,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
438038
Vị giáo sư y khoa và cuốn Từ điển Tiếng Huế
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Vị giáo sư y khoa và cuốn Từ điển Tiếng Huế

Cập nhật lúc 06:28, Thứ Năm, 17/06/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Lần đầu tiên một cuốn từ điển đồ sộ hơn 1.000 trang về tiếng Huế và ngôn từ xứ Huế trong đời sống hằng ngày đã được biên soạn công phu. Chủ nhân của cuốn từ điển lại là GS, Bác sĩ Bùi Minh Đức, người nổi tiếng trong giới Y học với công trình nghiên cứu: "Điều trị nội soi tai" được ứng dụng trên toàn thế giới.

GS Bùi Minh Đức. Ảnh: Minh Nguyên.

"Đây là cuốn từ điển chưa từng có ở Huế, cũng như ở đất nước Việt Nam ta" - Đó là lời nhận xét đầu tiên của ông Nguyễn Đắc Xuân khi ông hào hứng nói với chúng tôi về cuốn sánh này tại cuộc Hội thảo khoa học về: "Tiếng Huế, người Huế và văn hóa Huế" - tên cuộc Hội thảo trích nguyên lời tựa đề trong cuốn Từ điển tiếng Huế của soạn giả Bùi Minh Đức - nhân dịp Festival Huế 2004.

"Cuốn từ điển này thực sự là một công trình nghiên cứu có giá trị, đồ sộ nhất xưa nay ở Việt Nam ta nói về ngôn từ địa phương với một phạm vi rất hẹp do một soạn giả không phải là nhà nghiên cứu chuyên về ngôn ngữ học biên soạn mà lại do một nhà nghiên cứu y khoa dày công dựng nên". Đánh giá về cuốn từ điển này, ông Phan Thuận An đã không giấu sự xúc động.

Bác sĩ Bùi Minh Đức, Trưởng bộ môn tai mũi họng Bệnh viện Y khoa Huế cách đây gần 30 năm đã cùng gia đình sang Mỹ định cư và ông là giảng sư tại trường LOUISVILLE tại bang Kentusky.

Câu chuyện về cuốn từ điển bắt đầu từ những năm 1991, khi ông nhận được tin người mẹ yêu quý của mình đã qua đời. Tình cảm của một người con hiếu thảo, lâu nay bị công việc và cuộc sống dồn nén, lúc bấy giờ mới vỡ òa ra. Không kìm nén được nỗi lòng thổn thức, ông đã bỏ cả bệnh nhân và đồng nghiệp ngoài phòng khám, vào phòng trong bật khóc. Những ngày sau đó, cùng những trăn trở về đời người, về tình mẫu tử thiêng liêng về nơi quê cha, đất tổ và nguồn cội của mình ông đã mắc chứng mất ngủ. Trong đêm, đặc biệt là vào lúc ba giờ sáng trở đi, những lời dạy dỗ của mẫu thân ông như luôn vang lên, ngân nga đâu đó trong tiềm thức mơ hồ. Cứ thế, vừa nhớ, vừa ngẫm nghĩ ông nghiệm ra một điều: Tiếng nói quê hương thật sâu lắng, thâm trầm và thương mến biết bao. Càng nghĩ càng ngẫm, càng thấm những giá trị nhân văn nhân bản vô bờ bến. Và bất chợt ông đã nảy ra ý định sao chép lại toàn bộ những câu nói, lời dạy và những câu từ mà mẹ ông thường nói, thường dùng.

Từ tình yêu sâu sắc của một người con dành cho mẹ, ông đã đến với tình yêu rộng lớn hơn là tình yêu dành cho quê hương, xứ sở. Để sau đó, ròng rã mười năm (từ 1991 đến 2001) ông đã cho ra đời cuốn Từ điển tiếng Huế đầu tiên tại Việt Nam với số lượng là: 530 trang in tại California (Hoa Kỳ). Và ngay lần xuất bản đầu tiên đó, đã có rất nhiều người tìm mua, sưu tầm và photo copy.

Trong lần tái bản thứ hai này, số lượng từ ngữ bổ xung đã lên tới 1.000 trang (in tại TP.HCM - Việt Nam). Và có thể trong lần tái bản thứ ba, số lượng trang sẽ lên tới 1.500 trang vì hiện nay, trong phòng làm việc của ông đã có 1.200 trang bản thảo.

