221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
937926
Sao Mai 2007 khu vực miền Nam: Nhạc nhẹ bại bất ngờ...
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Sao Mai 2007 khu vực miền Nam: Nhạc nhẹ bại bất ngờ...
,

(VietNamNet)- TP.HCM được coi là “thánh địa” của nhạc nhẹ Việt Nam nhưng những gì diễn ra tại đêm chung kết Sao Mai 2007 tối qua đã khiến nhiều người thất vọng, nhất là mảng nhạc nhẹ

 > Sao Mai 2007 miền Trung– Tây Nguyên: Thính phòng lại lên ngôi

Nhạc nhẹ miền Nam “thất thủ”

Có đến 7 thí sinh được chọn vào thi đêm chung kết thuộc phong cách nhạc nhẹ, nhưng cuối cùng ban tổ chức cũng chỉ chọn được 3 gương mặt nổi trội hơn các thí sinh còn lại để đi tiếp vào vòng sau.

Trong 3 thí sinh thì có 2 gương mặt của TP Hồ Chí Minh, cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những thí sinh này cũng chưa bộc lộ được “cá tính” riêng của mình, mà trong nhạc nhẹ yếu tố đó vô cùng quan trọng.

Thủy Tiên được đánh giá là “ổn” nhất khi chọn Trái cam mặt trời (Nguyễn Cường) đem ra thi thố. Nhưng cái bóng của Vương Dung – giải nhất Sao Mai dòng nhạc nhẹ 2005 quá lớn, nên Thủy Tiên cũng chưa vượt qua được. Ưu điểm của Thủy Tiên là làm chủ sân khấu và diễn khá “lửa”, kinh nghiệm của lần thứ 3 tham gia Sao Mai đã giúp cô ghi điểm ở điều này.

Thùy Dung gợi nhớ đến Thanh Lam khi cô chọn một bài của “cặp bài trùng” Thanh Lam – Lê Minh Sơn (Sau bão). Giọng  Thùy Dung khá tốt và hát có cảm xúc là ưu điểm lớn nhất. Nhưng Dung cần phải tìm cho mình một lối đi riêng, bởi sự bắt chước sẽ dễ gây phản cảm.

Hoàng Nghiệp (Cần Thơ) có vẻ được các khách mời khen khi hát lại Người đàn bà hóa đá (Trần Lập) mà một thí sinh khác vừa hát trước đó. Nhưng lời khen này có thể là do “ưu ái” vì các khách mời đã chê những thí sinh hát trước rất nhiều. Nhưng ngay cả cách ăn mặc chải chuốt, bóng bẩy của anh đã khiến người ta nghĩ ngay đến các ca sỹ nhạc Pop, chưa nói đến giọng hát cũng chưa chạm đến điểm cơ bản của rock chứ đừng nói là một rock cơ “chính hiệu”.

Khá tiếc cho Sài Gòn vì có nhiều giọng hát hay nhưng đã không thấy xuất hiện tại cuộc thi này, cũng như những thí sinh được chọn vào chung kết toàn quốc không thể phản ánh được sự phát triển mạnh mẽ của nhạc nhẹ Sài Gòn. Và như vậy, nếu so sánh giữa Hà Linh (miền Bắc) và Thủy Tiên (miền Nam), rõ ràng Linh hát “văn minh” hơn và “tròn, đầy” hơn Thủy Tiên rất nhiều.

Các phong cách âm nhạc còn lại cũng không mấy thuyết phục. Hai thí sinh dòng thính phòng được chọn vào vòng trong thay vì 3 chỉ tiêu như dự kiến phản ánh đúng thực lực của các giọng hát miền này. Ba thí sinh của phong cách âm nhạc dân gian cũng chỉ là những giọng hát bẩm sinh mà chưa hề có những sự dàn dựng, đầu tư cho tiết mục dự thi, chưa nói đến kỹ thuật thanh nhạc và sự sáng tạo cần thiết để làm mới những ca khúc đã cũ rích mà người nghe cảm giác như “bị tra tấn” trong các cuộc thi hát nhiều năm nay.

“Biết rồi, khổ lắm….”

Danh sách các thí sinh khu vực miền Nam được chọn vào vòng chung kết toàn quốc Sao Mai 2007:

Phong cách thính phòng, cổ điển:

1. Lê Viết Hoàn (TP Hồ Chí Minh)

 2.  Nguyễn Duy Thiện (TP Hồ Chí Minh)

Phong cách dân gian:

1.  Nguyễn Đức Quang (Bình Phước)

2.  Lương Viết Quang (TP Hồ Chí Minh)

3. Ngô Văn Hậu (Trà Vinh)

Phong cách nhạc nhẹ:

1. Nguyễn Ngọc Thủy Tiên (TP Hồ Chí Minh)

2. Hoàng Thị Thùy Dung (TP Hồ Chí Minh)

3.Trần Hoàng Nghiệp (Cần Thơ)

Đó là việc chọn bài. Câu chuyện đã không còn đơn giản là việc các thí sinh “chưa có kinh nghiệm” mà là nhận thức của các thí sinh về các dòng nhạc mà họ định hát. Lần đầu tiên trong lịch sử giải THTH Sao Mai, trong một đêm chung kết có đến 3 cặp thí sinh hát bài trùng nhau, lại là những bài “muôn năm cũ”. 

Hôm nay các khách mời ở trường quay S1 trong tất cả các lần xuất hiện họ đều nói về vấn đề chọn bài của các thí sinh. Hầu như chỉ có vài thí sinh chọn bài đúng giọng hát, đúng phong cách âm nhạc mà mình đăng ký với ban tổ chức.

Có những bài “lưỡng tính” rất khó để đem ra thi thố như Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý) hay Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ) vì nó lấp lửng giữa dân gian và thính phòng. Và vì vậy, nếu dùng kỹ thuật thanh nhạc để hát tốt thì nó sẽ sang thính phòng, và ngược lại nếu hát kiểu dân gian thì lại không “đóng” được những “nốt” đúng cao độ, mà trong tất cả các lần thi Sao Mai mới có Tân Nhàn thành công với Xa khơi và Lan Anh chinh phục được khán giả qua ca khúc Mẹ yêu con.

Các thí sinh tham dự dòng dân gian ngoại trừ Ngô Văn Hậu hát Bài ca đất Phương Nam (Lưu Nhất Vũ) và Kim Thu Mai hát Trở lại Bạc Liêu (Vũ Đức Sao Biển) là đúng chất dân gian. Nói các ca khúc còn lại khai thác chất liệu dân gian thì chính xác nhưng để hát được “ra chất” những ca khúc đó, một thí sinh dự thi Sao Mai không chưa đủ “trình” để thể hiện điều đó.

Những ca khúc như Mái đình làng biển (Nguyễn Cường), Hồ trên núi (Phó Đức Phương) trở nên nổi tiếng là do Mỹ Linh và Thanh Lam hát. Do vậy, các thí sinh cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, chứ không phải là cứ thích là hát.

Khép lại đêm chung kết khu vực miền Nam chỉ với 8 thí sinh được chọn đi tiếp vòng sau, chứng tỏ các thí sinh khu vực này có chất lượng chuyên môn “kém nhất” so với hai khu vực miền Bắc và miền Trung  Tây Nguyên, nhất là mảng nhạc nhẹ. Đó cũng là điều đáng buồn mà những người “làm nghề” không thể không suy nghĩ.

  • Bài, ảnh: Việt Tùng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,