221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1290230
Hai vợ chồng mù “cõng” 30 người khốn khổ
0
Article
null
Bài 3:
Hai vợ chồng mù “cõng” 30 người khốn khổ
,

- Có một căn nhà nhỏ, dột nát ở vùng ven Sài Gòn được gọi bằng cái tên rất thân thương “Nhạc viện của người mù”. Nơi đây có đôi vợ chồng mù đang nuôi 30 người khốn khổ.

TIN LIÊN QUAN


Nếu cưu mang mỗi người bất hạnh là một “dự án”, thì đôi vợ chồng mù sáng lập câu lạc bộ Mây Bốn Phương là hai vị chủ đầu tư giàu có và đáng kính. Bởi lẽ họ đang chăm lo cho hơn 30 người cơ nhỡ tại chính căn nhà nhỏ bé, dột trước dột sau của mình. Song nơi này lại được gọi bằng cái tên rất thân thương “Nhạc viện của người mù”

“Nhạc viện” kiêm “khách sạn”
“Nhạc viện” ấy chỉ là căn nhà nhỏ nằm sâu trong con đường đất ngập đầy lá tầm vông ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Nhà có căn phòng chỉ khoảng hơn 20 mét vuông, vừa là phòng học, phòng tập, vừa là phòng ở của hơn mười người khiếm thị nam. Lớp học không bàn ghế, cả thầy cũng ngồi bệt giữa phòng, lắng nghe, nhận xét, và căn chỉnh tiếng đàn cho học trò. 

Căn nhà nhỏ của vợ chồng thầy Phong, nơi dạy nghề miễn phí cho người khiếm thị.

 

Người được các thành viên câu lạc bộ Mây Bốn Phương trìu mến gọi là “thầy Phong” tên là Lê Văn Đến, quê Trà Vinh. Mười năm trước, anh Đến bén duyên với việc dạy đàn miễn phí cho người khiếm thị. Khi ấy, cả gia đình anh vẫn phải ở trọ. Phòng trọ chật chội nhưng thầy vẫn cho học trò tá túc cùng để tiện học đàn sau mỗi ngày ngày mưu sinh.

Cả thầy và trò đều là những người sống chung với bóng tối nên việc truyền đạt và cảm nhận chủ yếu bằng tai và bằng tay. Trò chăm chú lắng nghe để ghi nhớ các nốt nhạc, các cung bậc. Thầy chăm chú lắng nghe để chỉ cho trò những lỗi sai… 

 

Rất nhiều người khiếm thị, bất hạnh được  vợ chồng thầy Phong cưu mang. Ảnh: Đ. Nga

 

Học trò của thầy Phong đều rất biết ơn sự kiên nhẫn và tận tâm của thầy. Họ cho biết, chưa một lần thầy nặng lời, la mắng học trò. Thầy Phong tâm sự: “Dạy người khiếm thị có cái khó là họ rất dễ bị tổn thương. Với những em học chậm, tôi không la mắng mà động viên các em cố gắng học, để có một cái nghề tự nuôi sống bản thân.”

Thầy Phong cho biết, thầy có thể dạy nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Nhưng hiện thầy dạy ocgan và ghi ta là chính vì chỉ hai loại này mới giúp người khiếm thị mưu sinh được. Những người đã thạo nghề, thầy tạo điều kiện cho đi đánh đàn phục vụ các đám ma, đám cưới ở địa phương kiếm tiền.

Bến đỗ của những mảnh đời bất hạnh

Ba năm trước, vợ chồng thầy Phong gom góp tiền bán đất ở quê mua một căn nhà nhỏ tại ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi để có điều kiện cho nhiều người khiếm thị tá túc và học nghề. Hiện nay, căn nhà này trở thành chỗ ăn, ở, học nghề cho hơn 30 người. Căn nhà nhỏ phải cơi nới thêm, che trước che sau mới đủ chỗ sinh hoạt.

Tạo nên một mái ấm cho ngần ấy mảnh đời bất hạnh, đến người bình thường còn khó có đủ cái tâm và lòng kiên trì để thực hiện. Đằng này cả thầy Phong, cô Loan đều là những người mù, lúc cưới nhau cũng chỉ hai bàn tay trắng. 

 

Nhờ ngón đàn thầy Phong (người ôm đàn) truyền cho, nhiều người khiếm thị đã có được cái nghề, kiếm sống. Ảnh: Đinh Nga.

 

“Vì mình cũng là người khiếm thị nên mình đồng cảm với họ. Mình hiểu được những nổi khổ của họ nên việc giúp đỡ họ là lẽ thường tình” thầy Phong trả lời thật đơn giản. Còn cô Loan thì bộc bạch: “Ngày xưa ông xã mình cũng lang thang kiếm sống nhưng đi mướn nhà khắp nơi mà không ai cho, phải ngủ ở sạp chợ, đình miếu. Người ta sợ cho người khiếm thị ở thì xui. Vậy nên vợ chồng mình ráng mua một căn nhà, cho thật nhiều người khiếm thị ở xem thử có xui không!”

Mỗi mảnh đời neo lại chốn này đều mang nhiều nghịch cảnh. Cái chõng tre trước nhà là chỗ ăn ngủ của ông Sáng, 60 tuổi, người già nhất CLB. Ông Sáng bị xơ gan, tay chân phù nề, bụng trướng to, lại thêm chứng bệnh tâm thần khiến ông cả ngày chỉ ngồi thừ một chỗ, không tự chủ được cả chuyện ăn uống, vệ sinh. Hai năm trước, ông sống lang thang, khi được đưa vào CLB, ông rất yếu, nhiều lúc tưởng không qua được. Sau một thời gian được mọi người chăm sóc, cho uống thuốc nam, ông khá lên trông thấy.
Phía sau cô Loan là cả một đại gia đình. Ảnh: Đ. Nga 

 

Kí ức non nớt của Hoàng Anh – vừa mù, vừa bị tâm thần do tai biến vẫn còn nỗi sợ hãi do bị đánh. Khi Hoàng Anh được cha mẹ nuôi gửi đến ở CLB, em luôn van xin mọi người đừng đánh. Sau những nỗ lực của vợ chồng thầy Phong, từ một đưa bé không biết đi tiêu, đi tiểu bé Hoàng Anh đã thoát khỏi nỗi sợ hãi, đã biết hát, biết cười đùa, biết trò chuyện.

Thành viên nhỏ tuổi nhất là bé Lê Hoàng Thiên Ân, chưa tròn một tuổi. Thiên Ân chưa một lần biết mặt cha. Họ Lê mà em mang chính là họ của thầy Phong. Cha em đã bỏ rơi em và mẹ khi em chỉ vừa tượng hình được mấy tháng. Bơ vơ trong lúc bụng mang dạ chửa, mẹ em đã được câu lạc bộ cưu mang. Một tay cô Loan săn sóc cả hai mẹ con những ngày mẹ em vượt cạn.

Thầy Phong tâm sự: “Từ hồi CLB được nhiều anh em tìm đến, mình rất vui vì giúp được nhiều người. Thế nhưng tài chính không đủ nên nhiều lúc khó khăn lắm, không lo cho anh em chu đáo được.” Bỗng thầy hạ thấp giọng, nói khẽ: “Mấy bữa rồi khó quá, mình phải bán “cây ọc”, được hơn chục triệu để lo sinh hoạt của các anh em. Nay đi đánh nhạc, phải mượn đàn của học trò.”

Khó khăn chồng chất, nhưng đôi vợ chồng mù vẫn luôn sẵn sàng đón nhận thêm những mảnh đời bất hạnh. Với họ, sống là để cho đi.

  • Đinh Nga

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,