Không "gay", phim không hay?
14:11' 15/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trên màn ảnh lớn và sắp tới đây sẽ là màn ảnh nhỏ, xuất hiện liên tiếp các nhân vật đồng tính luyến ái, một hiện tượng chưa từng có của phim ảnh Việt Nam.

Mỗi phim "Gay" một kiểu

Nhân vật đồng tính được khán giả biết đến nhiều nhất hiện nay chắc chắn thuộc về vai má mì trong hai phần của phim Gái nhảy do hai diễn viên hài Anh Vũ và Minh Nhí thể hiện. Và cũng có thể má mì kia là "nguồn cảm hứng" để các đạo diễn khác mạnh dạn đưa vào phim của mình dạng nhân vật nhạy cảm này. Quả thực là như vậy. Trong kịch bản gốc của phim Công ty thời trang, nhân vật nhà thiết kế trẻ tên Dũng là một người bình thường, nhưng đến tay đạo diễn Đinh Đức Liêm thì anh đã đề nghị biên kịch Thu Phương biến Dũng thành một tay đồng bóng cho thêm phần hấp dẫn!                                                                                          

Nhân vật Khoa trong Những cô gái chân dài.

Cũng cần phân biệt phim về người đồng tính và phim có nhân vật đồng tính. Cho tới thời điểm này thì những phim đã chiếu lẫn đang thực hiện ở ta đều thuộc dạng thứ hai. Ngay cả bộ phim truyền hình đang quay Một thế giới không có đàn bà chuyển thể từ một tiểu thuyết viết về giới đồng tính cũng không phải là phim về người đồng tính. Họ chỉ mượn các vụ án của những con người trong thế giới ấy để làm phim... hình sự (nằm trong loạt phim Cảnh sát hình sự của VFC), nên cái tên phim rất "gợi" hiện tại cũng chỉ là tạm gọi.

Trong bộ phim Công nghệ lăng xê cũng có một nhân vật "ưỡn ẹo" là chuyên viên make-up A Lý của nhóm bầu sô Lâm Đại. Tuy hình tượng nhân vật khá giống má mì của Gái nhảy, song sự xuất hiện của A Lý lại hợp lý hơn nhân vật Khoa trong Những cô gái chân dài. Nhiều người đã đặt dấu hỏi: phải chăng vì sức thu hút của vai diễn đồng tính mà đạo diễn (kiêm biên kịch) bộ phim này đã đưa nhân vật Khoa vào để "yêu" vai chính Hoàng, bất chấp sự khiên cưỡng khi Khoa chẳng ăn nhập gì với chuyện phim. Duy có cái mới là Khoa không thoa son, trát phấn, thiên về nữ tính như các nhân vật kể trên mà mang vẻ ngoài khá nam tính. Đến đây, chuyện không chỉ là đưa họ vào phim mà các nhà làm phim thể hiện cái nhìn của mình về những người đồng tính như thế nào.

"Nóng" nhưng đầy nhạy cảm

Điện ảnh các nước đã khai thác đề tài này khá nhiều, dĩ nhiên ở cả hai dạng đã nói trên. Và cho dù nhân vật đồng tính có xuất hiện thoáng qua trong vài cảnh, họ cũng sẽ tạo cho vai diễn đó ít ra là một chút hài hước, chứ không hề áp đặt cái nhìn xa cách, kỳ thị (dĩ nhiên cũng có những phim xem người đồng tính như những kẻ xấu xa). Đây chính là điều đáng để các nhà làm phim Việt Nam học tập, bởi nhìn lại các vai đồng tính trên phim lâu nay, hầu hết nếu không dữ dằn, xảo quyệt thì cũng đồng bóng tầm thường. 

Vai Hoàng "hoàng tử" trong Một thế giới không có đàn bà.

Nhưng có lẽ đấy là chuyện của những phim sắp tới, vì phim ảnh trong nước hiện vẫn mới ở bước tiếp cận với đề tài này, thậm chí tiếp cận khá e dè bởi đây là một trong những vấn đề nhạy cảm của xã hội Á Đông (gần đây, bộ phim Girlfriend của Ấn Độ về một nhân vật đồng tính nữ đã bị người theo đạo Hindu cực lực lên án). Tuy xã hội đã dần quen với sự hiện diện của những nạn nhân của tạo hóa trớ trêu, nhưng sự xuất hiện của họ trên phim ảnh lại là chuyện khác. Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng đón nhận cách làm phim khốc liệt về người đồng tính, thế nên một cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những giằng xé trong đời sống tâm lý của họ sẽ là hướng khai thác được nhiều người xem chấp nhận.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có ý định chuyển thể tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà thành phim nhựa. Biên kịch Trần Thùy Linh cho biết, thời gian tới có thể chị sẽ bắt tay viết một kịch bản về đề tài người đồng tính. Về phía công chúng, khi phim Một thế giới không có đàn bà đang tìm diễn viên vào vai đồng tính, đã có nhiều người của giới này ngỏ lời muốn đóng. Và có cả chuyện khán giả viết thư về Hãng phim Truyền hình TP.HCM xin cung cấp những địa chỉ mà giới đồng tính hay tụ tập để các nhà làm phim đi thực tế, sau khi đề nghị hãng này làm phim về "gay"! Quả thật, đây là một đề tài "nóng".

Nhưng không phải vì đời sống nội tâm của người đồng tính luyến ái có rất nhiều điều để khai thác mà các nhà làm phim đẩy nó lên thành một đề tài ăn khách để tận dụng. Bởi nó thực ra cũng chỉ là một trong vô vàn đề tài. Phim ảnh muốn hay, muốn ăn khách không cứ phải bám vào người đồng tính!

  • Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Keira Knightley đoạt danh hiệu: Người trẻ tuổi tài năng nhất (15/07/2004)
Cười với "Cô nàng quyến rũ" (15/07/2004)
Tarzan trở lại (14/07/2004)
“Thợ Săn Siêu Hạng” = "X-Men" + "Van Helsing" +... (12/07/2004)
"Xóm Hollywood" ở Sài Gòn (12/07/2004)
Cameron Diaz: 40 USD cho một clip video “nghèo” (11/07/2004)
"Shrek 2" đến Việt Nam (10/07/2004)
Siêu mẫu nhập phim trường (10/07/2004)
Game show Rồng vàng và những điều chưa biết (09/07/2004)
Saigontourist tài trợ 5 tập phim cho Russian Extreme (09/07/2004)
"Thị trấn Smallville" tái ngộ khán giả Việt Nam (08/07/2004)
Rạp Long Biên sẽ chỉ còn là "dĩ vãng" (08/07/2004)
Walt Disney bị kiện vì copy "The Lion Sleeps Tonight" (07/07/2004)
Chân dung 100 ngôi sao Hollywood: Michael Douglas (07/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang