221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1093272
Có một "Hà Nội... quê lụa"
1
Article
null
Có một 'Hà Nội... quê lụa'
,

 - Vạn Phúc được biết đến là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Người dân vốn đã quá quen thuộc với “áo lụa Hà Đông”, sau là “Hà Tây quê lụa”… Nay lại có một "Hà Nội... lụa" khi Hà Tây về với Thủ đô…  

Lụa Vạn Phúc đã thành... lụa Thủ đô

 

Lối vào làng Vạn Phúc - ngôi làng dệt lụa nổi tiếng lâu đời bậc nhất Việt Nam. Ảnh: LAD

Đường vào làng Vạn Phúc ồn ã tiếng máy dệt chạy đều đều. Hơn một giờ trưa, các xưởng dệt vẫn chưa nghỉ. Bác Nguyễn Văn Tuy, chủ một xưởng dệt vừa say sưa đứng máy, vừa vồn vã tiếp chuyện chúng tôi. Nhà bác Tuy hiện có 9 máy dệt, nhưng thường chỉ cho chạy một đến hai máy vì thiếu nhân công. ‘Trước cũng có thuê người làm, nhưng thời buổi khó khăn, hai vợ  chồng bác xoay ra tự làm lấy, lời lãi chẳng là bao. Chủ yếu ăn ở công mình là chính”. Bác Tuy tâm sự. 

Tơ tằm làm nguyên liệu cho dệt lụa chủ yếu được nhập ở Thái Bình, Nam Hà, xa hơn tận Lâm Đồng, Tây Nguyên… Mấy năm gần đây, giá nguyên liệu tăng chóng mặt, người dân không phải nhà nào cũng có điều kiện phát triển nghề cổ truyền này.

Gia đình cô Nguyễn Thị Ky ( khối Độc Lập) tận dụng chiếc máy dệt từ năm 1998. Cô Ky buồn bã nói về chuyện mở rộng sản xuất: “Cũng muốn sản xuất lớn nhưng lấy đâu ra vốn? Giờ giá cả leo thang, hàng làm ra không tiêu thụ được. Đành làm cầm chừng gọi là giữ lấy cái nghề”.

Hầu hết các hộ làm dệt ở Vạn Phúc đều chung tình trạng “cầm chừng”. Trước đây, cả  làng lụa có khoảng hơn 1.000 đầu máy dệt hoạt động liên tục, nay chỉ còn gần 500 máy. Nhiều gia đình đành ngậm ngùi gác máy, bỏ nghề vì “ thua lỗ nặng”, thu chẳng bù chi. Một phần ba số khung dệt trong làng đang “đắp chiếu”.

Sản phẩm chủ yếu hiện nay cũng chỉ là lụa pha - 50% tơ tằm. “Hàng lụa cao cấp 100% tơ tằm thật rất khó bán vì giá quá mắc”, một chủ xưởng dệt cho hay. Ven trục đường phía đầu làng, những sạp hàng bày sản phẩm thưa vắng khách. Chị Hương, chủ một gian hàng ngán ngẩm: “Mấy tháng nay, lượng người mua hàng giảm hẳn. Các hộ kinh doanh không dám nhận nhiều hàng, việc buôn bán chững hẳn lại”…

Trước đây, cả  làng lụa có khoảng hơn 1.000 đầu máy dệt, hoạt động liên tục. Nay chỉ còn gần 500 máy. Ảnh: LAD

Làng lụa sẽ khá khẩm hơn?

Thăm lại Vạn Phúc những ngày đầu Hà Tây về với thủ đô. Làng lụa chậm chạm, ê hề ở cái thời lạm phát trước thông tin sáp nhập có vẻ như xôm tụ, hối hả hơn. Người ta ngồi thành từng nhóm bàn nhau về Thủ đô mở rộng, về cái thương hiệu khá mới “ lụa Vạn Phúc – Hà Nội”.  

Chị Phạm Thị Hà, 40 tuổi, chủ một quầy bán lụa tơ tằm đang dán mắt vào tớ báo Hà Nội Mới kể: “Sáng 1/8 bật kênh truyền hình Hà Tây mãi không được tưởng ăng ten nhà mình bị hỏng, nhìn kỹ mới thấy kênh này đã được thay logo ở trên”. 

Rồi với  giọng hào hứng, chị tiếp: “Lụa Vạn Phúc giờ thành lụa của cả Thủ đô rồi, chắc chắn sẽ có thêm nhiều du khách xa gần biết tiếng. Việc buôn bán mong sẽ khá khẩm hơn”.

Bắt đầu từ 1/8 chị Phạm Thị Hà sẽ xem chương trình truyền hình Hà Nội và đọc báo Hà Nội Mới nếu muốn theo dõi tin tức của tỉnh mình. Ảnh: LAD

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh (71 tuổi), Chủ tịch hiệp hội làng nghề Hà Đông cũng tỏ ra đầy lạc quan: “Vạn Phúc làm nên thương hiệu cho một lụa Hà Đông bao đời nay. Mong rằng khi về với thủ đô, Vạn Phúc cũng góp phần tạo nét độc đáo cho Hà Nội”.

Người ta đang chờ đợi đến cái ngày vùng đất lụa này lại được xướng lên với cái tên: “Hà Nội quê lụa”, như đã từng được thay đổi khi 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất - từ "Hà Đông quê lụa" đổi thành "Hà Tây quê lụa", với hy vọng rằng, có thể nhờ đó mà thương hiệu, sản phẩm của làng sẽ được vươn xa hơn nữa.

  • Bài: Thu Huệ
    Ảnh: Lê Anh Dũng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;