,
221
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
530626
Đàm phán Việt - Nhật về WTO: Chưa đi vào thực chất
1
Article
null
,

Đàm phán Việt - Nhật về WTO: Chưa đi vào thực chất

Cập nhật lúc 03:25, Thứ Bảy, 09/10/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việt Nam và Nhật đang ở đâu trong tiến trình đàm phán song phương về WTO? Vì sao đầu tư của Nhật vào VN không tăng, dù VN đã có những nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư của mình.

Việt Nam và Nhật đang trong tiến trình đàm phán song phương về WTO.

Những câu hỏi này đã được ông Chiba Akira, Trợ lý báo chí của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi giải đáp.

WTO là cuộc chơi của những quy tắc và điều luật

Khi cái đích 2005, thời điểm VN đặt mục tiêu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đang tới rất gần, người ta chứng kiến những nỗ lực lớn của VN trên bàn đàm phán cả song phương, lẫn đa phương.

Trong khi một thoả thuận chung cuộc có thể đạt được trong tuần này với EU thì tiến trình thương thảo của VN với các đối tác chủ chốt khác như Mỹ, Nhật dường như còn xa mới tới đích. Thực tế, VN đang ở giai đoạn nào trong quá trình đàm phán với Nhật? VietNamNet đã đặt câu hỏi này với ông Chiba.

- Như đã thấy, Việt Nam đang cố gắng hoàn tất các phiên đàm phán song phương gia nhập WTO. Dư luận cho rằng, trong tuần này, VN có thể đạt được một thoả thuận với Liên minh châu Âu. Còn việc thương thảo với Nhật, một "quyền lực" khác trong WTO thì ra sao, thưa ông?

- Chúng tôi hiểu Việt Nam muốn sớm gia nhập WTO, nhưng thật khó có thể nói trước về thời hạn có thể kết thúc phiên đàm phán song phương này.

- Nghĩa là hai bên còn cách xa nhau?

- Nói một cách thẳng thắn thì hai bên vẫn chưa bước vào đàm phán thực chất. Nhật Bản mới đưa ra bản đề nghị, và phía Việt Nam tỏ ra rất ngạc nhiên, cho rằng đó là những đòi hỏi quá cao. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Nhật Bản đệ đơn gia nhập GATT, phía các nước thành viên cũng đưa ra những đòi hỏi mà chúng tôi cho là không hợp lý. Tuy nhiên, sau đó Nhật Bản nhận ra rằng đó là những yêu cầu rất cần thiết... Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Tổ chức Thương mại thế giới là cuộc chơi của những quy tắc và điều luật chặt chẽ, chứ không phải là nơi để chấp nhận nhau. Nhật Bản luôn ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, nhưng không thể vì thế mà dễ dãi với chính mình. Việt Nam cần cố gắng hơn nữa trong quá trình gia nhập WTO...

- Như vậy vòng đàm phán khó có thể kết thúc vào năm nay, thưa ông?

- Tôi không thể nói trước được điều gì, nhưng có thể là như vậy.

VN đang hấp dẫn các nhà đầu tư vừa và nhỏ Nhật Bản...

Việc VN áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô và thuế nhập khẩu  linh kiện đối với xe máy đã từng "đánh mạnh" vào lòng tin của các nhà đầu tư Nhật Bản. Mặc dù sau đó, VN đã có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc ký kết Hiệp định Bảo hộ và khuyến khích Đầu tư Việt - Nhật, rồi sáng kiến 44 điểm của chương trình Hành động cải thiện môi trường đầu tư ở VN, song đầu tư của Nhật vào VN vẫn chưa tăng như mong muốn.

Thế nhưng, ông Chiba lại có cái nhìn khác. Theo ông, VN vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Nhật, nhất là các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng "nhà đầu tư Nhật chưa hoàn toàn hiểu về VN".

- Nhật Bản luôn là nhà đầu tư hàng đầu châu Á và VN kỳ vọng rất nhiều vào việc thu hút đầu tư từ Nhật. Nhưng trong 10 năm gần đây, đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam liên tục giảm? Tại sao vậy thưa ông? Có phải vì môi trường kinh doanh của VN không còn hấp dẫn đối với các DN Nhật?

- Nếu chỉ tính đến lượng đầu tư mà các DN Nhật rót vào Việt Nam thì ý kiến trên không phải không có cơ sở.

