Sử dụng tem trong suốt làm khoá mã hoá
16:06' 21/09/2002 (GMT+7)
Tem mác trong suốt dùng để mã hoá
Một loại tem mác trong suốt có kích thước của một chiếc tem thư và giá chỉ 1 cent có thể được sử dụng để tạo ra một loại khoá mã hoá rất bảo đảm. Đây là một phát minh mới nhằm chống mọi hình thức ăn cắp hay bẻ khoá mã điện tử hiện nay.

Các hệ thống mã hoá hiện nay sử dụng các thuật toán để tạo ra các ''khoá'' số bảo mật cho dữ liệu. Các loại mã hoá này được tạo ra bằng cách sử dụng các hàm một chiều (hay hàm bất đối xứng), và các công thức toán học.

Hiện các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu mã và nguyên tử MIT Media Lab của Mỹ đã có thể sử dụng một vật thể thay cho hàm toán học để tạo ra các khoá. Ưu điểm của phương pháp là hiện không có công nghệ nào có thể sao chép lại các vật thể này.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các tem mác trong suốt có chứa hàng trăm hạt thuỷ tinh. Mỗi hạt này chỉ có kích thước vài trăm micromet, được đặt trong một khối chất dẻo nhân tạo diện tích 1cm2 và dày 2,5mm. Loại tem này được đọc bằng cách chiếu một tia laser có bước sóng đặc biệt.

Khi chiếu vào, ánh sáng laser tạo ra một mẫu gồm các chấm sáng, được chiếu thành một ma trận nhị nguyên và chuyển thành một khoá mã dài 2400 bit. Khi di chuyển ngẫu nhiên vị trí của một trong các hạt thuỷ tinh siêu nhỏ với khoảng cách dưới 1 micromet, quá nửa số bit trong mã khoá sẽ bị thay đổi.

Độ nhạy cảm này có nghĩa tem mác sẽ không thể được sao chép chính xác với bất kỳ công nghệ hiện đại nào hiện nay. Trong tương lai, nếu thay đổi góc chiếu của tia laser qua tem mác cũng sẽ tạo ra các khoá mã khác nhau. Một ứng dụng trong tương lai của loại tem mác này là được gắn vào các thẻ tín dụng. Một trong các chuyên gia của nhóm MIT, ông Neil Gershenfeld, cho biết đặc tính duy nhất của loại tem mác này sẽ rất hữu ích trong nhiều ứng dụng bảo mật khác.

(Bình Minh - Theo Newscientist)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi