221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1261081
Bài 4: Tết - từ xa xỉ ở thôn không trẻ con
1
Article
null
"Đưa Tết về với người nghèo":
Bài 4: Tết - từ xa xỉ ở thôn không trẻ con
,

– “Gần tháng nay tui chủ yếu ăn sắn và rau rừng, gạo để dành cho con gái đi làm xa về ăn dịp Tết” – bà Phương, (thôn Long Nguyên, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), lấy tay quệt nước mắt khi nói về chuyện chuẩn bị đón Tết.

Ăn sắn, để dành gạo cho con ăn Tết

Bà Phương với bao gạo để dành ăn Tết. Ảnh: T.T
Từ sau trận lũ lịch sử đêm 2/11/2009 đến nay, người dân thôn Long Nguyên vẫn sống trong ngôi nhà đổ nát.

Sau lũ, con đường độc đạo vào thôn Long Nguyên biến thành sông, muốn vào được trong thôn phải trèo qua vách núi dựng đứng.

Chúng tôi ghé vào ngôi nhà đầu thôn, một trong số ít ngôi nhà còn tương đối “lành lặn” sau lũ, hỏi chuyện đón Tết, bà Võ Thị Phương, góa phụ, 55 tuổi, đưa tay quệt nước mắt: “Tôi vừa đi chữa bệnh về, tiền bạc không còn đồng nào, đồ đạc trong nhà thì bị lũ cuốn trôi hết, nói gì đến Tết”.

Tết này vốn liếng trong nhà bà chỉ có một bao gạo. Đây là số gạo cứu trợ bà Phương nhận được.

“Gần tháng nay tui chủ yếu ăn sắn và rau rừng, để dành gạo cho con gái đi làm xa về ăn dịp Tết” – bà Phương nói.

"Mưa là sang hàng xóm ngủ nhờ, nói gì đến Tết"

Ngôi nhà cụ Nguyễn Khắc Điềm (84 tuổi) ở giữa xóm bị nước lũ phá tan tành vách đất, trống hoác, mặc cho gió lùa. Nhà không còn vách nên xiêu vẹo, nếu không có mấy cây tre chống đỡ chắc nó đã đổ sập.

Cụ Điềm chỉ tay vào mấy cánh cửa dính đầy bùn đất dựng xung quanh gốc xoài, sau hiên nhà, nhớ lại: “Đợt lũ đó, nước ngập đụng mái nhà, bốn vách đất ngấm nước bị tuột xuống còn mấy cánh cửa bị nước cuốn trôi tấp ngoài đám mía, sau lũ tôi mới nhặt lại”

Vợ chồng cụ Điềm buồn rầu vì Tết đến mà nhà vẫn còn dột nát. Ảnh: T.T

Tết đã cận kề, nhưng trong nhà cụ hầu như chẳng có gì. Cụ Điềm bảo không dám nghĩ đến Tết. Vì nghèo quá, vì lo cái ăn cho ấm bụng còn chưa xong...

Cách đó không xa ngôi nhà cụ Trương Thị Lại (60 tuổi) lại càng thảm thương hơn, phía trước phía sau đều trống. Cụ Lại đang lúi húi đo chu vi xung quanh nhà để nhờ người đi chợ mua tấm bạt về giăng. “Tết làm lại cho kín, “cùng năm mãn tháng” con cháu xúm xít về có chỗ vui 3 ngày Tết” - cụ Lại nói.

Từ sau lũ đến nay, cụ Lại sống chui rúc trong cái bếp. Những đêm mưa to tạt vào cụ phải ôm mền chiếu sang nhà hàng xóm ngủ nhờ.

Đi chợ là … “xa xỉ”

Ở thôn Long Nguyên, đường đến chợ xa, đi lại cực khổ nên hầu hết người dân ít khi đặt chân xuống chợ. Một phần, do những người dân quá nghèo nên chuyện đi chợ đối với họ cũng là… xa xỉ.

