,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
505908
Luật xuất bản - "người gỡ rối" đang bị vướng!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Luật xuất bản - 'người gỡ rối' đang bị vướng!

Cập nhật lúc 08:40, Thứ Sáu, 03/09/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) Việt Nam sắp gia nhập Công ước Berne, dự thảo Luật xuất bản đã sửa đổi, bổ sung điều 49 và thêm một điều mới (điều 50) về nhập khẩu xuất bản...

Vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức một cuộc hội thảo để lấy ý kiến từ các thành phần liên quan trong ngành xuất bản để trình tại cuộc họp Quốc hội sắp tới. Các đại biểu đã bàn đến tận mọi ngóc ngách vấn đề, từ chữ nghĩa, khái niệm đến các điều khoản...

Thiếu thực tiễn...

Hội thảo Luật xuất bản.

Giấy phép xuất bản chính là bức xúc lớn nhất trong nhiều năm qua của các nhà xuất bản. Chuyện hồ sơ xuất bản nộp lên cơ quan quản lý về xuất bản của Nhà nước, sau đó về... nằm nhà chờ không biết khi nào được duyệt, đã trở nên bình thường. Trong dự thảo luật có quy định thời gian chờ là 10 ngày. Nhưng dân trong nghề cho rằng có rút xuống 7 ngày thì nó cũng không có tính khả thi với thực tế xuất bản hiện nay.

Đi cùng giấy phép là việc nộp lưu chiểu xuất bản phẩm, theo quy định là phải nộp cho Bộ VH-TT ít nhất 20 ngày trước khi phát hành. Điều này nếu không phải Nhà nước gây khó dễ cho chính những đứa con của mình thì cũng là một kiểu làm luật xa rời thực tế. Ông Trần Đình Việt, GĐ NXB TP.HCM đề nghị: "Tôi nghĩ Nhà nước nên xem lại điều khoản này vì áp dụng vào thực tế rất khó. Những nhà xuất bản ở xa như chúng tôi, 20 ngày là quá lâu, chưa kể việc đáp ứng những bức xúc của nhu cầu bạn đọc". Trong khi đó, GĐ NXB Trẻ, bà Quách Thu Nguyệt, gay gắt: "Làm sách chuyên đề kịp đáp ứng những dịp kỷ niệm như 2/9 hay 10/10 sắp tới đây mà bắt chờ 20 ngày mới được phát hành là quá vô lý. Chưa nói đến chuyện cạnh tranh đề tài giữa các nhà xuất bản, cùng một dạng đề tài mà chậm chân một chút là "chết" ngay".

Không chỉ là chuyện bao nhiêu ngày mà còn là vấn đề quản lý. Dân trong nghề ai cũng biết xuất bản phẩm từ nhà in ra là đi luôn ra ngoài thị trường, không thể chờ nộp lưu chiểu. Biết là phạm luật nhưng vì miếng cơm, các nhà xuất bản vẫn tìm cách... lách và chuyện đó đã thành nếp lâu nay, "nhà" nào tuân thủ luật chỉ có "chết".

Một điểm xa rời thực tế nữa của dự thảo luật này mà hầu hết các nhà xuất bản đều phản ứng là việc Chính phủ định giá bán lẻ xuất bản phẩm (điểm e, khoản 2, điều 17). Một cuốn sách có giá trị 20.000 đồng nhưng nếu thị trường cần thì có thể có giá gấp đôi và ngược lại, nên việc Nhà nước định giá bìa là không phù hợp. Đụng vào quyền lợi của những người trong nghề, nên điểm nhỏ mà không nhỏ này của luật bị phản đối: "Quy định của dự thảo luật quá chi tiết. Trong khi những điều quan trọng khác không thấy đề cập thì chuyện giá cả lại được nói đến quá rõ", GĐ Công ty In Trần Phú, Nguyễn Văn Dòng, phát biểu. Nhìn chung, các nhà xuất bản đều muốn giữ quyền được định giá sản phẩm của mình.

Bổ sung nhưng vẫn còn thiếu!

Trong tình hình Việt Nam sắp gia nhập Công ước Berne, dự thảo Luật xuất bản đã sửa đổi, bổ sung điều 49 (thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh) và thêm một điều mới (điều 50) về nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, thế nhưng việc xuất khẩu xuất bản phẩm vẫn bị bỏ ngỏ với một câu chung chung duy nhất ở điều 51 về công tác này. Ông Phạm Minh Thuận, GĐ Công ty Phát hành sách TP.HCM bức xúc: "Tôi đi các hội chợ sách ở nước ngoài thấy không hề có sách Việt Nam hiện diện, nếu có chỉ là vài cuốn sách về phong cảnh! Ta đang yếu mảng này mà luật không đề cập thì thật thiếu sót".

Lĩnh vực xuất bản vẫn rối như "ma trận".

Trước yêu cầu hội nhập với thế giới, kể cả lượng bạn đọc người Việt ở nước ngoài lên đến 2 triệu người, mà các đơn vị làm xuất bản chính là những người sốt ruột nhất, họ cần có các chính sách, mô hình, luật lệ để triển khai công việc. "Chúng tôi cần có các chính sách, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tạo động lực cho việc giới thiệu các sản phẩm của mình ra với thế giới bên ngoài", đại diện một nhà xuất bản tha thiết đề nghị.

Một điều hết sức quan trọng khác trong thời buổi nhan nhản hàng lậu như hiện nay là chuyện bản quyền. Trong dự thảo luật cũng chỉ có một dòng duy nhất (điều 24) về vấn đề này. Các nhà xuất bản có khi cũng... vi phạm bản quyền nhưng hơn ai hết, chính họ là những người cần có những quy định cụ thể nhất được đề cập trong Luật xuất bản để ứng xử trước tình hình thực tế.

Hội thảo có mặt khá đầy đủ các "gương mặt" như cơ quan quản lý, nhà xuất bản, nhà in, phát hành, cơ quan luật... Hầu hết các góp ý đều là những bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Người ta có thể thấy từng bước dự thảo Luật xuất bản đã dần phù hợp hơn với tình hình thực tế, song vẫn còn nhiều chỗ được các đại biểu phân tích là còn trùng lắp giữa các chương, nhiều chỗ rối rắm và mơ hồ, thậm chí có người bảo mình như bị "tẩu hỏa nhập ma" khi tiếp cận... Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng: "Những ý kiến tại hội thảo này đều rất xác đáng, xuất phát từ công việc thực tiễn của ngành xuất bản, trong đó có nhiều vấn để tôi rất tâm đắc. Từ đây đến lúc Quốc hội họp, chúng tôi hy vọng sẽ còn nhận được thêm các góp ý khác để đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội". Trước khi được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI tới đây, thì cho tới giờ này, Luật xuất bản đã qua gần 30 lần sửa đổi, bổ sung. Bởi thế, việc những góp ý được tiếp nhận, giúp dự thảo luật được sửa đổi hoàn chỉnh, phù hợp thực tiễn hơn, là điều ai cũng mong muốn.

  • VT

,
,