221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1294349
Chuyến cứu nạn đầy bất trắc trên biển Hoàng Sa
1
Article
null
Chuyến cứu nạn đầy bất trắc trên biển Hoàng Sa
,

Sau khi vào đến Đà Nẵng, cán bộ, chiến sĩ hải quân và ngư dân vừa được cứu nạn trên vùng biển Hoàng Sa đã kể lại những giờ phút kinh hoàng nhất trong cơn bão số 1.

TIN LIÊN QUAN

Đêm kinh hoàng trên biển

6g30 sáng 20/7, 14 ngư dân được bị nạn trên vùng biển Hoàng Sa trong cơn bão số 1 được cứu vớt lên tàu HQ 951 (6 người) và HQ 952 (8 người) của Vùng 3 Hải quân đã được đưa về đến Đà Nẵng. Tuy đã được chăm sóc sức khoẻ ngay từ trên tàu song trên gương mặt của những ngư dân vốn dạy dàn sương gió vẫn toát lên vẻ mệt mỏi, nỗi thất thần khi nhớ về những giờ phút kinh hoàng vừa qua…

Dù đã dạn dày sương gió nhưng ngư dân Bùi Tấn Công, tàu QNg 90027, vẫn thất thần khi nhớ lại, tàu của ông bị nạn đêm 15 rạng sáng 16/7 khi từ toạ độ 16,20 Đông – 114,260 Bắc chạy vào khu vực đảo Bombay tránh bão.

Đoàn tàu 8 chiếc và các thuyền viên tìm cách xích lại gần nhau nhưng sóng quá lớn đã hất tung toàn bộ nhiên liệu, thức ăn xuống biển. Thuyền viên cố chống chọi cũng bị sóng đánh té ngã liên tục. May mà sau gần 2 ngày nhịn đói thì tàu HQ ra đến nơi...

Mô tả ảnh.

Đại tá Ngô Sỹ Quyết, Chỉ huy trưởng Vùng 3 Hải quân: "Bà con ngư dân khắc phục khó khăn, tiếp tục bám ngư trường Hoàng Sa là góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".

Thuyền trưởng tàu QNg 95904 Phạm Cư nhớ lại: Khi gió bắt đầu nổi lên vào buổi chiều, tàu của anh đã xin vào đảo tránh bão nhưng phía nước ngoài bảo gió chưa lớn không cho vào nên anh phải neo tàu ở phía ngoài cách đảo khoảng 7 hải lý. Nửa đêm, gió bão quật mạnh khiến tàu bứt neo và bị sóng đánh chìm. Bão gió tới cấp 12, giật trên 12 thì không có cách nào xử lý cho kịp.

“Khi gió tới mình không dám chạy vì sợ gặp đá rất nguy hiểm, mà cũng không dám vào đảo vì sợ bị bắn. Thấy tàu sắp chìm mà ở gần đó có đèn của tàu bạn, tôi hô anh em trên tàu nhảy xuống bơi tới đó nhưng chỉ có hai anh Trần Ngọc Quang và Nguyễn Văn Tiến bơi theo nên được cứu, 10 người còn lại đến giờ vẫn đang mất tích chưa rõ thế nào” – anh Cư buồn rầu kể. Càng đau lòng hơn khi trong số 10 người đó có cả anh ruột của anh là Phạm Cẩm và anh rể Nguyễn Trung.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự là trường hợp của ngư dân Nguyễn Thục Hưng, tàu QNg 95839. Tàu của anh đã vào tránh trú ở đảo Xà Cừ nhưng khoảng 11g đêm đến 3g sáng thì bị gió bão đánh chìm. Anh may mắn được tàu bạn cứu nhưng hai người anh ruột đi cùng tàu là Nguyễn Quốc Hận và Nguyễn Ngọc Quỷ đến giờ vẫn chưa rõ tung tích. Hai người vợ cùng 4 đứa con nhỏ của họ đang mong ngóng từng phút, từng giây...

Mô tả ảnh.

Ngư dân Nguyễn Thục Hưng: "Không dễ gì ngư dân từ bỏ vùng biển của mình"

Đại tá Ngô Sỹ Quyết đánh giá, giữa lúc sóng gió dữ dội mà ngư dân vẫn hỗ trợ, giúp đỡ được nhau, cứu được người bị nạn là quá giỏi. Hải quân dù cố gắng đến sớm nhất nhưng cũng không thể có mặt kịp thời ngay lúc ấy. Rồi ông nhấn mạnh: "Việc đánh bắt hải sản của ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa là sự dũng cảm, quyết tâm, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mong các bác, các anh sớm hồi phục sức khoẻ, ổn định cuộc sống và lại tiếp tục ra bám ngư trường. Vùng biển đó là chủ quyền của chúng ta và chúng ta không thể bỏ”.

