,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
42384
Họa sĩ Lương Xuân Nhị: "Hội họa hãy bắt đầu từ cuộc sống"
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Họa sĩ Lương Xuân Nhị: 'Hội họa hãy bắt đầu từ cuộc sống'

Cập nhật lúc 17:01, Thứ Tư, 16/04/2003 (GMT+7)
,
Một tác phẩm của hoạ sĩ Xuân Nhị.

Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân - họa sĩ Lương Xuân Nhị, người nổi tiếng với những bức chân dung thiếu nữ và phong cảnh, sinh hoạt mang vẻ đẹp đằm thắm của tâm hồn Việt vừa bước sang tuổi 90. Nhân dịp này, ông đã có cuộc tâm sự về hội hoạ và những suy nghĩ của bản thân với công việc này.

- Một nhà phê bình mỹ thuật Pháp từng viết: "Vẻ đẹp phương Đông hiện lên lung linh trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị", còn họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thì bình luận tại cuộc triển lãm năm 1939 rằng: "Những tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị đứng đắn và xinh, nhẹ nhàng và rất dễ yêu". Vậy thưa họa sĩ, những yếu tố nào đã làm nên phong cách nghệ thuật của ông?

- Ta học theo Âu châu, cách vẽ, cách diễn tả hình khối, ánh sáng, màu sắc theo hiện thực trước mắt đã ăn sâu vào mình khi được đào tạo. Nghệ thuật phương Đông lại bỏ chi tiết, chỉ diễn tả hình sắc theo cách nhìn chủ quan của người họa sĩ. Nắm bắt thần thái của cảnh và người rất tài tình, nét của họa sĩ phương Đông dư dật sự biến hóa khi diễn tả hình khối, màu sắc của muôn người và muôn vật.

Tôi tiếp nhận tất cả, nhưng vẫn tìm một cách vẽ riêng của mình. Ưa thích sự thanh nhã và dịu dàng, tả thực mà không kém vẻ mơ màng, tươi tắn ấn tượng mà không tan nét huyền ảo của cái đẹp thuần Việt.

- Xin ông cho biết thêm về phương pháp làm việc của mình?

- Tôi dành mùa hè để vẽ tranh phong cảnh, bằng chất liệu sơn dầu. Mùa này thời tiết đẹp, những ngày Chủ nhật đi điền dã cho tôi cảm hứng bất chợt trước khung cảnh ưng ý. Tôi thực hiện tác phẩm ngay tại chỗ và hoàn tất bức họa trước phong cảnh thiên nhiên. Dù trí nhớ có tuyệt vời đến đâu cũng không thể và không nên ngồi nhà để vẽ lại phong cảnh qua những ghi chép sơ sài.

- Rất nổi tiếng với tranh chân dung thiếu nữ, ông có những kỷ niệm gì vui?

- Dường như là tôi không còn giữ được những bức đẹp nhất vẽ chân dung thiếu nữ. Ngay khi đang vẽ, đã có người này, nhóm nọ đến xem và đòi mua ngay sau khi tác phẩm đã hoàn thành. Đúng là đã có nét tương đồng giữa người yêu thích hội họa và họa sĩ. Cái nhìn của tôi đã nói thay họ trên tác phẩm khi bày tỏ sự mến chuộng nét đẹp sang nhã, hồn hậu và chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam.

- Sau 70 năm lao động nghệ thuật, ông có điều gì gửi gắm?

- Đó là sự nhất mực của quan niệm, ý tưởng và cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật. Không bao giờ được phép lừa dối lòng mình. Tự dối mình là đã lừa dối và xúc phạm người khác. Đã là nghệ sĩ thì phải giữ thật bền sự tôn thiêng cho nghệ thuật.

Còn nói về nghề, chính là tôi đã học được nhiều nhất từ cuộc sống của con người và thiên nhiên muôn màu của đất nước chúng ta. Tôi tìm thấy luật bố cục trong cấu trúc mạch lạc của núi non, cây cỏ sông suối, cánh đồng. Tôi tìm thấy tình cảm tôi trong màu sắc của tự nhiên mà chẳng cần phải thêm bớt gì cho nó. Hội họa của tôi đồng nhịp với đời sống đất nước, giữ lại cái đẹp của mọi thời.

- Ở tuổi 90, khi sức khỏe vẫn còn và trí tuệ còn minh mẫn, bút lực vẫn dồi dào, ông có ao ước gì về sáng tác?

- Tôi chỉ muốn ngồi lên chiếc xe đạp thuở nào, đạp xe nhanh nhẹn, trẻ trai, lòng rộn lên niềm vui và xúc cảm sáng tác. Lúc ấy, tôi có dịp nhìn lại "đồi cọ xưa, bờ giếng ấy". Cái nhìn xanh trẻ lại với bờ tre, ao làng và mơ màng giữa sương mù vây phủ những ngọn núi mầu lam. Lại vẽ những thiếu nữ bây giờ trong bút pháp mạnh mẽ, phóng khoáng mà vẫn hài hòa thanh nhã và tinh tế khi đặt những sắc màu rực rỡ, tương phản bên nhau trong một bức tranh...

Nhắc đến Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân - họa sĩ Lương Xuân Nhị, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới những bức chân dung thiếu nữ và phong cảnh, sinh hoạt mang vẻ đẹp bình dị, đằm thắm của tâm hồn Việt. Ngay khi còn đang học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã giành các giải Bạc (1935), Vàng (1936) và Ngoại hạng (1937) của Hội khuyến khích Mỹ thuật Mỹ nghệ Đông Dương. Năm 1938, tác phẩm lụa Quán nước của ông được Viện bảo tàng World Headquarters New York sưu tầm. Trong rất nhiều năm, ông còn trực tiếp tham gia giảng dạy và là giáo sư có uy tín tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 1990 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) và có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam.

(Theo TTVH)

,
,