Chính thời gian làm bác sĩ ở bệnh viện Y khoa Huế cùng tổng số 45 năm sinh sống và làm việc tại mảnh đất Cố đô này đã giúp ông được tiếp xúc với nhiều người khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau và đó là nguồn cung cấp vốn từ phong phú cho ông khi bắt tay vào làm cuốn Từ điển tiếng Huế.

Lời nhận xét của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân về cuốn Từ điển tiếng Huế: "Đây là cuốn sách chưa từng có tại Huế cũng như tại Việt Nam. Đây là cuốn sách mang nhiều phương diện, ông đã ghi lại được phương ngữ của Thừa Thiên-Huế mà phương ngữ này đang bị mất đi cùng với sự hiện đại hóa, ông đã ghi lại được tiếng của các mệ và tiếng của Hoàng tộc. Ông ghi lại được những từ Hán Việt hóa, chữ Tây Việt hóa mà chỉ ở Huế với có. Đặc biệt là ông đã tìm được những chữ gốc người Chàm, Huế chưa bao giờ có từ điển về loại này. Đấy là về Tiếng, nhưng ở đây ông không chỉ có tiếng mà còn có sự kiện. Quý giá nhất là những sự kiện này ở Huế cũng như ở Việt Nam chưa từng có ai viết, đây là những sự kiện có tính chất dân gian nhưng rất cần thiết. Đặc biệt là những sinh hoạt trong thôn quê hay trong cung đình mà cho tới hôm nay không còn tồn tại trong đời sống nữa. Một điểm nữa là ông đã ghi được những từ khoa học nói theo tiếng Huế, kiểu Huế. Có lẽ do ông là một nhà khoa học nên ông đã làm được việc này. Và điều rất đáng trân trọng là ông đã viết cuốn sách với một sự khách quan".

Khi giãi bày về niềm đam mê và những khó khăn trong quá trình xây dựng cuốn từ điển ông đã cho biết: "Nói đến Tiếng Huế là nói đến Ngôn từ xứ Huế. Ở đây có cả Ngôn và có cả Từ. Tiếng Huế không chỉ có các từ đơn như: Mô, Tê, Răng, Rứa... mà còn có cả những câu văn hoa - rất hợp với phong cách kín đáo của người Huế là nói ít hiểu nhiều - sử dụng ca dao, tục ngữ như: "Con ơi, giàu làm kép, hẹp làm đơn". Hay những câu nói chữ thâm thúy, ý nhị, có xuất phát từ cách nói của những nhà nho, những quan lại xưa ở đây, rồi dân chúng sử dụng nhiều, thành quen, thành những câu nói thông tục. Cách nói theo điển tích như: "Vắng như chùa Bà Đanh" hoặc lấy từ các tích tuồng hát bội như: "Kéo cả bầy họ Tạ" trong tuồng Sơn Hậu. Rồi cách nói bóng gió, cách nói lắt léo, cách nói tiếng lóng, cách nói lệch nghĩa, trệch chữ, cách nói kiểu cách, cách nói tránh kỵ húy, cách nói trong Nội. Đặc biệt là những câu nói...tục, những câu nói lái. Bởi dù ở đâu, ở nơi nào dù như đất cố đô thì cũng không thể tránh được những lời nói kiểu đó như: "Tên o đó là Bách Diệp". "Bách Diệp" tức là "trăm lá" trăm lá là "tra lắm" (tức "già lắm") để chê cô gái đã già. Còn nếu như có một ông chú nào đó mà ăn ở không xứng ngôi, tức không xứng đáng là chú thì gọi người chú đó là: "Chú trong họ" tức là... "chó trong hụ". Hay thô tục hơn nhưng ...gây cười hơn là: "Mụ đắc", "Tôn lò", "Cụ đệ bất kể số chi"... Nếu tính ra số đếm thì phải đến 11 cách cả thảy. Như vậy, tiếng Huế với tôi không chỉ là ký ức, là sự giãi bày những tâm sự mà còn là niềm đam mê khi đi vào thế giới của chữ nghĩa".

Đã không ít người thắc mắc: Nếu ông bận như thế thì lấy thời gian thế nào và nguồn từ từ đâu để một mình viết nên cuốn sách đồ sộ đó. Không nghĩ ngợi nhiều, ông nói: "Cùng với thời gian 45 năm ở Huế, thời gian làm bác sĩ tai mũi họng đã cho tôi được nhiều vốn từ. Về sau, trong những cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại với nhiều người già, đã luống tuổi, với nhiều người hiểu biết xứ Huế, chúng tôi cũng đã có dịp gần gũi để thâu nhận các chữ Huế xưa. Khi đã thực sự bắt tay vào công việc viết cuốn từ điển, tôi đã trở về Việt Nam, đi điền dã tại Thừa Thiên-Huế, vào những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nơi những tiếng Huế xưa chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình chuẩn hóa tiếng Việt. Tôi còn phải đọc rất nhiều sách về ca dao, tục ngữ, hò, vè của con dân xứ Huế. Trong đó chúng tôi đã có được các quyển ca dao tục ngữ vô giá của các tác giả JM Nguyễn Văn Thích, Tôn Thất Bình, Triều Nguyên... để lần lượt đưa vào cuốn Từ điển tiếng Huế. Các cuốn từ điển cổ như Từ điển Việt-Bồ-La của Cha cố Alexandre de Rhodes, của Taberd, của Huỳnh Tịnh Của.... đều được chúng tôi rà đi rà lại để tìm các chữ Huế xưa. Tôi cũng không quên đọc các loại sách báo nghiên cứu về ngôn ngữ, về cách dùng từ đương thời. Rồi qua nghiên cứu các địa danh chính tại Huế, những tên gắn liền với Huế với những nơi được nhắc nhở trong các câu ca dao, tục ngữ, câu hò, điệu hát... Hơn thế nữa, một nguồn cung cấp tư liệu dồi dào cho tôi là qua các liên lạc, liên hệ. Rất nhiều người đã lẳng lặng sưu tập và gửi cho tôi như một món quà vô giá".

"Còn thời gian thì tôi chia làm 4 phần trong ngày: 1/4 nghiên cứu, 1/4 hành nghề, 1/4 dành cho gia đình, con cháu, 1/4 để viết cuốn từ điển. Tôi làm rất miệt mài nên không cảm thấy bí bách về thời gian".

Bìa cuốn từ điển.

Có một điều mà ông luôn suy nghĩ, đó là để có được thành công như hôm nay, phải chăng bà cụ thân sinh ra ông đã phù hộ. Bởi vì song hành với sự hoàn thành cuốn từ điển, ông cũng rất thành công trong lĩnh vực y khoa. Trong Hội nghị Quốc tế các nước vùng Á Châu tổ chức tại Jakarta (Indonesia) ông đã đưa ra "Lối tiếp cận của Bùi" (Bùi Approach). Đây chính là phương pháp điều trị nội soi tai.

Rất nhiều nhà nghiên cứu và độc giả khi xem xong cuốn từ điển, đã phải khâm phục trước sự dày công và cách làm việc khoa học của ông. Song ông cũng gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào công việc. Điểm khó khăn nhất mà ông vấp phải sắp xếp chữ theo thứ tự A, B, C, D, bởi bên đó chưa có phần mềm theo ký tự này và ông phải thuê người tạo ra phần mềm này. Để cẩn thận hơn, ngoài bản lưu trên máy tính, ông còn giữ một bản viết tay để đề phòng bất trắc.

Trong sự làm việc miệt mài và công phu, ông Bùi Minh Đức còn gửi gắm vào đó cả tấm lòng mình. Ông không những dồn nhiều tâm sức để sưu tầm tư liệu mà còn đổ nhiều mồ hôi để tìm những lời minh họa, lý giải phù hợp, dí dỏm và cuốn hút. Chính vì thế cuốn Từ điển tiếng Huế của ông không chỉ đơn thuần là một sự giải nghĩa khô cứng mà nó giống như một cuốn "bách khoa toàn thư" về sự liên hệ giữa tiếng nói và nền văn hóa của mảnh đất Cố đô vẫn còn chất chứa đầy những sự bí ẩn thú vị. Trong tương lai, ông còn mong ước, lần tái bản sau cuốn Từ điển này sẽ được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, để không chỉ đời đời con cháu những người dân xa sứ biết, hiểu được ngôn ngữ, nguồn gốc của mình mà cả bạn bè quốc tế cũng dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu mảnh đất được công nhận là Di sản thế giới!  

  • Thục Nhi  

,
,