Tuy nhiên, nếu các bạn nhìn vào danh sách số lượng các công ty Nhật Bản có mặt tại Việt Nam, thì sẽ thấy điều khác hẳn. Đúng là những hãng lớn, với nguồn vốn đăng ký lớn đã ít đi, nhưng số lượng các công ty cỡ nhỏ của Nhật Bản chọn Việt Nam làm đích đến lại tăng đột biến. Đây là một tín hiệu rất quan trọng. Điều đó chứng tỏ môi trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản. Cần biết rằng, các công ty nhỏ chiếm tới 90% số lượng các công ty tại Nhật Bản, trong khi các tập đoàn lớn chỉ là một phần trong 10% còn lại. Các công ty nhỏ thường không trường vốn, vì vậy khi đã chọn một vị trí đầu tư, họ sẽ bỏ ra hết khả năng của mình và cố gắng phát triển hết mức công việc kinh doanh ở đó. Họ luôn cố gắng khắc phục khó khăn, bám lấy thị trường. Do đó, sự phát triển tại những nơi các công ty nhỏ này đầu tư thường bền vững hơn.

Còn các đại gia lớn, đầu tư của họ đúng là hấp dẫn. Nhưng thực tế là họ luôn có nhiều lựa chọn. Nếu thấy môi trường đầu tư ở nơi nào đó có vấn đề, họ sẵn sàng rút khỏi đó không chút nuối tiếc. Và điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư ở địa phương.

...nhưng môi trường đầu tư vẫn còn bất ổn

- Nhưng như ông nói, rõ ràng Việt Nam vẫn chưa đủ sức mạnh để thu hút các tập đoàn lớn của Nhật Bản?

- Nói như vậy thật vô cùng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn hãy nhìn vào chất lượng hơn số lượng. Các công ty nhỏ đến Việt Nam đã mang lại rất nhiều hợp đồng. Hầu hết đều đã được đưa vào thực hiện. Đó là cái thực chất. Trong khi các công ty lớn tuy hứa hẹn nhiều vốn, nhưng từ dự án đi vào thực hiện là một thời gian vô cùng dài. Và nhiều khi, những dự án đó luôn chỉ dừng ở danh mục đăng ký mà không thành hiện thực...

Tôi cũng thành thực mà nói rằng môi trường đầu tư của Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Một ví dụ đơn giản nhất là Việt Nam đang tiêu thụ rất nhiều các loại xe máy nhái của Nhật Bản, và nó ảnh hưởng rất nhiều tới lợi ích của các nhà đầu tư Nhật Bản...

- Phải chăng đó là do các nhà đầu tư vào thị trường ôtô, xe máy của Nhật Bản chưa tính đến những đối tượng khách hàng bình dân rất lớn tại Việt Nam, vốn chỉ đủ tiền mua những chiếc xe máy hàng nhái từ Trung Quốc?

- Chúng tôi cũng đang xem xét tới các biện pháp tạo ra những sản phẩm rẻ hơn để đưa đến với người tiêu dùng VN. Nhưng trước mắt, có lẽ các nhà DN Nhật Bản trong lĩnh vực này sẽ đầu tư vào Trung Quốc, sau đó sẽ xuất khẩu các sản phẩm xe máy trên sang Việt Nam...

- Như vậy là các ông chọn một con đường vòng, thay vì đầu tư trực tiếp vào thị trường nơi tiêu thụ sản phẩm?

- Trong tương lai gần chắc sẽ chưa có phương cách nào khác. Vì tuy các công ty Trung Quốc đó không hợp pháp, thường nhái lại sản phẩm của những hãng lớn khác trên thế giới, nhưng họ lại chứng minh có khả năng về công nghệ để sản xuất xe máy riêng của họ. Còn Việt Nam chưa làm được điều này...

- Có một số ý kiến cho rằng, sở dĩ đầu tư nước ngoài vào VN chưa tăng mạnh là do VN chưa biết cách tiếp thị hình ảnh của mình ra thế giới một cách hiệu quả so với các nước khác, như Thái Lan, Trung Quốc chẳng hạn. Theo ông, điều này có đúng với trường hợp đầu tư của Nhật vào VN không?

- Thực ra, các DN Nhật Bản đã biết tới VN nhưng để nói rằng họ đã hiểu hoàn toàn về VN thì chưa. Cũng có thể là do VN chưa biết cách quảng bá hình ảnh của mình mạnh mẽ hơn, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ về môi trường kinh doanh, pháp lý của VN để họ khỏi bỡ ngỡ khi sang đây làm ăn.

Ngày nay, công tác tuyên truyền, tiếp thị hình ảnh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thu hút đầu tư từ bên ngoài.

  • Thảo Lam (thực hiện)

,
,