Cần chủ động hơn trong việc tiếp cận văn học Mỹ
09:29' 14/03/2003 (GMT+7)

Những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài không còn dừng lại ở con số ít ỏi và những tác phẩm văn học của nước ngoài đặc biệt là của Mỹ được chuyển sang tiếng Việt cũng khá nhiều nhưng làm sao để độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn về nền văn học Mỹ thì lại không phải dễ dàng. Tiến sĩ văn học Lê Huy Bắc - cán bộ giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, từng chủ biên và trực tiếp dịch nhiều tập truyện ngắn Mỹ, cho rằng để đến được với văn học Mỹ, cần chủ động hơn trong việc tiếp cận.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với tác giả phần viết về văn học Anh - Mỹ trong bộ Giáo trình văn học phương Tây (2002) và chuyên luận Ernest Hemingway Núi băng và hiệp sĩ (1999) về vấn đề này.

- Từ 1975 trở về trước, một số tác phẩm quan trọng của văn học Mỹ đã được dịch ra tiếng Việt. Nếu chỉ tính riêng trong phịm vi sách in ra ở Hà Nội, có thể tạm kể Gót sắt của J. London (Vũ Cận dịch), Ông già và biển cả của Hemingway (Huy Phương dịch), Cái chết của người chào hàng của Arthur Miller (Đặng Thế Bính dịch)... Trong thời gian này ở Sài Gòn, nhiều tiểu thuyết Mỹ cũng đã được giới thiệu, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Chùm nho nổi giận của J. Steinbek và Con đường thuốc lá của E. Caldwell...

- Xét từng tác phẩm có thể kể thêm từ Chuyện phiêu lưu của Huckleberry Finn của M.Twain, Cuốn theo chiều gió của Mitchell... Hoặc đứng về một tác giả mà xét thì Hemingway cũng đã có đủ từ Mặt trời vẫn mọc, Giã từ vũ khí tới nhiều truyện ngắn nổi tiếng. Ngoài các bản dịch và dịch giả nói trên, còn không ít những bài báo những trang sách giới thiệu văn học Mỹ của Nguyễn Đức Nam, Đặng Anh Đào, Lê Đình Cúc... Thế nhưng dẫu sao vẫn có cảm tưởng công việc làm được (cả dịch lẫn nghiên cứu giới thiệu) còn quá mỏng, trong khi văn học Mỹ lại quá phong phú. Tôi  lấy một ví dụ: trường hợp Edgard Allan Poe. Nhà văn này được coi là người khai sinh ra thể truyện ngắn hiện đại, vừa là người mang lại cho nó một định nghĩa mà không ai vượt qua nổi. Rồi lại còn làm thơ (thơ ông được Beaudelaire rất khâm phục), còn viết truyện trinh thám. Vậy mà với người đọc Việt Nam, ông còn được biết quá ít. Đấy là dừng lại ở văn học thế kỷ XIX. Nếu như nói tới văn học Mỹ hiện đại thì người ta lại càng khó mà liệt kê ra hết những tác giả tác phẩm cần dịch. Chẳng hạn nước Mỹ có một loạt nhà văn Do Thái, và họ - những Saul Bellow, Issac Bashevis Singer - mang lại mảng văn học có sắc thái riêng. Mảng văn học da đen cũng có những đại diện xuất sắc, từ Tony Morrison tới J. Baldwin...

- Rồi còn mảng văn học viết về chiến tranh, mà như bọn tôi đọc được Trần trụi và chết chóc của Norman Mailer cũng rất đáng để ý. Không chỉ phong phú, người ta hay nói rằng văn học Mỹ còn hấp dẫn thế giới bởi nhiều cái mới lạ. Anh có thể phác hoạ cho bạn dộc thấy cái mà người ta hay gọi là tinh thần của văn học Mỹ cũng tức là những yếu tố làm nên sự khác biệt giữa văn học Mỹ và văn học phương Tây nói chung.

- Trên tất cả các phương diện, nước Mỹ trẻ hơn châu Âu, nên thường không bị quá khứ ràng buộc như châu Âu. Tinh thần của văn hóa Mỹ là tinh thần chinh phục chân lý, làm mới mọi thứ, cốt sao phương tiện tối thiểu mà hiệu quả tối đa. Cái gì họ cũng làm có bài bản và cũng muốn đẩy đến cùng. Sự năng động trẻ trung chi phối kinh tế thương mại tới mọi mặt đời sống tinh thần. Nếu từ thế kỷ XIX về trước, họ còn trông về châu Âu để phấn đấu, thì từ thế kỷ XX, họ đã là một trong những nền văn học có ảnh hưởng nhất trên thế giới và riêng với châu Âu, đó luôn luôn là một sự thách thức.

- Thế còn những kinh nghiệm của người Mỹ trong việc xây dựng nền văn học dân tộc?

- Người Mỹ vốn sẵn ý thức học hỏi, nhiều phát kiến khoa học được tìm ra ở nơi khác nhưng chỉ đến với họ thì mới được hoàn thiện. Nói chung khả năng của họ trong giao tiếp, nói cách khác khả năng thu nhận những cái hay cái đẹp của thế giới để làm giàu cho mình, cũng rất mạnh mẽ.

- Anh có thể gợi ra những điều gần gũi hơn mà chúng ta có thể học?

- Sau O' Henry, Hemingway, đến lượt R.Carver được tôn vinh như một bậc thầy truyện ngắn. Cả thế giới công nhận ở Mỹ truyện ngắn rất phát triển. Người ta coi đó là một thể tài văn chương giàu chất dân tộc. Vậy thì một nền văn học vốn cũng thành thật tin rằng mình mạnh hơn cả trong thể truyện ngắn, như văn học ta, chẳng nhẽ không thể rút ra từ đó những bài học? Hoặc về thơ, Allel Ginsberg đại diện cho thế hệ Bít (Beat generation) cũng chủ trương một thứ thơ rất gần phương Đông.

- Ginsberg được in trên tạp chí Văn học nước ngoài qua bản dịch của Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Nguyễn Đỗ. Cũng ở đây, Dương Tường đã giới thiệu truyện ngắn R. Carver. Việc tiếp nhận văn học Mỹ ở ta như vậy là đã trở nên cập nhật.

- Nhưng nếu nhận đây là một trong những nền văn học lớn trên thế giới, chúng ta vẫn cần chủ động hơn.

- Hẳn bản thân anh đã có kế hoạch để đóng góp vào việc này?

- Ngoài phần khoa học kỹ thuật, thì xã hội học tâm lý học, nói chung là khoa học nhân văn, ở Mỹ cũng phát triển rất mạnh. Sự năng động tìm tòi trong văn học mở ra theo cả hai hướng lý luận cũng như thực tế. Bởi hiểu thế nên tôi cảm thấy may mắn được làm việc ở một trường đại học để có thể vừa nghiên cứu vừa trực tiếp dịch. Tôi đã bắt tay dịch bộ Phê bình lý luận văn học Anh-Mỹ, trong năm 2002 tập một đã in ở NXB Giáo dục. Riêng trong lĩnh vực này còn rất nhiều việc phải làm.

TheoTT&VH

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Một hành trình văn học (11/03/2003)
McEwan đoạt giải tiểu thuyết hay nhất (28/02/2003)
''Thơ tình tặng vợ'' - cuốn sách cần cho mọi gia đình (27/02/2003)
Sách văn học cho tuổi mới lớn đã bắt đầu được trân trọng (26/02/2003)
Hồi ký Bà Tùng Long: ''Viết là niềm vui muôn thuở của tôi...'' (25/02/2003)
Người dịch sách bên dòng Trà Lý (25/02/2003)
Chương trình Giai điệu Đồng bằng 20: Giới trẻ vẫn ủng hộ cải lương (25/02/2003)
Giải Nobel cho văn chương Việt Nam? Vừa khóc vừa buồn cười vừa mơ mộng! (15/02/2003)
Mark Winegardner sẽ viết tiếp ''The Godfather'' (10/02/2003)