Văn học dịch Trung Quốc qua góc nhìn của nhà văn trẻ
15:50' 17/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) -  Dường như độc giả Việt Nam hiện nay không có thời gian để đọc các tác phẩm văn học, nhưng chỉ cần có người mách cuốn này hay, cuốn kia được là nhao đi tìm mua, và thật lạ, văn học dịch Trung Quốc lại được họ quan tâm nhiều nhất. Còn đối với một số nhà văn, nhà thơ "thế hệ @" thì sao? Họ quan tâm và cảm nhận thế nào? VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn đối với họ.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Qua sách báo, tôi biết đến tên tuổi 5 nhà văn nổi tiếng Trung Quốc: Trì Lợi, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Vương An Ức, Nhị Nguyệt Hà, nhưng tác phẩm của các tác giả này được dịch chưa nhiều.

Tôi đã thử kiên nhẫn đọc “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn, và cuối cùng cũng đi được 1/2 cuốn. Các cuốn sau  như “Đàn Hương hình” hay “Cây Tỏi nổi giận” tôi có mua, nhưng có lẽ phải đợi một thời gian thích hợp để tiêu hóa chúng. Chính nhà văn này đã trả lời phỏng vấn tờ “Thanh niên Trung Quốc” như sau: “...truyện ngắn của tôi dù có đeo cho nó hoa gì đi nữa, thì cũng chỉ là truyện củ khoai...”. Tôi nghĩ, mặt tích cực qua những tác phẩm của Mạc Ngôn là chỉ cho ta thấy nhà văn có thể vạm vỡ hóa hiện thực đến đâu, và thứ hai là rèn luyện tính kiên nhẫn cho độc giả.

Sách của Giả Bình Ao, tôi cũng chỉ xem lướt trên các giá sách. Quỳnh Dao cũng vậy. Sách của Kim Dung được in lại nhiều, tôi thích Kim Dung không phải vì văn học, mà vì các nhân vật.

Trái lại, “Điên cuồng như Vệ Tuệ” lại cuốn hút tôi đến mức đọc liền một mạch, sau đó đọc lại lần hai những truyện tôi thích. Đối với Vệ Tuệ - tác giả của cuốn sách, tôi cũng được biết một chút thông tin qua mạng Internet, và điều đó không quan trọng lắm, nhưng thông qua tác phẩm, tôi thấy đó là những suy nghĩ gần gũi với thế hệ trẻ Việt Nam. Cách viết của tác giả này (thông qua bản dịch) có thể không lộng lẫy, nhưng đủ sức để đưa ta đi vào cánh cửa của giới trẻ đương đại. Điều quan trọng nhất, đối với cá nhân tôi, là những tác phẩm đó đã kích thích tôi. Có thể là tôi, hoặc có thể một nhà văn trẻ khác, sẽ viết về giới trẻ Việt Nam đương đại, không quá già nua lẩm cẩm như một số truyện đã được trao giải hoặc đăng báo, cũng không phải những tâm tình nhăng nhít kiểu học trò. Và đối với nhà văn trẻ cũng như già, tác phẩm sẽ là sự biện minh cho anh ta. Ngẫm đến ta, tôi hân hoan vì sự sống lại của các tiểu thuyết nội địa do Hồ Anh Thái, Chu Lai, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh... sáng tác.

Nhà văn trẻ Phong Điệp.

Nhà văn trẻ Phong Điệp: Gần đây, bên cạnh những tác giả đã ổn định tên tuổi như Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện... văn học Trung Quốc đã xuất hiện một trào lưu văn học mới với những "nữ quái" như Vệ Tuệ, Cửu Đan... Tất nhiên không thể so sánh sáng tác của các cây bút nữ này với Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện... vì chắc sẽ tạo nên sự khập khiễng, nhưng phải công nhận những đóng góp của các nữ nhà văn này trong cái mà tôi tạm gọi là sự cởi mở, sự mạnh dạn đến mức táo bạo khi đề cập đến những vấn đề đời sống hiện đại ở những khía cạnh gai góc, đã khiến cho đời sống văn học thêm phần sôi động. Bỏ qua những yếu tố thuộc về phạm vi sex như lâu nay người ta hay bàn luận, thì những truyện của Vệ Tuệ, Cửu Đan... khiến chúng ta phải giật mình. Bởi những tác phẩm này đã lột trần được chân thực đời sống của một lớp thanh niên trẻ hiện nay. Họ cũng có những nỗi đau khổ, dằn vặt và có những khát vọng của mình. Chỉ riêng việc phản ánh được chân thực đời sống của lứa thanh niên ấy, thì tác phẩm văn học theo tôi là rất đáng trân trọng và đáng đọc. 