Mô tả ảnh.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân luôn sát cánh cùng ngư dân miền Trung Ảnh: HC

Hành trình gian khó cứu ngư dân

Đại tá Tô Đình Ngoạn, Chính uỷ Lữ đoàn 161 (Vùng 3 Hải quân) cho hay, 3 tàu HQ629, HQ 951 và HQ 952 vừa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo trở về. Tàu HQ 629 trực cứu nạn tại đảo Lý Sơn, còn hai tàu HQ 951 và 952 vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan ở lô 113, về đến Đà Nẵng lúc 19g tối 16/7 thì được lệnh chuẩn bị khẩn trương để tiếp tục xuất phát ra vùng biển Hoàng Sa cấp cứu ngư dân. Đúng 23g đêm 16/7, tàu HQ 952 bắt đầu xuất phát ra vùng biển Hoàng Sa, tiếp đó là hai tàu HQ 951 và HQ 629.

Khoảng 2 – 3g sáng 17/7, các tàu có mặt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và bắt đầu tìm kiếm ngư dân.

Theo Thượng tá Võ Văn Tuyến, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 161, trực tiếp chỉ huy các tàu cứu nạn, việc hợp tác với phía nước ngoài để tìm kiếm ngư dân hết sức vất vả. Tàu phải cơ động chuyển hướng, thay đổi liên tục trong điều kiện sóng to gió lớn... Tìm được rồi thì việc tiếp cận tàu của ngư dân cũng rất khó.

8g sáng 18/7, tàu HQ 629 tiếp cận 5 tàu cá, tiếp viện nhiên liệu, thực phẩm cho đoàn tàu cứu hộ. Đồng thời tiếp nhận cấp cứu 6 ngư dân do các tàu cá chuyển sang.

Mô tả ảnh.

Những ngư dân dạn dày sương gió vẫn chưa hết thất thần sau những giờ phút kinh hoàng trong cơn bão số 1.

Đại uý Đỗ Quang Minh, thuyền trưởng HQ 951 kể lại: Do sóng to, tàu cá ngư dân không cập mạn được tàu HQ nên việc cấp nhiên liệu và lương thực, thực phẩm rất khó khăn.

Các tàu HQ đã quyết định cho tàu cá tiếp cận sau lái, làm dây kéo khoảng 3 – 5m rồi chuyển đường ống để cấp nhiên liệu. Còn dầu nhớt phải đóng can; lương thực thực phẩm đóng vào túi nilon, buộc chặt đưa vào thuyền thúng rồi thả xuống biển để ngư dân vớt lên. Để chuyển ngư dân bị nạn lên tàu HQ phải dùng thuyền thúng đưa vào sát tàu, sau đó thả dây xuống kéo...

“Mặc dù tàu của chúng tôi có treo cờ cứu hộ nhưng sau khi ra đến đảo Đá Bắc, tiếp tế cho tàu đầu tiên, đưa 11 ngư dân lên tàu chăm sóc, định chạy về phía Bắc đảo Xà Cừ tiếp tục đón ngư dân thì tàu chiến nước ngoài đến chặn lại. Một lúc sau, chúng tôi nhận lệnh tiếp cận tàu HQ 629. Khi gần đến nơi thì có 2 tàu nước ngoài đến ép, không cho tiếp cận. Tàu HQ 951 phải chạy lui ra phía Tây hơn 1 hải lý, rồi chớp cơ hội áp mạn, đón ngư dân sang”- Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm, Phó Hải đội trưởng Hải đội 311, Lữ đoàn 161 trực tiếp chỉ huy tàu HQ 951 nói.

Khi được hỏi sau vụ này có định đi biển tiếp hay không, ngư dân Nguyễn Thục Hưng đáp: “Đi tiếp chứ anh. Làm nghề thì phải chấp nhận thôi. Dễ gì ngư dân bỏ vùng biển của mình được. Nhưng điều tụi tui mong ngóng nhất lúc này chính là nghe đâu có 16 ngư dân đang trú tại đảo Lưỡi Liềm và đang được tàu HQ 629 chờ đón. Ai cũng mong sẽ có người thân bị mất tích của mình trong số đó”.

Như để đáp lại mong ngóng của anh, lúc 10g sáng 20/7, qua hệ thống thông tin của tàu, đại uý Lê Văn Hưng, thuyền trưởng tàu HQ 629 cho biết, do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa có sóng cấp 4, cấp 5 nhưng cán bộ, chiến sĩ của tàu vẫn tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích, đồng tời liên hệ với các phương tiện tàu thuyền nước ngoài nếu họ cứu vớt thì xin nhận lại.

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,