,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
645086
Cù Huy Hà Vũ chính thức khởi kiện UBND Thừa Thiên- Huế
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Cù Huy Hà Vũ chính thức khởi kiện UBND Thừa Thiên- Huế

Cập nhật lúc 20:35, Thứ Sáu, 20/05/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ngày 19/5, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, đã chính thức phát đơn khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng dự án khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh. PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi cùng bên nguyên của vụ kiện này...

TS luật Cù Huy Hà Vũ

Cơ sở pháp lý nào để anh "ra" quyết định khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế?

TS Cù Huy Hà Vũ: - Căn cứ vào điều 68 của "Luật Di sản Văn hoá" quy định:  Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc thi hành pháp luật về Di sản Văn hoá". Tức là pháp luật chính thức cho phép công dân với tư cách là cá nhân khởi kiện. Bất kỳ ai, từ cá nhân cho đến chính quyền mà vi phạm di sản, di tích văn hoá thì đều có thể bị kiện ra Toà.

Theo anh, di sản phải được bảo vệ như thế nào mới là hợp pháp?

Luật Di Sản Văn hoá (điều 68)

1.Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc thi hành pháp luật về di sản văn hoá

2.Cá nhân có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hoá với vơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền

3.Thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo và khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật.

TS Cù Huy Hà Vũ: - Với tôi, Di sản là phải được tôn tạo, phải bảo vệ tuyệt đối. Không được xây bất kỳ một công trình nào hay làm bất kỳ động tác nào xâm phạm đến khu vực di tích cần được bảo vệ. Tôn tạo di sản cũng có thể hiểu là những gì chưa đẹp thì sửa lại cho đẹp nhưng xây khách sạn trên di sản thì không thể gọi là tôn tạo di sản văn hoá được. 

Tôi cũng muốn nhắc lại sự kiện năm 1976, ngay sau giải phóng, Vọng Cảnh đã được công nhận và ghi vào danh mục những di tích danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ. Quyết định số 1045 ngày 8/10/93 của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chính thức công nhận đồi Vọng Cảnh là một trong số 153 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh được bảo vệ đợt 1.

Không phải tự nhiên thích đưa một di tích cảnh quan bất kỳ vào danh mục đó mà UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế căn cứ vào "Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh" (ngày 4/4/84), ở thời điểm chưa có Luật Di sản Văn hoá. Nhưng một khi đã được công nhận là di sản văn hoá thì một milimét đất cũng không được đụng vào!

Anh đã từng trả lời báo chí "Vọng cảnh là di tích bất khả xâm phạm"?

TS Cù Huy Hà Vũ: - Chúng ta có thể xây dựng, nhưng khi hoàn tất công trình ấy phải nằm trong tổng thể của di tích đó. Mộ của đại thi hào Nguyễn Du là một ví dụ. Mặc dù tôi được biết, Vọng Cảnh hiện khá tiêu điều, nhiều mồ mả... nhưng trách nhiệm gìn giữ tôn tạo di tích này thuộc về chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Trước những "vấn đề" nhạy cảm trong xã hội như vậy thường hay xuất hiện những kẻ "nhân danh" công lý. Còn anh?

TS Cù Huy Hà Vũ: - Bằng bản năng và tôi chỉ với tư cách là một "công dân". Ngay khi UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương xây dựng một khách sạn trên đồi Vọng Cảnh (năm 2003), dư luận đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tôi cũng đã nghĩ là chính quyền sẽ nhận thức được việc làm này xâm phạm một cách trắng trợn di sản văn hoá Việt Nam. Nhưng khi HĐND với cách thăm dò bỏ phiếu đã trở thành giọt nước làm tràn ly.

Tôi khẳng định đây là "tội ác" về mặt văn hoá. Nếu cứ theo đà này sẽ đi đến sự "diệt chủng" về văn hoá mà bắt đầu là đồi Vọng Cảnh, kế tiếp là huỷ hoại những di tích Cố đô.

Khi xảy ra vụ đồi Vọng Cảnh đã có ý kiến cho rằng nên trưng cầu dân ý. Anh nghĩ sao?

TS Cù Huy Hà Vũ: - Tôi muốn nói rõ, không chỉ vấn đề di sản mà nhiều vấn đề bức xúc khác đều cần phải trưng cầu dân ý. Trưng cầu dân ý là biểu hiện cho sự phát triển thể chế dân chủ ở nước ta.

Và anh cũng định "trưng cầu dân ý" để bảo vệ quan điểm của mình, một cách làm tương tự như HĐND Thừa Thiên Huế?

Tài liệu của TS luật Cù Huy Hà Vũ kiện UBND Thừa Thiên - Huế

TS Cù Huy Hà Vũ: - Không có ý kiến phản đối nào gửi đến tôi. Với những gì tôi nhận được thì họ ủng hộ tôi tuyệt đối. Cũng có người bằng cách này hay cách khác cho rằng tôi dũng cảm, nhưng tôi không quan niệm như vậy. Luật Di sản Văn hoá đã xác nhận, di sản văn hoá có nhiều hình thức sở hữu: hình thức sở hữu toàn dân, hình thức sở hữu tư nhân, hình thức sở hữu tập thể và đồi Vọng Cảnh là hình thức sở hữu toàn dân. Vì thế, đây là một việc làm hết sức tự nhiên vì tôi là một trong hơn 80 triệu dân. Tôi hay bất cứ một người dân nào đều có một phần tài sản của mình trong đó (những di sản văn hoá). Chỉ có điều không đút túi được mà muốn hưởng thụ, chúng ta phải đến tận nơi. Khi tài sản và quyền lợi hợp pháp của tôi bị xúc phạm một cách trực tiếp, tôi lên tiếng  là điều hết sức bình thường.

 "Bảo tồn" theo cách của anh thì sẽ phải phát triển Huế như thế nào khi mà "bất cứ chỗ nào ở Huế cùng là di sản"?

TS Cù Huy Hà Vũ: - Huế phải được đặt trong tổng thể quốc gia thay vì chỉ đặt Huế trong Huế. Thuộc dải đất miền Trung, điều kiện địa lý của Huế cũng khắc nghiệt, một bên núi một bên biển. Nếu Huế nghèo cả nước phải có trách nhiệm giúp đỡ, không có nghĩa nghèo là có thể bán cả "mồ mả cha ông" lấy tiền để sống. Thực tế so sánh với các mảnh đất khác như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị... tôi thấy Huế còn giàu hơn rất nhiều nên không thể nhân danh cái nghèo được.

Huế có điều kiện tuyệt vời, hơn hẳn những địa phương khác, để phát triển kinh tế du lịch. Ngoài những đặc thù phong kiến duy nhất còn lại ở Việt Nam thì du lịch sinh thái cũng nên xem là một ưu thế dành cho Huế. Chúng ta nên giữ trạng thái nguyên sơ và làm vệ sinh môi trường cho tốt để thu hút khách du lịch.

Không một kinh đô nào ở Châu Á có vị trí xây Thành ăn nhập với khung cảnh thiên nhiên như Huế. Không phải ngẫu nhiên UNESCO đề nghị chúng ta tiến cử Huế là di sản văn hoá lần thứ 2, lần này không phải chỉ là vấn đề Hoàng Thành và các Lăng tẩm mà gắn liền với các cảnh quan. Không chỉ Vọng Cảnh mà ngay cả ven bờ sông Hương cũng không được phép xây bất kỳ công trình nào nếu không muốn phá vỡ cảnh quan. Quy hoạch chức năng cho từng khu vực là việc làm cần thiết và Huế là di sản đặc trưng nhất cho phong kiến Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá. Nếu không gìn giữ được, chúng ta sẽ không còn gì gọi là vết tích của cha ông. Chúng ta phải gìn giữ nghiêm ngặt Huế với tư cách là một vùng di sản đặc thù.

 Anh có tin vào khả năng thắng kiện không?

TS Cù Huy Hà Vũ: 100% nếu không muốn nói là 1000%.

 Có phải vì anh là một Tiến sĩ Luật?

TS Cù Huy Hà Vũ: - Không. Chính ý thức công dân đã quyết định niềm tin trong tôi. Nhưng tôi không phủ nhận năng lực về mặt luật pháp của mình sau khi đạt được những bằng cấp nhất định. Vì thế, khi khởi kiện hay tố cáo một vấn đề gì đó, khả năng vận dụng luật của tôi sẽ tốt hơn.

 - Xin cảm ơn anh!

  • Hải Lý (Thực hiện)

Theo bạn, tại sao TS luật Cù Huy Hà Vũ lại khởi kiện UBND Thừa Thiên Huế? Quan điểm bảo vệ, bảo tồn hay tôn tạo di sản văn hoá của Cù Huy Hà Vũ có phù hợp với Luật di sản không? Anh ta có cơ hội thắng kiện không?

,
,