao động đã đâm vào bãi đá ở khu vực Mũi Nghê (bán đảo Sơn Trà), rất may là được hai tàu khác ở gần đó cứu kéo kịp thời.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB Thừa thiên - Huế, lúc 3g ngày 15/7, tại vị trí có toạ độ 16,340 Bắc – 107,490 Đông cách cửa biển Thuận An khoảng 11 hải lý, chiếc gọ mang số hiệu 33501 với 5 người do ông Phan Văn Minh (trú xã Phú Hải, huyện Phú Vang, T-Huế) làm thuyền trưởng, đang trên đường vào bờ thì bị một chiếc tàu vận tải vỏ sắt (không rõ số hiệu) chạy hướng từ Nam ra Bắc đâm chìm rồi bỏ chạy.

 

Hậu quả là 1 người chết (đã đưa vào bờ), 1 người mất tích và 3 người bị thương (trong đó có 1 người bị thương nặng) được tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam cứu vớt đưa vào bờ. Theo nhận định của Ban chỉ huy PCLB TT - Huế, đây là vụ tai nạn đâm va trên biển do tàu đi trong đêm tối, tầm nhìn bị hạn chế. Có khả năng lái tàu ngủ quên, trong khi một trong hai phương tiện không có đèn hành trình.

 

Sau khi nhận được tin báo, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TT-Huế đã kêu gọi 18 tàu thuyền của ngư dân phối hợp với tàu cao tốc BP 31 – 12 – 01 của Hải đội 2 Biên phòng tham gia tìm kiếm cứu nạn từ 8g đến 13g30 chiều 15/7. Tuy nhiên đến chiều 16/7 vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích và chiếc gọ bị chìm.

 

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo các đồn BP tuyến biển tăng cường nắm tình hình, thông báo cho ngư dân đang hành nghề chung quanh khu vực xảy ra tai nạn tìm kiếm cứu nạn và truy tìm tàu gây tai nạn. Đồng thời đã báo cáo cho Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các địa phương tuyến biển phối hợp truy tìm tàu gây tai nạn.

 
Chiều 16/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản hỏa tốc kiến nghị Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có các biện pháp cứu hộ kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân. 

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy (BCH) Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, tính đến đến 17 giờ ngày 16/7, vẫn còn 9 tàu thuyền chưa liên lạc được và đã có ít nhất 6 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi bị chìm và mắc cạn. 

Đó là tàu QNg 96615 TS của ông Võ Văn Tân, quê ở An Vĩnh, Lý Sơn bị vỡ và mắc cạn hồi 17 giờ ngày 15/7 (trên tàu có 15 lao động được cứu hộ lên tàu QNg 96525 TS của ông Phan Thanh Bình quê ở An Hải, Lý Sơn).   

 

Tàu thuyền đang tránh bão tại bờ biển khu vực miền Trung. Ảnh: VNN  

Tàu QNg 95904 TS của ông Nguyễn Văn Trung, quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bị chìm tại khu vực đảo Xà Cừ - Hoàng Sa. Trên tàu có 14 ngư dân, được tàu bạn cứu giúp kịp thời.

Tàu QNg 96219 TS của ông Nguyễn Ngọc Tiến, quê ở xã An Hải, huyện Lý Sơn; trên tàu có 15 lao động, bị vỡ hồi 7 giờ ngày 16/7; các tàu QNg 90028 TS (14 lao động), tàu QNg 96599 TS (11 lao động), tàu QNg 55940 TS (9 lao động) đều bị chìm ngoài khơi, hiện chưa rõ tính mạng các ngư dân trên tàu ra sao.    

Theo thống kê của BCH Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, hiện vùng biển phía Bắc có 324 tàu thuyền/2.505 lao động ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động; riêng tại khu vực vùng biển Hoàng Sa có 30 tàu thuyền/396 lao động, trong số tàu thuyền trên có 9 tàu bị mất liên lạc. 

Trước diễn biến trên, chiều ngày 16/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản hỏa tốc kiến nghị Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có các biện pháp cứu hộ kịp thời để đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân. Đồng thời chỉ đạo cho BCH phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông qua hệ thống thông tin, liên lạc ngay với các tàu thuyền trong khu vực các tàu bị nạn tìm cách cứu hộ, cứu nạn ngư dân các tàu gặp nạn nói trên. 

