221
11961
VEF
vef
/vef/
1318625
Có thể xây tường kiên cố "chặn" lũ bùn đỏ Tây Nguyên
0
Article
null
Có thể xây tường kiên cố 'chặn' lũ bùn đỏ Tây Nguyên
,
(VEF) - Sau buổi thực địa dự án bô-xít Tân Rai hôm 6/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT nói “đương nhiên phải làm dự án này, nếu cần bổ sung thêm chi tiết nào cho an toàn thì Vinacomin sẽ phải làm”.

Đoàn công tác của Quốc hội và Chính phủ hôm 6/11 đã khảo sát thực địa công trường dự án bô-xít Tân Rai, Lâm Đồng.

Chuyến thực địa này có nhiều lãnh đạo cấp cao như ông Đặng Vũ Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường - Bộ TN&MT, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin)...

Đoàn công tác cũng bao gồm đại diện của Bộ KHCN, Cục An ninh kinh tế và Tổng cục , Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo TƯ.

Cũng phải nói thêm rằng, chuyến thực địa của Quốc hội và Chính phủ lần này là để thúc đẩy tiến độ dự án, dường như không liên quan tới việc, một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị "dừng dự án bô-xít để yên lòng dân" hồi đầu tuần.

Sẵn sàng chi tiền tỷ để tăng tính an toàn cho dự án

Có mặt tại công trường dự án, ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Vinacomin đã trực tiếp diễn giải, phác thảo với các đại biểu và PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) - Báo VietNamNet quy trình vận hành của hồ chứa bùn đỏ cùng kịch bản ứng phó của Vinacomin cho trường hợp xấu nhất xảy ra.

Ông Hòa cho biết, ngay sau khi có sự cố ở Hungari, tập đoàn đã có gia cố thêm phương án "chặn tuyệt đối bùn đỏ" thải ra bên ngoài.
 
Toàn cảnh nhà máy bô-xít Tân Rai (ảnh Phạm Huyền)
Toàn cảnh nhà máy bô-xít Tân Rai (ảnh Phạm Huyền)

Đó là việc xây nâng cao cống thoát nước phía dưới cùng, lên 8m, kéo dài thêm 12m. Đây là cống thoát lũ duy nhất của khu vực thung lũng mà tương lai sẽ là nơi có 8 khoang chứa bùn đỏ thải ra từ nhà máy alumin ở Tân Rai.

Cống này nằm phía dưới khoang số 8, là khoang cuối cùng của hồ bùn đỏ, có cánh đóng mở để khi cần là đóng sập, chặn lại dòng lũ "bùn đỏ" bên trong.

Ở tình huống xấu nhất, bùn đỏ bị tràn ra ngoài khoang, cống thoát nước này sẽ được đóng chặt lại để "nhốt" bùn đỏ trong thung lũng.

"Thậm chí, Vinacomin đang tính toán xây thêm một bức tường kiên cố ở điểm cuối này để đảm bảo tuyệt đối dù có vỡ khoang, bùn đỏ cũng không bị rò rỉ ra ngoài", ông Hòa cho biết.

Sẽ tùy trường hợp bị tràn, Vinacomin sẽ xử lý bằng cách cho axit vào trung hòa độ kiềm trong bùn đỏ, để giảm độ PH về 7 là đạt ngưỡng an toàn.

Theo ông Hòa, chi phí bổ sung ước khoảng 1-2 tỷ đồng, tăng lên không đáng kể so với tổng mức đầu tư hơn 11.353 tỷ đồng của dự án Tân Rai.

Chia sẻ với báo chí, ông Hòa nói: "Chúng tôi lắng nghe ý kiến các chuyên gia và sẵn sàng hợp tác, chứ chúng tôi hoàn toàn không chủ quan. Cái gì cần bổ sung là sẽ bổ sung thêm cho an toàn, Tập đoàn sẽ không tiếc tiền".

Minh chứng  thêm cho sự cẩn trọng này, ông Hòa cũng cho biết, việc trải tấm vải kỹ thuật chống thấm ở đáy hồ đã được Vinacomin đấu thầu bên ngoài, chứ không tự làm. Vì chính Vinacomin không có kinh nghiệm nên không "ôm" việc.

"Một khi chúng tôi đã nhận thức được vấn đề nghiêm trọng, chúng tôi hứa là làm nghiêm túc dự án này", vị Phó Tổng giám đốc nhấn mạnh.

Theo Luật thì chưa có lý do gì để dừng dự án

Cũng tại chuyến thực địa này, còn có đại diện "độc lập" là ông Trần Văn Trạch, một nhà khoa học lâu năm trong lĩnh vực bô-xit - alumin. Ông cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án bô-xít của Vinacomin.
 
