GS Tô Ngọc Thanh: Aó gấm mặc giữa ban ngày...
(VietNamNet) - Unesco đã công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là Kiệt tác văn hoá phi vật thể của nhân loại nhưng còn rất nhiều các giá trị văn hoá phi vật thể khác như Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, hát thờ, chèo tầu, múa bài bông, hát rô ở Hà Tây... vẫn chưa được thế giới hiểu rõ giá trị. Nguyên nhân của hiện tượng "áo gấm đi đêm" này là gì và làm thế nào để thế giới nhìn nhận đúng giá trị gia tài quý hiếm của chúng ta để cùng nhau gìn giữ cho các thế hệ mai sau? VietNamNet đã có cuộc trò chuyện cùng Giáo sư Tô Ngọc Thanh....
|
GS Tô Ngọc Thanh |
- Năm 2003, Giáo sư đã mang hồ sơ Cồng chiêng Tây Nguyên tới Unesco đề nghị công nhận là Kiệt tác Văn hoá phi vật thể của nhân loại, đến giờ này kết quả ra sao?
GS Tô Ngọc Thanh: Sau khi Nhã nhạc được công nhận, một hội đồng di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia (thuộc Bộ VHTT) được thành lập, tôi chỉ là 1 thành viên. Năm 2003 đưa Cồng chiêng ra giới thiệu đề nghị với UNESCO công nhận. Công việc này sẽ mất khá nhiều thời gian vì phải trình bày trước hội đồng di sản cho đến khi các thành viên hiểu được giá trị của Cồng chiêng Tây Nguyên thì họ mới công nhận. Khi trình bày Nhã nhạc cung đình Huế trước Unesco, chúng tôi (tôi – GS Trần Văn Khê – Giáo sư Tôn Thất Tiết) giải thích cho họ hiểu văn hóa Việt Nam. Họ hiểu, cảm nhận được Nhã nhạc cung đình Huế và yêu mến nó rồi họ mới bỏ phiếu bầu. Nghĩa là phải có một quá trình chứ không phải chúng ta hiểu và chúng ta muốn là được. Có thể lấy ví dụ như tình yêu của nhân vật “Ông Tây nước mắm”, ông đã sống “lăn lóc” 6 tháng ở Việt Nam đủ để hiểu và yêu, quyết định “dừng chân”, lấy vợ VN.
- Trong khi chúng ta cố gắng làm cho thế giới hiểu và yêu mến một di sản văn hoá phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, múa bài bông... thì các các tour du lịch sở tại vì muốn thu hút khách du lịch đã nhiệt tình quảng bá, giới thiệu và trình diễn các loại hình văn hoá này theo kiểu nghiệp dư hoá, sân khấu hoá, xã hội hoá... một cách ồ ạt. Họ có thể hiểu sai, cảm nhận sai và không yêu mến nữa thì sao?
GS Tô Ngọc Thanh: Lúc đầu có khuynh hướng cải biên Nhã nhạc cung đình Huế khiến chúng tôi lo lắng. Nhưng sau đó chúng tôi đã đề nghị phải giữ lại nguyên bản, vì nếu thay đổi, cải tiến thì sẽ bị thu bằng lại. Di sản là những giá trị ghi dấu lịch sử, không thể hiện đại hóa, không thể dùng dàn nhạc giao hưởng để chơi nhã nhạc, không lẽ Ngọ Môn ở Thành Nội Huế lại đổi thành “mái bằng”?
Để gìn giữ Nhã nhạc, ta đưa Nhã nhạc vào Thành nội Huế cũng là di sản văn hóa thế giới, như thế ta sẽ giữ được cả văn hoá Vật thể và Phi vật thể. Theo tôi, cũng không cần phổ cập Nhã nhạc Huế, con người ta phải có quyền lựa chọn thích hay không thích nghe. Hãy giữ và tôn trọng tài năng sáng tạo của dân tộc ta trong lịch sử, ta không cải tiến nhà thờ Phát Diệm, hay “đổ mái bằng” cho chùa Keo.
- Xin Giáo sư nói rõ quan điểm của mình hơn về hiện tượng "du lịch hoá các giá trị văn hóa phi vật thể" như hiện nay...
GS Tô Ngọc Thanh: - Không phải thể loại âm nhạc nào cũng có thể kết hợp với du lịch được vì mỗi thể loại có không gian riêng của nó đấy là chưa kể đến những sắc thái tinh tế mà nếu không hiểu rõ thì rất dễ nhầm với tính dung tục. Hát ả đào chẳng hạn. Để người nước ngoài hiểu âm nhạc dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải cung cấp thông tin, giải thích cho họ. Điều này cũng như khi mình muốn hiểu Shakespear, hiểu tại sao Tây lại ăn mỳ Ý, pizza... Ai cũng vậy thôi, phải hiểu nhau thì mới yêu nhau được.
- Những người có tâm huyết với giá trị văn hoá phi vật thể của ta đang cố gắng trình bày, giải thích cho thế giới hiểu rõ, hiểu đúng các loại hình âm nhạc dân tộc và thế giới cũng đã lắng tai nghe, đã hiểu một phần kho tàng quý báu ấy thì có nhiều người Việt Nam lại chỉ biết đến các giá trị này qua các tour du lịch, qua ti vi... Theo Giáo sư thì phải làm thế nào để trước hết người Việt Nam hiểu rõ các giá trị này để gìn giữ và giải thích đúng cho khách du lịch quốc tế?
GS Tô Ngọc Thanh: - Thế hệ đương thời đang rất khoẻ, rất tốt, họ còn đảm đương được công việc này. Sau đó là sự truyền nghề có chọn lọc cho thế hệ trẻ, cho những người có thực tài để tiếp bước. Cần làm cho người dân hiểu được giá trị và yêu Văn hoá phi vật thể, tự hào vì mình là chủ nhân vốn phi vật thể rất phong phú nhưng không nhất thiết họ phải yêu TẤT CẢ. Họ sẽ yêu thể loại mà họ có thể nghe và cảm nhận được.
Cũng như trong tình yêu, tình yêu là rất đẹp, trai gái phải yêu nhau thật sự nhưng ta sẽ yêu một người cụ thể chứ không thể yêu “toàn dân” được. Với Văn hoá phi vật thể, chúng ta đã có những bài báo, các chương trình tivi về đề tài đó để giới thiệu, để quảng bá, nhưng không thể tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng vì chỉ là một lĩnh vực, một thể loại. Còn ai thật sự yêu thì xin mời đến Thành nội Huế, xem và nghe trực tiếp ("live") 1 tiếng trong một không gian thật sự lý tưởng cho Nhã nhạc.
Quan trọng nhất, khó nhất là giúp cho dân hiểu được các giá trị của Văn hoá phi vật thể dính đến phong tục tập quán. Ví dụ, ta tổ chức các lễ hội cho Hát thờ ở Hà Tây, hay Hát chèo tàu ở Đan Phượng, Múa bài bông ở Xã Quang Trung do Trần Quang Khải sáng tạo ra từ 700 năm trước, hát Rô ở Quốc Oai thờ Thánh Tản Viên, con rể Vua Hùng...
-
Khánh Linh
Theo bạn có nên phổ biến rộng các loại hình văn hoá nghệ thuật phi vật vật thể thông qua các tour du lịch không? Nếu có thì phải làm theo cách nào? Bạn có cho rằng phổ biến rộng thì sẽ mất đi bản sắc riêng không? Làm thế nào để giữ được bản sắc riêng biệt ấy? Hãy gửi ý kiến của bạn theo cách sau: