221
5082
Chuyên đề
chuyende
/vanhoa/chuyende/
748904
Phải có một quyết sách văn hóa ở cấp vĩ mô
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Dịch thuật Việt Nam thời @:
Phải có một quyết sách văn hóa ở cấp vĩ mô
,

(VietNamNet) - Chừng nào các nhà chiến lược ở tầm vĩ mô chưa coi việc học tập văn hoá văn minh tiên tiến thế giới là sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc, mà dịch thuật là một phương pháp rẻ nhất và dễ phổ biến nhất, chừng nào dịch thuật vẫn chỉ là chuyện riêng của mấy nhà xuất bản, mấy trăm người thích thú dịch dọt, mấy nghìn người thích đọc sách dịch, thì những nguyên nhân sâu xa có tính quyết định đối với tình trạng “báo động”, “thê thảm”... của sách dịch vẫn nguyên đó.

 


LTS: Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng được biết đến nhiều qua bản dịch thơ Federico Garcia Lorca và "những câu thơ trong trí nhớ" như Em như cánh vạc bay đi mất / Để rợn vàng đồng cói trăng rơi... nên khi mở chuyên đề Dịch thuật Việt Nam thời @ chúng tôi đã mời ông tham gia viết bài. Hoàng Hưng không tự viết nhưng ông đồng ý trả lời phỏng vấn xoay quanh những vấn đề nóng của dịch thuật đương đại.

Những quan điểm dịch thuật cũng như những đề xuất của Hoàng Hưng, xét cho cùng cũng chỉ "đụng chạm tới hiện tượng luận" của dịch thuật hiện tại và ông cho rằng cần phải có môi trường thật tốt, tạo điều kiện tối đa cho các dịch giả để họ yên tâm sống và dịch thuật (điều kiện vật chất). Khác với những dự án kinh tế, trong lĩnh vực tri thức, những điều kiện thuộc về cơ sở vật chất bao giờ cũng dễ đáp ứng hơn rất nhiều những điều kiện cốt tử khác như văn hoá học, sử học, nghệ thuật học, nhân học, triết học, mỹ học vv...Để tri nhận kho báu tri thức của nhân loại thì những điều kiện cốt tử vừa nêu mới là nền tảng. Làm thế nào để có được nó và tận dụng nó vào công việc dịch thuật? Có được điều kiện vật chất không có nghĩa hệ quả của nó sẽ là có được những văn bản dịch thuật tốt (giới hạn trong chuyên đề này) cũng như có được thửa ruộng tốt, cày bừa thật kỹ nhưng chưa có hạt giống thì chưa thể hy vọng gặt hái được gì trên cánh đồng đó cả. Nếu coi các văn bản dịch hiện nay như những bệnh nhân cần được cứu chữa thì vấn đề không chỉ cần có bệnh viện, bệnh xá mà là các chủng loại thuốc và các thầy thuốc biết chẩn bệnh, kê toa đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.


Rất mong nhận được những bài viết tâm huyết và đi thẳng vào vấn đề như vậy.

 

*                            *

*

                    

Theo ông, đâu là (những) nguyên nhân sâu xa nhất, có tính quyết định, đối với thực trạng dịch thuật ở nước ta hiện nay ?

 

Soạn: AM 668503 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Dịch giả Hoàng Hưng

Hoàng Hưng: - Liệu chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn ở một xứ sở vừa nối lại liên lạc với phần phát triển nhất của thế giới sau sáu mươi năm bị cắt lìa (không kể hai mươi năm Sài Gòn có liên lạc nhưng què cụt trong hoàn cảnh chiến tranh)? Trình độ ngoại ngữ kém cỏi chỉ là cái ngọn dễ thấy nhất, còn những cái cơ bản sâu xa như kiến thức về khoa học xã hội nhân văn, về văn hoá nghệ thuật, chưa nói đến vốn sống thực tế... để hiểu thấu đáo các tác phẩm nước ngoài, đều rất bất cập. Cái nền tảng dân trí thấp như thế quyết định chất lượng đọc của người đọc và chất lượng dịch của người dịch (hai điều tương tác với nhau rất chặt chẽ).


Trong điều kiện ấy, cần ghi nhận công bằng đóng góp của nhiều dịch giả tâm huyết trong nửa thế kỷ qua đã lấy việc truyền bá thành tựu văn hoá nhân loại tới cho đồng bào mình làm mục tiêu suốt đời. Những hạn chế, sai sót có thể thấy đây đó trong dịch phẩm của họ là điều nên thông cảm.


Tôi đã từng nói thân tình nhưng thẳng thắn với một dịch giả hải ngoại gốc Việt, khi  ông hơi nặng lời chê trách các dịch giả trong nước: “Nếu ông sống trong hoàn cảnh chúng tôi, chắc gì ông đã làm được những việc mà chúng tôi đã làm”.


Song, chừng nào các nhà chiến lược ở tầm vĩ mô chưa coi việc học tập văn hoá văn minh tiên tiến thế giới là sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc, mà dịch thuật là một phương pháp rẻ nhất và dễ phổ biến nhất, chừng nào dịch thuật vẫn chỉ là chuyện riêng của mấy nhà xuất bản, mấy trăm người thích thú dịch dọt, mấy nghìn người thích đọc sách dịch, thì những nguyên nhân sâu xa có tính quyết định đối với tình trạng “báo động”, “thê thảm”... của sách dịch vẫn nguyên đó.

  Dịch giả Hoàng Hưng

Sinh năm 1942 tại Hưng Yên. Làm thơ, dịch, viết báo và tiểu luận văn học. Dịch: 100 bài thơ tình thế giới (chủ biên, Vũng Tàu - Côn Đảo 1987), Thơ Federico Garcia Lorca (Lâm Đồng 1988), Thơ Pasternak (cùng Nguyễn Đức Dương, NXB TPHCM, 1988), Thơ Apollinaire (NXB Hội Nhà Văn 1997), Các nhà thơ Pháp cuối thế kỷ XX (NXB Hội Nhà Văn 2002), 15 nhà thơ Mỹ TK XX (Tổ chức bản thảo và dịch cùng Trịnh Lữ..., NXB HNV 2004), Mowgli người sói (tiểu thuyết của Rudyard Kipling, NXB Trẻ 1987, 1989, 2000), Đồ vật (tiểu thuyết của Georges Perec, NXB Hội Nhà Văn 1999). Sắp ra: Bách khoa toàn thư thiếu niên (Chủ biên, NXB Kim Đồng).


Để giải quyết tận gốc vấn nạn dịch thuật, đâu là cái có tính quyết định? Cơ chế chính sách ? Đạo đức nghề nghiệp của cá nhân dịch giả? Tinh thần khai sáng và ý thức công dân của giới trí thức? Một sự thay đổi tận gốc trong quan niệm về dịch thuật? Một cái gì khác?


Hoàng Hưng:
- Như trên đã nói, một quyết sách về văn hoá ở cấp vĩ mô là cái gốc. Hiện nay, trong cao trào “về nguồn”, “bảo vệ bản sắc dân tộc” do chúng ta phát động từ hàng chục năm đã thấm sâu vào toàn xã hội, chính quyền các cấp cũng như toàn xã hội sẵn sàng đầu tư không mấy suy xét cho các kiểu kế hoạch bảo tồn di sản và các lễ lạt kỷ niệm từ lớn đến nhỏ, trong đó không ít cái mang tính hình thức, động viên phong trào, thật lãng phí công sức, tiền của. Trong khi đó hình như chưa có một dự án phổ biến thành tựu văn hoá thế giới một cách rộng rãi nào được thực thi. Điều này giống như xây một toà nhà mới, mà quan tâm tô điểm cái bàn thờ nhiều hơn là lo mua máy tính cho con cái.


Lâu nay ta có thói quen chờ đợi nước có sách bỏ tiền tài trợ để sách của họ được dịch ra tiếng Việt, làm như việc đó phục vụ lợi ích của nước họ (kiểu như quảng cáo cho bản thân họ), chứ không phải phục vụ nhu cầu nâng cao dân trí của người mình!


Trông cậy vào tinh thần, tâm huyết của số dịch giả phần lớn đã già yếu và nhiều người trong số đó chưa có nổi một đời sống đàng hoàng là duy ý chí và không tưởng. Ngược lại, sự dễ dàng nổi tiếng nhờ tình trạng “trong xứ mù thằng chột làm vua” đã dung dưỡng thói vô trách nhiệm, cẩu thả của những kẻ háo danh và phần nào làm hư cả một số người có tên tuổi trong lĩnh vực dịch, đặc biệt là dịch văn học.


Nhiều người trong chúng ta, mỗi khi nhắc tới những vấn nạn của dịch thuật - và của rất nhiều những vấn nạn khác của đất nước - thường tỏ ra bi quan trước khả năng giải quyết các vấn nạn đó một cách rốt ráo, có thực chất. Ông có chia sẻ sự bi quan đó không? Nếu có, cá nhân ông nên làm gì? Nếu không, ông đề xuất những giải pháp gì?


