221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1260120
Bài 1: Người chẳng bao giờ biết... Tết
1
Article
null
"Đưa Tết về với người nghèo"
Bài 1: Người chẳng bao giờ biết... Tết
,

- LTS: Vào dịp năm cùng tháng tận, khi nhà nhà đang hối hả đón Tết thì họ vẫn lặng lẽ như chưa biết Tết đang đến rất gần. Cuộc sống cơm áo gạo tiền ngày thường đã khiến họ quay quắt. Số phận đã không cho họ được may mắn. Mùa xuân và 3 ngày Tết đôi khi là nỗi sợ hãi đối với họ - những mảnh đời, những hộ gia đình nghèo đang ở "rất gần" quanh chúng ta. Tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo" của VietNamNet hy vọng sẽ cùng tấm lòng hảo tâm của quý độc giả, góp thêm cho họ một nồi bánh chưng, một cành đào, một tấm áo mới...

Con sông Quây Sơn bắt nguồn từ chân thác Bản Giốc đổ ra Trùng Khánh (Cao Bằng) tưới tắm những thung lũng rộng và làm tốt tươi những rừng dẻ cười và cũng khiến con thác đẹp nhất nhì Việt Nam có vẻ trữ tình, dềnh dàng, hiền khô khác hẳn tiếng nước réo nơi thượng nguồn. Thế nhưng, không ai biết, dưới chân thác Bản Giốc, dưới những tán rừng hạt dẻ cười ấy, lại có những số phận, những mảnh đời chưa bao giờ ngừng khóc và không biết Tết là gì...

"Khổ nhất là nó không biết mình khổ như thế nào!"

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi gõ cửa trong chuyến công tác vùng cao Trùng Khánh (Cao Bằng) là của hai cha con “người điên” Lý Văn Nhương, đội 1, thôn Lũng Phi-ắc, xã Đàm Thủy - một trong những xã vùng biên xa xôi nhất của huyện Trùng Khánh.

h
Thôn Lũng Phi-ắc

Cơn mưa bất ngờ khiến vùng biên thêm giá lạnh, heo hút. Con đường nhơm nhớp đá dăm, đá sỏi và những khối đất gan gà được phủ thêm một màu lạnh lẽo. Lũng Phi-ắc là thôn xa nhất của Đàm Thủy, nằm liền kề với đường biên giới, chỉ cách nước bạn một nách núi, dưới chân thác và gối đầu lên thượng nguồn dòng Quây Sơn.

Trưởng xóm Lý Văn Khâm kể về Nhương: “Khổ lắm, nó là cái đứa khổ nhất xóm, nghèo nhất xóm. Khổ nhất là nó không bao giờ ý thức được nó khổ như thế nào, và tương lai con nó sau này ra sao… Nó bị bệnh tâm thần từ nhỏ!”.

Ngôi nhà Nhương dễ nhận ra nhất, vì nó bé nhất xóm, nằm lọt thỏm giữa hai ngôi nhà hàng xóm hai bên. Trước nhà Nhương thừa hẳn ra một rẻo sân đất rộng cho cỏ dại thi nhau mọc nham nhở.

h

Lý Văn Nhương bỗng ngồi bần thần, quên cả nhóm lửa cho bữa cơm trưa... (Ảnh: Kiên Trung)

Gọi một lúc không thấy tiếng trả lời, trưởng bản Khâm xăm xăm đẩy cửa. Ánh sáng ùa vào căn nhà tối thui. Lộ rõ dưới ánh sáng là vũng nước mưa ngay dưới nền nhà. Kế đó, ba ông đầu rau lạnh lẽo làm bằng ba hòn đá gồ ghề, một nhúm than lạnh ngắt cho biết đây là nơi đun nấu và đã bị nước mưa thấm ướt. Chiếc bồ đựng thóc rách nát, không còn một hạt nằm chỏng chơ ngay cửa ra vào. Vài xoong nồi mất vung, sứt quai đen đúa và cóc cạnh.

Ngay sau khi VietNamNet đăng tải bài viết "Người chẳng bao giờ biết... Tết", rất nhiều độc giả đã gửi thư phản hồi và bày tỏ mong muốn được chung tay hỗ trợ những hộ nông dân nghèo được nêu trong tuyến bài này. Đơn vị tài trợ thực hiện chuyên đề này - Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã quyết định sẽ chuyển đến các hộ dân trong tuyến bài một số tiền để không khí Tết thực sự hiện hữu trong mỗi gia đình nghèo, không chỉ là tấm áo mới, nồi bánh chưng mà còn là niềm vui, sự ấm áp.

Lý Văn Sơn, cậu con trai 4 tuổi của Nhương đang đi học mẫu giáo. Còn Nhương đang co quắp trong cái chăn rách, trên chiếc giường rẻ quạt kê góc nhà. Khi mắt đã quen dần với bóng tối và ánh sáng trời kịp lùa hết qua chỗ trống vừa mở, khách còn nhìn thấy thêm mấy con gà đang đứng co cụm một góc. Cái “gác xép” làm từ mấy cây cọc gỗ gác ngang và mấy tấm ván cong vênh là nơi cất giữ những đụn rơm khô. Đó là tất cả tài sản của cha con Nhương.

Lý Văn Nhương người dân tộc Nùng, sinh năm 1978 tại thôn Lũng Phi-ắc. Năm lên 7 tuổi, đứa trẻ không bình thường về trí tuệ đã mồ côi cha mẹ.

Nhương như "con cún con", sống nhờ sự cưu mang của bản xóm, mỗi nhà vài ngày, một tuần… Nhưng, sự cưu mang cũng chẳng thể nào được mãi, vì nhà nào cũng nghèo, cũng phải tối tăm mặt mũi lo cái ăn, cái mặc.

Thế là, thằng bé Nhương lại sống lũn cũn với thằng bạn hàng xóm tên Chu, cũng mồ côi cha mẹ, cũng không bình thường về trí tuệ. Hai đứa trẻ lần hồi qua ngày bằng những đồng công nhọc nhằn đi làm thuê, cuốc mướn, hay đi mót quặng trên núi bán cho những người đứng ra thu mua…

h
Chút gạo còn lại
Năm 2005, khi đã thành thanh niên, Nhương cũng lấy được vợ. Đấy là một người con gái lỡ thì ở Cao Thắng, bị bệnh tim. Bệnh đấy, những người bình thường không ai lấy, vì "rước" cô gái mang bệnh về nhà, như mua thêm một mối lo lúc nào cũng rình rập. Cũng vì lẽ đó mà cô gái kia lỡ thì. Và cũng nhờ thế mà Nhương có vợ.

Hạnh phúc ngắn ngủi và lớn nhất của “đứa trẻ nhiều tuổi” Lý Văn Nhương, ấy là vợ Nhương trước khi mất đã kịp sinh hạ cho Nhương một đứa con trai. Chăm sóc cho chính bản thân mình còn chưa bao giờ Nhương có khái niệm, huống hồ chăm lo một đứa trẻ? Một lần nữa, Nhương lại trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm của làng xóm.

“Nó không biết Tết đâu!”

Năm 2007, trong chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột” của huyện Trùng Khánh, trưởng thôn Khâm lấy ý kiến của xóm chọn trường hợp gia đình Nhương được hưởng chế độ chính sách ưu đãi. Số tiền dành cho một trường hợp như thế là 5 triệu đồng, cũng lại trưởng xóm Khâm đứng ra mua vật liệu xây dựng cho Nhương.

Hàng xóm đóng góp công sức, mỗi hộ vài ngày công để dựng cho cha con Nhương ngôi nhà bé như cái chuồng chim câu, nằm lọt thỏm, co rúm dưới những đỉnh núi sừng sững và xám lạnh của vùng biên viễn.

h
Trong ngôi nhà này, chủ nhân của nó chưa bao giờ biết đến Tết
Ngôi nhà từ khi làm ra vẫn trống tuềnh trống toàng như thế. Không đủ tiền mua gạch ba-vanh, thứ gạch được làm từ bột đá nghiền ra trộn với vôi bột rồi dùng máy ép, hàng xóm phải đi lấy đá núi để về quây một bức tường đá. Thành thử, vì không đồng bộ, ngôi nhà càng thêm xơ xác, lạnh lẽo.

Trưởng bản Khâm kể, trước, Nhương có một con lồ (con lừa) chở quặng. Nhưng, từ khi nhà nước cấm khai thác quặng trái phép trên đỉnh Lũng Phềy, đội lồ chở quặng không có việc. Thế là cả bản, cả xóm bán hết lồ.

Nhương cũng nhờ người bán lồ, được 800 ngàn đồng. Nhưng, giữa mùa giáp hạt thế này, nhìn cái bồ đựng thóc rách nát và trống trơn nơi đầu nhà Nhương, trưởng thôn Khâm khẳng định, chắc Nhương đã lấy tiền mua hết gạo để hai cha con ăn rồi.

Khách lạ tới nhà, Nhương lồm cồm bò dậy. Rồi, như là theo quán tính, Nhương ngước mắt nhìn ra ngoài trời đang mưa lây rây, lại đảo vào chỗ cái hòm gỗ giữa nhà, vét sồn sột được một bát gạo, cho lên cái mẹt để sẩy những vỏ trấu, mày trấu, và lũn cũn nhặt một chiếc xoong gần đấy, bắc lên bếp.

Cha con nó có hơn 400m đất ruộng. Cả xóm xúm vào cấy giúp, gặt giúp, được chừng 3 tạ thóc. Ngoài ra, nó cũng được hưởng tiền trợ cấp bệnh tật và hộ nghèo, được hơn 100 ngàn đồng/tháng. Đấy là nguồn sống của hai bố con nó!" - trưởng bản Khâm nói.

Tôi hỏi Nhương về cái Tết đang đến gần. Đáp lại, vẫn là nụ cười ngây ngô và cái nhìn ngây dại.

h
Trưởng bản Khâm bảo, Nhương là người nghèo nhất bản Lũng Phi- ắc
Lại vẫn là trưởng bản Khâm đỡ lời: “
Nó làm gì biết Tết! Tết của nó, chắc là những ngày nằm khan ở nhà, được bữa cơm nào thì hay bữa đó, hay nhà hàng xóm nào thương hại thì cho cha con nó một miếng thịt, một khoanh giò… Ngày tết của nó là ngày rỗi việc, vì chẳng có nhà nào giở việc ra để thuê nó đi làm vào cái đận ấy cả…”.

Rời xã vùng biên, vẫn câu nói của trưởng thôn Khâm về Nhương gây ám ảnh: “Nó là đứa nghèo nhất, khổ nhất Lũng Phi-ắc. Nhưng, tội nhất là nó không biết được nó nghèo, vì nó là đứa không bình thường. Nó chẳng bao giờ biết Tết đâu…”.

Lũng Phi-ắc, tiếng Nùng có nghĩa là “ruộng rau”. Mà người ta thường hay liên tưởng, ruộng rau gắn với một cuộc sống yên bình, no đủ. Có thể điều đó đúng, nếu như họ không biết về cha con người điên Lý Văn Nhương, sống ở thượng nguồn sông Quây Sơn, dưới chân thác Bản Giốc...

Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ các nhân vật trong tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", có thể gửi theo các cách sau:

1 - Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

2 - Bạn đọc giúp đỡ theo địa chỉ trực tiếp của toà soạn xin liên hệ:
Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 65 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.

  • Kiên Trung

Bài 2: Bà cụ mù và 5 năm nhịn Tết!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,