Công nhân đang làm việc tại nhà máy (ảnh P.H)
Công nhân đang làm việc tại nhà máy (ảnh P.H)

Ông Trạch thẳng thắn nói: "Dự án này bé mà một số nhà khoa học khác nói quá lên, ngoa ngôn. Tôi thấy rằng, công nghệ  xử lý bùn đỏ ở dự án Tân Rai không hề lạc hậu mà là tiên tiến nhất trong công nghệ bùn ướt hiện nay".

Theo ông Trần Văn Trạch, vì dư luận gay gắt nên chủ đầu tư Vinacomin phải chạy theo tập trung tăng tính an toàn cho dự án, do đó, có "nguy cơ" tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế vì phải "áp dụng" các giải pháp thiết kế  "vượt tiêu chuẩn", không cần thiết.

Ví dụ, ở các nước, hồ bùn đỏ có cao độ bùn tới 20m, mà thiết kế đập không đến mức chịu động đất cấp 9. Hồ bùn đỏ của ta chỉ đổ bùn cao tới 10m, mà nếu phải nghiên cứu đập chống động đất cấp 9 là cực kỳ tốn kém.

"Nếu cứ theo đà dư luận mà phải dừng dự án thì dừng đầu tiên là thủy điện, là điện nguyên tử", ông Trạch nói.

Theo ông Trạch, "bùn đỏ sau khi đông cứng sẽ không tan trở lại nên không lo thấm ra môi trường". Nó chỉ nguy hại ở chỗ lượng xút (NaOH) dư sau khi tuyển quặng, khi thải vào nguồn nước sẽ làm tăng độ pH của nước.  Ông cho rằng, không cần phải lo xa chuyện vỡ đập. "Nếu cho phép cam đoan với Quốc hội, tôi đảm bảo nếu vỡ hồ thì tôi sẵn sàng đi tù" - ông Trạch khẳng định.

Với vai trò là người giám sát của Quốc hội, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN &MT, bày tỏ: "Trước, tôi yên tâm 10, nay yên tâm 12. Tôi nghĩ rằng, dự án này đương nhiên là phải làm. Cái gì phải bổ sung để an toàn và tốt hơn thì phải bổ sung thôi".

Tuy nhiên, trước việc các nhà khoa học kiến nghị dừng dự án, ông Nghiêm Vũ Khải nói, Luật Đầu tư chỉ có 2 trường hợp phải đình chỉ dự án, hoặc là dự án được cấp phép sau 12 tháng mà không làm gì hoặc điều chỉnh mục tiêu đầu tư mà không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sau khi dự án đã đi vào hoạt động, vẫn có thể bị đình chỉ hoạt động nếu như vi phạm Luật Môi trường.

Ông Khải lưu ý, 3 tháng nữa là nhà máy alumin đi vào hoạt động. Đến thời điểm đó, hồ bùn đỏ buộc phải xây xong.

Đây là dự án thí điểm đầu tiên, nên phải tính đúng, đủ các chi phí đầu vào, như chi phí môi trường, tái định cư, vận tải... để rút kinh nghiệm cho công trình khác.Vvấn đề bây giờ phải xem, cần công khai tên tuổi các đơn vị tham gia dự án, ai thiết kế, ai thi công, ai giám sát, nghiệm thu và làm như thế nào, để kinh phí vừa phải, có hiệu quả.

Hôm nay, 7/11, đoàn công tác tiếp tục khảo sát, thực địa công trường dự án bô-xít Nhân Cơ, Đắk Nông.
 
Tổng mức đầu tư dự án Tân Rai tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng là 11.353,05 tỷ đồng (tương đương 668 triệu USD).

Dự án chậm 3 tháng, dự kiến tháng 4/2011 sẽ ra lò mẻ sản phẩm alumin đầu tiên.

Nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác nhập khẩu thiết bị cho nhà máy alumin không kịp thời , dẫn đến tiến độ thi công lắp đặt thiết bị tại công trường chậm.

Nhiều thiết bị chế tạo tại Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam trong quá trình vận chuyển phải tháo rời, cho  nên về tới công  trường  phải  tổ  hợp  lại dẫn đến kéo dài thời gian. Hồ sơ  và  tài liệu liên quan tới  nghiệm  thu thiết  bị đến công trường còn thiếu, phải mất thời gian để bổ sung và hiệu chỉnh.

Đối với  nhà máy Tuyển quặng bauxit Tân Rai, do  công tác đền bù GPMB gặp khó khăn, nên mặt bằng thi công bàn giao cho Nhà thầu chưa kịp thời. Phía nhà thầu Liên danh chưa huy động kịp thời đủ nhân lực, thiết bị thi công trong thời gian đầu.

Đặc biệt, công tác tổ chức thi công gặp một số khó khăn vì thời tiết mưa và mất điện.

Đến nay, nhà máy tuyển quặng đã thành khoảng 40% tổng khối lượng phần xây lắp của gói thầu và đã chuyển về công trường khoảng 30% thiết bị . Nhà máy alumin hoàn thành 68/69 hạng mục công trình, đạt 98% kế hoạch 2010, đã chuyển 90% thiết bị về công trường.
  • Phạm Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,