Hoàng Hưng:
- Tôi không bi quan cũng không lạc quan, mà thấy phải nhìn thẳng vào thực trạng do hoàn cảnh lịch sử tạo nên không phải một sớm một chiều thay đổi được, trên cơ sở ấy để có những giải pháp tích cực khả thi.


Những giải pháp ấy, theo tôi là:


1- Phát động cao trào học ngoại ngữ trong toàn thể viên chức và bạn trẻ. Khẩu hiệu: “Giỏi ngoại ngữ - và giỏi tiếng Việt, tất nhiên -là yêu nước” hoặc "Không biết ngoại ngữ là mù chữ". Giỏi có nghĩa là phải đọc được sách chứ không chỉ nghe, nói thạo để giao dịch làm ăn.


2- Cải cách chương trình giảng dạy đại học, để các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội nhân văn, văn hoá văn minh nhân loại trở thành không thể thiếu trong phần đại cương (tôi chỉ có thể nói đại khái thế, xin các chuyên gia giáo dục chỉ giáo)


3- Nhà nước có kế hoạch dịch và phổ biến 100 (con số nêu ra chỉ có ý nghĩa tượng trưng) cuốn sách quan trọng nhất có tính chất “key” - sách công cụ có tác động lớn đến nhận thức và tư duy - chú trọng phần hiện đại, đương đại.


100 cuốn sách ấy cũng sẽ là mẫu mực cho sách dịch Việt Nam.


Được tin nhà nước sắp có kế hoạch mua bản quyền một số sách nước ngoài cần yếu bằng ngân sách quốc gia để hỗ trợ các NXB, nếu đó là sự thật thì mừng lắm thay. Đó có thể là tín hiệu cho thầy tư duy về sách dịch đã chuyển biến mạnh ở cấp vĩ mô. Hy vọng rằng việc lập danh mục sách cần mua bản quyền được giao cho những chuyên gia đáng tin cậy, những người có đầu óc cấp tiến, năng động và kinh nghiệm cọ xát với kho kiến thức đương đại, không phải những cái tên "vang bóng một thời".

Những chuyên gia ấy có thể lập thành một Hội đồng Dịch thuật Quốc gia để nghiên cứu và thực hiện toàn bộ kế hoạch dịch thuật do Nhà nước bảo trợ (kể cả việc động viên nguồn tài trợ quốc tế, phối hợp giữa trí thức người Việt trong nước và ở nước ngoài).

 

Mới đây, Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật VN đã cho ra mắt Dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới, Quĩ Dịch thuật và NXB Tri Thức để thực hiện Dự án. Dự án được nhà nước tài trợ 3 tỷ đồng trong 10 năm. Vậy là điều ước nguyện của tôi cũng như không ít bạn bè đồng nghiệp đã bước đầu thành sự thực. Thật là một tin mừng lớn.


Nhìn qua danh mục sách dự kiến xuất bản trong Dự án, ta thấy một tham vọng rất lớn lao nhằm lấp lỗ hổng kiến thức của người Việt Nam về lịch sử tư tưởng phương Tây, đặc biệt là triết học. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là mong muốn thấy trong đó có nhiều hơn những tác phẩm đương đại, đáp ứng gần gụi nhu cầu suy tư của người Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện nay; mong muốn thấy có mặt những tinh hoa tư tưởng Phương Đông, đặc biệt là Phật học (mặc dù hiện đã có khá nhiều sách về lĩnh vực này trên thị trường, thậm chi có thể nói là quá nhiều nếu đặt trong tương quan chung, nhưng "tinh hoa" là điều vẫn phải trông chờ ở sự tuyển chọn tinh tường của các chuyên gia)


Tôi cũng mong hội đổng chỉ đạo Dự án cân nhắc kỹ giữa số lượng tên sách và số lượng bản in, cũng như suy nghĩ nhiều hơn về phương thức quảng bá sách. Sách in rồi nhưng không đến tay người đọc, sách đến tay mà người ta không đọc, người ta đọc mà không hiều, thì thật uổng công người làm sách! Từ thời Đổi mới, không ít cuốn sách tốt đã được ra mắt nhờ nỗ lực của dịch giả và người xuất bản (chính danh hoặc mang tiếng "Đầu nậu"), nhưng sức lực riêng của từng đơn vị xuất bản hiện nay chỉ cho phép in ra khoảng 600 - 1500 bản cho mỗi đầu sách, để rồi phát hành lăn lóc trầy trật không biết bao lâu mới thu hồi được vốn. Chuyện cả một kho sách tiếng Nga bị bán đồng nát ở Thư viện KHXH TPHCM mà chẳng ai hay biết cũng như chuyện cháy kho tư liệu dịch ở Viện Thông tin KHXH cho thấy có sách rồi lắm khi cũng như không.