Tôi thấy hiện nay nhiều tác phẩm văn học vì sao thiếu tính thuyết phục đối với độc giả, một lý do quan trọng là sự thiếu chân thật của người viết trong những tác phẩm đó. Sự thiếu chân thực này bộc lộ ở rất nhiều điểm, thiếu chân thực trong cảm xúc, thiếu chân thực trong đời sống của truyện... Vì vậy nó khiến cho các tác phẩm văn học trở nên hời hợt, nhạt nhẽo, thiếu sinh khí. Tôi rất thích ví dụ của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hòa trong một cuộc hội thảo văn học cho thiếu nhi. Anh cho rằng, lâu nay nhiều người viết cho các em trong vai trò của một "người cảnh sát". Nghĩa là bảo rẽ thì các em rẽ, bảo các em dừng thì các em dừng, chứ chưa quan tâm xem các em thật sự muốn rẽ hay muốn dừng. Tôi nghĩ đây không chỉ là căn bệnh của riêng người viết cho thiếu nhi. Nếu khắc phục được nhược điểm này, tôi chắc sẽ có nhiều tác phẩm văn học trong nước không thua kém gì so với văn học Trung Quốc. 

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quyến,

Nhà thơ Nguyễn Quyến: Tôi biết rất ít về văn học Trung Quốc hiện đại. Nhưng những gì tôi biết qua các bản dịch gần đây thì đó thực sự không phải là những đại diện của nền văn học Trung Quốc. Có lẽ do lỗi của các dịch giả chăng?

Những năm sáu mươi, thế giới ngỡ ngàng với những bài thơ bí hiểm của cái gọi là thơ "mông lung", nhưng sau đó, sự tẻ nhạt và vô nghĩa đã lộ ra khỏi những bí mật đó. Các nhà thơ Trung Quốc bấy giờ, dưới sức nặng của cách mạng văn hóa, đã chọn cho mình lối cảm xúc thật an toàn. Gần đây, các dịch giả tiếng Trung cũng tạo ra một "cơn sốt" tiểu thuyết Trung Quốc hiện đại. (Điều đáng trách các dịch giả của chúng ta là, nếu họ bỏ công ra dịch ai đó thì họ sẽ cho người đó là nhất). Thật nực cười và ngây ngô khi sách của Mạc Ngôn cũng tạo ra "mốt" đọc sách của một số người đọc. "Báu vật của đời" một cuốn sách dùng những hình tượng tượng trưng ngờ nghệch, nhưng lại làm một số người thích vì kiểu ám chỉ và ngôn ngữ dung tục... Một số dịch giả đang chạy theo những cuốn sách ăn khách tại Trung Quốc, mà Mạc Ngôn là một ví dụ.

Theo tôi, nếu muốn nhắc đến văn học hiện đại Trung Quốc thật sự (tất nhiên là trong tiếng Việt, phần còn lại phải chờ các dịch giả tâm huyết hơn thôi), phải nhắc đến hai cuốn tiểu thuyết sau: "Một nửa đàn ông là đàn bà" của Trương Hiền Lượng và "Linh sơn" của Cao Hành Kiện. Với Trương Hiền Lượng, người đọc thấy nỗi khắc khoải và sự cố gắng "không thể thành người". Dãy dụa trong sự bức bối đó, tính cách con người do không có gốc (ở đây Trương Hiền Lượng cho rằng, đời sống xã hội khi đó đã không tạo ra cho con người một nền tảng nhân cách vững chắc), đã không thể phát triển được... Cuốn thứ hai được nhắc đến không phải vì Cao Hành Kiện được giải Nobel, mà là "Linh sơn" là cuốn sách tiêu biểu cho sự tìm kiếm bất lực của các nhà văn Trung Quốc hiện đại. Chính Cao Hành Kiện cũng phải bất ngờ khi Viện Hàn lâm Thụy Điển lại chọn cuốn sách này để trao giải. "Linh sơn" được viết dưới bóng của cuộc hành trình Tây du ký, trong đó những trở ngại khó khăn, những "yêu tinh" cản lối được "gán" cho những bất công, khắc nghiệt của xã hội. Con người "tản mạn" không thể tìm thấy chân tính. Sự loay hoay không tìm thấy lối thoát của "Linh sơn" có thể tìm gặp ở các nhà văn châu Á. Nếu chỉ nhìn vào những gì đã dịch sang tiếng Việt, thì tôi nghĩ rằng văn học hiện đại Trung Quốc vẫn tạo ra cho người đọc một câu hỏi (Giống như câu hỏi mà các nhà văn châu Âu khi nhắc đến văn học Mỹ): Liệu Trung Quốc thực sự có một nền văn học hiện đại hay không?.

  • Trần Mạnh Hào (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
“Hồn nhiên tiếng hát đồng dao” cho mùa hè (17/05/2004)
Triển lãm "Thế giới tuổi thơ" lần thứ VII (17/05/2004)
''Một góc cười duyên'' đến với Phú Quốc (15/05/2004)
''Cuộc sống của làng chài Cửa Vạn... '' (14/05/2004)
Công bố tư liệu quý về Conan Doyle (14/05/2004)
Nhạc cổ điển + jazz =... (14/05/2004)
“Dân dã''… ba khía (13/05/2004)
''Symphony of Style'' - thời trang Anh - Việt (12/05/2004)
Cựu TT Bill Clinton xuất bản hồi ký (12/05/2004)
Lễ hội Ẩm thực Israel tại Hà Nội (12/05/2004)
Lễ hội ngàn hoa (11/05/2004)
Triển lãm bản in cổ nhất thế giới (10/05/2004)
Nguyễn Thi - tháng Năm còn nhớ mãi (10/05/2004)
Chuyện những danh trà Trung Quốc (10/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang