221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1247116
110 người dân "xin ở tù thay" cho bà Trần Ngọc Sương
1
Article
null
110 người dân 'xin ở tù thay' cho bà Trần Ngọc Sương
,

 - Không chỉ viết đơn xin xem xét lại bản án sơ thẩm, 110 người dân ở Nông trường Sông Hậu vừa tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng "xin ở tù thay" nguyên Giám đốc Trần Ngọc Sương.

Nhà báo Lê Quý Hiền từng viết trên VietNamNet: "Lại nhớ cố tác giả Lưu Quang Vũ trong một vở kịch, ông cho rằng cõi âm có không thì không ai biết nhưng cõi nhớ thì có thật. Có người sống mà như chết vì chẳng ai muốn nhắc đến. Có người mất rồi những vẫn sống mãi trong cõi nhớ của bè bạn và những người xung quanh.

Vậy thì “bác Năm, cô Ba” ở đây có phải là những người hạnh phúc nhất không khi họ vẫn đang làm việc, vẫn đang cống hiến nhưng đã có một cõi nhớ trong lòng mọi người..."

"Xin ở tù thay"

Lá đơn "xin ở tù thay" đứng tên 110 người dân ở Nông trường Sông Hậu vừa được gửi tới các cơ quan thực thi pháp luật, quản lý nhà nước ở TP. Cần Thơ và các cơ quan báo chí đề ngày 14/11/2009 viết mộc mạc: "Chúng tôi là những người nông trường viên, sống trong Nông trường Sông Hậu có mặt từ những năm mới thành lập cho đến nay, ít nhất cũng từ 15 năm đến gần 30 năm (...)

Chúng tôi nhớ ngày nào mới vào nông trường, chỉ có đôi bàn tay trắng. Nay nhờ công ơn bác Năm, cô Ba và tập thể cán bộ nhân viên nông trường mà chúng tôi có của ăn của để: nhà có máy cày, máy xới, máy bơm nước, ti vi, tủ lạnh, xe gắn máy, đồ đạc vật dụng có đủ. Cả việc đa phần đều có gắn điện thoại. Có nhà mua cả máy vi tính cho con học. Về việc học hành thì con cháu chúng tôi được nông trường lo chu đáo từ mẫu giáo lên đến đại học. Với những công ơn này, chúng tôi thường nói "cha mẹ anh em ruột lo còn chưa được như vậy".

Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Ngọc Sương tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 8/2009 tại Tòa án huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ).

Những người nông dân chân đất quanh năm lội bùn trăn trở trước bản án 8 năm tù giam và buộc phải bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm tuyên đối với bà Trần Ngọc Sương "chúng tôi là những người nông dân đều cảm thấy rất đau xót và băn khoăn lắm, không cầm được nước mắt vì tại sao pháp luật quá khắt khe đối xử thẳng tay với cô Ba Sương, một con người nhỏ bé, ốm yếu, lớn tuổi lại đang bị bệnh gần 2 năm nay. Một vị giám đốc suốt cả đời chỉ biết hy sinh lặn lội khắp nông trường, khắp nước và đi nước ngoài tìm giống cây con tốt, kỹ thuật chế biến, tìm kiếm khách hàng để có đầu vào và đầu ra nhằm mang lại cuộc sống ổn định hạnh phúc cho bà con nông dân chúng tôi".

Tự nhận biết không hiểu pháp luật, 110 người dân ký tên trong đơn "xin ở tù thay" chỉ biết tự nguyện "Để tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với cô Ba, chúng tôi xin quý ông xem xét lại bản án sơ thẩm trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới cho có tình có lý. Chúng tôi xin phép được chia sẻ với cô Ba Sương với bất cứ hình thức nào, kể cả hình phạt của Nhà nước dành cho cô Ba ở bất kỳ mức độ nào. Chúng tôi xin ở tù thay cô Ba, nếu quan tòa quyết đưa cô Ba Sương vào tù (mỗi người chúng tôi xin ở thay cho cô Ba 1 tháng, vì tội của cô Ba chỉ lo cho mọi người chứ không có động cơ vụ lợi cá nhân)".

Trước đó, ngay sau phiên tòa sơ thẩm, 323 hộ nông trường viên ở Nông trường Sông Hậu đã ký vào "Đơn kiến nghị" gửi Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ và các cấp, ngành chức năng, đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm trên cơ sở pháp luật và có tình, có lý để tránh oan sai, bởi “các cô chú lãnh đạo của Nông trường Sông Hậu, trong đó có Giám đốc Ba Sương, đã làm mọi việc nhằm đưa nông trường vượt qua khó khăn và phát triển đi lên, chứ không ai có động cơ tư túi riêng. Và, cũng nhờ thế mà hơn 3.000 hộ nông dân lúc vào đây nghèo khó, nay đa số có của ăn của để và con cái được học hành. Cái gọi là quỹ trái phép thực chất là tiền tăng gia sản xuất tận dụng đất bờ kênh, bờ ruộng, làm lợi cho nông trường và người lao động…”.

Trung ương MTTQ "kiến nghị xem xét bản án"

Trong khi đó, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Việt Nam đã có văn bản 4309/MTTW-BTT gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, về việc “kiến nghị xem xét bản án”.

Quang cảnh phiên tòa xử phúc thẩm vụ "Lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu đã được tạm hoãn vào ngày 12/11 vừa qua. Ảnh: GVT.

Theo ý kiến của cơ quan này: “Sau khi nghiên cứu, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhận thấy, sự việc xảy ra ở Nông trường Sông Hậu, TP. Cần Thơ vừa qua là hết sức đáng tiếc, thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi nhiều năm qua Nông trường Sông Hậu là một trong những đơn vị tiêu biểu của các nông trường quốc doanh trong cả nước. Chính vì thế Nông trường Sông Hậu đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Cá nhân bà Trần Ngọc Sương có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nông trường cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động…”.
 
Văn bản  4309/MTTW-BTT nêu rõ: “Đề nghị các đồng chí chỉ đạo công tác điều tra, truy tố, xét xử cần hết sức thận trọng, khách quan, chính xác, tránh làm oan người vô tội. Quá trình xử lý vụ việc cũng cần tính đến sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay; nhiều qui định có thể không phù hợp với sự vận hành của một nông trường quốc doanh vừa có tính chất của một doanh nghiệp Nhà nước lại vừa có tính chất như một hợp tác xã. Mặt khác, quá trình xử lý cũng cần cân nhắc thận trọng đến hiệu ứng của dư luận đối với kết quả bản án; nhân thân cũng như những đóng góp của cá nhân bà Trần Ngọc Sương đối với sự phát triển của đất nước, của ngành nông nghiệp trong thời gian qua”.
 
Đồng thời, Đoàn Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo Ban Chính sách - Pháp luật kiến nghị theo thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Trần Ngọc Sương.

Ngày 19/11, phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ, sau 2 lần tạm hoãn (vào ngày 28/10 và 12/11).

  • Trường Minh - Huy Bình

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,