Vì vậy mà tôi trông đợi một sự phối hợp đồng bộ giữa xuất bản, phát hành, phổ biến sách dịch để việc nâng cao dân trí qua sách dịch trở thành một phong trào kiểu như "Truyền bá quốc ngữ" ngày nào. Trong thực tế nước ta, một sự phối hợp như thế chỉ có thể thực hiện được với sự ra tay của nhà nước, hoặc it nhất thì cũng phải được nhà nước ủng hộ mạnh mẽ.


4- Riêng về lĩnh vực tác phẩm văn học. Tuy không phải là loại sách công cụ tác động mạnh đến tư duy, nhưng tác phẩm văn học lại tác động mạnh đến tâm cảm của số đông trong xã hội, là con đường phổ biến tư tưởng và lối sống hiệu quả nhiều khi còn hơn bản thân tác phẩm triết học. Và ai cũng biết đầu tư công sức để có một tác phẩm văn học dịch chất lượng cao là đầu tư lớn vào loại nhất khiến cho các NXB ngán ngại. Trung tâm Đông Tây là nơi tâm huyết với văn học dịch, nhưng khả năng tài chính hạn hẹp của nó không cho phép nó triển khai như mong muốn.Vì vậy lĩnh vực văn học dịch cũng xứng đáng để được quan tâm ở tầm vĩ mô.

 

Vậy có một tổ chức xã hội nào đứng ra đảm trách một đề án dịch thuật chuyên cho tác phẩm văn học, dù là khiêm tốn hơn Dự án của LHCHKHKT, một "Tủ sách Tinh hoa Văn học Thế giới", hay một "Tủ sách tác phẩm Nobel" chẳng hạn? Trong khi kiến nghị thành lập Hội Dịch thuật VN như tiếng chuông rè chẳng có tiếng vang, thì Hội đồng dịch của Hội Nhà văn VN như hiện nay liệu có đủ tư cách và khả năng đảm đương công việc rất đáng làm ấy, hay phải một Hội đồng ở cấp cao hơn đủ uy tín để phối hợp các nỗ lực của xã hội với sự trợ giúp của nhà nước?


5- Trong điều kiện hiện nay, các NXB vẫn có thể nâng cao chất lượng tác phẩm văn học dịch bằng việc đầu tư vào khâu biên tập. Phải thừa nhận trình độ của đa số biên tập viên cơ hữu của các NXB hiện nay khó bảo đảm phát hiện sai sót của các bản thảo tác phẩm dịch, nhưng tôi tin rằng nếu NXB chăm lo xây dựng một dàn cộng tác viên biên tập tâm huyết, sao cho họ được hưởng thụ đúng mức công sức bỏ ra (cả về tinh thần lẫn vật chất) thì sẽ có những người có trình độ coi biên tập sách là nghề cũng như nghiệp của mình. Xã hội cũng cần đánh giá đúng công lao của người biên tập, đừng để họ chịu cảnh vô danh như hiện nay. (Nghe nói một truyện ngắn nổi đình đám gần đây đã được người biên tập nào đó "cắt giùm" bản thảo 48 trang chỉ còn lại 18 trang khi in ra, người viết thì nổi như cồn, mà người biên tập tài tình kia thì "khuyết danh"!)


Trước mắt, nếu mỗi NXB đầu tư tử tế cho 5 cuốn sách văn học dịch có chất lượng mỗi năm, thì chỉ tính 10 NXB có sách văn học, ta cũng đã có 50 cuốn "mẫu". Những "sách mẫu" như thế phải có chế độ đặc biệt về việc mời người dịch, người biên tập, với nhuận bút, thù lao xứng đáng (nếu là sách do tư nhân cung cấp bản thảo thì phải được khuyến khích đặc cách như miễn quản lý phí...) Những sách này sẽ có dấu hiệu riêng và được ra mắt với sự giới thiệu đặc biệt để xã hội ủng hộ. Những người am hiểu vể xuất bản cho rằng trong điều kiện hiện nay các NXB thừa sức làm việc này, chỉ có điều họ chưa quan tâm chất lượng bằng doanh thu mà thôi. Điều lạ là bao nhiêu hội thảo về VH dịch đã ồn ào trên mặt báo mà chưa bao giờ có một cuộc gặp gỡ của các NXB, là chủ thể thực thi mọi ý tưởng hay ho, để bàn về việc này! 

  • Thụ Nhân

Chuyên đề Dịch thuật Việt Nam thời @:

 

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương  (Phần 1)


Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương (Phần 2)

 

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,