Hải Phòng: Sẵn sàng đón bão

 
Báo Hải Phòng cho hay, sáng 16/7, Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đã tổ chức họp khẩn cấp triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 1 dưới sự chủ trì của Trưởng Ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại.
 

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, đến cuối ngày 16/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông báo đến các địa phương ven biển và các tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản và chủ lồng bè, đầm nuôi trồng thuỷ sản biết tình hình, diễn biến của bão; chỉ đạo các Công ty khai thác công trình thuỷ lợi chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa ngập úng; chỉ đạo Tổ thường trực ngành thuỷ sản giữ vững thông tin với các tàu trưởng đánh bắt xa bờ đã được trang bị bộ đàm ICOM.

d d
Những hình ảnh phòng chống bão tại cảng Hải Phòng - ảnh: báo Hải Phòng
Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão chỉ đạo các Hạt Quản lý đê điều đôn đốc các địa phương triển khai hoạt động của lực lượng tuần tra, canh gác các tuyến đê, kè cống xung yếu; ứng trực sẵn sàng xuất cấp vật tư dự trữ PCLB và tham gia xử lý sự cố đê.

Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng tổ chức các đài thông tin trực canh; phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền địa phương để thông báo cho các phương tiện đang hoạt động xa bờ, các chủ lồng bè biết tình hình, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh; nắm tình hình, kiểm đếm số phương tiện, số người của địa phương còn đang hoạt động trên biển và số phương tiện đang neo đậu tại bến để có phương án gọi tàu thuyền vào bờ, bố trí nơi neo đậu an toàn; ngăn chặn và không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện ra hoạt động trên các khu vực nguy hiểm. Các huyện, quận đều đã triển khai phương án phòng, chống bão.

Đến cuối ngày 16/7, toàn thành phố đã có 2.633 tàu thuyền về khu neo đậu an toàn. Hiện còn 559 phương tiện còn hoạt động trên biển, đã nhận được thông tin về bão và có phương án di chuyển về nơi trú ẩn an toàn. Theo Bộ tư lệnh Hải quân, hiện có 184 tàu đánh cá Việt Nam đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vỹ cách từ 1 đến 17 hải lý.

Toàn thành phố chuẩn bị lực lượng xung kích hộ đê, PCLB-TKCN là 35.965 người. Trong đó, lực lượng chủ lực do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm gồm 6.205 người; 133 xe ôtô các loại, 34 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp. Các ngành cũng sẵn sàng triển khai phương án PCLB-TKCN…

d
Ngư dân Cát Bà di chuyển bè nuôi cá từ vịnh Cát Bà về nơi trú ẩn an toàn - Ảnh: Báo HP
Một số địa phương ven biển đã sẵn sàng phương án di dân ở vùng trũng, khu vực nguy hiểm. Các khu du lịch ven biển đều triển khai việc thông báo bão và thực hiện các phương án bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

Lãnh đạo TP Hải Phòng yêu cầu, đối với huyện đảo Cát Hải, việc cần làm ngay là triển khai phương án di dân phù hợp với tình hình thực tế, việc di dân phải hoàn thành trước 12 giờ trưa ngày 17/7. Các địa phương cần phối hợp với bộ đội biên phòng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, triển khai tổ chức việc các tàu neo đậu trong bến tránh trú bão đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn…

Đến cuối ngày 16/7, huyện Cát Hải đã triển khai phương án di dân tại chỗ. Huyện sẽ di chuyển hơn 1360 người thuộc 566 hộ dân thuộc các xã Hoàng Châu, Văn Phong, Đồng Bài, Nghĩa Lộ và thị trấn Cát Hải từ khu vực trũng thấp, nguy hiểm ra khu vực an toàn.

Trước mắt, huyện di chuyển người già, trẻ em, phụ nữ đến các khu vực có địa hình cao, lưu trú tạm thời tại các công trình công cộng như trường học, trụ sở UBND xã, các công trình xây dựng kiên cố, nhà dân cao tầng và 5 nhà bạt lớn từ kho dự trữ tại đảo.

Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố cử một tổ công tác đặc biệt ra đảo Cát Hải phối hợp với Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện bàn biện pháp ứng phó kịp thời. Trước đó, Trung đoàn 50 đã cử lực lượng ra đảo Cát Hải phối hợp với lực lượng xung kích hộ đê triển khai ứng phó với các sự cố đê mới phát sinh và tu sửa những khu vực đê xung yếu trên đảo.

Quảng Ninh: Tất cả tàu, thuyền đã về nơi trú bão an toàn  

Báo Quảng Ninh đưa tin, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến 10 giờ, sáng 16/7, hơn 10 nghìn tàu thuyền đã về nơi trú bão an toàn. Các tàu, thuyền đều vào tránh, trú bão tại các điểm khuất gió, các bến cá theo thông báo của Sở GTVT.

d

Dùng dây kiên cố lại lồng bè chuẩn bị phòng chống bão - Ảnh: báo Quảng Ninh

Theo ông Phạm Quốc Bình, Cảng trưởng Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy: Sau khi nhận được công điện UBND tỉnh gửi các địa phương, từ 6 giờ sáng 16/7, Cảng đã dừng cấp phép cho các tàu, thuyền hoạt động đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long và thông báo tình hình khẩn cấp của cơn bão Conson (bão số 1) đề nghị các tàu, thuyền di chuyển đến nơi tránh, trú bão an toàn.

d

Lực lượng chức năng kiểm tra nơi neo đậu tàu, thuyền, hướng dẫn người dân tránh trú bão an toàn - Ảnh: báo QN

Hiện các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển cũng như triển khai các biển pháp di chuyển ngư dân sống trên các nhà bè trên Vịnh Hạ Long vào nơi tránh trú an toàn.
Nam Định:

Cùng cập nhật thông tin về cơn bão số 1, báo Dân Trí đưa tin, trong ngày 16/7, ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống 3 huyện ven biển là Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng để đôn đốc công tác phòng chống bão số 1. Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, một số tuyến đê biển đang thi công dở dang rất dễ xảy ra sự cố khi sóng và triều cường dâng cao kết hợp mưa to.

d
Thành phố Nam Định đã có mưa và gió trên diện rộng
Tại huyện Nghĩa Hưng, kè biển xã Nghĩa Phúc đang trong quá trình nâng cấp, cao trình đê PAM đạt dương 5m chỉ chịu đựng được bão cấp 9, cấp 10. Phía trong đê đang có 2000 dân sinh sống, Chính quyền huyện cho biết đã xây dựng dự lệnh sơ tán dân tại xã Nghĩa Phúc và 6000 dân xã Nam Điền, 1000 dân thuộc đê bối Nghĩa Hải.

Tại ba huyện ven biển, ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định yêu cầu triển khai ngay các phương án hộ đê, xử lý giờ đầu khi có tình huống xấu xảy ra.

Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh, đến 20h ngày 16/7, toàn bộ 2.365 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Tại thành phố Nam Định, bắt đầu từ 14h chiều xuất hiện mưa vừa đến mưa to, nhiều tuyến đường nội thành bị ngập sâu, điện sinh hoạt ở một số khu vực mất cục bộ.

Thanh Hoá: Sẵn sàng sơ tán dân khi có lệnh!

Báo Thanh Hoá điện tử đưa tin, để chủ động đối phó với bão số 1, từ ngày 12-16/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh Thanh Hoá đã có 3 công điện khẩn (số 02, 03, 04) yêu cầu các huyện ven biển và các ngành, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn; tuyệt đối không cho tàu thuyền neo đậu ở các bãi ngang và không để cho người ở lại trên các tàu thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ vào đất liền...

d
Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn đã được kêu gọi về tránh bão an toàn. Ảnh: Linh Trường
Chiều ngày 16/7, ông Trịnh Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã chủ trì họp Ban Chỉ huy PCLB khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt đối phó với bão số 1.
 
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hoá, hiện nay tỉnh có 8.636 phương tiện với 28.280 lao động hoạt động nghề cá, trong đó có 7.956 phương tiện (23.835 lao động) đã vào bến neo đậu hoặc hoạt động ven bờ, 680 phương tiện (4.445 lao động) đang hoạt động trên biển hoặc đã vào trú ẩn ở các khu vực đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô..., trong đó có 673 phương tiện đã có liên lạc.

Đến thời điểm nêu trên, vẫn còn 7 phương tiện (72 lao động) của xã Minh Lộc (Hậu Lộc) không có liên lạc với bờ.
   
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử cán bộ về các huyện ven biển, nhất là Hậu Lộc thống kê chính xác số lượng tàu thuyền và lao động chưa liên lạc về địa phương để có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho số ngư dân nói trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phân công cán bộ về các huyện vùng biển phối hợp với các địa phương hướng dẫn các tàu thuyền neo đậu ở bến bãi; chủ động sẵn sàng phương án tiêu úng; chuẩn bị phương án sơ tán dân khi có lệnh.