LTS: Vào dịp năm cùng tháng tận, khi nhà nhà đang hối hả đón Tết thì họ vẫn lặng lẽ như chưa biết Tết đang đến rất gần. Cuộc sống cơm áo gạo tiền ngày thường đã khiến họ quay quắt. Số phận đã không cho họ được may mắn. Mùa xuân và 3 ngày Tết đôi khi là nỗi sợ hãi đối với họ - những mảnh đời, những hộ gia đình nghèo đang ở "rất gần" quanh chúng ta. Tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo" của VietNamNet hy vọng sẽ cùng tấm lòng hảo tâm của quý độc giả, góp thêm cho họ một nồi bánh chưng, một cành đào, một tấm áo mới...

Cụ Trương Thị Lại cho biết, dù còn mắc nợ tiền chợ nhưng để đón Tết cho “tươm tất” nên cũng “bóp bụng” nhờ những người làm rẫy (ở nơi khác đi ngang qua thôn Long Nguyên) đến gần Tết mua giùm cân thịt heo.

“Cứ tưởng Tết này sẽ có vài buồng chuối chín bán lấy tiền trả nợ cho nhẹ người không ngờ lũ đến, vườn chuối cạnh bờ sông bị bẻ gãy hết ráo” – cụ Lại thở dài.

Không “sang” như cụ Lại, cụ Điềm chỉ dự tính: “Tết này vợ chồng chỉ rửa cái tủ thờ dính bùn cho sạch rồi mua ít bánh, bình hoa trưng bày cho có không khí xuân”.

Thôn Long Nguyên không có điện và người dân ở đây chỉ biết giải trí bằng những chiếc máy cassette, hoặc radio. Mọi năm, đêm giao thừa nào cụ Điềm cũng mở radio nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Ba ngày xuân cụ cũng mở đài nghe tin tức đón Tết khắp nơi để vui lây.

Nhưng chiếc radio của cụ đã bị trận lũ cuốn trôi. Bây giờ cụ đang trông đứng trông ngồi mong đứa cháu ở Sài Gòn gửi về cái máy cassette để kịp “ăn” Tết.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết, thôn Long Nguyên là thôn không có trẻ em. Bởi vì đường đi quá cách trở, những đôi nam nữ ở đây sau khi lập gia đình, có con nhỏ họ tìm cách về dưới xuôi để thuận lợi con đi học. Ban đầu, thôn Long Nguyên có 28 hộ, nay chỉ còn 14 ngôi nhà, đa số người lớn tuổi bám trụ.

Nhà cụ Lại trống hoác, chẳng có gì để đón Tết. Ảnh: T.T
Theo bà Lan Anh, do thôn Long Nguyên cách xa trung tâm xã 5 cây số, sau lũ tuyến đường vào thôn sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn sông ngoạm sát vách đá dựng đứng, khó có thể khắc phục, vì vậy xã lập tờ trình gởi UBND huyện Đồng Xuân phê duyệt điểm di dời dân cư.

Phương án đang chờ huyện phê duyệt. Cũng chính vì thế số nhà bị sập trong đợt lũ vừa qua chờ di dời không thể hỗ trợ cho bà con được xây cất lại nơi ở cũ. Và vì thế, Tết năm nay, bà con Long Nguyên đã không có gì gọi là "Tết", lại vẫn phải sống trong những ngôi xệch xọac khi năm mới đến...

Ngay sau khi VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", rất nhiều độc giả đã gửi thư phản hồi và bày tỏ mong muốn được chung tay hỗ trợ những hộ nông dân nghèo được nêu trong tuyến bài này.

Đơn vị tài trợ thực hiện chuyên đề này - Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã quyết định sẽ chuyển đến các hộ dân trong tuyến bài một số tiền để không khí Tết thực sự hiện hữu trong mỗi gia đình nghèo, không chỉ là tấm áo mới, nồi bánh chưng mà còn là niềm vui, sự ấm áp.

- Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ các nhân vật trong tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", có thể gửi theo các cách sau:

1 - Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

2 - Bạn đọc giúp đỡ theo địa chỉ trực tiếp của toà soạn xin liên hệ:
Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 65 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.

  • Trâm Trân
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,