,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
28941
Điện ảnh đương đại Việt Nam - Vì sao quá tệ?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Điện ảnh đương đại Việt Nam - Vì sao quá tệ?

Cập nhật lúc 09:44, Thứ Ba, 11/03/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Không biết bao nhiêu tỷ đồng của Nhà nước đã đổ vào ngành điện ảnh, nhưng như chúng ta đã biết, ngoài một vài bộ phim gây được dư luận xã hội, đa số các bộ phim còn lại đều được hoàn thành rồi cất vào kho lưu trữ. Cá biệt có bộ phim trình chiếu ở TP.HCM trong ba ngày và nhân viên coi rạp ngán ngẩm đếm được vài ba người đến xem. Điều gì đã khiến những bộ phim đó ngốn tiền của nhà nước một cách vô ích như thế? VietNamNet hy vọng cùng các bạn lý giải được phần nào thực tế này.

Một cảnh trong phim ''Gái nhảy'' - bộ phim đang gây nhiều tranh cãi

Kỳ I: Ôi, diễn viên!

Không thể phủ định rằng chúng ta từng có và đang có những diễn viên điện ảnh rất tài năng, nhưng có lẽ đa số những người trong số các diễn viên hiến mình trọn vẹn cho nghệ thuật ấy đều thuộc thế hệ đi trước. Các diễn viên hiện nay bị chi phối quá nhiều vì những thứ nằm ngoài nghệ thuật. Các đạo diễn hay nói đùa nhau rằng nếu công chúng có điều kiện tới xem khi đang đóng phim thì không bao giờ họ còn kéo đến rạp nữa.

Việc các diễn viên không thuộc lời thoại, hành động là chuyện hết sức bình thường. Người thì đang đóng nửa chừng bỗng nhiên giở chứng đòi "cát-xê" cao hơn vì trong kịch bản có một cảnh phải... lội ruộng, người thì cứ để mặc cả đoàn phim chờ đợi, cô thích đến đóng vào lúc mấy giờ thì đến vì "ngôi sao" của cô vẫn chưa thức mà... Nhưng ngay cả khi các đạo diễn phải "mắm môi, mắm lợi" chiều chuộc các "ngôi sao" để bộ phim hoàn thành đúng tiến độ thì hầu như các bộ phim vẫn thất bại. Những cảnh diễn vụng về đầy ắp trong các bộ phim. Như vậy dù các diễn viên có được chiều chuộng "tới bến" thì họ vẫn diễn rất gượng gạo. Đây là cả câu chuyện dài chưa có đoạn kết.

Thế hệ diễn viên vàng của nghệ sĩ Trà Giang dường như khó có thể xuất hiện trở lại. Ngay bây giờ các sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh (SKĐA) cũng không có nổi một mơ ước nghệ thuật. Mỗi sinh viên trước khi thi vào khoa Diễn viên đều có một "tâm nguyện" khá tức cười về điện ảnh. Họ hầu như không có một khái niệm rõ ràng gì về nghề nghiệp mà họ lựa chọn.

Trong các buổi giảng đầu tiên, các thầy thường hỏi sinh viên mới câu hỏi "Tại sao em thi vào trường này?". Người thì thích được đi nhiều nơi, người thì thích được nhiều người chú ý, người thì thích luôn luôn được mặc quần áo đẹp!, người thì do... thi trượt trường khác... Tóm lại là tất cả những "động lực" ngộ nghĩnh nhất. Nhưng cũng có sinh viên trả lời là vì "Em yêu nghệ thuật, yêu phim ảnh". Nhưng khi hỏi tiếp là vì sao em thích điện ảnh thì được trả lời là vì... em rất mê diễn viên điển trai X.

Điều này có lẽ trách nhiệm không chỉ thuộc về trường SKDA vì sự "xã hội hoá" quá ít của nghề nghiệp này. Hầu như học sinh nộp hồ sơ thi vào trường đều không biết rõ ràng "mơ ước" của mình. Tuy vậy, điều dó lại cho chúng ta một ''chứng cứ" rõ ràng rằng những bộ phim đã công chiếu không để lại một ấn tượng nghệ thuật nào ngoài một vài khuôn mặt "điển  trai", "xinh gái" nào đó. Xin đừng "tấn công" nhận xét này vội vì nếu vậy bạn phải đưa ra một bộ phim hiện đại mà ngay cả trong nghề lẫn công chúng đều "tâm phục, khẩu phục". Điều đó bạn chỉ có thể tiếp tục chờ đợi.

Nhưng cho dù các "mần non" diễn viên không ý thức được mình sẽ được ươm trồng trong "điều gì" thì trường SKĐA vẫn có thể tạo ra những diễn viên thực thụ vì đó là chức phận và lý tưởng của nghề dạy học mà. Nhgệ thuật chỉ cần một giọt "trời cho", còn lại là học hành, lao động. Tuy nhiên việc đào tạo diễn viên ở đây cũng lại là một "con đê" chắn không cho dòng sông điện ảnh phát triển.

Ngoại trừ ít ỏi những khoá Diễn viên Điện ảnh gắn liền với tên tuổi của NSND Trà Giang, NSUT Thanh Quý, thì trường SKĐA chỉ có khoa đào tạo diễn viên dành cho sân khấu. Như vậy không biết bao nhiêu thế hệ diễn viên học sân khấu ra và đi đóng phim! Chúng ta không biết có bao nhiêu bộ phim do các diễn viên sân khấu thủ vai nhưng con số đó có thể chiếm 95% các bộ phim gần đây. Đạo diễn Trần Lực nói rằng hầu hết các diễn viên trong những phim anh đạo diễn đều là các diễn viên... nhà hát kịch, hay ở những nhà hát khác... Hai thể loại nghệ thuật với cách biểu cảm, hành động, cốt truyện hoàn toàn khác nhau, thậm chí cả công chúng cũng khác... đã được cùng một "chủ thể" - tức là các diễn viên trình diễn. Mà sự "nhập vai" của các diễn viên hiện đại luôn là bài toán mà hầu như không đạo diễn nào giải nổi ngoài cách ''chặc lưỡi" cho qua!

Trường SKĐA là một trường năng khiếu nên các "giáo trình" học (chuyên môn) tuỳ vào thầy đến giảng cũng là điều dễ hiểu. Những diễn viên có kinh nghiệm cũng được mời đến giảng. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng những diễn viên ấy nếu đã từng là sinh viên của trường thì họ cũng có kinh nghiệm của một diễn viên sân khấu đi đóng phim chứ không phải kinh nghiệm của một diễn viên điện ảnh. Như vậy, thật khó cho những sinh viên non nớt có thể học được nhiều kỹ thuật nhập vai của một diễn viên điện ảnh thực thụ.

Chúng ta có thể nói rằng nếu tài năng thực sự thì học diễn viên sân khấu cũng có thể thành ngôi sao điện ảnh được. Vâng, tất nhiên là thế. Nhưng có ai có thể chỉ ra được những diễn viên tài năng ấy "đang ở đâu" và "làm gì" trong đời sống điện ảnh hiện đại? Để những mầm non diễn viên của điện ảnh đâm chồi, trổ lá rồi sẽ đơm hoa kết trái theo đúng lý tưởng của nghệ thuật điện ảnh thì trường SKĐA cần phải có một khoa thực sự, chuyên nghiệp dành đào tạo diễn viên điện ảnh. Tuy vậy chúng ta cũng thận trọng vì có một khoa chuyên biệt như vậy thì không có nghĩa là điện ảnh sẽ đỡ nhạt hơn? Điều đó còn phụ thuộc vào những điều gì?

  • Phương Thảo
    (Kỳ II: Nỗi buồn kịch bản)
,
,