Các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai ngay phương án PCLB của ngành mình và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ sơ tán dân và cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Các thành viên Ban Chỉ huy PCLB tỉnh xuống cơ sở chỉ đạo khẩn trương, quyết iệt thực hiện các biện pháp đối phó với bão số 1.

Đổ xô đi “vét” thực phẩm và rau củ vì lo ngại bão số 1

Cùng với các thông tin về đường đi của cơn bão, sự chuẩn bị của các địa phương để đón bão, thông tin này được TTXVN cập nhật tối 16/7.

Bản tin cho hay, chiều tối 16/7, hầu hết các chợ và siêu thị tại Hà Nội đã “sạch bách” thực phẩm, rau củ do có quá nhiều người tiêu dùng đổ đi mua hàng tích trữ phòng bão số 1. Tại các chợ lớn như Kim Liên, Láng Hạ, Thành Công…, các mặt hàng như: bí xanh, khoai tây, đậu quả…bán không kịp “cân”. Các mặt hàng thực phẩm như: trứng, thịt, cá, tôm, lạc…cũng “hút” khách, khác hẳn ngày thường. Người bán chẳng cần mời chào vì người mua ai cũng “nhặt” thực phẩm, rau củ với số lượng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Cũng TTXVN đưa tin, theo phản ánh của nhiều bà nội trợ, mặc dù nhu cầu về thực phẩm, rau củ tăng so với ngày thường, nhưng giá cả hầu hết các mặt hàng này không bị tăng “quá thể” vì bản thân người bán cũng mong hết hàng sớm để kịp về nhà tránh bão.

Khi hàng hóa ngoài chợ đã trở nên “lèo tèo”, nhiều người tiêu dùng đã chọn giải pháp vào các siêu thị mua hàng dự trữ. Tại siêu thị Unimart Phạm Ngọc Thạch, mới 5 giờ 30 chiều nhưng tất cả các kệ chứa thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng và rau xanh, củ quả đã được "vét" sạch, khác hẳn ngày thường. Hết đồ tươi sống, nhiều người tiêu dùng “chậm chân” đã lựa chọn giải pháp mua các thực phẩm thay thế như: mì tôm, đồ hộp, rau củ, thực phẩm đông lạnh…Một nhân viên bán hàng ở đây cho biết: từ 4 giờ chiều đến giờ, quầy thu ngân phải làm việc liên tục, hết công suất vì có quá nhiều người vào mua hàng dự trữ phòng bão.

Tại các siêu thị khác như Thái Hà, Fivimart, Sao Hà Nội… số lượng khách đến mua thực phẩm cũng tăng lên gấp bội so với ngày thường. Các kệ bày thực phẩm, rau củ tươi ở các siêu thị này nhanh chóng trở nên “trống trơn”. Những thực phẩm còn lại chỉ là giò đông lạnh, thịt muối, xúc xích, đồ hộp…

Một chị nội trợ “chậm chân” không mua được đồ tươi sống tại siêu thị Unimart Phạm Ngọc Thạch cho biết: Mặc dù biết bão Côn Sơn chuẩn bị đổ bộ vào đất liền nhưng do bận đi làm từ sớm nên không kịp ra chợ mua thức ăn dự trữ. Chị này cũng khuyên các bà nội trợ khác “phi” xe máy sang Big C hoặc Metro mua thực phẩm dự trữ vì đó là các siêu thị lớn nên có kho dự trữ thực phẩm tươi sống.

Tuy nhiên, bà Hoa - một người nội trợ ở Trung Tự lại cho biết, bà không dám tích trữ thực phẩm tươi sống vì nếu mưa lớn, ngập úng trên diện rộng như năm 2009, nhiều khu vực bị mất điện thì thức ăn sẽ không thể bảo quản trong tủ lạnh. Vì vậy, cùng với thực phẩm, rau củ dự trữ cho 1-2 ngày tới, bà đã mua thêm thức ăn khô và đồ hộp.

Theo dự báo, sáng 17/7, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển Việt Nam, có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13; nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 4-5 mét; trong và sau bão có mưa to đến rất to trên địa bàn các tỉnh từ miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

  • Nhóm PV, CTV


    Mời bạn đọc chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip về cơn bão số 1 tại địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn hoặc hòm thư:
    hotnews@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,