,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
25859
NSND Đặng Nhật Minh: ''Điện ảnh cũng mang tình trạng công chức''
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

NSND Đặng Nhật Minh: ''Điện ảnh cũng mang tình trạng công chức''

Cập nhật lúc 09:52, Thứ Bảy, 01/03/2003 (GMT+7)
,

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Vẫn luôn được nhắc tới nhờ sự thành công của hàng loạt phim truyện nhựa cả trước lẫn thời gian gần đây như Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi... đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã quyết định từ giã điện ảnh ở vai trò công chức. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ làm đạo diễn - vai trò quen thuộc của ông - nếu được mời. 46 năm theo nghề, rất nhiều chuyện để ông chia sẻ với khán giả.

- Cuối cùng thì anh đã trở thành một cán bộ hưu trí, không nấn ná, không xin xỏ để ở lại như khá nhiều người. Anh đã về hưu đúng hạn trong khi lòng say mê điện ảnh trong anh vẫn không hề giảm sút.

- Lẽ ra 30 tuổi làm dở thì có quyền bảo anh nên nghỉ, nhưng 70-80 mà làm tốt thì cứ để cho anh làm. Bây giờ biên chế quy định là 60 mới về hưu, cho nên chưa đến 60 tuổi là người ta chưa về. Trong điện ảnh cũng mang tình trạng công chức ấy. Tôi làm phim dở nhưng tôi chưa đến 60 tuổi thì anh phải cho tôi làm, trừ phi tôi làm phim sai chính trị. Chưa 60 tuổi là tôi chưa về, anh phải giao việc cho tôi, anh không giao là anh vi phạm Luật Lao động. Cho nên phim của chúng ta là phim được làm bởi các nghệ sĩ công chức.

- Mọi người có biết đó là vô lý không?

- Quá quen nên không còn biết là vô lý mà coi đó là điều đương nhiên.

- Thế là mọi chuyện bàn bạc làm thế nào để có phim hay bỗng nhiên trở thành vô bổ?

- Vô bổ. Cái cơ bản nhất là biến người nghệ sĩ thành công chức. Do đó nó loanh quanh, công chức này về hưu thì mới đến công chức khác thay thế, cho nên tất cả loay hoay chỉ có từng ấy gương mặt thôi. Suốt ngày báo chí nói, tại sao phim không ăn khách, tại sao lại thế này, thế rồi điện ảnh Việt Nam đang loay hoay, thế rồi lại khởi sắc... Tôi nghe cái từ khởi sắc này cách đây 30 năm. Từ ngày đầu tiên do Giám đốc Vũ Văn An, lúc ấy dùng cái từ khởi sắc, ''điện ảnh Việt Nam chúng ta đang khởi sắc''. Thế nhưng khởi mãi chưa nhuận, khởi xong một tí nó lại thôi không khởi là vì cái kiểu làm phim như thế này.

- Anh có buồn khi cơ chế nước ta sẽ chuyển động nhanh hơn, mạnh hơn nhưng anh đã thành một ông già hưu rồi, không được tham gia vào cơ chế mới?

- Việc này là đương nhiên, tôi đã làm công chức đến tuổi thì phải về hưu. Còn chuyện vận hành mới này không liên quan đến chuyện về hưu hay không, đã là anh nghệ sĩ thì hưu hay không, không quan trọng. Anh là nghệ sĩ, anh có kịch bản hay, có hãng tin cậy anh, mời anh, họ không bị cấm không được mời cái ông này vì ông ấy về hưu rồi. Có những chất xám 70-80 tuổi, người ta vẫn muốn dùng, nhưng có chất xám U40 thì không ai muốn vì anh dở, người ta không mời. Đấy là sinh hoạt bình thường của đời sống điện ảnh thế giới.

- Thực ra hiện nay mình thiếu một môi trường điện ảnh đích thực, hiện đại?

- Một môi trường, một không khí để cho những cái mầm mọc lên. Và cái mầm đó là phải đi kiếm cơ, chứ không phải là nó tự nhiên có như không khí. Tôi ở ngành điện ảnh 46 năm, từ một anh phát hành phim, dịch phim, rồi làm đối ngoại phát hành phim, rồi đến trường Sân khấu - Điện ảnh ngồi dịch tài liệu làm bài giảng. Nhiều thầy cầm bản dịch của tôi đọc trước, sau lên lớp đọc đúng như thế, nhưng bản thân tôi lại không có quyền đi giảng. Có những lớp đạo diễn tổ chức ''chui'' ở nhà riêng mời tôi dạy, và tôi đồng ý mà không lấy tiền.

- Anh có thể nói một chút về cuộc đời mình trong điện ảnh?

- Tôi là một trường hợp đặc biệt. Tôi vào điện ảnh là do ông cụ tôi mất nên người ta cho tôi thoát cái nghề phiên dịch để thành đạo diễn điện ảnh. Nếu ông cụ tôi không mất và tôi không trở thành con liệt sĩ thì tôi vẫn còn là anh cạo giấy ở phát hành phim. Mà tôi đi vào điện ảnh không học gì cả. Lý do là, khi bắt đầu trở thành con liệt sĩ thì lập tức tôi được ưu tiên. Tổ chức cử tôi sang Liên Xô học điện ảnh. Nhưng tôi không đi vì vợ tôi lúc ấy mới sinh con. Tôi không thể đi khi trên đầu đầy khói B52, dù sang ''thiên đường của trái đất'' như hồi đó gọi Liên Xô. Vì thế, tôi từ chối. Tôi cũng cảm thấy việc tôi đi nước ngoài ngày ấy giống như sự đổi bằng máu của bố mình. Và tôi đã không đổi. Đến giờ tôi không ân hận gì về quyết định đó. Nếu những ngày đó tôi không có mặt ở đây có lẽ phim của tôi đã khác.

(Theo An Ninh Thế Giới)

,
,