,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
774196
Sửa mình để đón "thời cơ vàng"
1
Article
null
,

Sửa mình để đón 'thời cơ vàng'

Cập nhật lúc 13:58, Thứ Ba, 14/03/2006 (GMT+7)
,

Tìm ra được những điểm yếu và thiếu của chính mình  cũng là "động thái" tích cực để có thể nắm bắt "Thời cơ vàng" của dân tộc.  Đó là một trong bốn nội dung quan trọng mà nhà báo Nguyễn Anh Tuấn cùng các vị khách mời: TSKH Lê Kiên Thành, Tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh (con trai cựu Tổng bí thư Lê Duẩn); GSTS Nguyễn Trường Tiến; ông Bạch Minh Sơn (nguyên cán bộ Ban đối ngoại TƯ, giám đốc Công ty cổ phần BEMES) đề cập ở Bàn tròn "Kỳ vọng có sự đột phá để tìm người tài cho Đảng".

Những mặt trái của xã hội hiện đang tồn tại như tham nhũng, nạn mua quan, bán tước, cơ hội...  ai cũng biết và đã được nói nhiều. Những người dám nói đã có nhưng liệu nói ra rồi thì ai sẽ giải quyết và giải quyết như thế nào giữa những mối quan hệ tế nhị, lâu nay vẫn được coi là nhạy cảm này?

Căn bản là tìm được những khối "u nhot" nhưng không có phương thuốc chẩn trị hữu hiệu thì lại một lần nữa chúng ta bỏ lỡ thời cơ? Vậy có nên kỳ vọng vào một sự đột phá trong thời điểm này?

Soạn: AM 726299 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (ở giữa) cùng các vị khách mời: GSTS Nguyễn Trường Tiến (bên trái) và ông Bạch Minh Sơn (phải) tại cuộc trao đổi (Ảnh: Lê Anh Dũng)

" Những kỳ vọng..."

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các vị khách mời, cho đến ngày hôm nay, các vị có những suy nghĩ, cảm nhận gì trong không khí trước Đại hội X?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến:

Tôi rất muốn trong nhiệm kỳ tới chúng ta phải nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của con người trước lịch sử, trước Đảng, trước dân tộc. Kiên quyết không theo chủ nghĩa tập thể, trách nhiệm tập thể. Lựa chọn tập thể, theo tôi là không ổn. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về mình. Người nào vị trí càng cao thì trách nhiệm cá nhân càng lớn. Tôi cho rằng phải quy được trách nhiệm cá nhân.   

Tôi rất vui mừng khi VietNamNet đưa ra diễn đàn Đổi mới II. (Từ Đổi mới I đến Đổi mới II chúng ta mất 20 năm). Trước hết, tôi mong đại hội X này chúng ta sẽ vạch ra đường lối chiến lược phát triển trong thời gian sớm nhất. Và khát vọng thứ hai: tôi mong muốn ĐH lần có được những gương mặt lãnh đạo đất nước mới đại diện cho trí tuệ, đại diện cho văn hoá, đại diện cho sự kết tinh của dân tộc, đủ sức dẫn dắt dân tộc mình đi tiếp con đường phát triển của Đổi mới I, để VN trở thành đất nước sánh vai được với năm châu và khẳng định được truyền thống văn hoá, trí tuệ, tình cảm của dân tộc.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Anh Lê Kiên Thành, anh kỳ vọng gì ở Đại hội này và anh thấy không khí trước Đại hội như thế nào ạ?

Soạn: AM 726335 gửi đến 996 để nhận ảnh này
TS Khoa học Lê Kiên Thành, Tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh (phải) đang tham trao đổi tại đầu toà soạn VietNamNet phía nam cùng nhà báo Thẩm Tuyên, đại diện Ban biên tập VietNamNet (trái).

TS Lê Kiên Thành: Khi nghiên cứu Văn kiện ĐH Đảng, cá nhân tôi nghĩ rằng khó có thể kỳ vọng sự đột phá gì ở ĐH này những vấn đề bức xúc đang nói ở đây là chuyện Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì bản chất vấn đề đổi mới chỉ là hợp thức hoá trên thực tế chứ không phải bất kỳ sáng tạo nào trong lý luận cả. Cho nên tôi nghĩ rằng, sau ĐH này, điều mà chúng ta đạt được chắc chắn là sự ổn định.

Nếu có, tôi hy vọng những nhà lãnh đạo mới được bầu ra trong kỳ ĐH này có thể sẽ là những nhân tố mới chăng? Trong kỳ lãnh đạo này đến ĐH tiếp theo, họ sẽ mạnh dạn đưa ra những sáng tạo trong lý luận hơn chăng? Tôi có cảm giác, khi đóng góp ý kiến cho ĐH Đảng, có nhiều ý kiến rất hay, nói rất mạnh, nhưng rất tiếc đó lại là những người không có trọng trách. Tôi  mong là nếu có những người dám nói ngay khi họ đang ở cương vị mình thì may ra đất nước chúng ta mới có đột phá.

Còn nếu nói trông chờ một điều gì đó thì khó, có chăng là sự ổn định của đất nước và cuộc sống cứ như thế đi lên.

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi rất tâm đắc với nội dung Dự thảo văn kiện ĐH X. Vấn đề liên quan đến tôi nhiều nhất và có nhiều cảm xúc nhất là việc Đảng cho phép làm kinh tế tư nhân không giới hạn? Đây là việc đã được chờ đợi từ 3-4 kỳ ĐH mà đến kỳ này mới được nêu trong Văn kiện. Và tôi tin lần ĐH này, vấn đề ấy sẽ được thông qua.

Tuy nhiên, điều chúng tôi - những người Đảng viên đang làm kinh tế tư nhân mong mỏi nhiều hơn không phải là việc cho làm hay không cho làm mà chúng tôi đề nghị Đảng nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu hơn, có cơ sở lý luận vững chắc việc cho phép Đảng viên làm kinh tế tư nhân không phải là tạm thời mà là tất yếu và lâu dài để cùng với đất nước tiếp tục phát triển đi lên. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Đảng viên, bởi vì khối kinh tế tư nhân hiện nay không chỉ chiếm số lượng lớn mà còn đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng GDP của đất nước. Và quần chúng vẫn đang chờ xem thái độ của Đảng đối với Đảng viên như thế nào, nếu như Đảng có một thái độ dứt khoát thì quần chúng sẽ tích cực làm và làm mạnh, lúc đó tiềm lực đất nước sẽ mạnh lên.

TS Nguyễn Trường Tiến: Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến anh Bạch Minh Sơn. Tôi cho rằng trong tương lai không phải cho phép hay không mà phải khuyến khích đảng viên làm kinh tế. Tôi không muốn là thực nghiệm mà Đảng phải mở cửa. Tôi hy vọng trong kỳ ĐH lần này, Đảng kêu gọi 50% đảng viên có năng lực, trí tuệ đi làm kinh tế, làm giàu cho gia đình mình, nhân dân mình, đất nước mình chứ không phải đi bàn về lý luận nữa.

Chống tham nhũng cần mạnh tay hơn

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Anh có thấy là chúng ta đang còn có những sai sót gì, hoặc điều gì chưa tốt cần phải sửa chữa hay không?

Ông Bạch Minh Sơn: Rõ ràng, chúng ta đã nhận thức ra được những cái sai và sửa chữa nó sau ĐH năm 86, chấm dứt hẳn tình trạng thiếu đói. Đấy đã là một bứt phá đáng kể. Song chúng ta kỳ vọng vào đổi mới II nhiều hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức ra được là trong giai đoạn trước, chúng ta đã có những khuyết điểm gì cần phải sửa chữa thì chúng ta mới có thể tiến bộ nhanh được. Bởi vì, rõ ràng, trong ĐH VI, chúng ta nhận thức được chúng ta sai, đường lối bao cấp là sai thì chúng ta mới bứt ra được. Còn bây giờ, khi vẫn còn chưa nhìn thấy sai lầm thì chúng ta chưa thể bứt phá được. Vậy, điều cần thiết là hãy đi tìm ra hết những sai sót. Nhìn sự phát triển trong thời gian qua, có thể chúng ta đã tự hào vì tốc độ nhanh chóng. Nhưng không ai đứng để đợi chúng ta. Trong lúc chúng ta vẫn đang còn ngồi lại để tính toán với nhau thì người ta đã  bỏ xa chúng ta rất nhiều rồi. Và ước mơ, rằng chúng ta có thể đuổi kịp các nước trong 10 - 15 năm hay thậm chí là 40 năm như các anh vừa nói vẫn là một mục tiêu xa vời. Bởi khi còn chưa nhận thức hết sai lầm thì khó lòng mà sửa chữa nổi.

Như chúng ta đã tổng kết, có đến 80% quần chúng đồng tình rằng, Nhà  nước cần phải chống tham nhũng triệt để hơn. Và, Đảng viên phải đi tiên phong trong vấn đề này. Sau đó mới tìm ra những người tài. Không phải những người tham nhũng mà là những người thật giỏi, thật tài, họ sẽ tìm ra được lời giải cho bài toán phát triển đất nước.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách đã tạo ra tham nhũng, khiến chúng ta không thể giải quyết tận gốc vấn đề này. Đây cũng  là băn khoăn mà độc giả VNN đặt ra lâu nay. Anh nghĩ sao về ý kiến này?     

Ông Bạch Minh Sơn: Đây là một vấn nạn. Bởi những người đang được đặc lợi tham nhũng lại chính là những người có chức có quyền. Mà người ta thì không bao giờ chống lại chính mình. Vậy nên, đòi hỏi phải có một sức mạnh quần chúng rộng rãi, cộng thêm những công cụ pháp lý hữu hiệu và làm rất mạnh tay, may ra chúng ta mới loại  bỏ được vấn nạn này. Nếu để cho tham nhũng tồn tại thì nó đã làm phương hại rất lớn cho đất nước và quan trọng hơn là đã làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng ngoài tham nhũng ra, chúng ta còn có căn bệnh gì khác nữa không, thưa anh? Bởi người ta cũng đã nói rằng, tham nhũng là vấn nạn toàn cầu chứ không phải của riêng quốc gia nào?

Ông Bạch Minh Sơn: Nhưng riêng với VN thì tham nhũng diễn ra quá nặng và chưa được loại trừ đúng mức. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến chuyện phát huy tối đa trí tuệ của người dân VN, điều mà chúng ta vẫn chưa làm được. Những người tài ở VN hiện nay vẫn còn chưa có cơ hội được đóng góp hết tâm trí, sức lực cho dân tộc. Mà muốn tận dụng được họ thì rõ ràng, cần phải có một cơ chế, chính sách hợp lý như thế nào đó để cho những người tài mở hết sức của họ. Đặc biệt, trong đó có vấn đề đừng ngăn cản Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân. Họ có tài, hãy để họ làm kinh tế, đừng hạn chế. Ngay cả với những người trẻ cũng thế. Họ mới ra trường nhưng lại có rất nhiều ý tưởng, nhiều sáng tạo, vậy thì đừng ngại đề đạt họ lên vị trí cao. Họ sẽ phát huy được vai trò của mình.

Và có một điều phải giải quyết dứt khoát là cần chấm dứt ngay quan niệm, rằng những doanh nghiệp tư nhân cũng như những người trẻ là không làm được việc lớn. Người ta đã làm đâu mà kết luận là người ta không làm được?

TS Lê Kiên Thành: Với những điều kiện như chúng ta bây giờ thì không thể chống tham nhũng được. Ở các nước khác, quan chức muốn làm giàu nhanh thì dẫn đến tham nhũng. Ở nước ta, muốn giàu nhanh chỉ là một phần lý do! Phần khác, người ta tham nhũng để sống và tồn tại.  Bởi vì căn cứ vào mức lương và cơ chế như bây giờ thì không một công chức nào tồn tại bình thường được. Với tiền lương như hiện nay, anh phải tính toán bao nhiêu tiền mua gạo, mua vải, bao tiền điện nước.v.v... Chắc chắn rằng với thu nhập ấy không ai đủ sống. Có người tham nhũng trực diện, có người tham nhũng do quyền lực, có người lãng phí thời gian... Đó cũng là một kiểu tham nhũng.

Vậy nên, khi mà chúng ta dấy lên trào lưu chống tham nhũng thì thực chất là chúng ta đánh thẳng vào đội ngũ cán bộ, những người  tham nhũng để tồn tại. Tôi cho rằng gốc rễ vấn đề là nếu chúng ta không thay đổi được cơ chế chính sách thì không bao giờ chúng ta chống được tham nhũng. Từ tham nhũng để tồn tại dẫn đến tham nhũng để làm giàu, vấn đề đó không hề có một ranh giới nào cả.

Loại bỏ phần tử cơ hội trong Đảng

Tôi cho rằng mục đích vào Đảng của chúng ta hiện nay so với trước đây có điểm khác. Trước đây, anh vào Đảng xác định có thể bị tù đày. Anh là bí thư chi bộ thì anh có thể sẽ bị xử bắn... Còn bây giờ, anh muốn là Trưởng phòng, anh phải là Đảng viên. Anh muốn là Bộ trưởng anh phải là Uỷ viên trung ương. Tất cả các cấp của Đảng đều gắn với chính quyền và các cấp đó đều gắn với quyền lợi và quyền lực. Vì thông qua lãnh đạo như vậy nên cho dù không muốn, những người cơ hội vẫn chui vào được vào Đảng để có quyền lực, quyền lợi. Đó là lý do để Đảng của chúng ta trong thời kỳ này không còn là những lực lượng ưu tú như trước đây. Rất nhiều trong số này là những phần tử cơ hội. Càng để lâu, phần tử cơ hội sẽ càng lớn lên.

Nguyên tắc phát triển dựa trên Chủ nghĩa Mác là phê và tự phê. Nhưng vì mục đích vào Đảng trước đây và bây giờ khác nhau nên phê và tự phê bình cũng có mục đích khác nhau. Trong cơ chế một đảng lãnh đạo như thế này, Đảng tự tìm cách hoàn thiện bằng cách nào nếu chỉ dựa trên phê và tự phê chăng? Cá nhân tôi cho rằng hoàn toàn không được. Nếu không tự hoàn thiện mình, một Đảng được sinh ra bởi những người thầy của phong trào cộng sản thế giới, chứa đựng những yêu cầu của lịch sử đến một thời điểm nào đó sẽ không còn nữa. Nếu chúng ta không cắt nghĩa tận cùng vấn đề thì tôi cho rằng, theo tính quy luật, điều gì đến sẽ đến. Đến cái nơi mà tự mình không kiềm chế được chính mình, không tự tìm ra con đường đi cho mình.

Trên đây là ý kiến tâm huyết của tôi để xây dựng Đảng.

Loại bỏ nạn mua quan bán tước

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Quay trở lại vấn đề đánh giá con người, các anh có cho rằng chúng ta cần có một tư duy mới để đánh giá con người hay không? Trước đây đi ra nước ngoài dễ bị các cơ quan quản lý để ý, nhưng mà  bây giờ, trong hoàn cảnh đất nước đang chuẩn bị hội nhập toàn diện với thế giới, tôi nghĩ phải có cách nhìn khác. Anh Thành, anh nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi nhìn thấy một nguy cơ lớn hơn nhiều, đấy là những người mua chức. Mà như vậy sẽ hết sức nguy hiểm cho dân tộc, cho đất nước. Để giành cái vị trí nào đó, quyền lực nào đó, người ta bỏ tiền ra khá nhiều và người ta đã nói đến con số hàng tỷ để leo lên một vị trí cao. Con số đó hãy kiểm tra đi và nếu đúng như vậy, với những Đảng viên như vậy thì phải khai trừ ngay lập tức chứ đừng nói đến chuyện đề bạt. Bởi vì đó là những con mọt làm mục ruỗng đất nước, đó cũng chính là mầm mống của sự tham nhũng, chẳng có gì khác nhau cả. Con số này theo tôi nghĩ không phải là ít mà nếu khui ra thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được. Chúng ta hãy loại nó ra càng sớm càng tốt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Căn bệnh chạy chức chạy quyền thì xã hội đã nói rồi và nhiều người cho rằng lỗi của hệ thống tổ chức. Các anh thấy thế nào? 

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi nghĩ lỗi không phải là của hệ thống tổ chức mà là lỗi của cả lãnh đạo từng cơ quan cụ thể như câu chuyện PMU 18 vừa rồi là một ví dụ; khi khui ra thì lỗi thuộc về cả một đường dây, một quá trình mua bán chức tước, rất rõ. Phải đến khi thành án người ta mới thấy, chứ còn thực tế thì rất nhiều. Trong nhân sự ĐH X lần này, nếu ai đó có ý định tiến thân bằng cách mua chức tước thì tôi nghĩ tốt nhất nên loại bỏ ngay từ đầu.

TS Nguyễn Trường Tiến: Hiện giờ, tôi thấy chuyện mua chức danh, quyền lợi hay là mua bằng cấp đã thành chuyện quá phổ biến. Chúng ta đang đối chọi, đang nêu cao văn hoá dân tộc nhưng mà thực chất bây giờ là văn hoá phong bì. Chúng ta cứ bảo là chúng ta phải chuyên nghiệp hoá nhưng thực ra chúng ta đã quyền lực hoá mọi chuyện. Nên tôi vẫn nghĩ rằng, chúng ta vẫn phải xây dựng được một hành lang pháp lý, một sự kiểm soát tốt. Nghĩa là, chúng ta có thể một Đảng nhưng chúng ta đang rất thiếu cơ chế để kiểm soát được, mà ở đây là kiểm soát về con người, kiểm soát về đạo đức của họ, về ứng xử của họ. Tôi cho rằng, cách kiểm soát tốt nhất, đương nhiên là muốn khắc phục được tham nhũng, hoàn toàn phải phụ thuộc vào tu dưỡng đạo đức, vào sự tự nguyện của con người.  

Còn vấn đề thứ hai trong câu chuyện biến chất đạo đức, của suy thoái, của mua chức, mua quyền. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi mà lâu nay chúng ta vẫn nói là "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Tuy đã làm nhưng tôi cho là đến nay vẫn chỉ là hình thức. Ngay cả câu chuyện viết bản tự kiểm tra, cũng vẫn chỉ là hình thức. Bởi vì tổ chức của chúng ta thường không có thông tin, họ không biết, không đủ bản lĩnh để nói thẳng nói thật, hoặc những người lãnh đạo ấy rồi cũng chỉ ăn theo, nói leo thôi. 

  • VietNamNet

Ý kiến của bạn sau khi xem xong nội dung cuộc trao đổi này?

 

,
,